backup og meta

Chân chữ X ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nào giúp phát hiện sớm để cải thiện hiệu quả?

Chân chữ X ở trẻ nhỏ: Dấu hiệu nào giúp phát hiện sớm để cải thiện hiệu quả?

Chân chữ X nằm trong số các tật chân cong thường gặp ở trẻ nhỏ. Bố mẹ sẽ cần phát hiện các dấu hiệu để có thể đưa bé đi khám kịp thời, tránh ảnh hưởng vĩnh viễn về sau.

Trong những năm đầu đời, khi hệ thống cơ xương khớp vẫn chưa phát triển một cách hoàn chỉnh, trẻ nhỏ có thể gặp một số vấn đề khác nhau, chẳng hạn như chân chữ X. Tình trạng này có thể vừa gây mất thẩm mỹ, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi đứng của bé sau này. Vậy chân X có những dấu hiệu gì và cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Chân chữ X ở trẻ em là gì? 

Chân chữ X (hay còn gọi là chân chữ chi) là hiện tượng có khoảng trống lớn giữa 2 chân khi đứng thẳng trong khi 2 đầu gối lại chụm vào nhau. Chân chữ X được đánh giá như một tình trạng bình thường trong sự phát triển của trẻ bởi chân của các bé thường sẽ cải thiện và thẳng dần khi lớn lên. 

Tuy nhiên, bố mẹ không nên vì thế mà chủ quan bởi trong một số trường hợp, chân chữ X có thể là dấu hiệu của bệnh lý xương tiềm ẩn, đặc biệt khi tình trạng này xuất hiện lần đầu tiên khi trẻ từ 6 tuổi trở lên.

Nhiều trẻ em trải qua giai đoạn chân vòng kiềng hoặc chân chữ X trong những năm đầu đời. Bên cạnh đó, một vài đặc điểm về chân chữ chi theo từng giai đoạn bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh: Chân chữ X không phải là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Mặt khác, nhiều bé sẽ có hiện tượng chân vòng kiềng, tình trạng cả hai chân cong ra ngoài cho đến khi trẻ được khoảng 24 tháng tuổi.
  • Trẻ trong độ tuổi tập đi: Chân chữ X dần trở nên rõ ràng khi trẻ được 2 đến 3 tuổi. Đầu gối có thể nghiêng dần vào trong cho đến khoảng 4 hoặc 5 tuổi.
  • Trẻ nhỏ: Chân bé sẽ dần thẳng lại khi bé được 7 tuổi. Một số trẻ tiếp tục có tình trạng đầu gối cong vào nhau khi đến tuổi thiếu niên.

Dấu hiệu nhận biết chân chữ chi

dấu hiệu chân chữ X ở trẻ nhỏ

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết chân chữ X ở trẻ nhỏ:

  • Gặp khó khăn khi đi lại hoặc chạy nhảy 
  • Mất ổn định đầu gối
  • Bước đi khập khiễng khi đi bộ
  • Giảm phạm vi chuyển động ở hông
  • Trẻ tỏ ra đau đầu gối, hông, đau chân hoặc mắt cá chân
  • Bé bị chân chữ X nhưng không có dấu hiệu cải thiện theo thời gian
  • Có sự khác biệt lớn giữa 2 chân của bé khi đứng thẳng như 1 chân bị vẹo, chân còn lại bình thường
  • Khoảng cách giữa hai mắt cá chân lớn hơn 8cm khi đứng thẳng và hai đầu gối chạm vào nhau.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng chân chữ X ở trẻ 

Tình trạng chân chữ X ở trẻ nhỏ có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Di truyền: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, khi trẻ thừa hưởng đặc điểm chân chữ X từ cha mẹ hoặc người thân trong gia đình. Trẻ mắc một số tình trạng di truyền ảnh hưởng đến khớp như hội chứng tăng động khớp hoặc hội chứng Ehlers-Danlos
  • Còi xương: Khi trẻ không được bổ sung đủ vitamin D và canxi, xương của trẻ sẽ yếu và dễ bị cong vẹo.
  • Chấn thương (gãy xương), viêm tủy xương (nhiễm trùng xương) hoặc có khối u ở xương chân: Tình trạng này có thể vô tình ảnh hưởng đến sự phát triển của xương đầu gối khiến chân bị cong vẹo.
  • Loạn sản xương: Nế u trẻ mắc phải chứng loạn sản, sự phát triển của xương có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến chân chữ X.
  • Béo phì: Những bé có cân nặng vượt mức sẽ khiến cho đầu gối phải chịu áp lực nặng nề và làm cho chân bị cong. Thêm vào đó, tình trạng béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp.
  • Thói quen sinh hoạt không tốt: Có nhiều ý kiến cho rằng việc bố mẹ ép bé tập đứng hoặc tập đi quá sớm và không khoa học có thể khiến chân của trẻ sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị cong. 

Trẻ bị chân chữ X có chữa được không? 

chân chữ X ở trẻ nhỏ

1. Chân chữ X được chẩn đoán như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ bị chân chữ X có thể tự hồi phục, nhất là khi tình trạng này là do sự phát triển sinh lý của xương khớp, đặc biệt là trước 7 tuổi. Tuy nhiên, có một số trường hợp sẽ cần tiến hành can thiệp điều trị nhằm cải thiện khả năng đi lại cho trẻ nhỏ, bao gồm:

  • Tình trạng xuất hiện trước 2 tuổi hoặc kéo dài sau 7 tuổi.
  • Chân hình chữ X dần trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian hoặc có sự bất đối xứng giữa hai chân.
  • Bắt đầu xuất hiện của triệu chứng khác như đau đầu gối, bước đi khập khiễng, dáng đi bất thường, tầm vóc thấp hơn so với trẻ cùng lứa.

Để chẩn đoán chân chữ X, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của chân, đầu gối và mắt cá chân của trẻ để xác định mức độ vẹo và nguyên nhân gây ra. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang chi để kiểm tra xương khớp và loại trừ các bệnh lý khác.

2. Điều trị

Việc điều trị chân chữ X phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của tình trạng. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Các biện pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng: Tập thể dục, massage, đeo nẹp hoặc giày định hình để cải thiện sự linh hoạt và cân bằng của chân.
  • Bổ sung dinh dưỡng lẫn cải thiện chế độ sinh hoạt:
    • Với trẻ còi xương: Để điều trị chứng còi xương gây tật chân chữ X, các bác sĩ thường chỉ định bổ sung vitamin D và canxi vào chế độ ăn của trẻ. Bệnh còi xương do tình trạng di truyền có thể cần được điều trị chuyên sâu hơn bởi bác sĩ nội tiết.
    • Với trẻ béo phì: Cần giảm cân nếu béo phì, hạn chế các hoạt động gây áp lực lên đầu gối, để tăng cường sức khỏe xương khớp.
  • Dùng thuốc: Thuốc giảm đau, chống viêm hoặc thuốc điều trị các bệnh lý liên quan để giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa biến chứng.
  • Phẫu thuật: Nắn chỉnh xương, cắt xương hoặc thay khớp, để sửa chữa các biến dạng nghiêm trọng hoặc không cải thiện bằng các phương pháp khác. Phẫu thuật thường chỉ được áp dụng cho trẻ lớn hơn 10 tuổi hoặc người lớn có chân chữ X bệnh lý.

Trên đây là những thông tin về chủ đề chân bé bị cong hình chữ X cũng như dấu hiệu nhận biết. Việc phát hiện và xử lý kịp thời sẽ giúp trẻ nhỏ tránh được các dị tật trong dáng đi và thẩm mỹ về sau. Đừng quên truy cập Hello Bacsi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích về chủ đề chăm sóc trẻ nhỏ nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is knock knees https://www.childrenshospital.org/conditions/knock-knees ngày truy cập 13/11/2023 

Knock Knees (Genu Valgum) https://kidshealth.org/en/parents/knock-knees.html ngày truy cập 13/11/2023 

Knock knees https://www.nhs.uk/conditions/knock-knees/ ngày truy cập 13/11/2023 

Knock Knees (Genu Valgum)

https://www.nationwidechildrens.org/conditions/knock-knees-genu-valgum  ngày truy cập 13/11/2023 

Knock Knee: Causes, Symptoms, Diagnosis and Treatment | HSS https://www.hss.edu/condition-list_knock-knee.asp  ngày truy cập 13/11/2023 

 

 

Phiên bản hiện tại

13/11/2023

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 13/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo