backup og meta

Sốc văn hóa khi du học: Làm sao để vượt qua?

Sốc văn hóa khi du học: Làm sao để vượt qua?

Bên cạnh những áp lực về tài chính và bài vở, sinh viên du học còn phải đối mặt với sốc văn hóa khi hòa nhập với môi trường mới. Nếu không biết cách vượt qua trở ngại tâm lý này, bạn có thể sẽ bỏ cuộc trước khi gặt hái thành công trên xứ người!

Câu chuyện đi du học ngày nay đã không còn quá xa lạ với học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngoài việc chuẩn bị kiến thức ngoại ngữ, quần áo phù hợp với địa phương bạn sắp đến thì bạn cũng nên chuẩn bị hành trang tâm lý thật vững vàng để biết cách vượt qua sốc văn hóa. 

Sốc văn hóa là gì?

Sốc văn hóa là một hiện tượng tâm lý phổ biến khi bạn ra nước ngoài du học lần đầu tiên, đặc biệt là khi đến một quốc gia chẳng có lấy một người mà bạn quen biết. Những thay đổi về khí hậu, ẩm thực, lối sống, môi trường học tập,… đều có thể dẫn đến sốc văn hóa.

Sự thay đổi khi ra nước ngoài

Khi bạn mới đặt chân sang một đất nước hoàn toàn xa lạ, lịch sinh hoạt và lối sống của những người xung quanh hẳn sẽ khiến bạn có ít nhiều bỡ ngỡ. Sốc văn hóa là tập hợp gồm những biểu hiện hoang mang, lo lắng, sợ hãi và thậm chí muốn quay về nước khi trước mắt bạn là một môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt.

Sốc văn hóa sẽ ảnh hưởng đến mọi người theo những cách không giống nhau. Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết sốc văn hóa mà đa số du học sinh thường phải trải qua:

  • Cảm giác bị cô lập
  • Muốn thu mình lại
  • Cảm thấy buồn chán
  • Luôn mệt mỏi, uể oải
  • Chỉ muốn nằm trong phòng
  • Luôn mong được quay trở về nhà
  • Thấy khó chịu với mọi người xung quanh
  • Thấy chán ghét văn hóa và phong tục địa phương

Bạn vốn đã quen thuộc với cách giao tiếp và ứng xử với mọi người xung quanh theo văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Đến khi đặt chân tới một nơi hoàn toàn xa lạ, những khác biệt văn hóa sẽ khiến bạn cảm thấy cô đơn.

Các giai đoạn sốc văn hóa

Sốc văn hóa sẽ bao gồm nhiều giai đoạn mà trong đó, cảm xúc và sự thích nghi của bạn sẽ có sự biến chuyển rõ rệt theo thời gian.  

1. Giai đoạn “tuần trăng mật” với cảm giác háo hức

Khi chính thức đặt chân đến quốc gia mà bạn vẫn luôn ao ước bấy lâu, cảm giác đầu tiên sẽ là mừng rỡ và phấn khích. Tâm trạng này cũng dễ hiểu bởi bạn đang mong chờ khám phá những điều mới mẻ đầy hứa hẹn mà trước đó mới chỉ biết đến qua sách ảnh.  

Thoạt đầu, bạn sẽ thấy những bất cập nho nhỏ nơi đất khách cũng vẫn thật đáng yêu. Chẳng hạn như những hạt tuyết rơi đầu mùa sẽ khiến bạn phấn khích đến nỗi chẳng còn e sợ cái lạnh cắt da của mùa đông sắp tới hay cảm giác muốn đến xem trường lần đầu tiên khiến bạn chẳng còn ngại chen chân trên tàu điện ngầm đông đúc.

Ở giai đoạn “tuần trăng mật’, bạn sẽ cảm thấy thích thú những trải nghiệm khác biệt và khám phá mọi thứ một cách đầy háo hức.

2. Giai đoạn lo âu xuất hiện cảm giác khó chịu

sốc văn hóa

Sự thích thú ban đầu sẽ trôi qua và bạn bắt đầu cảm thấy khó khăn với những khác biệt xung quanh mình. Bạn sẽ nhận ra những việc vốn quen thuộc và có thể thực hiện dễ dàng trước đây sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Có thể bạn sẽ thấy lạc lõng ở nước ngoài vì không thể đọc được những bảng chỉ dẫn trên đường, không hiểu được ngôn ngữ thân mật dùng trong giao tiếp hàng ngày khi trước đó chỉ toàn được học ngôn ngữ quy chuẩn, trang trọng… 

Dù có thể đã đọc qua nhiều nguồn tư liệu hay được người thân ở nước ngoài truyền kinh nghiệm thì bạn vẫn dễ bị lúng túng khi gặp phải những tình huống tương tự ngoài thực tế.

3. Giai đoạn điều chỉnh với cảm giác thấu hiểu

Theo quy luật tự nhiên, thời gian sẽ giúp bạn dần thích nghi với những đổi thay. Những thứ xa lạ, gây lúng túng giờ sẽ thành thói quen hàng ngày của bạn và bạn sẽ dần lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Thay vì suy nghĩ rằng lối sống ở quốc gia mới thật kỳ quặc thì bạn sẽ dần hiểu được tại sao mọi người lại sống theo phong cách đó và bạn cũng biết mình nên làm theo như vậy.

Ở nước mình có thể bạn đã quen với chiếc xe máy nên khi mới sang nước khác, bạn sẽ thấy khá “choáng” khi đa số mọi người, kể cả những cụ ông cụ bà đều ưa thích đi bộ và bước đi nhanh thoăn thoắt. Khi đã ở quen, bạn sẽ thấy đi bộ là cách tập luyện thể thao thuận lợi mà thời tiết ở nước ngoài thì lại rất lý tưởng để rèn luyện sức khỏe theo cách này. 

Khi nhận thấy những nét thú vị và độc đáo trong văn hóa địa phương, bạn không chỉ học được nhiều kiến thức học thuật mà còn có thể tích lũy những trải nghiệm văn hóa giá trị.

4. Giai đoạn làm chủ bản thân cùng cảm giác hòa hợp

Đến một thời điểm nhất định, bạn sẽ cảm nhận đất nước mà mình đang du học thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai sau Việt Nam. Đôi lúc, bạn vẫn sẽ có cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh chị em, bạn bè,… song những người bạn mới và gia đình chủ nhà sẽ trở thành điểm tựa mà bạn có thể trông cậy vào. 

Sau một thời gian, bạn sẽ thích nghi với lối sống bản địa mà không còn cảm thấy sự khác biệt quá nhiều giữa nước mình với nước bạn.

Cách vượt qua sốc văn hóa khi du học

Để vượt qua những cảm xúc tiêu cực bước đầu và nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, bạn nên suy nghĩ tích cực và chủ động trong cuộc sống với một vài bí quyết nhỏ sau đây. 

1. Tìm hiểu thật kỹ trước khi du học

sốc văn hóa

Nếu có ai đó, người thân hay bạn bè ở quốc gia mình muốn đến thì quá tuyệt vời bởi bạn có thể hỏi thăm rất nhiều điều từ họ. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không hề quen biết ai cũng chẳng sao, hãy tham gia vào các diễn đàn do các lưu học sinh lập ra để chia sẻ kinh nghiệm, trên đó sẽ có đủ mọi lĩnh vực từ học tập đến các địa điểm vui chơi, giải trí… để bạn tham khảo. 

2. Viết ra mục tiêu của bạn

Một vài ngày sau khi đã ổn định chỗ ở, bạn hãy lấy một quyển sổ và viết ra những mục tiêu mà bạn muốn đạt được, những điều bạn muốn khám phá khi đi du học. Đến lúc bạn thấy chán nản, muốn quay về nước thì hãy mở những điều mình chưa làm được ra xem, bạn sẽ có động lực để tiếp tục cố gắng vì những điều tốt đẹp mà mình còn chưa đạt được.

3. Tìm thú vui riêng cho mình

sốc văn hóa

Khi bạn ở vào giai đoạn thấy buồn chán nhất, hãy tìm một thú vui riêng để tìm lại cảm hứng cho mình. Đó là thời gian bạn nên tìm một series phim dài tập hợp gu và xem cùng với một vài người bạn hoặc gia đình chủ nhà để mọi người hiểu nhau hơn. Bạn cũng có thể sắm cho mình một chiếc máy ảnh chụp lại những phong cảnh đẹp và những người mà bạn yêu quý. 

4. Tham gia vào nhiều hoạt động

Bạn hãy cố gắng tham gia vào các hoạt động trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Đây là cách giúp bạn kết nối với mọi người xung quanh tự nhiên nhất. Các hoạt động đôi lúc có thể không phù hợp với bạn nhưng thay vì chọn cách không tham gia, hãy nghĩ về chiều hướng tích cực để thử trải nghiệm những điều mới mẻ. 

5. Học cách chia sẻ cảm xúc

sốc văn hóa

Bạn đừng ngại sẽ trở thành người kỳ quặc, sốc văn hóa là điều rất bình thường và hầu như du học sinh nào cũng phải trải qua. Bạn nên chia sẻ những khó khăn của mình với bạn bè hoặc gia đình chủ nhà để giải tỏa bớt áp lực. Hơn nữa, chủ nhà thường là những người đã có kinh nghiệm hỗ trợ du học sinh nên họ sẽ cho bạn rất nhiều lời khuyên hữu ích.

6. Không ngừng trau dồi ngôn ngữ

Lẽ dĩ nhiên, ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc để bạn theo học bất kỳ chương trình học nào ở nước ngoài. Bên cạnh ngôn ngữ học thuật thì bạn cũng đừng quên cập nhật vốn từ của mình bằng ngôn ngữ giao tiếp (thành ngữ, tiếng lóng, các từ viết tắt…) để không bị lúng túng trong những cuộc nói chuyện hàng ngày với người bản xứ. 

Sốc văn hóa cũng là một một trải nghiệm ý nghĩa giúp bạn thay đổi bản thân để tự tin và trưởng thành hơn khi đi du học. Khi biết cách vượt qua nỗi sợ do sốc văn hóa, bạn sẽ có được một hành trình khám phá đầy màu sắc rất khó quên trong đời!

Tuyết Trinh HELLO BACSI

 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Culture Shock
https://www.webmd.com/mental-health/eating-disorders/features/culture-shock#1
Ngày truy cập: 31/01/2018

How to Deal with Culture Shock while Studying Abroad
https://www.gooverseas.com/blog/how-to-deal-with-culture-shock-while-studying-abroad
Ngày truy cập: 31/01/2018

The 4 Stages of Culture Shock
https://medium.com/global-perspectives/the-4-stages-of-culture-shock-a79957726164
Ngày truy cập: 31/01/2018

Phiên bản hiện tại

07/05/2019

Tác giả: Tuyết Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 07/05/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo