Sử dụng laser để làm hồng nhũ hoa hay trị thâm nám là phương pháp hạn chế tối đa việc xâm lấn hoặc sử dụng dao mổ gây tổn thương da. Thế nhưng phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Vậy chị em có nên làm hồng nhũ hoa bằng laser không?
Ngày càng có nhiều chị em lựa chọn những phương pháp làm đẹp hiện đại để “tân trang” cơ thể, trong đó có làm hồng nhũ hoa bằng laser. Song nhiều người cũng e ngại về các rủi ro có thể xảy ra khi làm hồng nhũ hoa bằng laser. Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp làm đẹp này.
Nguyên nhân khiến nhũ hoa bị thâm nám
Các chị em sở hữu làn da nâu tự nhiên thường có nhũ hoa trông tối màu hơn các chị em sở hữu làn da trắng sáng tự nhiên. Bên cạnh đó, các yếu tố khác khiến nhũ hoa bị thâm nám có thể là:
- Thay đổi hormone nội tiết theo từng độ tuổi
- Phụ nữ trong thai kỳ và cho con bú
- Thường xuyên mặc áo ngực quá chật tạo ra nhiều ma sát với nhũ hoa
- Bệnh chàm hoặc nevoid hyperkeratosis cũng làm tăng sắc tố da ở nhũ hoa...
Tìm hiểu phương pháp làm hồng nhũ hoa bằng laser
Làm hồng nhũ hoa bằng laser là phương pháp sử dụng tia sáng laser chiếu lên vùng nhũ hoa, vùng da bị thâm nám để loại bỏ các hắc tố da melanin.
Tia laser còn có khả năng điều trị và loại bỏ các vết sẹo lồi, nếp nhăn trên da và điều trị các vùng da thâm nám… với 2 loại:
- Phương pháp laser xâm lấn (Ablative laser): Loại laser này giúp loại bỏ lớp da ngoài cùng. Từ đó kích thích vùng da được chiếu laser tăng sinh collagen để mịn màng và săn chắc hơn.
- Phương pháp laser không xâm lấn (Nonablative laser or light source): Phương pháp này cũng kích thích da tăng sinh collagen nhưng rút ngắn thời gian hồi phục sau điều trị.
Rủi ro có thể xảy ra khi làm hồng nhũ hoa bằng laser
Việc làm hồng nhũ hoa bằng laser có thể xảy ra một số rủi ro và tác dụng phụ bao gồm:
- Nhiễm trùng: Có thể xảy ra ngay tại vùng da điều trị
- Sưng và đau: Vùng da điều trị có thể bị sưng, đau sau điều trị
- Sẹo và vết thâm: Có thể để lại sẹo nếu đó là phương pháp laser xâm lấn, đôi khi có thể gặp phải tình trạng tăng sắc tố sau viêm dẫn đến sậm màu hơn.
- Thay đổi màu sắc không đồng đều: Khi sử dụng laser để làm hồng nhũ hoa, có thể xảy ra hiện tượng thay đổi màu sắc không đều, dẫn đến màu nhũ hoa không tự nhiên.
- Kết quả không đạt mong muốn: Kết quả cuối cùng có thể không như mong đợi.
Bạn có nên làm hồng nhũ hoa bằng laser không?
Do đó, việc có nên làm hồng nhũ hoa bằng laser hay không sẽ tùy vào nhu cầu và lựa chọn của mỗi người. Vì mong muốn làm hồng nhũ hoa là mong muốn mang tính cá nhân của phụ nữ.
Lưu ý sau khi làm hồng nhũ hoa bằng laser
Để hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả của phương pháp làm hồng nhũ hoa bằng laser, sau khi thực hiện thủ thuật, chị em cần lưu ý:
- Chọn mặc các loại áo ngực thoải mái, không bó sát, thấm hút mồ hôi tốt
- Hạn chế thoa mỹ phẩm dưỡng da, dưỡng thể lên vùng nhũ hoa
- Tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn chăm sóc sau thủ thuật của bác sĩ
- Sau khi phẫu thuật, chị em cần tránh gần gũi với bạn tình, tránh tắm nước nóng, hạn chế chạm tay vào nhũ hoa để tránh các nhiễm trùng. Đồng thời, chị em cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống phù hợp.
Các câu hỏi liên quan
Đối tượng nào nên và không nên làm hồng nhũ hoa bằng laser?
Đối tượng chỉ định
- Nhũ hoa từng phun xăm nhưng bị hỏng
- Nhũ hoa bị sẫm màu, thâm nám, không đều màu
- Đã thử nhiều cách điều trị thâm nhũ hoa tự nhiên nhưng không hiệu quả.
Đối tượng chống chỉ định
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
- Người có vết thương hở chưa lành hoặc sẹo lồi quanh quầng vú
- Người vừa phẫu thuật nâng ngực và chưa hết giai đoạn mặc áo định hình
- Người có da mỏng, nhạy cảm (cần sự cho phép của bác sĩ trước khi điều trị)
- Người đang dùng các loại thuốc có tính nhạy cảm với ánh sáng (isotretinoin, doxycycline,…)
- Người mắc các bệnh lý về da thường gặp như: Viêm da cơ địa, bệnh chàm, vẩy nến, mụn cóc trên da, bệnh nấm…
Có nên làm hồng nhũ hoa bằng kem không?
Theo khuyến cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ – FDA, tất cả các sản phẩm kem bôi làm trắng, làm hồng và làm sáng da không kê đơn đều được cho là bất hợp pháp. Trừ các sản phẩm được chính các bác sĩ da liễu chỉ định sử dụng và theo dõi.
Ngoài ra, theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ – AAD cho biết, các loại kem làm sáng và làm hồng da có thể chứa nồng độ cao các chất như hydroquinone hoặc steroid (corticosteroid ngoại vi). Những thành phần này có thể gây ra kích ứng và một tác dụng phụ khác như: Nhiễm trùng, làm mỏng da và gây ra phụ thuộc vào kem…
Kết luận
Tóm lại, phương pháp làm hồng nhũ hoa bằng laser là một phương pháp phổ biến và được áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện và thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, chị em nên tìm hiểu thật kỹ, đồng thời phải thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ trước và sau khi áp dụng.
[embed-health-tool-ovulation]