backup og meta

Dạy trẻ cách xử lý trong những ngày đèn đỏ khi ở trường

Dạy trẻ cách xử lý trong những ngày đèn đỏ khi ở trường

Đối với các cô bé, khi bước vào tuổi dậy thì, kinh nguyệt là một trong những vấn đề khiến trẻ bối rối. Là cha mẹ, bạn hãy hướng dẫn cho trẻ cách xử lý trong những ngày đèn đỏ để trẻ có thể cảm thấy thoải mái và tự tin khi đến trường.

Chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 2 – 7 ngày, đi kèm với nó là các triệu chứng như khó chịu, đau bụng, thiếu tập trung và mệt mỏi. Dưới đây là một số chia sẻ của Hello Bacsi để giúp bạn có cách hỗ trợ con tốt nhất trong những ngày này.

Hiểu về chu kỳ kinh nguyệt

Sự xuất hiện của kinh nguyệt là một điều bình thường khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Đây là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của trẻ, cho thấy rằng trẻ đang thay đổi từ một cô bé trở thành thiếu nữ.

Trong những ngày đèn đỏ, một số trẻ phải đối mặt với nhiều đau đớn, khó chịu cùng với những cảm xúc tiêu cực. Thế nhưng, cũng có một số trẻ lại trải qua thời gian này rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, dù trẻ rơi vào tình huống nào, bạn hãy giúp trẻ sẵn sàng để xử lý vấn đề này khi ở nhà hay ở trường.

Cách xử lý ngày đèn đỏ khi trẻ ở trường

Ở gian đoạn đầu, rất khó để nhận biết khi nào kinh nguyệt xuất hiện. Vậy nếu kinh nguyệt xuất hiện khi trẻ đang ở trường thì phải làm sao? Đây là lo lắng rất thường gặp ở các cô bé. Là cha mẹ, bạn nên hướng dẫn và chuẩn bị sẵn cho bé một vài thứ cần thiết.

1. Nói chuyện với cô giáo

Hãy dặn trẻ khi có kinh ở trường, con nói với cô giáo thay vì bạn bè vì cô giáo có thể hỗ trợ tốt hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể nói với cán bộ y tế của trường.

2. Đừng hoảng sợ

ngày đèn đỏ khi ở trường

Nếu kinh nguyệt xuất hiện khi trẻ đang ăn trưa hoặc học thể dục, trẻ cần bình tĩnh và đừng hoảng sợ. Nếu trẻ không biết xử lý như thế nào, hãy đến gặp cô giáo. Còn nếu những triệu chứng kinh nguyệt khiến trẻ khó chịu, hãy gọi điện thoại cho ba mẹ đến đón.

3. Chuẩn bị sẵn một bộ quần áo dự phòng

Nếu trường học có tủ đựng đồ cho học sinh, trẻ đem thêm một bộ đồ để thay nếu chẳng may kinh nguyệt đến bất ngờ và dính ra quần áo. Tuy nhiên, nếu không có sẵn quần áo, bạn hướng dẫn trẻ dùng áo khoác để che đi vết bẩn hoặc gọi điện để bạn mang quần áo đến.

4. Đừng nói quá chi tiết với bạn bè

Nếu trẻ thay quần áo mới và bạn bè có thể sẽ nhận thấy, thì con cứ bình tĩnh và nói với các bạn rằng mình làm dính mực vào quần áo nên mới phải thay. Dặn trẻ đừng nói quá cụ thể để không cảm thấy xấu hổ vì chuyện thầm kín này.

Nếu trẻ có kinh thì cần chuẩn bị gì trước khi đi học?

Khi có kinh ở trường, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ và khó chịu, đi kèm với đó là cảm giác đau bụng râm ran. Mặc dù khó chịu nhưng trẻ vẫn phải đến lớp để không bị mất bài vở.

Nếu trẻ đã được trang bị những vật dụng cần thiết thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy dạy trẻ rằng xuất hiện kinh nguyệt không phải là điều gì đó đáng xấu hổ, quan trọng là trẻ phải giữ được sự bình tĩnh.

1. Chuẩn bị sẵn băng vệ sinh và quần lót

Luôn để sẵn trong cặp trẻ một miếng băng vệ sinh và quần lót sạch. Dạy trẻ theo dõi các dấu hiệu khi có kinh. Nếu nghi ngờ, trẻ hãy lót sẵn một miếng băng vệ sinh vào quần lót trước khi đi học. Điều này sẽ giúp trẻ không cần phải lo lắng về vết bẩn. Ngoài ra, hãy dặn trẻ luôn mang theo áo khoác để đề phòng trường hợp khẩn cấp, con có thể dùng áo này để che.

ngày đèn đỏ ở trường

2. Mang theo một thanh chocolate

Nếu trẻ thường có các triệu chứng tiền kinh nguyệt, hãy chuẩn bị cho trẻ một món ăn nhẹ để nâng cao tinh thần. Chocolate là một sự lựa chọn tốt bởi theo nghiên cứu, món ăn này có thể giúp ổn định cảm xúc rất nhanh.

3. Uống thuốc giảm đau trước khi đến trường

Nếu trẻ thấy các dấu hiệu tiền kinh nguyệt vào buổi sáng, hãy uống một viên thuốc giảm đau trước khi đi học. Điều này sẽ giúp trẻ bớt khó chịu. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ uống, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé.

4. Theo dõi các triệu chứng khi sắp có kinh

Trong những tháng đầu, kinh nguyệt có thể không xuất hiện đúng ngày. Vì vậy, bạn hãy hướng dẫn trẻ lắng nghe cơ thể mình. Quan sát các triệu chứng thường gặp và theo dõi những triệu chứng này.

Nếu kinh nguyệt xuất hiện trong những ngày trẻ có tiết học ngoài trời thì phải làm sao?

Đừng quá lo lắng về vấn đề này, trong thời gian hành kinh, mọi hoạt động đều có thể diễn ra bình thường nhưng quan trọng là bạn phải dạy trẻ cách giữ vệ sinh hợp lý. Nếu dùng băng vệ sinh, bạn nên nói trẻ chú ý thay trong giờ ra chơi để tránh vết bẩn lan ra ngoài.

Làm thế nào để giảm đau bụng?

Những cơn đau bụng kinh có thể khiến trẻ khó chịu, đặc biệt là khi trẻ ở trường. Bạn có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau trước khi học. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị cho trẻ một túi chườm ấm để giúp giảm đau. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng cũng có tác dụng rất lớn. Bên cạnh những cách trên, bạn có thể cho trẻ thử một số bí quyết sau:

1. Nằm xuống: Hãy dặn trẻ xin phép giáo viên lên phòng y tế nghỉ một lát nếu cảm thấy quá khó chịu. Hầu như trường nào cũng có phòng y tế.

2. Nhẹ nhàng xoa bụng khi đi vệ sinh: Điều này sẽ giúp giảm đau. Massage theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ để làm dịu các cơn co thắt.

3. Đi bộ xung quanh sân trường để thư giãn các cơ: Biện pháp này cũng có thể giúp giảm đau bụng hiệu quả.

Đôi khi, các cơn đau bụng có thể rất khủng khiếp. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung. Nếu rơi vào tình huống này, bạn hãy đưa trẻ đến bác sĩ khám ngay nhé. Nếu không phải do bệnh, bác sĩ sẽ kê toa một thuốc để giúp trẻ giảm đau. Đa phần, trẻ càng lớn thì các cơn đau này có xu hướng giảm bớt.

Một số biện pháp giảm đau bụng kinh

Dưới đây là một số biện pháp giảm bớt các cơn đau bụng tại nhà mà bạn có thể cho trẻ thử:

1. Ngò tây

Ngò tây là một loại thảo mộc rất hữu ích trong việc điều trị các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt, đặc biệt nếu trẻ hay bị trễ kinh.

2. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc

Uống trà hoa cúc mỗi buổi sáng là cách để giảm đau bụng kinh hiệu quả.

3. Chườm ấm

Đặt một túi nước ấm lên bụng để giảm đau bụng kinh hiệu quả. Trẻ sẽ thấy nhẹ nhàng và thư giãn khi chườm ấm.

4. Tập thể dục

Tập luyện nhẹ nhàng cũng giúp giảm đau bụng rất tốt. Bạn có thể thử cho trẻ tập thiền hoặc yoga.

5. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, magiê và kẽm để hạn chế bị đau bụng mỗi khi đến tháng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng điều này sẽ có tác động tích cực đến các cơn đau bụng kinh.

Một số băn khoăn thường gặp của trẻ khi có kinh ở trường

1. Làm thế nào để tránh vết bẩn lan ra ngoài quần áo?

Bạn có thể dạy trẻ một số bí quyết sau để tránh vấy bẩn ra quần áo khi ở trường:

  • Sử dụng băng vệ sinh có cánh, có độ dày và kích cỡ phù hợp

Băng vệ sinh có nhiều loại với độ dày và chiều dài khác nhau. Vì vậy, hãy dạy trẻ cách chọn loại băng vệ sinh phù hợp. Trong những ngày đèn đỏ đầu, máu có thể chảy nhiều, trẻ sẽ cần đến một miếng băng to và dày. Vào những ngày đèn đỏ sau, máu sẽ bớt dần, trẻ có thể dùng những miếng băng mỏng hơn. Điều này sẽ tránh bị tràn ra ngoài.

  • Đặt băng vệ sinh đúng vị trí

Dạy trẻ đặt băng vệ sinh ngay với quần lót để tránh bị lan ra ngoài. Không dán băng vệ sinh quá cao hoặc quá thấp vì như vậy cũng dễ bị thấm ra ngoài.

2. Cần chuẩn bị gì cho trẻ khi đi học trong thời gian có kinh?

Dưới đây là một số vật dụng mà bạn nên nói trẻ chuẩn bị sẵn:

  • Túi có khóa kéo

Mua cho trẻ một chiếc túi để mang theo những vật dụng cần thiết trong thời gian này. Lựa những chiếc túi không quá nhỏ nhưng cũng đừng quá to để trẻ có thể bỏ vừa vào cặp. Khi chọn túi, bạn nên chọn những loại có khóa kéo để đảm bảo sự kín đáo.

  • Lịch

Lịch bỏ túi

Luôn để sẵn một quyển lịch nhỏ trong túi của trẻ để trẻ để ghi lại ngày bắt đầu hành kinh. Điều này sẽ giúp trẻ đoán được khi nào xuất hiện kỳ kinh tiếp theo. Tuy nhiên, trong vài năm đầu, thời gian có kinh sẽ không đều. Vì vậy, khi đến thời điểm sắp có, trẻ có thể lót sẵn một miếng băng.

  • Đồ lót và băng vệ sinh

Luôn để sẵn một chiếc quần lót và một miếng băng vệ sinh trong túi để phòng trường hợp bị thấm ra ngoài.

  • Chuẩn bị giấy báo để gói đồ dơ

Sau khi thay băng vệ sinh, dạy trẻ đừng vứt xuống bồn cầu vì có thể gây tắc nghẽn. Để sẵn một ít giấy báo trong túi để trẻ gói quần lót dơ hoặc băng vệ sinh đã sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị cho trẻ thêm một chiếc túi thơm để ngăn mùi hôi.

  • Thuốc giảm đau

Đau bụng kinh có thể khiến trẻ khó chịu. Nếu con gái thường hay bị những cơn đau này hành hạ, hãy để sẵn cho trẻ một ít thuốc. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước nhé.

  • Khăn giấy

Chuẩn bị sẵn một ít khăn giấy sạch để trẻ vệ sinh bộ phận sinh dục. Không sử dụng khăn em bé, khăn giấy ướt khi lau vùng sinh dục vì rất dễ gây kích ứng hoặc nhiễm trùng.

3. Làm thế nào để mọi người không biết mình đang có kinh?

Kinh nguyệt là điều bình thường ở phụ nữ và không có gì đáng xấu hổ. Tuy nhiên, đây là một việc riêng tư. Vì vậy, đừng để những vết bẩn lan ra quần áo thông báo với cả thế giới rằng mình đang đến tháng. Dưới đây là một số điều bạn nên dạy trẻ:

  • Mặc quần áo màu tối

Quần màu tối có thể khiến mọi người khó nhận ra được các vết bẩn. Chọn quần màu xanh đậm, nâu hoặc đen khi có kinh nguyệt. Nếu bị thấm ra ngoài sẽ ít bị chú ý hơn.

  • Đặt khăn màu tối lên giường

Nếu trẻ nghỉ ở phòng y tế, hãy dặn trẻ đặt một chiếc khăn để tránh bị thấm ra ngoài, làm bẩn giường.

4. Làm thế nào để cảm thấy thoải mái khi ở trường trong những ngày đèn đỏ?

Nếu trẻ bình tĩnh, lạc quan, trẻ có thể vượt qua được mọi tình huống. Dưới đây là một số biện pháp để trẻ cảm thấy thoải mái hơn:

  • Uống nhiều nước
  • Ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng
  • Tập thể dục thường xuyên vì như vậy sẽ giúp giảm bớt các cơn đau bụng
  • Mặc quần áo màu tối để không quá lo lắng về việc có thể thấm ra ngoài.

Bích Ngân/HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can Your Period Change Your Bathroom Habits? – https://www.everydayhealth.com/digestive-health/diarrhea-and-your-period/ – Ngày truy cập: 5/10/2018

Coping with common period problems – https://kidshealth.org/en/teens/menstrual-problems.html – Ngày truy cập: 5/10/2018

Tips On How To Deal With Your Period At School – https://www.momjunction.com/articles/how-to-deal-with-your-period-at-school_00398080/ – Ngày truy cập: 5/10/2018

Phiên bản hiện tại

19/11/2018

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 19/11/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo