Việc cho bé đội mũ bảo hiểm là cách bảo vệ trẻ khỏi những chấn thương vùng đầu và mặt trong quá trình tham gia giao thông bằng xe hai bánh. Bởi vì hiện nay, đa phần trẻ em đều sử dụng xe đạp hoặc được cha mẹ đưa đón bằng xe gắn máy khi đi học, đi chơi. Hơn nữa, không ít trẻ còn rất nhỏ (dưới 2 tuổi) được người lớn chở bằng xe gắn máy khi di chuyển ngoài đường. Chính vì điều này, nhiều phụ huynh không tránh khỏi thắc mắc về những vấn đề liên quan đến an toàn giao thông cho trẻ, đặc biệt là vấn đề đội mũ bảo hiểm cho con.
Trong đó, phổ biến nhất là những câu hỏi như khi nào nên cho bé đội mũ bảo hiểm? Làm sao để chọn được mũ bảo hiểm có kích cỡ phù hợp với con? Tiêu chuẩn chọn mũ bảo hiểm trẻ em là gì? Để có câu trả lời, bạn có thể tham khảo những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau nhé!
Vì sao cho bé đội mũ bảo hiểm là điều thực sự cần thiết?
Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị chấn thương do xe đạp nói riêng và khi tham gia giao thông nói chung. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ em từ 5 tuổi trở lên và thanh niên có tỷ lệ chấn thương liên quan đến xe đạp cao nhất. Trên thực tế, một cú ngã xe đạp bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tăng nguy cơ chấn thương sọ não cho trẻ.
Bạn cũng cần biết rằng, hầu hết các chấn thương liên quan đến tai nạn xe đạp đều ảnh hưởng đến phần đầu và mặt của người lái xe. Vì vậy, việc cho bé đội mũ bảo hiểm khi trẻ tự đi xe đạp hoặc kể cả khi được ba mẹ chở bằng xe máy là điều rất quan trọng. Nếu đội mũ bảo hiểm phù hợp và đạt tiêu chuẩn có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương ở trẻ lên đến 85%.
Khi nào bạn nên cho bé đội mũ bảo hiểm? Tiêu chuẩn chọn mũ bảo hiểm dành cho trẻ theo độ tuổi
Nhìn chung, trẻ dưới 1 tuổi không được khuyến khích đội bất kỳ loại mũ bảo hiểm nào do phần cổ của trẻ vẫn còn yếu. Bạn chỉ nên cho bé đội mũ bảo hiểm khi trẻ đã trên 1 tuổi. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ trên 1 tuổi đều có thể đội một loại mũ bảo hiểm như nhau. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu để chọn đúng loại mũ bảo hiểm phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ:
Đối với trẻ dưới 3 tuổi
Cột sống của trẻ ở giai đoạn này vẫn còn yếu ớt, trẻ cũng có thể đi chưa vững và khả năng di chuyển trong thời gian dài còn hạn chế. Vì vậy, bạn chỉ nên chọn mũ bảo hiểm dành riêng cho trẻ nhỏ. Đây là những mũ dạng xốp và siêu nhẹ (thường dưới 100 gram) giúp bảo vệ phần đầu của bé khi va đập nhẹ.
Đối với trẻ 3 đến 5 tuổi
Trẻ thường đã cứng cáp hơn nhưng vẫn nên dùng loại mũ bảo vệ dành riêng cho độ tuổi này với kích cỡ và trọng lượng phù hợp. Mũ cần đảm bảo đầy đủ các bộ phận thiết yếu như mút xốp giảm va đập, lớp lót, dây mũ và khóa mũ an toàn. Việc chọn mũ bảo hiểm cho trẻ 3 đến 5 tuổi thường gần giống như mũ người lớn nhưng cần đảm bảo trọng lượng của mũ vẫn nhẹ, thường từ 100 đến 250 gram là phù hợp.
Đối với trẻ trên 6 tuổi
Bạn có thể cho trẻ đội các loại mũ bảo hiểm như người lớn vì xương và phần đầu của trẻ đã cứng cáp. Tuy nhiên, tiêu chí chọn mũ bảo hiểm cho trẻ ở độ tuổi này vẫn cần đảm bảo phù hợp về kích cỡ vòng đầu và trọng lượng mũ không quá nặng, tầm khoảng 250 đến 500 gram là phù hợp. Điều quan trọng nữa là cần tránh tuyệt đối việc cho bé đội mũ bảo hiểm của người lớn vì có những loại mũ nặng trên 1 kg có thể ảnh hưởng đến đến sự phát triển về sau của trẻ.
Có thể bạn quan tâm
Mách bạn cách chọn mũ bảo hiểm phù hợp với trẻ
Trên thực tế, mũ bảo hiểm cho trẻ cần được thay đổi thường xuyên để phù hợp với kích thước vòng đầu đang phát triển của các bé. Có thể nói, một chiếc mũ bảo hiểm vừa vặn cùng dây đeo chắc chắn được buộc dưới cằm là những yếu tố rất quan trọng để giúp phần đầu của trẻ được bảo vệ tốt nhất khi có sự cố xảy ra. Vì vậy, khi chọn mua mũ bảo hiểm cho con, điều quan trọng nhất là bạn nên đưa trẻ đi cùng. Điều này sẽ giúp bé được đội mũ thử ngay tại chỗ và bạn có thể quan sát để biết mũ có phù hợp với đầu của con hay không? Một chiếc mũ bảo hiểm phù hợp thường đảm bảo một số yếu tố sau:
- Mũ bảo hiểm vừa khít với đầu. Khi bạn dùng tay đẩy nhẹ mũ từ trước ra sau, từ trái qua phải hoặc để bé lắc nhẹ đầu thì mũ không bị xô lệch, dịch chuyển. Thêm vào đó, đảm bảo mũ vẫn giữa nguyên vị trí song song với mặt đất khi đầu và cổ của trẻ thẳng đứng.
- Khi bé đội mũ bảo hiểm thì mũ không bị nghiêng quá về sau mà hơi thấp xuống phần trán. Mép dưới của mũ nên cách lông mày trẻ khoảng 2 cm là phù hợp. Điều này nghĩa là khi trẻ ngước mắt lên thì có thể nhìn thấy vành trước của mũ.
- Khi trẻ thắt dây đai cằm, mũ bảo hiểm phải có độ ôm vừa khít với đầu nhưng vẫn thoải mái. Đồng thời, các quai hai bên sẽ tạo thành hình chữ “Y” và kết hợp với nhau ngay dưới cùng của vành tai. Nếu mũ bảo hiểm có kích thước phù hợp với vòng đầu của trẻ nhưng dây đai quá rộng thì bạn cần điều chỉnh lại dây cho đến khi vừa khít. Nếu dây đai cằm vừa vặn, điều này nghĩa là bạn không thể luồn hơn một ngón tay qua khe hở giữa dây đai và cằm của trẻ.
- Cuối cùng, sau khi cho bé đội mũ bảo hiểm và khóa dây đeo dưới cằm, bạn có thể kiểm tra xem trẻ có thể nghe rõ không hoặc hỏi xem cảm nhận của trẻ như thế nào để xác định xem mũ có phù hợp với con hay không.
Trong trường hợp bạn mua mũ bảo hiểm online, lời khuyên là bạn nên đo vòng đầu của trẻ trước. Cách làm rất đơn giản, bạn chọn một điểm cách lông mày trẻ 2 cm, sau đó dùng thước dây vòng quanh đầu đo được bao nhiêu thì đó chính là size vòng đầu của bé. Khi đã có kết quả này, bạn có thể nhắn với nhân viên cửa hàng về số đo vòng đầu, độ tuổi, sở thích của con (nếu có) để nhận được sự tư vấn loại mũ bảo hiểm phù hợp với bé về kích thước lẫn kiểu dáng nhé!
Thói quen cho bé đội mũ bảo hiểm từ sớm không chỉ bảo vệ con khỏi những nguy hiểm do va đập vùng đầu mà đây còn là cách giúp trẻ có nhận thức về an toàn giao thông ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của con, bạn nên có sự chọn lọc kỹ càng khi mua mũ bảo hiểm cho trẻ. Ngoài việc cần đảm bảo những yêu cầu về kích thước, trọng lượng mũ phù hợp với trẻ em, bạn cũng nên lưu ý về nguồn gốc và các chứng nhận an toàn của sản phẩm. Lưu ý rằng không nên cho bé dùng mũ bảo hiểm đã qua sử dụng vì những mũ bảo hiểm cũ có thể không còn đảm bảo về chất lượng và an toàn.
[embed-health-tool-vaccination-tool]