backup og meta

Những điều cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ ăn chay

Những điều cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ ăn chay

Gia đình bạn có thói quen ăn chay và bạn băn khoăn không biết việc cho trẻ ăn chay có đảm bảo các nhu cầu dinh dưỡng của con? Khi nuôi con theo chế độ ăn này, bạn cần lưu ý những gì để con luôn khỏe mạnh? 

Bạn là một bà mẹ và là người ăn chay trường, việc nấu ăn cho bản thân và cả gia đình theo hai kiểu chay – mặn có khiến bạn cảm thấy mệt mỏi? Dám chắc rằng đôi lúc bạn sẽ có ý định: “Tại sao mình lại không cho con mình ăn chay luôn cho tiện?”. Nhưng thoáng qua trong dòng suy nghĩ ấy, bạn lại sợ cho con ăn chay thì bé sẽ không được khỏe, không phát triển tốt như những đứa trẻ có chế độ ăn đa dạng khác.

Đừng quá lo lắng vì một chế độ ăn chay hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho con bạn. Điểm cốt yếu trong vấn đề này là bạn phải biết cách xây dựng chế độ ăn cho con và theo dõi việc ăn uống của bé để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Ở Việt Nam, việc cho trẻ ăn chay không phải là điều gì đó quá mới mẻ, nhất là với các gia đình có thói quen ăn chay trường. Thực tế là chế độ ăn này đã được chứng minh có nhiều ích lợi đối với cơ thể, kể cả trẻ nhỏ. Thế nhưng nhiều bà mẹ vẫn lo lắng về chuyện thiếu vắng đạm trong mỗi bữa ăn của con mình có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của bé. Hãy để Hello Bacsi mách bạn cách để “ăn chay nhưng khỏe” cho bé yêu nhà bạn nhé!

Bé vẫn khỏe mạnh, dinh dưỡng đủ đầy dù mẹ cho trẻ ăn chay

Trẻ ăn chay vẫn khỏe mạnh

Nói đến ăn chay, chắc rằng bạn sẽ nghĩ ngay đến những người luôn nói không với thịt. Họ từ bỏ những miếng thịt thơm ngon chỉ để làm bạn với “bộ tứ’ rau – củ – quả – nấm. Có thể thấy rõ rằng trong thực đơn hằng ngày của họ hoàn toàn vắng bóng yếu tố đạm hay protein. Trong khi đó, protein là chất cơ bản để kiến tạo cơ thể, chiếm đến 18% thể trọng và là thành phần chủ yếu trong nhu cầu ăn uống của con người. Đa số đạm lại đến từ các loại thịt, nhất là các loại thịt đỏ. Đọc đến đây, bạn đừng hoang mang từ bỏ ý định cho trẻ ăn chay nhé vì Hello Bacsi sẽ kể ra những lợi ích của việc chay tịnh ngay sau đây:

  • Ngăn ngừa chứng táo bón: Thực tế là đạm không chỉ có ở thịt, cá, trứng, sữa vì một số loại hạt, quả cũng như trái cây vẫn rất giàu protein không kém. Bên cạnh đó, chúng còn cung cấp nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa chứng táo bón ở trẻ hiệu quả. Ngoài ra, chúng còn có thêm chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào cùng các vitamin và nhiều khoáng chất cho trẻ phát triển toàn diện.
  • Hạn chế việc tiêu thụ chất béo, cholesterol: Trẻ ăn chay sẽ tránh được tối đa việc dung nạp các chất béo, nhất là chất béo bão hòa, cholesterol. Đây là những chất mà trẻ đang lớn chẳng mấy cần đến.
  • Nhận được nhiều các vitamin: Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra cho trẻ ăn chay sẽ nhận được nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B1 (thiamin), folate (acid folic), vitamin C, carotene và vitamin E so với người không theo chế độ ăn này.
  • Giúp ngăn ngừa một số bệnh: Ăn chay còn giúp bé ngăn ngừa được một số bệnh lý như ung thư, tăng huyết áp, béo phì ở trẻ em. Thực tế tỷ lệ những người mắc các bệnh trên sẽ cao hơn ở người không ăn chay.

Ngoài những lợi ích trên, trẻ ăn chay sẽ phát triển cân đối hơn, khỏe hơn và thậm chí sống thọ hơn. Đối với trẻ trong độ tuổi vị thành niên, việc ăn chay còn có tác dụng làm giảm tình trạng mụn trứng cá. Nếu bạn tập cho con ăn chay từ nhỏ, trẻ sẽ hình thành những thói quen ăn uống tốt hơn trong tương lai.

Chế độ ăn chay của bạn và bé thuộc kiểu ăn chay nào?

Việc trả lời câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định được mình là người ăn chay theo kiểu nào và sẽ có phương án lựa chọn thực phẩm phù hợp nhất với chế độ ăn của bé. Thực tế là có hơn một kiểu ăn chay mà có thể bạn chưa biết đấy, gồm:

  • Kiểu ăn chay Lacto – ovo: Những người này ăn sữa và trứng, nhưng không ăn thịt và thịt gia cầm.
  • Kiểu ăn chay Lacto: Những người theo kiểu ăn chay này có thể dùng sữa, trứng, cá nhưng không ăn thịt và thịt gia cầm.
  • Kiểu ăn thuần chay: Đây là những người không ăn cả sữa, trứng, thịt, thịt gia cầm và cá.

Đến đây thì chắc hẳn rằng bạn đã xác định được chế độ ăn chay của mình thuộc kiểu nào rồi đúng không. Một số loại thực phẩm chay cho trẻ ăn được gợi ý có thể dùng là: rau xanh, trái cây, ngũ cốc, nấm, các loại đậu (đậu nành, đậu Hà Lan và các loại đậu khác).

Mời bạn tham khảo thêm bài viết: Trẻ ăn chay cần theo chế độ nào và lưu ý gì

Làm sao để chắc chắn bé vẫn nhận đủ protein trong chế độ ăn chay?

Nguồn cung cấp protein cho trẻ ăn chay
Các loại đậu, hạt, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt sẽ là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời đối với những người ăn chay

Bạn đã biết việc cho trẻ ăn chay sẽ nhận được những lợi ích gì nhưng vẫn chưa chắc chắn lắm để quyết định có nên cho con ăn chay hay không. Đừng lo, Hello Bacsi giúp bạn gỡ nút thắt cho khúc mắc này.

Tiến sĩ Reshma Sha, bác sĩ nhi khoa và đồng thời là giảng viên lâm sàng liên kết tại Đại học Y khoa Stanford (Hoa Kỳ) cho biết: Một chế độ ăn đa dạng và đủ calo có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu về protein của trẻ đang phát triển. Vị tiến sĩ này cũng nhấn mạnh thêm các loại đậu, hạt, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt không chỉ là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời mà còn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào.

Vậy trẻ cần bao nhiêu đạm là đủ? Theo như hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hoa Kỳ), nhu cầu về protein cho trẻ mỗi ngày cụ thể như sau:

  • Bé từ 1 đến 3 tuổi nên được cung cấp 13g
  • Từ 4 đến 8 tuổi: cần 19g
  • Từ 9 đến 13 tuổi: 34g
  • Trẻ vị thành niên: cần khoảng từ 46 đến 52g.

Bạn có biết một chén đậu đen sẽ cung cấp khoảng 14g protein, trong khi đó một gói bột yến mạch nấu chín sẽ cung cấp cho trẻ khoảng 6g protein và một khẩu phần bơ đậu phộng cho bé có đến 7g protein.

Việc cho trẻ ăn chay cũng phải cân đối các loại dưỡng chất khác

Vitamin B12

Dù rằng thực phẩm chay cung cấp đa dạng các loại vitamin cũng như khoáng chất cần thiết nhưng chỉ có một số loại có chứa đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu. Ngoài ra, không phải bữa ăn nào bạn hay bé cũng ăn đủ những loại thực phẩm đó. Vì vậy, việc nhất thiết là cần phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý khi cho trẻ ăn chay bằng việc bổ sung thêm các dưỡng chất bị thiếu hụt.

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đồng ý rằng: “Trẻ em có thể được nuôi dưỡng tốt bởi chế độ ăn chay”. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng: “Việc cân bằng dinh dưỡng rất khó đạt được nếu các sản phẩm sữa và trứng bị loại bỏ hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn’ và khuyến khích các bậc cha mẹ nên theo dõi cẩn thận và lên kế hoạch cho chế độ ăn của trẻ.

Tiến sĩ Sha cũng cho biết thêm rằng sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là với các trẻ nhỏ được nuôi theo chế độ ăn chay cần phải chú ý bổ sung thêm vitamin B12 hay cobalamin. Loại vitamin này gần như chỉ có ở trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Vitamin B12 rất cần thiết trong việc bảo vệ hệ thống thần kinh và tạo ra vật liệu di truyền của cơ thể (DNA).

Sắt là một nguyên tốt vi lượng cần được lưu ý bổ sung hơn cả. Trong các loại thực vật rau, củ, quả vẫn có chứa sắt nhưng sắt từ những loại thực phẩm này lại khó hấp thu vào cơ thể hơn nguồn sắt từ động vật. Do đó, trẻ ăn chay thường ít nhiều có nguy cơ thiếu hụt sắt. Một bí quyết nhỏ giúp tăng khả năng hấp thu sắt vào cơ thể là các mẹ có thể cho con dùng thêm vitamin C  hoặc nước ép cam, chanh, dâu…

Dù rằng có nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật giàu dinh dưỡng nhưng chúng lại có một nhược điểm là cung cấp khá ít năng lượng cho cơ thể. Trong khi đó, trẻ em thường năng vận động, chơi đùa nên cần phải cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động thường ngày của bé.

Bên cạnh sắt thì mẹ cũng cần bổ sung kẽm nếu có ý định cho trẻ ăn chay. Bởi vì kẽm cũng có nhiều trong thịt và vô cùng cần cho hệ miễn dịch non yếu của trẻ.

Cách tốt nhất để có được những dưỡng chất thiết yếu kể trên mà không phải ăn thịt là sử dụng các loại vitamin tổng hợp cho bé. Nhưng hãy nhớ rằng, điều quan trọng là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa khi muốn cho trẻ dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Cho trẻ ăn chay hay ăn thịt gì thì điều cần thiết nhất mà các mẹ nên làm là hãy quan tâm đến chế độ ăn và dinh dưỡng của con mình nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Wondering If It’s OK to Raise Your Kid Vegetarian? We Asked the Experts For Advice https://www.popsugar.com/family/Should-I-Raise-My-Child-Vegetarian-46019478 Ngày truy cập 25/07/2019

Can Vegetarian Food Fuel Your Kids? https://www.webmd.com/parenting/raising-fit-kids/food/features/should-kids-go-vegetarian#1 Ngày truy cập 25/07/2019

Vegetarian diets and children https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/vegetarian-diets-and-children Ngày truy cập 25/07/2019

Trẻ ăn chay cần theo chế độ nào và lưu ý gì? https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/dinh-duong-cho-tre/che-do-an-chay-danh-cho-tre/ truy cập 25/07/2019
Bạn cần biết gì khi cho con ăn chay? https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/dinh-duong-cho-tre/ban-can-biet-gi-khi-cho-con-an-chay/ truy cập 25/07/2019

Phiên bản hiện tại

14/08/2020

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 14/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo