backup og meta
Chuyên mục

3

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nốt ruồi báo ung thư: Nhận biết ngay kẻo trễ

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 27/10/2023

    Nốt ruồi báo ung thư: Nhận biết ngay kẻo trễ

    Bạn có bao giờ thắc mắc về những nốt ruồi (hay mụn ruồi) xuất hiện trên da? Đây có thể là nốt ruồi vô hại nhưng cũng có khả năng là nốt ruồi báo ung thư, một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm.

    Ở con người thường tồn tại một số hiện tượng tổn thương da rất phổ biến và lành tính. Những tổn thương này có thể biểu hiện ra bên ngoài thành nốt ruồi, tàn nhang, các mảng da thừa, thay đổi sắc tố lành tính, dày sừng tiết bã và các u nhú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các biểu hiện trên da, đặc biệt là nốt ruồi bất thường, có thể là nốt ruồi cảnh báo ung thư. Hãy theo dõi quá trình mọc nốt ruồi và nhận biết xem liệu tình trạng của bạn có phải là nốt ruồi báo hiệu ung thư không nhé.

    Nốt ruồi hình thành như thế nào?

    Nốt ruồi xuất hiện khi các tế bào trong da phát triển thành một cụm thay vì phân bố đồng đều. Các tế bào này được gọi là tế bào hắc tố (melanin), chúng tạo ra sắc tố tự nhiên cho làn da của bạn. 

    Theo một nghiên cứu bệnh về da của chuyên gia da liễu người Mỹ Stephanie S. Gardner, nốt ruồi thường có màu nâu hoặc đen và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da, đơn lẻ hoặc theo nhóm, hầu hết xuất hiện ở thời thơ ấu và trong 25 năm đầu đời. Một người thường có khoảng từ 10–40 nốt ruồi trước khi trưởng thành.

    Nốt ruồi thay đổi chậm theo thời gian. Nốt ruồi ngày càng to ra, thay đổi về màu sắc và đôi khi mọc lông. Một số nốt ruồi có thể không thay đổi, trong khi một số khác lại dần dần biến mất. 

    Các loại nốt ruồi

    Các loại nốt ruồi bình thường và nốt ruồi báo ung thư

    Có nhiều loại nốt ruồi khác nhau và không phải loại nào cũng là nốt ruồi báo ung thư:

    Nốt ruồi thông thường

    Những nevi thông thường là những tổn thương sắc tố nổi trên mặt da, bờ đối xứng và có giới hạn đều đặn, rõ rệt. Nguy cơ mắc ung thư tăng gấp 3 lần ở những người có 5 nốt ruồi với đường kính hơn 5mm hoặc có hơn 50 nốt ruồi với đường kính hơn 2mm.

    Nốt ruồi không điển hình

    Tổn thương được xác định qua thăm khám gọi là nốt ruồi không điển hình, còn được xác định qua xét nghiệm mô học được gọi là nốt ruồi loạn sản. Loại nốt ruồi này thường được phân biệt với nốt ruồi bình thường thông qua các đặc điểm như sắc tố biến đổi, bờ không đều đặn, bất cân xứng, giới hạn không rõ. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời.

    Người có nốt ruồi không điển hình chiếm khoảng 2 – 7% dân số da trắng và chiếm từ 25 – 40% bệnh nhân ung thư hắc tố (mêlanôm). Nếu tiền căn gia đình có người mang sang thương tương tự, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn so với những trường hợp xuất hiện đơn độc.

    Nốt ruồi bẩm sinh

    Nốt ruồi bẩm sinh là tình trạng tự nhiên mọc nốt ruồi ở mặt hoặc bất kỳ vị trí nào trên da ngay từ lúc mới sinh, thường chỉ xảy ra ở khoảng 1/100 người. Loại này có xu hướng phát triển thành u ác tính (ung thư) nhiều hơn loại xuất hiện sau khi sinh. Ung thư hắc tố ở trẻ em hiếm gặp, tuy nhiên trong những trường hợp nốt ruồi bẩm sinh khổng lồ thì lại có nguy cơ mắc bệnh cao. Tổn thương thường nhô lên, giới hạn rõ và có những chấm sắc tố. Những nốt ruồi bẩm sinh lớn xuất hiện ở 1/1.000 đến 1/20.000 trẻ sơ sinh. Nốt ruồi chiếm hơn 5% diện tích da thì tỉ lệ mắc bệnh tăng gấp 1000 lần bình thường. 

    Nốt ruồi Spitz

    Đây là một dạng nốt ruồi lành tính, thường gặp ở trẻ em, nhưng dễ bị nhầm lẫn với các khối u hắc tố ác tính. Nốt ruồi Spitz thường có đường kính nhỏ hơn 1cm, có thể tương tự như mụn cóc hay bướu mạch máu nhỏ. U hắc tố ác tính thường được chẩn đoán sau 10 tuổi, có tổn thương loét, đường kính lớn hơn 1cm, tổn thương cả lớp mỡ dưới da. 

    Hội chứng nốt ruồi không điển hình có tính gia đình

    Ung thư hắc tố có thể có tính gia đình hoặc xuất hiện rời rạc. Hội chứng nốt ruồi loạn sản là một bệnh lý di truyền nhiễm sắc thể trội, bệnh làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư hắc tố. Nốt ruồi không điển hình trong hội chứng này thường nằm ở vùng thân, vùng ít tiếp xúc với ánh sáng. Tổn thương có thể phát triển từ sang thương không điển hình, nhưng thường thì xuất hiện tại vùng da lành không có bằng chứng tổn thương mô học trước đó. Do vậy, việc loại bỏ các nốt ruồi không điển hình không có ý nghĩa phòng bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy có lẽ bệnh liên quan đến đột biến gen. 

    Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hắc tố da

    Đôi khi, các nốt ruồi ung thư có thể phát triển và là dấu hiệu cảnh báo bệnh, đặc biệt là ung thư hắc tố da. Ung thư hắc tố là một dạng ung thư da nguy hiểm do có tiên lượng xấu và di căn từ khá sớm. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư hắc tố, bao gồm:

    • Tuổi càng cao tỉ lệ mắc càng tăng.
    • Tiếp xúc nhiều với tia UVB: Tia cực tím B là yếu tố môi trường có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển khối u hắc tố ác tính. Những người tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như người thường làm việc bên ngoài, thường phơi nắng, tắm nắng hoặc bị cháy nắng có nguy cơ phát triển ung thư hắc tố cao hơn. Tia cực tím là yếu tố nguy cơ dễ thay đổi nhất, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với tia UV không phải là điều kiện bắt buộc để phát triển ung thư hắc tố.
    • Tiếp xúc nhiều với các hóa chất độc hại như dung môi hydrocarbon, amiăng, kim loại…cũng là yếu tố gây tăng khả năng xuất hiện các nốt ruồi báo ung thư và các khối u ác tính.
    • Những người có nhiều nốt ruồi (trên 100) hoặc có các nốt ruồi không điển hình có nguy cơ cao phát triển ung thư hắc tố cao hơn. Điều này không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn cần đặc biệt thận trọng khi tiếp xúc với tia UV cũng như cần kiểm tra các nốt ruồi của mình thường xuyên hơn. 
    • Có người thân trong gia đình mắc u hắc tố ác tính
    • Từng mắc ung thư hắc tố: Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 3,4% bệnh nhân trước đây được chẩn đoán mắc ung thư hắc tố ở giai đoạn I và II có tổn thương thứ hai. 
    • Những bệnh nhân ghép tạng và những trường hợp ức chế miễn dịch khác: Những bệnh nhân này có nguy cơ mắc bệnh thay đổi tùy vào mức độ ức chế miễn dịch. Trung bình, khả năng mắc ung thư hắc tố tăng gấp 3 lần dân số bình thường ở trẻ em, đôi khi tăng đến 6 lần.
    • Kiểu hình: Nguy cơ cao thường gặp ở người da tái, da kém thích ứng với ánh sáng, tóc, mắt màu sáng và có tàn nhang. Bệnh nhân bạch tạng, do thiếu melanin bảo vệ trước ánh sáng, cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Ngoài ra, bệnh nhân xơ bì sắc tố và các nhóm có khả năng bảo vệ kém đối với ánh sáng cũng có nguy cơ tương tự.
    • Vai trò của thai kỳ và estrogens trong ung thư hắc tố: Một số báo cáo cho rằng những bệnh nhân ung thư hắc tố mang thai có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứ nào khẳng định được vấn đề này. Hiện chưa có bằng chứng về việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh khi sử dụng estrogen. 

    Làm sao để nhận biết nốt ruồi báo ung thư?

    Nếu nhận thấy có sự thay đổi về màu sắc, kích thước hoặc hình dạng của nốt ruồi, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu hoặc tốt hơn hết là bác sĩ chuyên khoa ung thư để được chẩn đoán kỹ hơn. Bạn cũng nên đi kiểm tra nếu chúng chảy máu, ngứa hoặc nốt ruồi bị đau đớn.

    Nhận biết nốt ruồi báo ung thư

    Bạn có thể kiểm tra hình ảnh nốt ruồi ung thư da bằng gương hoặc nhờ ai đó kiểm tra giúp. Đặc biệt, hãy chú ý đến các vùng da thường phơi nắng như tay, cánh tay, ngực, cổ, mặt, tai, chân và lưng.

    Nếu nốt ruồi không thay đổi theo thời gian thì bạn không cần lo lắng quá nhiều. Nếu nhận thấy bất cứ dấu hiệu thay đổi nào như việc mọc nốt ruồi mới hoặc nếu muốn tẩy xóa nốt ruồi vì lý do thẩm mỹ, bạn nên hỏi ý kiến, bàn bạc với bác sĩ da liễu và bác sĩ chuyên khoa ung thư.

    Vậy, dấu hiệu nốt ruồi ung thư như thế nào? Sau đây là các đặc điểm quan trọng bạn cần xem xét khi kiểm tra nốt ruồi. Nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào được liệt kê theo quy luật ABCDE dưới đây, bạn hãy đến bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư kiểm tra ngay vì đó có thể là nốt ruồi báo ung thư da.

    • A (Asymmetric): Có tính bất đối xứng
    • B (Border irregularity): Bờ không đều hoặc lan tràn
    • C (Color variegation): Màu sắc không đồng nhất 
    • D (Diameter): Đường kính lớn hơn 5mm 
    • E (Enlargement hoặc Evolution): Lan rộng hay tiến triển. 

    Chảy máu và loét xuất hiện trong 10% trường hợp ung thư hắc tố tại chỗ và 54% ung thư ở giai đoạn trễ, báo hiệu tiên lượng xấu. 70% khối u xuất hiện trên các nốt ruồi bẩm sinh, thường gặp ở vùng thân mình (24%), đầu cổ (20%), chi (10%).

    Ung thư hắc tố rất hay di căn hạch, bị di căn sớm thường to nhanh, nhiều khi hạch lớn gấp nhiều lần so với u. Hạch di căn có thể đứng thành chùm, chèn ép gây đau.

    Bên cạnh u có thể thấy những cục nổi dưới da. Phổi, gan, não là những cơ quan hay bị di căn, tùy theo từng bộ phận và giai đoạn mà có thể kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, đau tức mạn sườn, đau đầu.

    Trên thực tế lâm sàng, ung thư hắc tố gồm 4 loại:

    • Ung thư hắc tố thể lan rộng theo bề mặt (70%).
    • Ung thư hắc tố thể phẳng (4 – 10%).
    • Ung thư hắc tố thể cục (8 – 20%).
    • Ung thư hắc tố thể nốt ruồi son (5 – 10%).
    • Ung thư hắc tố không xếp loại (0 – 5%).

    Dò tìm và xác định nốt ruồi báo ung thư da

    Cách tốt nhất để giúp bạn phát hiện ung thư da là biết rõ tính chất của các nốt ruồi biểu hiện ung thư trên da. Bạn nên tự khám da thường xuyên, nhất là khi trong gia đình bạn có người bị ung thư hắc tố da. Bạn cũng đừng bỏ quên những vùng không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như da đầu, dưới nách, chân (móng chân, lòng bàn chân và vùng giữa các ngón chân), lòng bàn tay và móng tay, khu vực xung quanh bộ phận sinh dục và vùng dưới nhũ hoa, thân mình. Bạn có thể dùng thêm một tấm gương nhỏ cầm tay kèm với gương lớn để dễ dàng quan sát những khu vực phía sau lưng. Nếu nhận thấy những biểu hiện của nốt ruồi báo ung thư (như đã trình bày ở phần trên), bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám ngay.

    Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành khám da toàn bộ để xác định bệnh ung thư da. Khi thấy một nốt ruồi bất thường ung thư, họ có thể:

    • Chỉ định phẫu thuật cắt rộng với mục đích vừa để điều trị, vừa để sinh thiết chẩn đoán. Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định xem đây có phải là tổn thương ung thư hay không.
    • Xác định dựa trên lâm sàng và tiến hành điều trị tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Khi nghi ngờ là ung thư hắc tố, bác sĩ sẽ thăm khám hết sức nhẹ nhàng để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào ung thư di căn. Bởi lẽ các tế bào thường rất nhỏ, liên kết lỏng lẻo nên dễ dịch chuyển khỏi tổ chức u nguyên phát và di căn sang các cơ quan khác. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bạn. Ngoài phẫu thuật, bác sĩ có thể áp dụng xạ trị hoặc hóa trị. 

    Phòng ngừa ung thư da

    Theo dõi nốt ruồi báo ung thư

    Để ngăn ngừa nguy cơ ung thư da, bạn hãy thử áp dụng một số cách sau:

    • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt vào giữa trưa. Bạn hãy mặc các loại quần áo dài để che chắn tay và chân.
    • Đội mũ rộng vành để bảo vệ mặt, đầu, cổ và tai.
    • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF trên 15.
    • Tránh tắm nắng nhân tạo
    • Nếu tiền căn gia đình có người mắc ung thư hắc tố hoặc hội chứng nốt ruồi không điển hình thì nên được theo dõi sát để phát hiện các nốt ruồi báo ung thư trên cơ thể.

    U hắc tố ác tính nếu phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn khu trú (giai đoạn I và II) có tiên lượng sống tương đối tốt. Ngược lại, các giai đoạn sau, đặc biệt khi đã di căn hạch và di căn xa, tiên lượng sống của bệnh nhân rất xấu, khó điều trị và hiệu quả kém. 

    Kết quả sống còn 5 năm theo giai đoạn tương ứng với độ dày của bướu (Breslow thông qua xét nghiệm):

    • Giai đoạn I: < 0,7mm, sống còn 98%.
    • Giai đoạn II: 0,76 – 1,49mm, sống còn 87 – 94%.
    • Giai đoạn III: 1,5 – 3,99mm, sống còn 66 – 83%.
    • Giai đoạn IV: Từ 4mm trở lên, sống còn < 5%.

    Vì vậy, việc phát hiện các khối u hắc tố ác tính sớm và điều trị kịp thời giúp đem lại cơ hội điều trị thành công cao hơn và cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nốt ruồi báo ung thư kể trên, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư để được thăm khám kịp thời nhé. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Ban biên tập Hello Bacsi


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 27/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo