backup og meta

Làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà? Cách xử lý đúng, an toàn

Làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà? Cách xử lý đúng, an toàn

Sốt co giật là tình trạng không quá hiếm gặp trẻ nhỏ nhưng vẫn làm cho không ít bậc cha mẹ lo lắng. Điều quan trọng là cha mẹ cần phải biết rõ nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà để bảo vệ sức khỏe của bé.

Việc trẻ bị sốt co giật trông có vẻ đáng sợ nhưng thường không gây hại cho bé nếu được xử lý đúng cách. Vậy, cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà? Mời bạn tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây để có được cách xử lý đúng khi trẻ bị sốt co giật.

Sốt co giật ở trẻ là gì?

Để biết được nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà, trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ sốt co giật ở trẻ là như thế nào.

Sốt co giật là cơn co giật có thể xảy ra khi trẻ nhỏ bị sốt trên 38°C. Trong đó, các cơn co giật do sốt thường chỉ kéo dài trong vài phút còn cơn sốt có thể vẫn tiếp diễn trong một khoảng thời gian sau đó.

Hầu hết các cơn co giật do sốt đều dừng lại mà không cần điều trị và không gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Một số trẻ có thể cảm thấy buồn ngủ sau cơn co giật, trong khi những trẻ khác không cảm thấy bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt co giật

làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà

Việc nhận biết chính xác các trường hợp sốt co giật ở trẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ phải làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà nhằm đảm bảo an toàn cho bé. Thông thường, có hai loại co giật do sốt:

  • Co giật do sốt đơn giản: Đây là thể sốt co giật phổ biến ở trẻ em. Trẻ có thể bị co giật do sốt trong vòng vài giây đến 15 phút. Tuy nhiên, cơn co giật thường hết sau vài phút, rất ít trường hợp kéo dài tận 15 phút. Các cơn co giật do sốt đơn giản không tái diễn trong vòng 24 giờ và không đặc hiệu ở một bộ phận cơ thể. Nghĩa là, trẻ bị sốt co giật đơn giản sẽ có các triệu chứng sau:
    • Co giật, lắc lư khắp người
    • Đảo mắt
    • Kêu van
    • Bất tỉnh
    • Nôn hoặc đi tiểu trong quá trình co giật.
  • Co giật do sốt phức tạp: Loại sốt co giật này kéo dài hơn 15 phút, xảy ra nhiều lần trong vòng 24 giờ. Cơn co giật chỉ giới hạn ở một bộ phận hoặc một bên cơ thể bé.

Ngoài ra, trong cơn sốt co giật, trẻ có thể:

  • Có nhịp thở không đều
  • Cắn chặt răng hoặc hàm
  • Bất tỉnh
  • Hay chớp mắt hoặc đảo tròng mắt
  • Căng cứng, giật hoặc co giật cơ tay và chân
  • Đi tiểu hoặc đi tiêu trong quần.

Giải đáp: Nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà?

làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà

Nếu bạn đang thắc mắc “Làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà?”, cần hiểu rằng, bạn không thể làm cho cơn co giật dừng lại. Điều duy nhất mà bạn có thể làm là cố gắng giữ bình tĩnh và giữ an toàn cho trẻ. Dưới đây là cách xử lý khi trẻ con sốt co giật mà cha mẹ nên tham khảo:

  • Nếu trẻ đang ngồi hoặc đứng mà bị co giật, hãy nhẹ nhàng đặt bé xuống mặt sàn hoặc mặt đất.
  • Loại bỏ hết những đồ vật có nguy cơ gây nguy hiểm xung quanh trẻ để tránh trường hợp bé va phải trong cơn co giật.
  • Đặt trẻ nằm nghiêng và không để đầu trẻ gập xuống nhằm giúp bé dễ thở hơn.
  • Nới lỏng hoặc cởi bớt quần áo của bé. Nếu trẻ đeo mắt kính hoặc máy trợ thính, hãy tháo chúng ra.
  • Bảo vệ đầu của trẻ bằng tay của bạn hoặc vật dụng mềm mại.
  • Quan sát xem trẻ cử động và phản ứng trong quá trình co giật như thế nào để có thể mô tả với bác sĩ. Nếu có điện thoại, hãy quay video quá trình co giật của bé.
  • Ghi chú thời gian cơn co giật bắt đầu và kéo dài trong bao lâu.
  • Theo dõi các dấu hiệu của vấn đề về hô hấp, bao gồm cả việc da mặt tái xanh.

Như vậy là bạn đã biết được lời đáp cho vấn đề “Nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà?”. Khi cơn co giật do sốt của bé kết thúc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây sốt co giật ở trẻ. 

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ bị sốt co giật không cần bất kỳ biện pháp điều trị y khoa nào. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 1 tuổi và có các triệu chứng khác như nôn mửa hoặc tiêu chảy, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ làm xét nghiệm. Nếu trẻ vẫn còn sốt, bác sĩ có thể đề nghị cho bé dùng acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, những thuốc này không giúp ngăn ngừa cơn co giật do sốt.

Nếu cơn sốt co giật ở trẻ kéo dài hơn 5 phút, hoặc trẻ bị tím tái, xanh xao, đó có thể là một cơn co giật nghiêm trọng. Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống co giật để sử dụng tại nhà nếu trẻ bị nhiều hơn một hoặc hai cơn sốt co giật kéo dài hơn 5 phút.

Cha mẹ không nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà?

Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc “Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà?”. Vậy, những điều cha mẹ không nên làm khi bé bị co giật do sốt là gì? Dưới đây là những lưu ý bạn cần nhớ:

  • Không cố nạy răng trẻ hoặc đặt bất kỳ vật gì vào trong miệng của bé. Nếu không, bạn có thể làm tổn thương nướu, mẻ/gãy răng hoặc khiến trẻ bị nghẹn.
  • Không đưa ngón tay của bạn vào miệng trẻ vì bé có thể cắn tay bạn.
  • Không cố gắng giữ chặt hoặc kiềm chế trẻ khi bé đang bị co giật.
  • Không cho trẻ uống thuốc hạ sốt trong cơn co giật.
  • Không đặt bé vào thau nước mát hoặc nước ấm với mục đích hạ sốt cho trẻ.
  • Đừng cố gắng hạ nhiệt độ của trẻ bằng cách cởi quần áo hoặc lau người bằng nước lạnh.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được nên làm gì khi trẻ bị sốt co giật tại nhà. Cơn co giật thực chất không quá nguy hiểm nếu bạn biết cách xử lý an toàn. Hãy tuân thủ những hướng dẫn trên để bảo vệ sức khỏe cho bé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Febrile Seizures https://www.nationwidechildrens.org/conditions/febrile-seizures Ngày truy cập: 08/11/2023

Febrile Seizures (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/febrile.html Ngày truy cập: 08/11/2023

Febrile seizures – NHS https://www.nhs.uk/conditions/febrile-seizures/ Ngày truy cập: 08/11/2023

Febrile seizure – Symptoms & causes – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/febrile-seizure/symptoms-causes/syc-20372522 Ngày truy cập: 08/11/2023

Febrile Seizure – StatPearls – NCBI Bookshelf https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448123/ Ngày truy cập: 08/11/2023

Phiên bản hiện tại

24/11/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 24/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo