backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Những điều bạn nên biết về ung thư máu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 19/01/2022

Những điều bạn nên biết về ung thư máu

Ung thư máu là một căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của con người. Hiểu về nguyên nhân và các biểu hiện của bệnh sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. 

Mời bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm thông tin về bệnh ung thư máu trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh ung thư máu là gì?

Đây là bệnh lý ác tính tác động lên máu và tủy xương (các mô xốp nằm bên trong xương, nơi sản sinh ra các tế bào máu).

Bệnh ung thư máu khiến tủy xương và hệ bạch huyết tạo ra các tế bào máu bất thường. Những tế bào bất thường này, hay còn gọi là các tế bào ung thư, sẽ không thể thực hiện các chức năng vốn có của nó, ví dụ như chống nhiễm trùng hoặc ngăn ngừa tình trạng chảy máu nghiêm trọng.

Các dạng bệnh ung thư máu chính

Ung thư bạch cầu (bệnh máu trắng)

Là một loại ung thư mà các tế bào ung thư nằm trong máu và tủy xương. Nguyên nhân là do sự sản sinh nhanh chóng các tế bào bạch cầu bất thường có khả năng sống lâu hơn dự kiến. Không giống như tế bào bạch cầu bình thường, các tế bào này không giúp cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng, đồng thời làm giảm khả năng sản sinh hồng cầu và tiểu cầu của tủy xương.

Ung thư mô bạch huyết

Ung thư mô bạch huyết là một dạng bệnh ung thư máu có ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết. Hệ thống bạch huyết có vai trò loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể và sản sinh ra các tế bào miễn dịch. Tế bào lympho là một loại bạch cầu chống lại tình trạng nhiễm trùng. Các tế bào lympho bất thường sẽ trở thành tế bào lymphoma, tế bào này có khả năng nhân đôi và tụ lại thành khối trong các hạch bạch huyết và các mô khác. Theo thời gian, các tế bào ung thư sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể.

U tủy

Là một loại ung thư liên quan đến các tế bào plasma. Các tế bào plasma là các tế bào bạch cầu tạo ra các kháng thể chống lại bệnh tật cũng như các bệnh nhiễm trùng trong cơ thể. Các tế bào bị u tủy sẽ ngăn ngừa sự sản sinh thông thường của các kháng thể khỏe mạnh, dẫn đến sự suy yếu của hệ miễn dịch và khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.

Khi bệnh bạch cầubệnh u tủy phát triển trong tủy xương, chúng gây cản trở đến khả năng sản sinh ra các tế bào máu bình thường gồm bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Điều này gây ra chứng nhiễm trùng thường xuyên, thiếu máu và cơ thể dễ bị bầm tím.

Ung thư mô bạch huyết thường xuất hiện như sự lan rộng của các hạch bạch huyết. Ngoài ra, bệnh u tủy sản sinh ra một chất làm yếu xương và tạo ra những protein bất thường, dẫn đến triệu chứng ở các bộ phận khác của cơ thể.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư máu là gì?

Triệu chứng ung thư máu

Một số triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư máu, bao gồm:

  • Sốt, ớn lạnh
  • Mệt mỏi dai dẳng, suy nhược cơ thể
  • Chán ăn, buồn nôn
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Đau xương khớp
  • Khó chịu ở bụng
  • Nhức đầu
  • Khó thở
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Ngứa da hoặc phát ban trên da
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn

Nếu gặp các triệu chứng này trong thời gian dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ung thư máu là gì?

Biến đổi gen

Trong khi nguyên nhân chính xác gây ung thư máu vẫn còn chưa được xác định rõ ràng, các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh khởi phát là do sự thay đổi trong thông tin di truyền của các tế bào plasma. Sự thay đổi bất thường trong gen oncogene sẽ thúc đẩy quá trình phân chia các tế bào như c-myc, N-ras và K-ras trong giai đoạn đầu hình thành khối u.

Sự bức xạ

Bức xạ hoặc hóa trị có thể dẫn đến ung thư bằng cách gây tổn thương đến gen.

Các chất gây ung thư

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây hình thành khối u bạch huyết vẫn chưa được xác định nhưng các nhà khoa học tin rằng, một số chất gây ung thư có thể đóng vai trò quan trọng. Bởi vì chúng có khả năng làm hỏng thông tin di truyền, dẫn đến sự phát triển bất thường của chức năng điều hòa tế bào. Theo một nghiên cứu cho biết, các chất gây ung thư như thuốc nhuộm benzene hoặc thuốc nhuộm đen tóc có thể làm tăng khả năng hình thành ung thư lympho không Hodgkin.

Thuốc nhuộm gây ung thư lympho

Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư máu, bao gồm:

  • Tuổi tác
  • Giới tính
  • Tiền sử bệnh của gia đình
  • Tiếp xúc nhiều với bức xạ hoặc hóa chất
  • Một số tình trạng sức khỏe

Bạn có thể xem thêm: Ung thư máu có di truyền không?

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp ung thư máu

Để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư máu, bác sĩ có thể cần phải áp dụng nhiều xét nhiệm khác nhau như:

  • Khám lâm sàng
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm hình ảnh
  • Sinh thiết hạch bạch huyết
  • Chọc hút và sinh thiết tủy xương
  • Xét nghiệm di truyền
  • Đo dòng chảy tế bào

Những phương pháp điều trị ung thư máu

Điều trị ung thư máu

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư máu phụ thuộc nhiều vào loại ung thư, độ tuổi của bệnh nhân, tốc độ tiến triển của khối u, nơi ung thư đã di căn và các yếu tố khác. Một số phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến, bao gồm:

  • Ghép tế bào gốc (Ghép tủy): Đây là phương pháp truyền các tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh vào cơ thể. Tế bào gốc này có thể được lấy từ tủy xương, máu hoặc máu dây rốn.
  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng các thuốc chống ung thư để can thiệp và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Các loại thuốc hóa trị có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các thuốc khác. Phương pháp này còn được chỉ định trước khi cấy ghép tế bào gốc.
  • Xạ trị: Xạ trị có thể được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc để giảm đau. Phương pháp này cũng được dùng trước khi cấy ghép tế bào gốc.
  • Liệu pháp tác động tại đích: Đây là liệu pháp thường dùng để điều trị các bệnh bạch cầu dựa trên nguyên tắc dùng thuốc tác động nhắm vào các tế bào máu ác tính mà không gây hại cho tế bào khỏe mạnh.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp kích hoạt hệ miễn dịch đặc biệt chống lại ung thư máu.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng để điều trị u lympho.

Bạn có thể xem thêm: Ung thư máu có chữa được không? 

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh ung thư máu

Để phòng ngừa ung thư máu, bạn nên tránh tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, thường xuyên tập thể dục rèn luyện cơ thể và ăn các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, bạn nhé.

Nếu bạn đang gặp tình trạng ung thư máu, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được điều trị càng sớm càng tốt.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 19/01/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo