Để có thể hiểu được nguyên nhân khiến môi bé bị rách, trước tiên bạn cần hiểu về cấu tạo và chức năng của môi bé là gì.
Nội dung bài viết sẽ giúp bạn hiểu khái quát về môi bé, các nguyên nhân khiến môi bé bị rách và về cách xử lý khi bạn gặp phải trường hợp này.
Môi bé là gì? Cấu tạo và chức năng
Môi bé hay môi nhỏ (labia minora) là 2 lớp da ở hai bên cửa âm hộ, nằm ngay giữa môi lớn. Về mặt lý thuyết giải phẫu, môi bé có chiều dài từ 4 -5 cm và rộng khoảng 0,5 – 1 cm. Vị trí của môi bé nằm ngay bên trong môi lớn và được tạo thành bởi các mô liên kết.
- Cấu tạo của môi bé bao gồm: Hai cấu trúc nằm phía trong âm hộ, kéo dài từ âm vật (hột le) xuống dưới và bao quanh lỗ âm đạo. Phía dưới cùng của môi bé được nối với nhau bằng một lớp mô mềm được gọi là da nối môi âm hộ.
- Chức năng của môi bé: Giúp giữ ẩm, che chắn và bảo vệ âm đạo khỏi nguy cơ viêm nhiễm. Đồng thời cũng giúp bảo vệ lỗ niệu đạo khỏi các tác động từ bên ngoài. Ngoài ra, môi bé cũng là nơi mang lại kích thích tình dục khi được chạm vào trong lúc quan hệ.
Cấu tạo, màu sắc và kích thước của môi bé có sự khác nhau ở mỗi người. Tùy cơ địa của mỗi người, màu sắc môi bé có thể là hồng, nâu… Kích thước môi bé của người này có thể dài hơn, lớn hơn hoặc nhỏ hơn người khác.
Nguyên nhân khiến môi bé bị rách
Môi bé là một cơ quan nhỏ thuộc bộ phận sinh dục nữ, là nơi tiếp nhận chất bôi trơn từ âm đạo và tiếp xúc trực tiếp với dương vật khi quan hệ tình dục. Do đó, nếu dịch bôi trơn tiết ra không đủ sẽ khiến môi bé bị khô và gây cản trở quá trình dương vật thâm nhập. Nếu quan hệ mạnh bạo trong lúc này sẽ rất dễ dẫn làm tổn thương hoặc rách môi bé.
Tuy nhiên, môi bé bị rách do quan hệ tình dục đôi khi chỉ là nguyên nhân thứ phát. Một số nguyên nhân khác có thể khiến mối bé bị rách bao gồm:
Rủi ro khi cạo hoặc tẩy lông vùng kín
Việc tẩy hoặc cạo lông vùng kín thuộc vào xu hướng cá nhân. Tuy nhiên nếu thực hiện không đúng kỹ thuật và không cẩn thận có thể khiến cho môi âm hộ bị rách, bị tưa hoặc bị kích ứng do các tổn thương li ti trên bề mặt da.
Sinh con bằng phương pháp sinh thường
Theo thông tin Hội các nhà Sản phụ khoa Hoa Kỳ – ACOG cho biết, có khoảng 53 – 79% phụ nữ sinh con bằng phương pháp sinh thường có thể bị rách môi âm hộ trong quá trình sinh con.
Tình trạng rách môi âm hộ trong quá trình sinh con dù là do bác sĩ rạch chủ động hay do rách tự nhiên cũng sẽ khiến cho người mẹ sau khi sinh bị đau và gặp khó khăn trong việc đi lại trong một vài tuần sau đó.
Tỷ lệ bị rạch tầng sinh môn khi sinh con thường phần nhiều là ở nhóm phụ nữ sinh con đầu lòng (con đầu tiên) hơn là phụ nữ đã sinh con từ lần thứ 2 trở đi.
Tiền mãn kinh và mãn kinh
Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ đối diện với một số tình trạng như: Suy giảm nội tiết tố estrogen, suy giảm ham muốn tình dục, dịch nhờn đạo tiết ra ít hơn, giảm độ đàn hồi, thành âm đạo cũng trở nên mỏng hơn nên sẽ gây ra cảm giác đau và dễ rách khi quan hệ.
Hoạt động tình dục không đúng cách
Nguyên nhân phổ biến khiến môi bé bị rách là do các hoạt động tình dục gây ra, trong đó bao gồm quan hệ tình dục, thủ dâm hoặc sử dụng các loại đồ chơi tình dục cho nữ.
Bạn có thể bị tổn thương âm đạo hay cụ thể hơn là rách môi bé là do: Quan hệ tình dục thô bạo, sử dụng đồ chơi tình dục với kích thước to, mất kiểm soát khi sử dụng, thủ dâm và/hoặc quan hệ thiếu chất bôi trơn khiến âm đạo bị đau rát và dẫn đến rách.
Cách xử lý tình trạng môi bé bị rách
Nếu tình trạng môi bé bị rách ở mức độ nhẹ, chỉ rươm rướm máu trên bề mặt da thì sẽ không quá nghiêm trọng và chúng sẽ tự lành trong vòng vài ngày và không để lại sẹo. Ngược lại, nếu tình trạng ở mức độ nghiêm trọng là do quan hệ tình dục thô bạo, do rạch tầng sinh môn hoặc do bất kỳ nguyên nhân nào thì bạn cần được can thiệp điều trị y tế.
Bên cạnh đó, bất kể nguyên nhân gây ra là gì, ở mức độ nhẹ hay nặng nhưng nếu tình trạng không thuyên giảm, vẫn chảy máu nhiều ngày, vẫn cảm thấy đau rát thì cách tốt nhất là bạn cần đi đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Để quá trình vết thương được hồi phục an toàn và mau khỏi bạn nên lưu ý các điều sau:
- Hạn chế chạm vào vết thương.
- Giữ cho khu vực sạch sẽ và khô ráo.
- Theo dõi quá trình phục hồi của vết thương, để bạn kịp xử lý nếu có sự bất thường xảy ra.
- Tuyệt đối không quan hệ tình dục, thủ dâm hoặc kích thích vùng kín cho đến khi vết thương phục hồi hoàn toàn.
- Uống nhiều nước ấm để làm loãng nồng độ của nước tiểu, để giảm cảm giác rát khi nước tiểu chạm phải vết thương.
Câu hỏi thường gặp
Quan hệ bị rách môi bé, rách mép vùng kín có sao không?
Nếu vết thương xảy ra ở mức độ nhẹ thì không có gì quá nguy hiểm và nó có thể sẽ tự lành trong vài ngày, với điều kiện bạn chăm sóc vết thương cẩn thận, không tái phát. Nếu trường hợp nặng, vết thương chảy máu không dứt thì bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nếu bị rách môi bé khi đang đến tháng thì phải làm sao?
Bạn thực hiện lấy băng vệ sinh ra một cách nhẹ nhàng, nếu bạn sử dụng tampon thì hãy rút ra thật chậm rãi, và nhớ là không thực hiện vội để tránh va phải vết thương. Thêm vào đó, bạn cũng nên thay băng vệ sinh thường xuyên hơn, để vết thương khô thoáng và mau lành.
Kết luận
Tóm lại, tình trạng bị rách môi bé nhìn chung là không quá nguy hiểm nhưng ít nhiều sẽ khiến chị em lo lắng và hoảng sợ, cũng như là không biết sẽ nên xử lý như thế nào. Trong mọi trường hợp và mọi tình huống liên quan đến vùng kín, nếu bạn không biết nên xử lý thì bạn nên gặp bác sĩ hoặc các trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ; tránh việc thực hiện vô ý và khiến tình trạng thêm nghiêm trọng.
[embed-health-tool-ovulation]