Xuất tinh ít khi quan hệ hoặc thủ dâm đều là vấn đề khiến cánh mày râu hoang mang và lo lắng. Nếu tình trạng này thỉnh thoảng mới xảy ra hoặc không liên quan đến bệnh lý thì sẽ không có gì quá nghiêm trọng. Ngược lại, nếu bạn thường xuyên giải phóng quá ít tinh dịch kèm theo những triệu chứng bất thường khác thì cần sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Tình trạng xuất tinh ít gây ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống tình dục và khả năng sinh sản của nam giới. Những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này để có hướng xử lý kịp thời.
Xuất tinh ít là gì? Làm sao để nhận biết?
Xuất tinh ít và ít tinh trùng là hai tình trạng khác nhau nhưng vẫn khiến nhiều người nhầm lẫn. Ít tinh trùng hay mật độ tinh trùng thấp là khi bạn vẫn sản xuất lượng tinh dịch như bình thường từ 5 – 6ml cho một lần xuất tinh nhưng không chứa nhiều tinh trùng trong đó. Còn tình trạng xuất tinh ít nghĩa là lượng tinh dịch bạn xuất ra khi quan hệ hoặc thủ dâm dưới 5ml, kéo theo đó là lượng tinh trùng ít hoặc có thể kém chất lượng.
Tình trạng xuất tinh ít đôi khi là bình thường nhưng cũng có trường hợp là nghiêm trọng. Bạn có thể nhận biết sự bất thường khi xuất tinh qua những dấu hiệu sau:
- Lượng tinh dịch quá ít. Nếu tinh dịch xuất ra dưới 5 ml, bạn có thể ước lượng là chưa đến 1 thìa cà phê.
- Tinh dịch quá loãng hoặc vón cục.
- Tinh dịch có mùi hôi khó chịu, có thể kèm theo màu sắc bất thường.
- Bạn cảm thấy đau khi xuất tinh.
- Xuất tinh ít cũng thường kéo theo tình trạng giảm lực khi đẩy tinh dịch ra ngoài của các cơ xung quanh niệu đạo.
- Một số trường hợp có thêm triệu chứng đau khi tiểu tiện, tiểu rắt hoặc tiểu buốt.
Xuất tinh ít không chỉ là vấn đề về lượng tinh dịch mà còn có thể liên quan đến sức khỏe dương vật và chất lượng tinh trùng. Do đó, nếu bạn có những triệu chứng trên thì nên đến bệnh viện để làm kiểm tra, thăm khám và điều trị đúng bệnh.
7 nguyên nhân gây ra tình trạng xuất tinh ít
Có nhiều nguyên nhân khiến nam giới giải phóng ít tinh dịch khi quan hệ hoặc thủ dâm. Bạn cần tìm hiểu từng nguyên nhân cụ thể vì đây là cơ sở cho việc cải thiện hoặc điều trị tình trạng xuất tinh ít. Dưới đây là 7 nguyên nhân thường gặp:
1. Nồng độ hormone thấp
Nồng độ hormone testosterone thấp hoặc mất cân bằng nội tiết tố nam, đặc biệt là ở người lớn tuổi, thường ảnh hưởng đến hoạt động của thận, tuyến yên và tuyến tiền liệt. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng xuất tinh ít hoặc tinh trùng kém chất lượng. Bên cạnh đó, nếu lượng tinh dịch quá ít còn khiến bạn khó đạt cực khoái hơn khi quan hệ.
2. Bệnh viêm nhiễm nam khoa
Một số trường hợp tinh dịch ít hơn bình thường là do bạn đã mắc bệnh viêm nhiễm nam khoa. Trong đó, những bệnh lý như viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, giang mai, lậu… có thể gây ra sự cản trở cho quá trình phóng tinh, khiến tinh trùng kém chất lượng và xuất tinh ít.
3. Xuất tinh ngược
Xuất tinh ngược là tình trạng mà tinh dịch đi ngược vào bàng quang sau đó đi ra ngoài theo đường nước tiểu thay vì phóng thích qua niệu đạo khi xuất tinh.
Hiện tượng này được lý giải là do cơ vòng ở cổ bàng quang mất khả năng co thắt khiến cửa niệu đạo bị đóng lại. Vì vậy, tinh dịch không thể đi qua niệu đạo mà sẽ đi ngược vào bàng quang khiến bạn xuất tinh ít hoặc thậm chí không xuất tinh được. Sau đó, khi bạn đi tiểu sẽ thấy nước tiểu có lợn cợn dịch màu trắng đục.
4. Quan hệ tình dục quá nhiều
Đôi khi tình trạng xuất tinh ít không liên quan đến bệnh lý mà là do bạn quan hệ tình dục quá nhiều. Việc “yêu” liên tục và khoảng cách giữa những lần quan hệ quá gần nhau khiến cơ thể không kịp sản xuất tinh dịch để đáp ứng nhu cầu sinh lý ở nam giới. Do đó, nếu bạn thuộc trường hợp này thì nên điều chỉnh lại tần suất quan hệ tình dục hợp lý hơn để tránh bị rối loạn chức năng phóng tinh.
5. Môi trường làm việc
Môi trường làm việc chứa nhiều yếu tố độc hại như khói bụi, ô nhiễm hay hóa chất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản. Đối với nam giới, môi trường độc hại hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và có thể gây vô sinh.
6. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng cũng là nguyên nhân làm giảm khả năng sinh tinh và khiến nam giới lao lực. Do vậy, bạn cần ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục và sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo sức khỏe và chất lượng tinh trùng.
7. Nguyên nhân khác
Một số loại thuốc như thuốc trị tuyến tiền liệt, thuốc trị bệnh huyết áp cao, thuốc chống trầm cảm… hoặc một số phẫu thuật như thắt ống dẫn tinh, phẫu thuật tinh hoàn, bìu… cũng gây ra tác dụng phụ khiến bạn xuất tinh yếu hoặc làm suy giảm lượng tinh dịch phóng ra khi quan hệ.
Xuất ít tinh trùng có thai không? Phương pháp điều trị là gì?
Tình trạng xuất tinh ít hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới và làm giảm cơ hội thụ thai hoặc thậm chí gây vô sinh. Do đó, nếu có những triệu chứng bất thường và lượng tinh dịch xuất ra quá ít khi quan hệ thì bạn nên đi khám.
Bạn sẽ được làm xét nghiệm tinh dịch đồ, siêu âm tinh hoàn hoặc xét nghiệm nội tiết tố. Sau đó, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả kiểm tra để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng xuất tinh ít mà bạn sẽ được bác sĩ chỉ định một trong những phương pháp điều trị sau:
- Điều trị bằng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn tinh dịch nếu bạn mắc bệnh viêm nhiễm nam khoa. Trong trường hợp này, bạn cần dùng thuốc đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc cân bằng nội tiết tố nam nếu nồng độ testosterone bị suy giảm. Với phương pháp này, bạn cần được theo dõi sát sao và báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các vấn đề bất thường.
- Nếu bị xuất tinh ngược, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng một số loại thuốc điều trị như brompheniramine, chlorpheneriamine, ephedrine, pseudoephedrine, imipramine hoặc midodrine.
Tình trạng xuất tinh ít có thể khiến bạn khó đạt cực khoái trong “chuyện ấy” hoặc làm giảm khả năng có con ở nam giới. Vì vậy, bạn nên chú ý đến tình trạng này để sớm nhận biết và đi khám kịp thời. Nếu mong muốn sinh con nhưng bạn không thể điều trị dứt điểm tình trạng này thì có thể chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo để gia tăng cơ hội thụ thai thành công.
[embed-health-tool-bmi]