backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều cần biết khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Những điều cần biết khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh là một phương pháp điều trị chuyên khoa giúp nam giới tránh được những rủi ro của bệnh. Có những điều mà bệnh nhân cũng như người nhà cần lưu ý trước và sau cuộc phẫu thuật.

    Sơ lược về giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Giãn tĩnh mạch là gì?

    phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh 2

    Giãn tĩnh mạch là hiện tượng các tĩnh mạch nở rộng. Khi quan sát một số trường hợp bệnh, sẽ thấy các tĩnh mạch xanh hoặc tím đậm sưng phồng, xoắn lại, nổi gồ lên trên bề mặt da.

    Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

    Hiện tượng giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân, nhưng cũng có khả năng giãn tĩnh mạch xảy ra ở các vị trí khác. Ví dụ như khi giãn tĩnh mạch ở hậu môn thì gọi là bệnh trĩ.

    Bìu là hai túi da nằm dưới dương vật, chứa tinh hoàn. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng khi các tĩnh mạch bên trong bìu chịu nhiều áp lực và bị giãn nở. Giãn tĩnh mạch thừng tinh khá phổ biến ở nam giới trưởng thành. Nhiều người không nhận thấy triệu chứng gì, thậm chí có người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh mà không hề hay biết.

    Bạn có thể tham khảo thêm: Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Triệu chứng và cấp độ

    Bệnh này thường ít rủi ro, nhưng biến chứng nguy hiểm nhất của nó là gây vô sinh nên nam giới không được lơ là.

    phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh 3

    Bạn có thể tham khảo thêm: Làm rõ mối liên hệ giữa giãn tĩnh mạch thừng tinh với vô sinh

    Những trường hợp cần phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh có khả năng cải thiện tình trạng của những đối tượng sau:

    • Nam giới mong muốn có con nhưng gặp khó khăn với việc thụ thai (khi người nữ khỏe mạnh và không có vấn đề gì về sức khỏe sinh sản)
    • Người bệnh nhận thấy các triệu chứng khó chịu và các triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày
    • Bên tinh hoàn bị ảnh hưởng có vẻ như bị teo đi
    • Phân tích tinh dịch cho kết quả bất thường

    Một số phương pháp phẫu thuật:

    • Phẫu thuật nội soi thắt tĩnh mạch tinh trong
    • Thuyên tắc mạch máu
    • Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh sau phúc mạc
    • Phẫu thuật truyền thống qua đường bẹn hoặc bìu
    • Phẫu thuật vi phẫu đường bẹn

    Tùy vào tình hình của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có điều trị bệnh hay không (vì nhiều người sống chung với bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh mà không thấy triệu chứng hay gặp rủi ro gì, thậm chí còn không biết mình có bệnh). Trong trường hợp cần điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc xem có cần mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh hay không, và khi tiến hành mổ thì nên chọn phương pháp nào.

    Phẫu thuật vi phẫu đường bẹn được cho là phương pháp ít xâm lấn, thời gian phục hồi nhanh chóng, tỷ lệ tái phát thấp hơn các phương pháp còn lại. Tuy nhiên, cần có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để thực hiện phương pháp này và bác sĩ trực tiếp phẫu thuật phải có tay nghề cao.

    Lưu ý trước khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Trước khi phẫu thuật, cần lưu ý một số vấn đề sau:

    • Thông báo cho bác sĩ các loại thuốc mà bạn hiện đang dùng. Ngưng dùng chất làm loãng máu như warfarin hoặc aspirin để giảm nguy cơ mất máu khi phẫu thuật.
    • Tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, chẳng hạn như không ăn uống trong khoảng 8-12 giờ trước khi phẫu thuật.
    • Nếu có điều kiện, hãy nhờ người đi cùng khi đến bệnh viện phẫu thuật và đưa bạn về sau khi được xuất viện. Nên xin nghỉ phép hoặc sắp xếp lịch trình để an tâm nghỉ dưỡng.

    Lưu ý sau khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Người bệnh cần cẩn thận khi thấy các dấu hiệu sau:

    • Tụ dịch lỏng quanh tinh hoàn
    • Bí tiểu
    • Vết mổ bị đỏ, viêm, tiết dịch
    • Bị sưng mà chườm lạnh vẫn không giảm
    • Nhiễm trùng
    • Sốt cao trên 38 độ C
    • Cảm thấy chóng mặt
    • Nôn mửa
    • Chân bị sưng hoặc đau

    Chăm sóc vết thương sau khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.

    Thời gian phục hồi tùy vào thể trạng từng người, nhưng khi dưỡng thương tại nhà, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách:

    • Uống đúng và đủ thuốc theo toa mà bác sĩ đã kê. Trong toa sẽ có các loại thuốc kháng sinh, giảm đau như ibuprofen.
    • Làm sạch, vệ sinh vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ.
    • Chườm nước đá với nhiệt độ thích hợp để giảm sưng (nếu cần).

    Có những hoạt động mà bạn nên tạm tránh thực hiện sau khi tiến hành mổ, cho đến khi bác sĩ cho phép trở lại, cụ thể là:

    • Không quan hệ tình dục trong ít nhất 2 tuần.
    • Không tập thể dục với cường độ cao, mang vác nặng, hoạt động thể lực quá sức.
    • Không điều khiển các phương tiện giao thông.
    • Không bơi, ngâm mình trong bồn tắm.
    • Không cố rặn khi đi tiêu. Nếu cần, hãy dùng các loại thuốc làm mềm phân.
    • Tránh rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích.

    phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh 4

    Kết quả sau khi mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Nhìn chung, các nghiên cứu về kết quả sau khi mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh cho thấy rằng, nam giới có nhiều khả năng làm cha nếu bệnh suy giãn tinh mạch thừng tinh của họ được điều trị. Tuy nhiên, sự cải thiện này chỉ rõ rệt trong trường hợp bệnh nhân nam trước khi điều trị có tĩnh mạch giãn nở trồi lên trên bề mặt da (biểu hiện rõ ràng dễ dàng quan sát được) và có chất lượng tinh trùng kém. Đối với những người mà trước phẫu thuật, tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ có thể được phát hiện thông qua siêu âm và xét nghiệm tinh dịch cho kết quả chất lượng tinh trùng bình thường, sự cải thiện dường như không đáng kể.

    Cần lưu ý là không phải lúc nào kết quả mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng luôn mỹ mãn lâu dài, dù ca mổ đã hoàn thành. Tình trạng tái phát xuất hiện ở khoảng 5-10% bệnh nhân.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo