Trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc là tình trạng bình thường và không cần điều trị. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn có thể giúp con giảm lượng tóc rụng và đẩy nhanh tốc độ mọc tóc bằng cách chăm sóc da đầu cho bé đúng cách.
Đa số trường hợp trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc đều không cần chữa trị và có thể tự cải thiện khi bé lớn hơn. Thế nhưng, bạn vẫn có một số cách để giúp con bảo vệ da đầu và mọc tóc nhanh hơn đấy.
Những triệu chứng trẻ bị rụng tóc
Tình trạng rụng tóc ở trẻ thường xảy ra trong 6 tháng đầu đời, đặc biệt là ở khoảng tháng thứ 3. Ở một số trẻ, tóc mới sẽ mọc lên ngay khi tóc cũ rụng nên bạn sẽ không thấy rõ sự khác biệt. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ có tốc độ mọc lại tóc chậm nên ba mẹ có thể quan sát rõ rệt được tình trạng rụng tóc.
Một số triệu chứng bạn có thể thấy là:
- Tóc vương trên tay sau khi bạn vuốt đầu con
- Có tóc trong chậu tắm hoặc trên khăn tắm sau khi bạn tắm gội cho con
- Tóc vương ở những nơi trẻ tựa đầu như gối, nôi hoặc xe đẩy hay vai áo cha mẹ.
Nguyên nhân trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc
Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ bị rụng tóc. Một số nguyên nhân có thể kể đến là:
1. Trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc do sinh lý
Lượng hormone trong cơ thể bé khi bé đang trong bụng mẹ và sau khi chào đời đã chênh lệch khá nhiều dẫn đến nhiều thay đổi ở trẻ, kể cả vấn đề rụng tóc. Thông thường, trẻ mới sinh sẽ rụng một phần hoặc toàn bộ tóc trong 6 tháng đầu đời, đặc biệt là vào tháng thứ 3 mà dân gian hay gọi là rụng tóc máu. Sau đó, tóc bé sẽ mọc lại hoàn toàn khi được 1 tuổi.
Bên cạnh đó, bé cũng có thể bị rụng tóc do ma sát với gối/nệm khi nằm nhiều. Hơn nữa, chân tóc của bé vẫn chưa chắc chắn nên rất dễ gãy rụng khi gặp các tác động vật lý bên ngoài. Tình trạng trẻ bị rụng tóc do sinh lý này không quá đáng lo.
2. Trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc do gối nằm
Việc cho trẻ nhỏ sử dụng gối nằm có chất liệu và kiểu dáng không phù hợp, bé sẽ dễ bị nóng và đổ mồ hôi khiến da đầu ngứa ngáy, có thể dẫn đến rụng tóc. Tình trạng này nếu kéo dài còn có thể khiến trẻ bị viêm nhiễm trực khuẩn.
3. Trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc do thiếu dinh dưỡng
Một trong những nguyên nhân thường thấy khiến trẻ bị rụng tóc là thiếu canxi. Ngoài ra, tình trạng rụng tóc còn có thể do thiếu một số dưỡng chất khác như vitamin D, vitamin A, sắt, kẽm…
4. Trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc do bệnh lý
Trẻ bị rụng tóc có thể do một số vấn đề sức khỏe như:
- Các rối loạn tuyến nội tiết: Các tình trạng như suy giáp hay suy tuyến yên có thể khiến trẻ bị rụng tóc nhiều.
- Nhiễm trùng: Nấm da đầu là một tình trạng nhiễm trùng thường gặp ở bé có thể gây rụng tóc, bong tróc da đầu, ngứa và mẩn đỏ da đầu…
5. Trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc do căng thẳng
Đôi khi, trẻ bị rụng tóc không chỉ do các vấn đề thể chất mà còn do cảm xúc, tinh thần của bé. Những bé hay bị căng thẳng thần kinh hoặc hay sợ hãi cũng dễ bị rụng tóc hơn.
Cách điều trị rụng tóc ở trẻ em
Hầu hết các trường hợp trẻ bị rụng tóc đều không cần điều trị và sẽ tự hết trong vài tháng. Thông thường, tóc bé sẽ mọc lại trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12.
Tuy nhiên, bạn có thể giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc do ma sát bằng cách cho trẻ nằm sấp những lúc có thể. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần vệ sinh đầu tóc cho trẻ đúng cách, chọn gối nằm phù hợp với trẻ và thường xuyên xoay trở đầu cũng như lau mồ hôi cho bé nếu có. Ngoài ra, ba mẹ nên cho bé sử dụng chăn gối riêng và giặt giũ chăn gối thường xuyên với nước giặt dành riêng cho trẻ để bảo vệ da đầu của bé.
Trong trường hợp ba mẹ nghĩ trẻ bị rụng tóc do bệnh lý như hắc lào hoặc chứng rụng tóc từng mảng, hãy đưa bé đi khám để cải thiện tình hình sớm. Nếu bé rụng tóc do thiếu dinh dưỡng, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn cách bổ sung dưỡng chất cho bé để giảm lượng tóc rụng.
Một số bí quyết chăm sóc tóc cho bé
Tình trạng trẻ 3 tháng tuổi bị rụng tóc dù không cần điều trị nhưng ba mẹ vẫn cần chăm sóc tóc và da đầu cho bé để quá trình mọc tóc diễn ra nhanh hơn. Một số bí quyết bạn có thể áp dụng là:
- Cho bé sử dụng dầu gội cho trẻ sơ sinh để tránh gây kích ứng da đầu. Tuy nhiên, bạn chỉ nên gội đầu cho trẻ từ 2 đến 3 lần một tuần vì việc gội đầu quá thường xuyên có thể gây khô da đầu.
- Tránh chà xát da đầu của bé. Ba mẹ có thể lấy khăn ướt thấm dầu gội đầu rồi nhẹ nhàng massage da đầu của trẻ. Nếu bé có gàu, bạn có thể dùng bàn chải lông mềm để chà nhẹ da đầu của bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]