backup og meta

Cắt tử cung có còn kinh nguyệt không? Phụ nữ sẽ thay đổi thế nào sau khi phẫu thuật?

Cắt tử cung có còn kinh nguyệt không? Phụ nữ sẽ thay đổi thế nào sau khi phẫu thuật?

Cắt tử cung có còn kinh nguyệt không? Nếu vẫn ra máu kinh thì sao? Có thể sinh hoạt tình dục và mang thai sau phẫu thuật không? Đó là các vấn đề chị em phụ nữ băn khoăn khi được đề nghị tiến hành phẫu thuật. Hãy để Hello Bacsi giải đáp cho bạn qua bài viết sau đây nhé! 

Có thể nói chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh là đại diện sức khỏe của người phụ nữ và liên quan trực tiếp đến sự phối hợp nhịp nhàng của tử cung (dạ con) và buồng trứng. Tuy nhiên, khi xuất hiện các bệnh lý ở tử cung như u xơ, ung thư hay lạc nội mạc tử cung… việc cắt bỏ dạ con lại là một sự lựa chọn nhằm đảm bảo mạng sống cho người phụ nữ. 

Cắt tử cung toàn phần hay bán phần là gì?

Cắt dạ con có bao gồm cả buồng trứng? Và khi đã cắt tử cung có còn kinh nguyệt không? Liệu có cơ hội nào cho việc giữ lại một phần tử cung để duy trì chu kỳ kinh nguyệt và sức khỏe sinh sản như bình thường không? Đây là những băn khoăn thường gặp của các chị em khi nhận được chỉ định cắt bỏ tử cung từ các bác sĩ. 

Cắt tử cung là thủ thuật để loại bỏ tử cung trong các trường hợp bệnh lý như u xơ tử cung hay ung thư tử cung. Tùy vào tình trạng bệnh và nhu cầu của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định:

  • Cắt tử cung toàn phần: Thủ thuật này sẽ bao gồm cắt bỏ cả tử cung và phần cổ tử cung, có hoặc không bao gồm phần phụ như vòi tử cung và buồng trứng.
  • Cắt tử cung bán phần: Trong thủ thuật này, các bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt bỏ từ phần thân đến eo tử cung, để lại cổ tử cung. 

Phẫu thuật này là lựa chọn cuối cùng trong trường hợp các khối u ở tử cung không còn đáp ứng với thuốc và các thủ thuật bóc tách khối u khác. Song đó, các chị em phụ nữ cũng sẽ được tư vấn tâm lý để sẵn sàng đón nhận những thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần sau khi phẫu thuật. Ví dụ như: chu kỳ kinh nguyệt, khả năng mang thai và quan hệ tình dục. 

Phụ nữ đã cắt tử cung có còn kinh nguyệt không? 

cắt bỏ tử cung có còn kinh nguyệt không

Đầu tiên, hãy tìm hiểu qua về tử cung, buồng trứng với vai trò của chúng trên chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ:  

  • Tử cung: Đảm nhiệm việc nuôi dưỡng và nâng đỡ thai nhi từ lúc thụ thai đến khi sinh nở hay tạo nên lưu lượng kinh nguyệt hay chu kỳ kinh.
  • Buồng trứng: bao gồm chức năng nội tiết (các hormone sinh dục điều hòa kinh nguyệt, sức khỏe và ham muốn tình dục ở phụ nữ) và ngoại tiết là sự rụng trứng hay thụ thai. 

Từ đó, nếu trứng được giải phóng trong chu kỳ hàng tháng mà không được thụ thai thì niêm mạc tử cung đang chuẩn bị sẵn sàng cho trứng “làm tổ” sẽ bong tróc, xuất huyết và chảy ra ngoài gọi là kinh nguyệt. Khi tử cung bị cắt bỏ, phụ nữ sẽ không còn có kinh nguyệt và khả năng mang thai nhưng có thể buồng trứng vẫn sản xuất ra hormone nếu chỉ cắt phần tử cung mặc dù trong một số trường hợp, chúng có thể bị giảm hoạt động.

Do đó, thông thường các bác sĩ sản phụ khoa sẽ cân nhắc và đề nghị bạn tiến hành phẫu thuật tử cung khi đã sinh đủ con hay không có kế hoạch sinh con trong tương lai.

Phụ nữ cắt tử cung vẫn còn kinh nguyệt có sao không?

cắt bỏ tử cung có còn kinh nguyệt không

Theo các ý kiến chuyên môn, sau khi phẫu thuật loại bỏ tử cung được tiến hành đồng nghĩa với việc không còn có kinh nguyệt nhưng tại sao bạn vẫn bị ra máu âm đạo? 

Hầu hết phụ nữ đều bị chảy máu sau phẫu thuật tử cung trong tối đa 6 tuần trong khi cả cơ thể và vết thương do mổ lành lại. Nếu bạn tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bán phần cao thì có thể niêm mạc tử cung còn sót làm bạn có kỳ kinh trong vòng 1 năm tiếp theo trước khi ngừng hẳn. Đây cũng là câu trả lời cho thắc mắc nếu chỉ phẫu thuật cắt tử cung bán phần thì có còn kinh nguyệt không.

Tuy nhiên, nếu là chảy máu do mổ hay bạn đã làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung toàn phần mà vẫn còn có kinh thì nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa sớm để được thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp. 

Quan hệ tình dục sau phẫu thuật tử cung 

Nếu không còn có kinh nguyệt sau khi cắt tử cung, phụ nữ có mất ham muốn quan hệ tình dục không hay việc quan hệ có gặp trở ngại không?

Chắc chắn rằng sau bất kỳ phẫu thuật nào, cơ thể cũng cần thời gian để hồi phục. Trường hợp phải cắt bỏ tử cung, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên kiêng quan hệ tình dục sau phẫu thuật ít nhất là 6 tuần hay đến khi vết mổ lành lại hoàn toàn.

Theo chia sẻ của  nhiều chị em phụ nữ, cắt bỏ tử cung còn giúp cho “chuyện yêu” trở nên thoải mái hơn khi họ không còn đau rát hay lo lắng việc mang thai ngoài ý muốn. Thực tế, điều này còn phụ thuộc vào loại phẫu thuật thực hiện trên tử cung là toàn phần hay bán phần, có hoặc không có bao gồm việc cắt phần phụ. 

Sau phẫu thuật loại bỏ cả tử cung và buồng trứng, bạn sẽ dần đi vào giai đoạn tương tự như khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh: mất ham muốn tình dục, khô âm đạo, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm và mệt mỏi. Lúc này, liệu pháp hormone thay thế thường được các bác sĩ phụ khoa khuyến khích để có thể giúp xoa dịu các triệu chứng kể trên cho bạn. 

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin tổng hợp được ở trên có thể giúp giải tỏa những nỗi lo lắng của bạn về phẫu thuật tử cung và có được câu trả lời rằng cắt tử cung có còn kinh nguyệt không nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Reason of a Hysterectomy or Alternatives https://www.health.ny.gov/community/adults/women/hysterectomy Ngày truy cập: 9/9/2021

2. Hysterectomy https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/hysterectomy Ngày truy cập: 9/9/2021

3. Sex after hysterectomy – Sexual health https://www.nhs.uk/live-well/sexual-health/sex-after-hysterectomy/ Ngày truy cập: 9/9/2021

4. Bleeding After Hysterectomy: Is It Normal & When to Call a Doctor https://www.healthline.com/health/vaginal-health/bleeding-after-hysterectomy#normal-bleeding Ngày truy cập: 9/9/2021

5. Can You Get Pregnant After a Hysterectomy? https://www.verywellhealth.com/is-pregnancy-possible-after-a-hysterectomy-3156844 Ngày truy cập: 9/9/2021

Phiên bản hiện tại

13/09/2021

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Tại sao không có kinh nguyệt? Điểm mặt 10 nguyên nhân thường gặp!

U xơ cổ tử cung là gì? U xơ cổ tử cung có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 13/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo