backup og meta

Những điều bạn nên biết về bệnh Paget vú

Những điều bạn nên biết về bệnh Paget vú

Nếu bạn nhận thấy vú có những triệu chứng như đau, nóng rát, tiết dịch và có khối u trên vú thì có thể bạn đã bị bệnh Paget vú. Lúc này, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chữa bệnh kịp thời. 

Bạn hãy cùng tìm hiểu bệnh Paget vú là gì, các triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị để ngăn ngừa tình trạng trở nặng nhé.

Bệnh Paget vú là gì?

Bệnh Paget vú là một loại ung thư vú hiếm gặp, trong đó các tế bào ung thư được tìm thấy trên bề mặt của núm vú hoặc quầng vú (vòng tròn màu đen chung quanh núm vú). Paget vú không gây ra những khối u. Tuy nhiên, phần lớn những người bị Paget vú sẽ bị ung thư vú xâm lấn (invasive breast cancer) hoặc ung thư biểu mô không xâm lấn (ductal carcinoma in situ) và xuất hiện các khối u vú liên quan. Hầu hết chúng được tìm thấy trong cùng một vú có các tế bào bệnh Paget.

Bệnh Paget vú chiếm tỷ lệ 5% trong tất cả các bệnh ung thư vú. Bệnh thường ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 50, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh nhưng cũng có thể xuất hiện ở thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Ung thư vú ở nam giới chỉ chiếm 0,5% tổng số bệnh ung thư vú và Paget vú ở nam giới là rất hiếm.

Tên bệnh Paget vú được đặt theo tên của James Paget. Ông là một bác sĩ người Anh từ những năm 1800 đã xuất bản các bài báo về mối liên hệ giữa những thay đổi của núm vú và những nguy cơ tiềm ẩn mắc ung thư vú.

Các triệu chứng của bệnh Paget vú

các triệu chứng của bệnh paget vú

Bệnh Paget vú thường khiến cho da trên núm vú và khu vực xung quanh vú bị đỏ, đau, bong tróc và có vảy. Các triệu chứng thường sẽ tệ đi theo thời gian và bạn sẽ cảm thấy những biểu hiện bất thường dưới đây trên núm vú.

  • Núm vú phẳng
  • Thấy đau và nhạy cảm ở núm vú
  • Có chỗ u lồi lên trong khu vực bị ảnh hưởng
  • Da núm vú và quầng vú bị sừng hóa, đóng vảy
  • Núm vú thấy tiết chất dịch màu vàng hoặc máu
  • Cảm giác nóng rát hoặc ngứa ở núm vú và quầng vú

Các triệu chứng của bệnh Paget thường dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh về da như bệnh chàm hoặc viêm da. Paget thường chỉ được tìm thấy trong một vú và không đáp ứng với các thuốc bôi.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào bất thường trên ngực thì nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để điều trị bệnh kịp thời.

Nguy cơ gây ra bệnh Paget vú

nguyên nhân gây bệnh paget vú

Bác sĩ thường không tìm được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Paget vú. Hầu hết các nhà nghiên cứu nghĩ rằng căn bệnh là kết quả của ung thư ống tuyến vú nằm bên trong tuyến vú. Hơn 97% những người bị Paget vú cũng bị ung thư biểu mô không xâm lấn hoặc ung thư xâm lấn ở một nơi khác trong vú.

Các tế bào ung thư có thể di chuyển từ khối u qua ống dẫn sữa rồi vào núm vú và quầng vú. Ở một số trường hợp, bệnh Paget không xuất hiện ung thư vú tiềm ẩn hoặc nếu có khối u thì nó không liên quan đến bệnh ở núm vú. Trong những trường hợp này, các tế bào da ở núm vú có thể tự thay đổi thành tế bào ung thư.

Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú có liên quan đến bệnh Paget vú.

• Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh ung thư vú càng cao.

• Chủng tộc: Phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ da đen.

• Yếu tố gia đình: Nếu bạn có mẹ, chị gái hoặc con gái bị ung thư vú thì bạn cũng có khả năng cao bị ung thư vú di truyền.

• Có tiền sử bệnh về vú: Một số bệnh về vú có thể gia tăng nguy cơ ung thư vú là ung thư vú ở một vú, ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ, tăng sản không điển hình hoặc một số tình trạng u vú lành tính.

• Đột biến gene: Một số gene có thể làm tế bào chuyển thành ác tính như đột biến gene ức chế u BRCA-1 hoặc BRCA-2.

• Mô vú dày đặc: Những phụ nữ có bộ ngực lớn và có mô vú dày đặc có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư vú.

• Có xạ trị vùng ngực trước đó: Phụ nữ có tiền căn xạ trị vùng ngực ở tuổi thiếu niên hoặc khi còn trẻ do bệnh lý khác sẽ tăng nguy cơ bệnh Paget vú.

• Sử dụng liệu pháp hormone thay thế sau mãn kinh: Liệu pháp hormone thay thế (HRT) có chứa hormone estrogen làm tăng nguy cơ ung thư vú.

• Thừa cân: Phụ nữ bị thừa cân, đặc biệt là sau thời kỳ mãn kinh, có thể tăng nguy cơ bị ung thư vú.

• Tiêu thụ rượu quá mức: Theo Healthline, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trung niên.

Chẩn đoán bệnh Paget vú

siêu âm vú

Nếu bạn nghi ngờ mình có triệu chứng của bệnh Paget vú thì nên đi khám bệnh để được bác sĩ thăm khám. Bác sĩ có thể sẽ chẩn đoán bệnh cho bạn bằng các bước sau:

• Khám vú lâm sàng: 50% số người mắc bệnh Paget ở núm vú có một khối u ở vú hoặc có một vùng da dày lên được cảm nhận khi khám lâm sàng.

• Chụp nhũ ảnh: Chụp nhũ ảnh có thể cho thấy núm vú và những thay đổi trên da có liên quan đến ung thư vú tiềm ẩn. Nếu chụp nhũ ảnh cả hai vú không có gì bất thường, bác sĩ có thể theo dõi bệnh của bạn bằng cách chụp cộng hưởng từ (MRI).

• Sinh thiết vú: Khi sinh thiết vú, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ da trên núm vú của bạn để kiểm tra dưới kính hiển vi. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu trên khối u ở ngực của bạn nếu có. Nếu núm vú có dịch tiết ra thì chất dịch này cũng sẽ được thu thập và kiểm tra.

• Sinh thiết hạch bạch huyết: Khi sinh thiết hạch bạch huyết, bác sĩ phẫu thuật sẽ xác định vị trí và loại bỏ các hạch gác cửa (nơi đầu tiên các tế bào ung thư vú đi qua). Nếu một hạch gác cửa được phát hiện là âm tính thì các hạch còn lại cũng không giúp phát hiện ra ung thư.

Nếu các tế bào ung thư được phát hiện trong bất kỳ mẫu sinh thiết nào, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa cho bạn những lời khuyên về cách điều trị.

Cách điều trị bệnh Paget vú

cô gái mặc bikini trên biển

Phương pháp điều trị chính cho bệnh Paget vú là phẫu thuật. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn thực hiện hai phẫu thuật dưới đây:

• Mổ cắt bỏ khối u vú: Phẫu thuật mổ cắt bỏ khối u vú là một loại phẫu thuật an toàn chỉ loại bỏ phần bị bệnh của vú (phẫu thuật bảo tồn vú). Với bệnh Paget không có khối u, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ núm vú và quầng vú cùng với một phần hình nón của vú. Bờ cắt cần được đảm bảo không còn tế bào ung thư.

• Phẫu thuật cắt bỏ vú: Nếu Paget vú đi kèm với khối ung thư vú thì bạn có thể sẽ được bác sĩ yêu cầu cắt bỏ vú. Các hạch bạch huyết sẽ được sinh thiết để đánh giá có di căn hay chưa.

Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị bạn điều trị bổ sung bằng cách hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp hormone để ngăn ngừa ung thư vú tái phát. Nếu phẫu thuật bảo tồn vú được sử dụng để điều trị bệnh Paget vú thì thường được kết hợp với xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong mô vú. Bạn có thể sẽ được phẫu thuật tái tạo vú sau khi cắt bỏ khối u và sau khi xạ trị được hoàn thành.

Phương pháp điều trị Paget vú được khuyến nghị sẽ phụ thuộc vào mức độ ung thư và bản chất của khối u có thụ thể estrogen hoặc progesterone hay không.

Bệnh Paget vú không phổ biến nên bạn có thể ít nghe về bệnh này hơn các loại ung thư vú phổ biến khác. Bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bệnh viện hoặc bác sĩ điều trị bệnh Paget vú vì đây là căn bệnh hiếm gặp. Vì thế, bạn nên biết cách tự kiểm tra vú của mình hoặc đi khám bệnh ngay nếu có các triệu chứng bất thường từ tuyến vú để tránh tình trạng bệnh trở nặng hơn. Bạn cũng có thể ngăn ngừa các vấn đề ở vú bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh nhé.

Hoa Vũ HELLO BACSI 

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Everything You Should Know About Paget’s Disease of the Breast
https://www.healthline.com/health/breast-cancer/pagets-disease-of-the-breast
Ngày truy cập: 16.03.2020

Do Itchy Breasts Indicate Cancer?
https://www.healthline.com/health/itchy-breast-cancer
Ngày truy cập: 16.03.2020

An Overview of Paget’s Disease of the Breast
https://www.verywellhealth.com/pagets-disease-of-the-breast-430628
Ngày truy cập: 16.03.2020

Phiên bản hiện tại

17/07/2020

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoa Vũ


Bài viết liên quan

Những vấn đề thường gặp ở đầu ti: Tất tần tật mọi điều cần biết

Hỗ trợ điều trị ung thư vú bằng các liệu pháp tự nhiên


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 17/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo