backup og meta

Dạy trẻ làm việc nhà phù hợp với từng độ tuổi

Dạy trẻ làm việc nhà phù hợp với từng độ tuổi

Ngay từ khi con còn nhỏ, bạn đã có thể dạy trẻ làm việc nhà phù hợp với từng độ tuổi để sau này mẹ nhàn mà con cũng ngoan.

Nếu một ngày, con yêu gợi ý về việc phụ giúp người lớn thực hiện một vài công việc nhà thì bạn cũng đừng xem nhẹ lời nói đó nhé bởi đó cũng là dấu hiệu cho thấy bé đã biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Thế nhưng, nên cho trẻ làm những công việc như thế nào? Hãy cùng Hello Bacsi tham khảo danh sách các công việc nhà phù hợp với độ tuổi dưới đây để đưa ra lựa chọn bạn nhé.

Tại sao cho trẻ làm việc nhà lại quan trọng?  

Khi được bạn giao việc, trẻ sẽ cảm thấy tự hào và tự tin vào khả năng của mình. Từ đó, bạn sẽ có thể giúp cho trẻ hiểu về tinh thần trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc cho con làm việc nhà còn giúp trẻ hiểu được những công việc mà trẻ làm có giá trị như thế nào trong cuộc sống hằng ngày.

Danh sách công việc nhà phù hợp với tuổi của trẻ

1. Từ 2 – 3 tuổi

Mặc quần áo: Bạn hãy dạy cho con cách mặc quần áo đơn giản như cách kéo quần, cách cho tay vào áo, cách đội mũ… Hãy biến điều này thành một thói quen của bé sau khi tắm và trước khi đi ngủ.

Cho động vật ăn: Nếu gia đình có nuôi thú cưng, bạn cũng có thể để trẻ chịu trách nhiệm về việc cho chúng ăn vào một thời điểm nhất định trong ngày. Hãy bày cho con cách đổ thức ăn, nước uống vào tô và để ở vị trí phù hợp.

Lau sạch sau khi làm đổ một thứ gì đó: Trẻ nhỏ thường làm đổ thức ăn, nước hoặc sữa. Bạn hãy dạy bé cách xử lý khi rơi vào tình huống này. Bên cạnh đó, bạn cũng nên để sẵn một miếng giẻ lau ở trong nhà để sử dụng khi cần.

Dọn giường ngủ: Hãy để con yêu giúp bạn dọn giường bằng cách cho bé đặt gối và chăn vào đúng chỗ. Hoặc bạn cũng có thể để trẻ giúp vuốt phẳng mền hoặc sắp xếp gối gọn gàng.

Dọn đồ chơi: Bạn nên dạy con biết dọn dẹp đồ chơi của mình sau khi chơi xong. Để mọi việc trở nên dễ dàng hơn, bạn hãy chuẩn bị sẵn cho trẻ một cái giỏ hoặc một cái thùng để đựng đồ chơi và nói cho con biết sau khi chơi xong thì phải bỏ vào đó.

Cách lấy tã: Bạn có thể nói cho bé biết nơi cất tã để mỗi lần muốn được thay tã mới, con sẽ tự lấy và đem đến cho người lớn.

Dọn dẹp chén đĩa: Khi trẻ đã ăn xong, hãy khuyến khích con tự mang đĩa của mình xuống bồn rửa chén.

Gấp quần áo: Tuy trẻ vẫn chưa thể biết làm thế nào gấp quần áo đúng cách nhưng bạn vẫn nên để bé ngồi bên cạnh mình và tập gấp. Bé sẽ dần quen thuộc với những hành động này, đây cũng là một trong những kỹ năng cần thiết khi con lớn lên.

Tưới cây: Nếu bạn trồng cây, hãy chuẩn bị sẵn 1 bình tưới cây nhỏ để trẻ sử dụng hằng ngày. Đừng để con tưới quá nhiều vì có thể khiến cây bị chết đấy.

2. Từ 4–5 tuổi

Mặc quần áo: Vào tuổi này, bạn nên để con tự mặc quần áo sau khi tắm và trước khi đi ngủ.

Dẫn trẻ đi siêu thị: Khi bạn đi mua đồ, hãy dẫn con theo và chỉ cho bé biết nơi để hàng hóa cũng như cách mà những món đồ được bảo quản. Dần dần, bé sẽ biết được nên làm gì với đồ ăn tươi như trái cây hoặc dầu gội thì nên để ở đâu. Ngoài ra, bạn cũng có thể để trẻ giúp mình sắp xếp các loại thực phẩm đã mua vào tủ lạnh.

Rửa xe: Con thích chơi đùa với bọt xà phòng? Vậy tại sao lại không bày cho bé cách rửa xe? Đây sẽ là một hoạt động vừa vui với con mà cũng lợi cho bố mẹ. Tuy nhiên, bạn hãy đứng kế bên quan sát để trông chừng, đừng để trẻ mải ham chơi rồi quên đi nhiệm vụ cần làm nhé.

Dọn bàn: Khi đã đến giờ dùng bữa, bạn có thể để con giúp mình bày bàn ăn bằng cách hướng dẫn bé trẻ cách lấy chén, đĩa, đũa, muỗng… và sắp xếp chúng lên bàn.

Tưới cây: Chuẩn bị sẵn cho trẻ một bình tưới cây. Để đảm bảo con không tưới quá nhiều, bạn hãy dán những mẩu ghi chú nhỏ lên chậu và ghi rõ ngày nào cần tưới, tưới bao nhiêu.

Giúp làm bếp: Ở độ tuổi này, con đã có thể làm rất nhiều việc để giúp mẹ chế biến món ăn đấy. Tuy nhiên, khi bé có mặt trong bếp, bạn nên để trẻ tránh xa dao và lửa. Tốt nhất, bạn nhờ con rửa rau, nhặt rau, lột tỏi bằng tay…

Phân loại quần áo trước khi giặt: Những lúc bé tắm xong, bạn nên chỉ cho trẻ để quần áo đúng chỗ. Nếu bạn phải phân loại quần áo khi giặt, hãy để con giúp bạn làm điều đó.

Treo khăn ướt: Giống như công việc bên trên, mỗi khi bé hoàn thành việc tắm rửa, hãy hướng dẫn bé biết nơi treo khăn rồi để bé tự làm. Bạn cũng có thể nhờ bé đi vòng quanh nhà xem có khăn ướt nào không để treo chúng lên cho mau khô.

Rửa chén: Đây cũng là một kỹ năng tốt mà bạn nên dạy trẻ làm ngay từ nhỏ. Trước tiên, hãy nhờ con rửa một vài cái chén nhỏ, muỗng đũa trước, sau đó tăng dần khi con lớn lên. Và khi giao việc này cho con, bạn hãy đứng bên cạnh để tránh việc rơi vỡ khiến con bị thương nhé.

Quét nhà: Đa số trẻ nhỏ đều thích quét nhà. Vì vậy, bạn có thể sắm cho bé một cây chổi nhỏ và để cho trẻ quét. Thêm vào đó, hãy nhờ con quét một khu vực cụ thể nào đó chẳng hạn như phòng khách hoặc phòng ngủ mỗi ngày hay những lúc bé đã học bài xong.

Quét sân: Nếu nhà có sân, bạn cũng có thể để trẻ quét sân mỗi ngày. Hãy dọn sạch rác trong khu vực và chỉ cho cách phân loại rác vào thùng sau khi dọn xong.

Tháo túi rác: Nếu ngay từ nhỏ người lớn luôn bảo rằng túi rác rất bẩn thì sau này lớn lên các con sẽ không muốn đi vứt rác đâu dù bạn có nhờ bé. Do đó, hãy chỉ cho bé cách tháo túi đúng cách để làm sao cho rác không bị đổ ra ngoài và canh chừng con những khi trẻ ra đường vứt rác.

Vệ sinh đồ chơi của mình: Đồ chơi có thể trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn khi không được vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, việc giặt rửa các món đồ quá nhiều khiến các chị em chán nản. Vậy tại sao lại không để con tự làm điều này? Nếu là những đồ chơi làm bằng bông hoặc vải, hãy nói con bỏ chúng vào máy giặt, còn đối với những món đồ có chất liệu làm từ nhựa, bạn có thể gợi ý bé rửa bằng xà phòng và phơi nắng sau đó.

Phân loại quần áo sau khi giặt xong: Sau khi giặt và phơi khô, bạn nên để trẻ phân loại quần áo của các thành viên trong gia đình. Nếu trẻ vẫn chưa nhận ra được sự khác biệt, hãy cho trẻ lựa quần áo của mình từ đống đồ mà bạn vừa giặt. Sau đó, hãy kêu trẻ để quần áo của mình đúng chỗ.

3. Từ 6 – 12 tuổi

Dọn giường: Từ bây giờ, con biết tự giác dọn giường sau khi ngủ dậy.

Chuẩn bị một bữa trưa đơn giản: Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể phụ người lớn làm bếp. Nếu con vẫn còn nhỏ, bạn có thể giao cho bé những việc mà không phải sử dụng đến dao hay bếp. Hướng dẫn con tự làm một vài món đơn giản như làm bánh sandwich kẹp thịt, món salad… khi đói bụng. Nếu trẻ lớn hơn một chút, bạn nên để trẻ làm quen dần với việc tiếp xúc với dao và lửa. Tuy nhiên, bạn nên đứng bên cạnh và quan sát để đảm bảo an toàn.

Đổ rác: Dạy trẻ cách đóng túi rác và đưa túi rác đến nơi cần đến. Nếu bạn sống ở chung cư, có thể bạn phải mang túi rác đặt ở nơi chung cư quy định. Còn sống ở một ngôi nhà bình thường, bạn đặt ở trước cửa nhà cho người thu gom rác đến lấy. Hãy dạy trẻ đặt túi rác nơi phù hợp. Nếu phải phân loại rác, bạn hãy chỉ cho trẻ biết nơi đặt mỗi túi rác nhé.

Học các công thức nấu ăn đơn giản: Hiện nay, trên mạng có rất nhiều video hướng dẫn trẻ em nấu ăn. Bạn có thể cho bé xem và lựa chọn những món con muốn làm cũng như phù hợp với khả năng của trẻ. Ngoài ra, hãy dẫn con đến siêu thị để bé tự tay lựa chọn nguyên liệu. Bạn sẽ có cơ hội hướng dẫn con làm quen với việc đi mua thực phẩm và biết cách lên kế hoạch cho các bữa ăn đấy.

Vệ sinh nhà cửa: Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ mà bạn có thể dạy trẻ làm việc nhà phù hợp với từng độ tuổi như như quét dọn, lau nhà hoặc hút bụi. Nếu bé có anh chị em, bạn nên phân công hợp lý để các con không tị nạnh nhau.

Tưới cây: Chỉ cho trẻ biết mình nên tưới cây khi nào. Ngoài ra, bạn cũng hãy hướng dẫn con cách nhận biết cỏ dại và loại bỏ nó. Sau khi đã xử lý chúng xong, bé cũng có thể học được cách làm thế nào để khu vườn trở nên đẹp hơn.

Vệ sinh giày: Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà bạn nên giao cho con ở thời điểm này. Bé sẽ cần được học cách giặt và giữ vệ sinh giày, nhất là những đôi bé thường hay mang đi nhất.

Ủi quần áo: Hãy ở bên cạnh trẻ khi con ủi quần áo vì việc này nếu có sai lầm sẽ dễ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đừng cho con ủi đồ khi vẫn còn nhỏ mà phải đợi cho trẻ được 10 tuổi hoặc hơn rồi mới giao cho bé nhiệm vụ này.

Ngoài ra, hãy hướng dẫn con điều chỉnh bàn ủi đến nhiệt độ thích hợp cũng như những điều cần lưu ý khi ủi. Ngoài ra, bạn nên giải thích những bộ phận nào của bàn ủi không nên chạm vào vì sẽ gây bỏng. Sau khi đã là phẳng đồ, bé hãy đợi cho bàn ủi nguội rồi cất đi.

4. 13 tuổi trở lên

Ủi quần áo: Hãy đảm bảo các con tuân theo những quy tắc nêu trên. Bạn nên cho bé bắt đầu làm quen bằng những loại quần áo đơn giản như áo sơ mi, váy… Sau đó, cho trẻ làm quen với với những trang phục phức tạp hơn.

Cách chăm sóc chiếc xe đạp: Nếu trẻ thích đi xe đạp khi đến trường, hãy chỉ cho trẻ cách chăm sóc và bảo dưỡng chiếc xe của mình, chẳng hạn như làm thế nào để sửa lốp xe, thay vỏ…

Cho trẻ đi mua đồ: Hãy để con chuẩn bị những vật dụng trong gia đình cũng như tự chuẩn bị danh sách các món đồ cần mua. Nếu cảm thấy con mua những món không phù hợp, bạn nên đi cùng trẻ vào siêu thị và dạy cho bé biết nơi nào để mặt hàng nào. Bên cạnh đó, bé cũng cần được hướng dẫn cách đọc bao bì sản phẩm, xem ngày sản xuất và ngày hết hạn trước khi mua, cách mua những sản phẩm thay thế khác nếu không có món hàng mà mình cần. Dạy con cách kiểm tra chất lượng sản phẩm và so sánh giá cả để tìm được một sản phẩm lý tưởng nhất cũng là một ý tưởng hay.

Chuẩn bị bữa ăn: Lúc này, bé đã có khả năng tự chuẩn bị cho mình một số món ăn phụ khi đói cho bản thân hoặc những món ăn dễ làm trong các bữa chính. Nếu con ngỏ ý, tại sao bạn không để bé trở thành bếp trưởng vài ngày trong tuần nhỉ?

Vệ sinh tủ lạnh: Vào dịp cuối tuần, bạn nên giao cho con nhiệm vụ sắp xếp lại tủ lạnh. Chỉ cho trẻ các bước làm như lấy đồ ăn trong tủ lạnh ra, xem xét nên giữ lại món gì và nên vứt bỏ món gì…

Những điều cần nhớ khi dạy trẻ làm việc nhà

Trước khi phân việc nhà cho trẻ, hãy chú ý đến những điều sau:

1. Đánh giá cao nỗ lực của trẻ

Khi bạn giao cho con mình một công việc nào đó, đừng đòi hỏi sự hoàn hảo. Bé chỉ cần cố gắng hết sức và tự làm bằng chính khả năng của mình. Đôi khi kết quả có thể không giống những gì bạn nghĩ nhưng quan trọng là nỗ lực chứ không phải là kết quả. Nếu chỉ quan tâm đến sự hoàn hảo thì bạn có thể khiến con cảm thấy không còn hứng thú với công việc hoặc bé có thể nghĩ rằng: “Ba/mẹ làm tốt hơn sao không tự làm?”.

2. Bắt đầu từ nhỏ để có kết quả tốt nhất

Bé cưng còn quá nhỏ nên bạn không nỡ bắt con làm? Tuy nhiên, hãy để trẻ làm việc nhà ngay từ bây giờ. Điều quan trọng không phải là sớm hay muộn mà là bạn giao việc có phù hợp với độ tuổi của trẻ hay không. Điều này sẽ giúp bé có thêm nhiều kỹ năng. Việc trì hoãn dạy trẻ làm việc nhà có thể khiến bạn khó tập cho trẻ làm khi lớn lên đấy.

3. Biến công việc nhà thành một thói quen

Khi bạn đã giao việc cho trẻ, hãy để những công việc ấy trở thành một thói quen hằng ngày. Con sẽ học được cách chịu trách nhiệm về công việc của mình và biết khi nào thì nên làm việc gì. Nếu không bé sẽ chẳng nhớ để thực hiện hoặc có thể nhờ ai đó làm giùm mình.

Dạy trẻ làm việc nhà là một cách tuyệt vời để giúp trẻ có trách nhiệm, độc lập và tự tin. Hãy theo sát trẻ trong những năm đầu và hãy buông trẻ ra khi bạn cảm thấy trẻ đã có thể tự làm việc đó một mình mà không cần bạn bên cạnh.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Chores For Kids: Easy Tasks To Get Them Work Around The House http://www.momjunction.com/articles/age-appropriate-chores-for-children_00392298/ ngày truy cập 19/01/2018

Household chores for children http://raisingchildren.net.au/articles/tasks_and_chores_involving_kids.html ngày truy cập 19/01/2018

Phiên bản hiện tại

26/01/2018

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 26/01/2018

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo