“Cho trẻ chích ngừa ung thư cổ tử cung HPV cần tiêm mấy mũi?” là thắc mắc của không ít các ông bố bà mẹ có con trong độ tuổi dậy thì. Bởi việc chủng ngừa vắc xin ung thư cổ tử cung HPV được cho là giúp phòng tránh nhiều bệnh lý ung thư nguy hiểm cho trẻ trong tương lai.
HPV là tên gọi của các chủng virus gây u nhú ở người, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Trong đó, một vài chủng gây ra mụn cóc sinh dục nhưng một số chủng khác có khả năng gây ra bệnh ung thư gồm ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ ở phụ nữ, ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn hoặc ung thư hầu họng ở cả nam và nữ. Để phòng ngừa các bệnh lý nghiêm trọng do HPV gây ra thì việc tiêm vắc xin phòng HPV ngay từ sớm là biện pháp tối ưu, mang lại hiệu quả tốt hiện nay. Vậy trẻ chích ngừa ung thư cổ tử cung với vắc xin HPV cần tiêm mấy mũi? Hãy cùng Hello Bacsi đi tìm câu trả lời cho vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Vì sao trẻ nên tiêm phòng vắc xin ngừa HPV
Việc tiêm phòng HPV được khuyến cáo thực hiện cho các thanh thiếu niên từ 9-26 tuổi, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa. Trong đó, độ tuổi lý tưởng nhất để tiêm vắc xin HPV là 11-12 tuổi, khi chưa có hoạt động quan hệ tình dục. Việc chủ động phòng ngừa từ sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất nên đó là lý do vì sao trẻ nên được tiêm vắc xin để nhận được sự bảo vệ từ trước khi tiếp xúc với virus. Trong đó, bệnh lý nguy hiểm nhất ở phụ nữ cần được phòng ngừa chính là ung thư cổ tử cung.
Theo ghi nhận tại Hoa Kỳ, kể từ khi vắc xin phòng ngừa HPV được sử dụng đã giúp:
- Giảm tỷ lệ nhiễm trùng các chủng HPV gây ra hầu hết bệnh ung thư và mụn cóc sinh dục tới 88% ở trẻ em gái tuổi teen và 81% ở phụ nữ trẻ trưởng thành.
- Tỷ lệ tiền ung thư cổ tử cung do HPV gây ra giảm 40% ở những người phụ nữ đã tiêm phòng.
- Ngăn ngừa gần 33,700 ca ung thư có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng do HPV gây ra mỗi năm ở cả nam và nữ.
Tại Việt Nam, hiện nay vắc xin ngừa HPV được chỉ định tiêm cho cả nam và nữ trong độ tuổi từ 9-26 theo khuyến cáo từ nhà sản xuất.
Thực tế là virus HPV gây bệnh không phân biệt giới tính, một số chủng có thể gây ra nhiều bệnh lý ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ như ung thư hậu môn, ung thư vùng hầu họng. Thậm chí, mức độ lưu hành của virus này ở nam giới còn cao hơn nữ giới (ước tính khoảng 91% ở nam và 85% ở nữ). Hiện tại, khả năng miễn dịch cộng đồng với HPV ở nam giới chủ yếu phụ thuộc vào việc tiêm chủng phòng ngừa ở nữ giới. Thế nên, không riêng gì các gia đình có bé gái mà các gia đình có con trai cũng nên tìm hiểu về việc tiêm vắc xin phòng ngừa HPV để bảo vệ sức khỏe cho con từ sớm.
Giải đáp: Cho trẻ chủng ngừa vắc xin HPV cần tiêm mấy mũi?
Bạn đang đi tìm câu trả lời cho thắc mắc “cho trẻ chích ngừa ung thư cổ tử cung HPV cần tiêm mấy mũi?”, đừng bỏ qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được ngay sau đây!
Theo các chuyên gia sức khỏe, lịch trình tiêm chủng vắc xin HPV cho trẻ cần bao nhiêu mũi còn tùy thuộc vào loại vắc xin sử dụng.
* Trẻ từ 9 đến dưới 15 tuổi:
Trẻ trong độ tuổi này cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng HPV cách nhau 6-12 tháng, mũi đầu tiên được khuyến nghị tiêm vào lúc 11-12 tuổi. Lịch trình cụ thể như sau:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi phù hợp
- Mũi 2: cách mũi 1 từ 6-12 tháng.
Cần lưu ý là nếu khoảng cách tiêm mũi 2 sau khi tiêm mũi đầu tiên dưới 5 tháng thì cần tiêm thêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất là 3 tháng.
* Trẻ trên 15 tuổi đến phụ nữ dưới 27 tuổi:
Với trẻ trên 15 tuổi, việc tiêm phòng HPV cần tiêm theo phác đồ 3 mũi 0-2-6. Cụ thể:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
- Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
- Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.
Trường hợp muốn rút ngắn liệu trình tiêm phòng cho trẻ, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để có thể áp dụng phác đồ tiêm nhanh như sau:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
- Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
- Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
Lưu ý và các tác dụng phụ có thể gặp phải sau tiêm vắc xin HPV và chăm sóc trẻ sau chủng ngừa
Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc “cho trẻ chích ngừa ung thư cổ tử cung HPV cần tiêm mấy mũi?”, nhiều bậc cha mẹ cũng quan tâm về các nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải sau chủng ngừa loại vắc xin này. Theo các chuyên gia, cho đến này, hầu như chưa ghi nhận trường hợp nào gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng do vắc xin HPV gây ra dù sau khi tiêm trẻ có thể gặp phải một vài phản ứng từ nhẹ đến nặng như:
- Phản ứng tại vị trí tiêm: đau, sưng, nổi ban, ngứa, bầm tím, nhạy cảm…
- Phản ứng toàn thân: sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…
Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ sau khi tiêm phòng như khó thở, tím tái, ngất xỉu, đau quặn… hãy ngay lập tức liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ can thiệp kịp thời. Trường hợp trẻ bị dị ứng với các thành phần của vắc xin từ lần tiêm trước thì không nên tiếp tục tiêm phòng.
Để đảm bảo an toàn, trẻ nên ngồi hoặc nằm tại cơ sở tiêm phòng HPV trong ít nhất khoảng 30 phút sau khi tiêm để theo dõi các phản ứng và tránh bị chấn thương do ngất xỉu, chóng mặt.
Như vậy, việc phòng ngừa HPV cần tiêm mấy mũi vắc xin sẽ tùy thuộc vào loại vắc xin sử dụng và độ tuổi của trẻ khi đi tiêm. Hãy nhớ việc phòng ngừa càng sớm thì hiệu quả ngăn chặn sự phát triển của các bệnh lý nguy hiểm do HPV gây ra càng cao.
[embed-health-tool-bmi]