backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thường xuyên bị muỗi đốt là do đâu? Khám phá 7 lý do thú vị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 25/10/2023

    Thường xuyên bị muỗi đốt là do đâu? Khám phá 7 lý do thú vị

    Bạn thấy lạ khi mình hay bị muỗi đốt trong khi người ngay bên cạnh lại chẳng bao giờ bị chúng làm phiền? Tại sao lại thế? Có phải là do da thịt bạn thơm như cách dân gian vẫn hay giải thích. 

    Nếu là người hay bị muỗi đốt thì bạn cũng chẳng phải là “kẻ cô đơn” bởi ước tính có khoảng 20% dân số thu hút muỗi. Dưới đây là 7 lý do được các nhà khoa học đưa ra để giải thích vì sao lại có một số người hay bị muỗi đốt nhiều hơn những người khác.

    1. Hay bị muỗi đốt do màu sắc của trang phục

    Muỗi thật ra cũng dùng mắt trong việc định hướng đối tượng để đốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy thị giác ở muỗi rất nhạy, đặc biệt là vào cuối buổi trưa. Ngoài ra, phương thức đầu tiên để muỗi tìm đến người cũng chính bằng thị giác của chúng.

    Các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu bạn mặc trang phục có những màu đậm như đen, xanh dương đậm hay đỏ thì muỗi sẽ dễ dàng nhận diện nên bạn cũng dễ bị muỗi đốt hơn.

    2. Người hay bị muỗi đốt do nhóm máu

    bị muỗi đốt

    Nhiều người thường thắc mắc người hay bị muỗi đốt là nhóm máu gì, nhóm máu hay bị muỗi đốt là nhóm máu nào hay nhóm máu gì muỗi không đốt? Thực tế, điều thắc mắc này hoàn toàn có cơ sở khoa học.

    Muỗi đực trưởng thành sống sót dựa vào mật hoa để lấy chất dinh dưỡng, nhưng muỗi cái lại cần protein trong máu người để sản xuất trứng. Vì vậy, sẽ có một số nhóm máu hay bị muỗi đốt và số còn lại thì không. 

    Nhiều nghiên cứu đã cho thấy người hay bị muỗi đốt thường có nhóm máu O. Tỷ lệ này nhiều hơn gấp 2 lần so với những người có nhóm máu A. Trong khi đó, nhóm máu B thì nằm ở khoảng giữa về mức độ thu hút muỗi.

    Ngoài ra, có khoảng 85% dân số có khả năng sản xuất ra một chất có tác dụng làm tín hiệu tiết lộ mình thuộc nhóm máu gì. Điều này cũng giúp lý giải tại sao người thuộc các nhóm máu này cũng bị muỗi “chú ý chăm sóc” nhiều hơn.

    3. Bị muỗi đốt do hơi thở

    Tại sao lại bị muỗi đốt nhiều hơn người khác hay tại sao hay bị muỗi đốt hay người hay bị muỗi đốt là do đâu? Bạn có biết muỗi có thể đánh hơi được khí CO2 (carbon dioxide) cách xa tới khoảng gần 500m. Do đó, chính hơi thở của bạn cũng sẽ trở thành nguồn tín hiệu thu hút muỗi. Đáng chú ý là những người to con thường thở ra mạnh hơn nên cũng dễ bị muỗi tấn công nhiều hơn.

    Trong quá trình hô hấp, bạn sẽ thải ra CO2 thông qua mũi và miệng, thế nên muỗi thường bị thu hút nhiều đến khu vực xung quanh đầu. Khi ấy, bạn thường có cảm giác rằng muỗi bay lờn vờn xung quanh đầu mình.

    4. Mang thai khiến bạn hay bị muỗi đốt

    bị muỗi đốt

    Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc: tại sao lại bị muỗi đốt nhiều hơn người khác hay hay bị muỗi đốt là thiếu chất gì?

    Theo các chuyên gia sức khỏe phụ nữ đang ở trong giai đoạn thai kỳ cũng dễ trở thành đối tượng bị muỗi đốt thường xuyên hơn những người khác. Một nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ bị sốt xuất huyết cao hơn gấp 2 lần so với những phụ nữ bình thường.

    Các nhà khoa học đưa ra giải thích rằng nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai hay bị muỗi đốt nhiều hơn chính là do sự gia tăng lượng CO2 thải ra. Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ thở ra lượng CO2 nhiều hơn 21% bình thường và thân nhiệt cũng tăng lên đôi chút nên nguy cơ bị muỗi đốt cao hơn.

    5. Tại sao bị muỗi đốt nhiều? Câu trả lời là do thân nhiệt

    Bạn có từng thắc mắc rằng sau khi vận động, hay khi trời nóng đổ mồ hôi, tại sao bị muỗi đốt nhiều hơn? Câu trả lời rất đơn giản một phần là do cơ thể đang tăng thân nhiệt.

    Ngoài khí CO2 thì muỗi cũng đánh hơi khá nhạy một số mùi khác như axit lactic, axit uric và nhiều hợp chất khác trong mồ hôi. Bên cạnh đó, muỗi đặc biệt rất thích những người có thân nhiệt cao.

    Bạn sẽ dễ trở thành đối tượng tấn công của muỗi hơn sau khi tập thể dục do cơ thể sẽ tăng lượng axit lactic và thân nhiệt cũng tăng cao hơn.

    Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến gene cũng ảnh hưởng đến sản lượng axit uric, khiến một số người hay bị muỗi đốt nhiều hơn những người khác.

    6. Bị muỗi đốt do vi khuẩn

    bị muỗi đốt

    Ngoài những nguyên nhân kể trên thì người hay bị muỗi đốt còn là do đâu? Câu trả lời là lượng vi khuẩn trú ngụ trên da bạn cũng có thể là tác nhân thu hút muỗi.

    Một vài nghiên cứu đã cho thấy loại da và lượng vi khuẩn trên da cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến bạn hay bị muỗi đốt nhiều hơn. Da chính là nơi trú ngụ của vô vàn loại vi khuẩn và chính chúng cũng góp phần tạo ra một mùi hương đặc trưng ở mỗi người.

    Trong một nghiên cứu, một nhóm nam giới đã được chia ra thành hai nhóm: nhóm dễ bị thu hút bởi muỗi và nhóm còn lại thì không. Kết quả nghiên cứu cho thấy làn da của nhóm đối tượng được muỗi “ưa thích” có một số loại vi khuẩn nhất định trú ngụ. Điều này cũng có thể giải thích nguyên do tại sao một số loài muỗi lại thường tấn công ở dưới chân, khu vực đặc biệt có rất nhiều vi khuẩn trú ngụ.

    7. Hay bị muỗi đốt là do uống bia 

    Vì sao hay bị muỗi đốt sau khi uống bia? Có nhiều ý kiến cho rằng trạng thái cơ thể sau khi uống bia cũng khiến bạn dễ bị muỗi đốt hơn những người khác.

    Một nghiên cứu đã cho thấy có nhiều muỗi xuất hiện hơn sau khi bạn uống bia. Nguyên nhân được đưa ra có thể là do sự gia tăng lượng ethanol làm tăng tiết mồ hôi và nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên.

    Muỗi chắc hẳn không phải là loài côn trùng thân thiện khi vừa khiến bạn bị ngứa ngáy khắp người lại là vật trung gian truyền nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da, bệnh giun chỉ… Vì thế, hãy vệ sinh môi trường xung quanh thường xuyên và áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 25/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo