Phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt, nhất là trong giai đoạn từ 13 đến 49 tuổi, thường có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao do sinh lý tự nhiên của cơ thể như mất máu hàng tháng khi hành kinh hoặc do nhu cầu sắt tăng cao trong giai tiền dậy thì, dậy thì, khi mang thai hoặc cho con bú. Thiếu máu, thiếu sắt có thể dẫn đến mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, việc bổ sung sắt đúng cách, kịp thời là giải pháp thiết yếu giúp phụ nữ duy trì sức khỏe và tràn đầy năng lượng trong các hoạt động hàng ngày [1].
Vì sao phụ nữ trong độ tuổi có kinh nguyệt cần bổ sung sắt?
Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ là vấn đề rất cần được quan tâm tại Việt Nam. Theo nghiên cứu năm 2024, cứ 100 người thiếu máu thì 69 người là do thiếu sắt và cứ 100 người thiếu máu do thiếu sắt thì 75 người là nữ. Điều này phản ánh mức độ phổ biến của tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ và là hồi chuông “báo động” về sự cần thiết của việc bổ sung sắt an toàn, hiệu quả [2].
Nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt
Rong kinh, kinh nguyệt nặng là nguyên nhân của khoảng 33 – 41% trường hợp thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ [3]. Mỗi tháng, khi hành kinh, hầu hết phụ nữ sẽ mất khoảng 35 – 50ml máu trong chu kỳ kinh nguyệt, với trường hợp ra huyết nhiều (rong kinh), lượng máu mất đi có thể hơn 80ml [4]. Việc mất máu này sẽ làm phụ nữ mất đi một lượng sắt đáng kể. Nếu không được bổ sung để bù đắp, cơ thể sẽ dần thiếu hụt sắt và rơi vào tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Với những người có kinh nguyệt nặng, rong kinh, nguy cơ thiếu máu thiếu sắt còn cao hơn do những trường hợp này có tỷ lệ mất sắt tăng gấp 5-6 lần so với những người có chu kỳ kinh nguyệt bình thường [5], [6]. Ngoài nguyên nhân về chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản còn dễ bị thiếu máu, thiếu sắt trong các trường hợp như:
- Ăn uống thiếu chất do áp lực công việc hoặc ăn kiêng: Sắt là một vi chất quan trọng nhưng cơ thể không thể tự tổng hợp được sắt mà cần phải bổ sung từ thực phẩm [9]. Do đó, nếu bạn có thói quen ăn uống qua loa do bận rộn, ít đa dạng các nhóm thực phẩm hoặc ăn theo chế độ ăn kiêng, giảm cân thiếu thực phẩm giàu sắt từ động vật thì sẽ dễ bị thiếu sắt, vì sắt từ thực vật khó hấp thu hơn so với động vật [10].
- Tập thể dục, vận động nặng thường xuyên gây mất sắt: Các hoạt động thể chất nặng và thường xuyên khiến cơ thể cần nhu cầu oxy nhiều hơn. Trong khi, việc vận động này lại gây gây mất hồng cầu nhiều hơn và cơ thể cần tăng nhu cầu bổ sung sắt để bù lại. Nếu lúc này cơ thể không dự trữ đủ lượng sắt cần thiết thì về lâu dài, bạn sẽ dễ bị thiếu máu thiếu sắt [11], [12].
- Mất máu do nguyên nhân bệnh lý: Một số bệnh lý có thể đẩy nhanh tốc độ phá hủy hồng cầu gây nên tình trạng thiếu máu, thiếu sắt như các bệnh dạ dày/đường tiêu hóa, ung thư; các bệnh viêm khớp dạng thấp; các bệnh liên quan đến thận, tủy, bạch cầu… Bệnh cạnh đó một số bệnh lý phụ khoa như u xơ cổ tử cung cũng có thể khiến cơ thể phụ nữ gặp phải tình trạng trên [14], [15].
- Mang thai và cho con bú: Trong suốt thai kỳ, nhu cầu về lượng máu trong cơ thể sẽ tăng lên từ 20-30% để đảm bảo cung cấp oxy cho thai nhi. Do đó, nếu cơ thể của mẹ không có đủ lượng sắt dự trữ trong thời điểm này thì rất dễ bị thiếu máu, thiếu sắt gây biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. [7], [8].
Các dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần bổ sung sắt, bổ máu
Các dấu hiệu, triệu chứng của thiếu máu, thiếu sắt có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt của cơ thể. Đôi khi các triệu chứng nhẹ đến mức khiến cơ thể không cảm nhận được điều bất thường nhưng cần chú ý nếu triệu chứng kéo dài và dần trở nên nghiêm trọng hơn [13].
Các triệu chứng có thể có của bệnh thiếu máu thiếu sắt từ nhẹ đến nặng [14], [17], [18]:
- Dễ cảm thấy mệt mỏi, uể oải
- Đau đầu, khó tập trung
- Choáng váng hoa mắt, chóng mặt
- Da xanh xao, nhợt nhạt, thiếu sức sống
- Giảm sức bền khi tập luyện thể thao
- Tay chân lạnh
- Móng tay dễ gãy và rụng tóc
Nếu nguyên nhân khiến bạn thiếu máu, thiếu sắt là do mắc một bệnh lý khác, các triệu chứng của bệnh có thể khiến bạn không chú ý đến các dấu hiệu của việc thiếu máu, thiếu sắt. Do đó, hãy nhớ luôn theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, xét nghiệm khi cần thiết để sớm phát hiện và có có hướng xử lý kịp thời [14].
Giải pháp bổ sung sắt hiệu quả, cải thiện thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ
Cơ thể con người luôn cần một lượng sắt nhất định để tạo ra tế bào hồng cầu và duy trì các hoạt động sống của cơ thể [6]. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi kinh nguyệt với nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao sẽ cần chú ý bổ sung sắt thông qua việc tăng cường ăn các thực phẩm giàu sắt như [19], [20]:
- Các loại thịt đỏ như thịt bò, cá ngừ, gan và các loại thịt lợn, thịt gia cầm khác
- Các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám, đậu hũ…
- Các loại quả hạch và hạt khô, nho khô
- Các loại rau có màu xanh đậm như bó xôi, bông cải xanh, bắp cải
Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung thêm Vitamin C từ các loại trái cây như cam, chanh cũng giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Đồng thời hạn chế việc uống trà sau bữa ăn vì chất tannins trong trà sẽ cản trở việc cơ thể hấp thu sắt, làm tăng nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt [21], [22].
Nếu là người bận rộn và khó đảm bảo việc chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ sắt và các vi chất dinh dưỡng, cần cân nhắc sử dụng viên uống bổ sung sắt để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cho cơ thể. Khi lựa chọn những sản phẩm bổ sung sắt,hãy ưu tiên lựa chọn những thương hiệu uy tín, đã được kiểm chứng về chất lượng cũng như độ an toàn. Đồng thời, bạn cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia để chọn viên uống phù hợp với các ưu điểm giúp mang lại hiệu quả tốt nhất như:
- Công thức cần phối hợp sắt với các thành phần bổ máu toàn diện khác bao gồm: Kẽm, Axit Folic, Vitamin B12, B6, và Đồng nhằm giúp tăng tạo máu, bổ máu hiệu quả sử dụng.
- Hàm lượng sắt trong sản phẩm cần được thiết kế vừa đủ, phù hợp với nhu cầu hàng ngày, đảm bảo cung cấp lượng sắt cần thiết mà không gây quá tải cho cơ thể. Đồng thời, việc bổ sung thêm kẽm theo nhu cầu cơ thể là rất quan trọng. Kẽm không chỉ hỗ trợ hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng thiếu máu mà còn tăng cường sức đề kháng và nâng cao sức khỏe tổng thể. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tỉ lệ thiếu kẽm ở người Việt Nam hiện nay còn cao hơn cả tỉ lệ thiếu sắt.
- Cơ chế kiểm soát quá trình giải phóng sắt, tránh việc phóng thích sắt ồ ạt cùng lúc tại dạ dày giúp hạn chế kích ứng dạ dày, buồn nôn và các tác dụng phụ khác ở đường tiêu hóa như táo bón, phân đen… đồng thời giúp tăng khả năng hấp thu sắt.
Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao nên việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung sắt đầy đủ để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt hiệu quả là điều cần thiết để sớm phòng ngừa và tránh nguy cơ gặp phải tình trạng này bạn nhé!
[embed-health-tool-ovulation]