backup og meta

5 vấn đề khiến trẻ em suy nghĩ và lo lắng rất nhiều

5 vấn đề khiến trẻ em suy nghĩ và lo lắng rất nhiều

Con người dù ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ nhỏ, cũng luôn có những vấn đề lo lắng của riêng mình. Tuy thế, chúng ta lại thường bỏ qua những vấn đề khiến trẻ em suy nghĩ và lo lắng. Những vấn đề này nếu không được giải quyết sớm có thể gây ra những tổn thương cho trẻ. Vì vậy, bạn nên tâm sự và tìm ra những vấn đề khúc mắc của con để kịp thời tháo gỡ. 

Dưới đây là những vấn đề thường khiến trẻ em suy nghĩ và lo lắng rất nhiều trong cuộc sống. Hãy cùng Hello Bacsi tìm ra những cách giải quyết những vấn đề này nhé!

Vấn đề 1 “Con có quá nhiều bài tập về nhà’ là vấn đề khiến trẻ em suy nghĩ và lo lắng

Trẻ em suy nghĩ

Sau một ngày học dài ở trường, các con vẫn phải tiếp tục hoàn thành thêm hàng tá bài tập được giao về nhà, từ vựng và một số bài thơ bài văn… phải học thuộc lòng. Việc này thật sự tạo áp lực rất lớn cho trẻ, đặc biệt là đối với các bé dưới 10 tuổi. Dù thế nào đi nữa thì con bạn vẫn phải hoàn thành các yêu cầu được giao về nhà nếu không muốn bị giáo viên trách phạt. Do đó, thay vì kêu ca, hãy giúp con tìm ra cách để giải quyết chúng một cách hiệu quả nhất.

Sau giờ tan học, hãy để con có thời gian nghỉ ngơi đôi chút sau một ngày dài căng thẳng ở trường. Bạn nên khuyến khích bé tham gia các hoạt động thể chất như chơi rượt đuổi, đạp xe, nhảy dây, bơi lội hoặc nhảy múa. Các hoạt động này sẽ làm cho trẻ cảm thấy tỉnh táo, tập trung và cũng giúp bổ sung năng lượng để trẻ có thể tiếp tục hoàn thành các bài tập về nhà, học thuộc từ vựng, thơ văn… được giao.

Trên thực tế, việc trẻ vận động thoải mái trong khoảng 20 phút có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu não, giúp trẻ tập trung hơn, từ đó giúp việc làm bài tập trở nên dễ dàng hơn.

Nếu nhận thấy lượng bài tập về nhà của bé quá nhiều và trẻ không thể hoàn thành dù đã cố gắng hết sức, bạn hãy trao đổi với giáo viên của bé để tìm ra cách khắc phục. Các giáo viên có thể sẽ thay đổi và điều chỉnh số lượng bài tập sao cho phù hợp với bé.

Đôi khi, hiện tượng lượng bài tập về nhà hoặc bài học thuộc lòng của con ở tình trạng quá tải là do các bé chưa tận dụng được hết thời gian ở lớp. Những bài tập đáng ra phải làm xong ở lớp nhưng bé phải mang về nhà làm do mải chơi, chưa hoàn thành ở lớp. Hãy dạy bé cách hoàn thành bài vở ở lớp để có thời gian nghỉ ngơi ở nhà.

Vấn đề 2: “Con đá bóng dở tệ nên không muốn tham gia đội bóng nữa. Con có phải tiếp tục chơi đá bóng hay không?’

Trẻ em suy nghĩ

Trên thực tế, không ai thích làm những việc mà mình không giỏi, trẻ con cũng không ngoại lệ. Bé có thể cảm thấy lo lắng khi chơi một môn thể thao mà bản thân không giỏi và sẽ xấu hổ, khó chịu khi thua. Có một điều nên lưu ý là bạn cần xác định rõ rằng bé thua là do chơi không giỏi hay chỉ vì chơi không tốt. Ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp cũng có thể chơi không tốt ở một vài trận đấu, nhưng họ không ngừng cố gắng.

Vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ con bạn có thực sự yêu thích môn thể thao đó hay không và nếu có thì bé yêu thích môn này đến mức nào. Đôi khi, bạn chỉ cần giải tỏa một chút tâm lý cho con có thể làm cho bé cảm thấy thoải mái hơn khi luyện tập và thi đấu. Các môn thể thao và vận động ngoài trời rất có lợi cho sức khỏe của bé, vì vậy bạn nên khuyến khích bé tham gia các hoạt động như vậy.

Tuy nhiên, nếu việc tham gia các môn thể thao này làm cho trẻ cảm thấy căng thẳng quá nhiều (bé ghét việc tập luyện hoặc thi đấu môn thể thao đó) hoặc ảnh hưởng xấu đến tâm trạng, bạn nên cho bé tạm ngưng luyện tập. Tuy thế, bạn nên khuyến khích con chọn và chơi một môn thể thao khác.

Bạn đừng đặt nặng quá nhiều chuyện thắng thua hay thành tích phải đạt được, bé chỉ cần cảm thấy vui vẻ thôi là đủ.

Vấn đề 3: “Con ghét trường mới. Con muốn tàng hình khi đến trường’

Nếu phải chuyển sang trường mới, việc bé cảm thấy lạc lõng là điều khó tránh khỏi. Điều này có thể làm cho bé cảm thấy lo lắng, trong một vài trường hợp nghiêm trọng còn có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm. Tuy nhiên, trẻ con thường có khả năng thích ứng với môi trừng xung quanh và kết bạn nhanh hơn người lớn. Vì vậy, hãy trấn an con rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn và trong trường hợp này, con không cần đến quyền năng của phép tàng hình.

Thay vì ngồi ủ rũ một mình, bạn hãy khuyên con tham gia các câu lạc bộ hoặc hội nhóm ở trường mới. Việc này sẽ giúp con có cơ hội trò chuyện với các bạn có cùng sở thích, từ đó giúp bé dễ kết bạn và mau chóng hòa nhập hơn.

Hãy khuyến khích con chủ động làm quen với các bạn trong lớp, bắt đầu từ những bạn ngồi gần hay những bạn có cùng sở thích hoặc tính cách như con. Ngoài ra, để giúp con mau chóng hòa nhập với môi trường mới, bạn hãy khuyến khích bé thực hiện một thử thách nhỏ. Với thử thách này, mỗi ngày khi đến lớp bé hãy nói “Xin chào / Chào bạn” với các bạn trong lớp và bắt chuyện với 1 bạn. Nếu vượt qua thử thách, bé có thể làm quen được hết các bạn cùng lớp trong một thời gian ngắn.

Khi rảnh rỗi, bạn cũng có thể dẫn bé đi dạo, đến các khu vui chơi hoặc công viên gần nhà. Làm như vậy sẽ giúp bé có cơ hội gặp gỡ với những người bạn mới, đôi khi còn có cơ hội gặp bạn học cùng lớp.

Vấn đề 4: “Đứa bạn thân không thèm nói chuyện với con. Con nên làm gì?”

Trẻ em suy nghĩ

Đây là một vấn đề khá nan giải. Nếu con bạn thật sự yêu quý và thân thiết với người bạn đó, hãy khuyên bé chia sẻ những cảm xúc thật với bạn và tìm cách hàn gắn mối quan hệ này. Đôi khi con bạn chỉ là đang nghĩ ngợi quá nhiều thôi, việc tâm sự và mở lòng với nhau sẽ giúp trẻ em giải tỏa những khúc mắc cũng như củng cố mối quan hệ của cả hai.

Nhưng hãy nhớ rằng, ai rồi cũng sẽ thay đổi khi lớn lên. Trẻ em thường bị thu hút bởi những điều mới và từ đó thích chơi với những bạn có cùng sở thích với mình. Vậy nên, có lẽ bạn thân của bé cũng đã tìm được người bạn mới. Hãy giải thích cho bé về vấn đề này, rằng đó không phải là lỗi của bé và bé cũng không làm gì sai cả. Việc hai bé không nói chuyện với nhau thường xuyên không có nghĩa là cả hai không còn làm bạn nữa, chỉ là các con sẽ gặp khó khăn đôi chút trong việc tìm chủ đề chung để nói chuyện hơn thôi.

Bạn nên khuyên bé đừng buồn mà hãy mở lòng với những người bạn mới. Điều này sẽ giúp bé bớt cô đơn khi không có người bạn thân cũ bên cạnh. Thêm vào đó, bố mẹ nên trở thành một người bạn của con. Việc bạn trò chuyện hoặc tâm sự cùng con như bạn bè có thể giúp giải tỏa cảm xúc và làm cho bé cảm thấy đỡ cô đơn hơn.

Vấn đề 5: “Con nghĩ cô giáo không thích con. Con không biết đã làm gì sai, cũng không biết phải làm thế nào để cô thích mình’

Trẻ em suy nghĩ

Các bài học ở trường đã đủ tạo nhiều áp lực cho bé, nếu có thêm một cô giáo khó tính và hay xét nét nữa sẽ làm cho trẻ càng cảm thấy lo lắng hơn. Tình trạng căng thẳng có thể khiến trẻ khó tập trung và là nguyên nhân làm cho bé dễ mắc một số bệnh. Hãy trò chuyện với con để biết nguyên nhân vì sao bé nghĩ cô giáo không thích mình và cố gắng tìm ra cách giải quyết êm đẹp cho vấn đề này.

Nếu vấn đề này là do bé lầm tưởng và nhạy cảm thái quá, hãy giải thích cho con hiểu. Trường hợp cảm nhận của con về cô giáo là đúng thì điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giải quyết vấn đề này chính là nói chuyện với cô giáo và thảo luận về những việc đang xảy ra. Lưu ý là bạn nên nói chuyện với thầy cô một cách cẩn trọng vì đây là một vấn đề tương đối tế nhị.

Mọi người đều có những vấn đề của riêng mình và trẻ con cũng vậy. Người lớn thường hay xem thường những điều lo lắng của trẻ em, từ đó khiến các vấn đề này càng trở lên lớn hơn và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Là bố mẹ, bạn không nên bỏ mặc những vấn đề mà bé đang gặp phải. Hãy thường xuyên trò chuyện với con để tạo cho trẻ cảm giác tin tưởng, an toàn và dễ mở lòng với bạn. Hãy là những ông bố, bà mẹ tâm lý và đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp con giải quyết những lo lắng của mình nhé.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

When to Worry About Your Child’s Worries

https://www.parents.com/health/mental/anxiety-disorders-in-children/?slideId=slide_6b251218-73d2-4848-9761-e7ad92892cab#slide_6b251218-73d2-4848-9761-e7ad92892cab

Ngày truy cập: 18/06/2019

Helping Kids Handle Worry

https://kidshealth.org/en/parents/worrying.html

Ngày truy cập: 18/06/2019

What Stresses You? 5 Worries and How to Fix Them

https://fit.webmd.com/kids/mood/article/kids-worry

Ngày truy cập: 18/06/2019

Phiên bản hiện tại

22/01/2021

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/01/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo