Bạn cảm thấy rằng con của mình bé nhất lớp. Điều này khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm vì quá khác biệt với bạn bè. Ngược lại, nếu trẻ dậy thì quá sớm thì trẻ cũng dễ rơi vào tình huống khó xử. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này để bạn có thể tự xác định bé cưng nhà mình có đang phát triển đúng tiến độ không nhé.
Đa số các trường hợp trẻ phát triển chậm hơn những bạn khác chỉ là do thể chất của bé trưởng thành chậm hơn một chút. Tuy nhiên, cũng có thể là do ba mẹ nhỏ con và trẻ sẽ giống ba mẹ.
Thế nhưng, việc dậy thì chậm cũng có thể là do trẻ đang gặp một số vấn đề về sức khỏe.
Bình thường và không bình thường
Mỗi bé dậy thì ở những thời điểm khác nhau. Ở bé gái, tuổi dậy thì thường kéo dài từ 7 đến 13 tuổi, trong khi ở bé trai là từ 9 đến 15 tuổi.
Khi bước vào tuổi dậy thì, hông của các bé gái sẽ mở rộng và ngực sẽ bắt đầu phát triển. Sau khi ngực phát triển được 2 năm thì trẻ sẽ bắt đầu có kinh nguyệt.
Ở bé trai, dương vật và tinh hoàn bắt đầu phát triển. Cơ thể sẽ bắt đầu có cơ bắp, trẻ bắt đầu mọc râu và vỡ giọng. Lông sẽ bắt đầu mọc ở vùng kín và nách ở cả bé trai lẫn gái.
Có một số trẻ phát triển sớm hơn, trong khi một số khác lại phát triển muộn hơn. Có nhiều lý do khiến trẻ dậy thì muộn hơn so với các bạn. Nếu ba mẹ thấp thì trẻ cũng không cao. Nói cách khác, chiều cao của trẻ phụ thuộc một phần vào chiều cao của cha mẹ. Nếu bé không bị rối loạn tăng trưởng và những chức năng sinh dục khác của bé vẫn phát triển bình thường thì bé vẫn đang phát triển chiều cao bình thường, mặc dù bé nhìn có vẻ thấp hơn so với các bạn.
Những trẻ dậy thì muộn vẫn phát triển bình thường khi còn nhỏ, tuy nhiên trẻ sẽ không bắt đầu giai đoạn dậy thì như các bạn. Do đó, trẻ sẽ nhỏ hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
Nếu bé dậy thì muộn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho bé chụp X-quang xương để so sánh với kích thước xương trung bình. Thông thường, những bé chậm phát triển sẽ có kích thước xương nhỏ hơn kích thước xương của những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ này sẽ tăng trưởng chậm và bắt kịp bạn bè khi bước vào giai đoạn thiếu niên. Thiếu protein, calo và các chất dinh dưỡng khác có thể làm bé chậm phát triển. Ngoài ra, các căn bệnh như bệnh thận, tim, phổi và đường ruột cũng là nguyên nhân khiến bé dậy thì trễ.
Những trẻ bị thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm cũng thường dậy thì muộn. Bên cạnh việc điều trị, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để biết làm sao giúp bé đạt được chiều cao bình thường như những đứa trẻ khác.
Rối loạn tăng trưởng là gì?
Rối loạn tăng trưởng có nghĩa là trẻ phát triển bất thường. Tăng trưởng là quá trình phức tạp do các hormone tăng trưởng kiểm soát. Các bệnh nội tiết liên quan đến sự thiếu hụt hoặc gia tăng quá mức hormone cũng làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của bé.
Hormone tăng trưởng do tuyến yên tiết ra được vận chuyển đến khắp mọi nơi trong cơ thể. Vùng dưới đồi có liên quan mật thiết đến tuyến yên qua đường mạch máu và đường thần kinh có chức năng điều hòa nội tiết của cơ thể. Các nơ ron vùng dưới đồi sẽ bài tiết các hormone giải phóng và các hormone ức chế để kiểm soát sự tăng trưởng và phát triển. Estrogen và testosterone là hai hormone quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cơ quan sinh dục và cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng.
Tình trạng suy giáp có thể khiến cơ thể tăng trưởng chậm bởi vì tuyến giáp không sản sinh đủ hormone cần thiết để cơ thể phát triển bình thường. Triệu chứng chính của chứng suy giáp là mệt mỏi hoặc chậm chạp. Xét nghiệm máu có thể giúp xác định tình trạng này. Chứng bệnh này có thể phát triển bất cứ lúc nào, phổ biến ở trẻ tuổi teen và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Một số bệnh không phải do hormone gây ra nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone cần thiết để cơ thể phát triển. Ví dụ, hội chứng Turner là một rối loạn di truyền có liên quan đến khiếm khuyết trong nhiễm sắc thể. Bệnh này thường xảy ra ở bé gái. Nguyên nhân của hội chứng này là do một trong các nhiễm sắc thể X ở phụ nữ bị mất một phần hoặc hoàn toàn không có. Cuộc sống của những bé gái mắc hội chứng Turner thường ngắn ngủi và khả năng sinh dục không phát triển vì buồng trứng (cơ quan sản sinh trứng và hormone nữ) không trưởng thành và hoạt động bình thường.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ không tăng trưởng đó là bệnh lùn. Bệnh lùn là tình trạng xương ngắn hơn bình thường và thường xuất hiện ở chân, tay hoặc thân người. Những người mắc bệnh lùn thường có tỷ lệ cơ thể bất thường như chân tay ngắn. Đa số những người mắc bệnh lùn thường là do di truyền.
Thiếu hormone tăng trưởng
Nguyên nhân chính của rối loạn tăng trưởng thường là do thiếu hụt hormone tăng trưởng. Tình trạng này xảy ra khi tuyến yên không sản xuất đủ hormone tăng trưởng. Tuyến yên là một tuyến nhỏ, có kích thước chỉ bằng một hạt đậu, nằm ở nền sọ và chịu trách nhiệm sản xuất ra 8 loại hormone khác nhau. Nếu tuyến yên không sản xuất đủ hormone tăng trưởng, cơ thể bé sẽ chậm phát triển.
Thiếu hormone thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là ở trẻ vị thành niên. Dấu hiệu dễ nhận thấy của tình trạng này là trẻ không đạt được chiều cao và cân nặng chuẩn theo độ tuổi. Trẻ mắc chứng bệnh này vẫn có tỷ lệ cơ thể bình thường, chỉ có điều nhìn chúng trông nhỏ bé hơn mà thôi. Thiếu hormone tăng trưởng không ảnh hưởng đến trí thông minh và chức năng của não.
Nguyên nhân gây thiếu hụt hormone tăng trưởng
Hormone tăng trưởng không được sản xuất ra ngay từ khi sinh có thể có nguyên nhân là do khối u ở não. Khối u này thường nằm ở vị trí của tuyến yên hoặc nằm gần vùng dưới đồi của não. Ở cả trẻ em và người lớn, những chấn thương đầu nghiêm trọng, nhiễm trùng và xạ trị do tai nạn hoặc chấn thương hoặc một số bệnh cũng là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, đa số các trường hợp thì nguyên nhân gây thiếu hụt hormone tăng trưởng thường không thể giải thích được.
Thiếu hormone tăng trưởng chỉ ảnh hưởng đến một người trong gia đình và không truyền từ cha mẹ sang con.
Bác sĩ có thể làm gì?
♦ Bác sĩ sẽ lập biểu đồ tăng trưởng cho trẻ từ khi trẻ sinh ra để đảm bảo rằng việc phát triển chiều cao và cân nặng của bé hoàn toàn bình thường. Nếu có vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang xương.
♦ Bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu tiểu sử tăng trưởng của gia đình bạn. Những đứa trẻ thấp thường thừa hưởng điều này từ cha mẹ. Bên cạnh đó, nếu trong gia đình có người dậy thì muộn thì nhiều khả năng bé cũng sẽ mắc phải.
♦ Bạn có thể bổ sung vitamin hoặc cho trẻ ăn một chế độ ăn đặc biệt để bé phát triển nhanh hơn.
♦ Thỉnh thoảng, các bác sĩ sẽ bổ sung hormone – thường là testosterone – cho những đứa trẻ dậy thì muộn. Phương pháp này có thể thúc đẩy sự tăng trưởng để cơ thể trẻ bắt đầu sản xuất hormone.
♦ Nếu trẻ bị thiếu hụt hormone tăng trưởng, bé có thể được điều trị bằng cách bổ sung hormone. Hormone này được sản xuất trong phòng thí nghiệm và được tiêm mỗi ngày. Phương pháp điều trị này thường kéo dài trong vài năm.
♦ Phải mất vài tuần hoặc vài tháng mới nhận thấy sự thay đổi của cơ thể sau khi tiêm hormone, nhưng hầu hết trẻ sẽ tăng chiều cao nhanh gấp 2 đến 5 lần trong năm đầu tiên điều trị. Sau đó, tốc độ tăng trưởng thường chậm hơn.
♦ Gần đây, phương pháp này được sử dụng để giúp những người có chiều cao khiêm tốn tăng chiều cao. Việc điều trị này có thể làm chiều cao tăng từ 5 đến 7,6cm.
♦ Rối loạn tăng trưởng do các nguyên nhân khác cũng có thể được điều trị. Các bé gái mắc hội chứng Turner có thể được điều trị bằng cách tiêm hormone tăng trưởng. Bên cạnh đó, những trẻ mắc chứng suy giáp cũng có thể được điều trị bằng thuốc bổ sung hormone giáp.
[embed-health-tool-vaccination-tool]