backup og meta

Bệnh tay chân miệng có lây không? Lây qua những đường nào?

Bệnh tay chân miệng có lây không? Lây qua những đường nào?

Tay chân miệng là căn bệnh phổ biến ở trẻ em, gây sốt và nổi những nốt mụn nước ở vị trí thường gặp như tay, chân, gối, mông, xung quanh và trong miệng của bé. Hiện nay, số ca mắc bệnh đang có xu hướng tăng khiến không ít phụ huynh thắc mắc “Tay chân miệng có lây không?” và “Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào?”.

Để hiểu rõ tay chân miệng có lây không và nếu có thì con đường lây lan của bệnh là gì, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Bệnh tay chân miệng có lây không?

Nếu bạn đang thắc mắc bệnh tay chân miệng có lây không, cần hiểu rằng, đây là bệnh do các loại virus thuộc họ Enterovirus gây ra:

  • Coxsackievirus A16 thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
  • Coxsackievirus A6 cũng có thể gây ra bệnh tay chân miệng với các triệu chứng có thể nặng hơn.
  • Enterovirus 71 có liên quan đến các ca bệnh bùng phát ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Mặc dù hiếm gặp nhưng virus này có thể gây ra những bệnh cảnh trầm trọng như viêm não.

Bởi vì tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, nên câu trả lời cho vấn đề “Tay chân miệng có lây không?” là “Có”. Nếu một bé bị nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng thì có thể truyền mầm bệnh sang cho trẻ khác. Một khi bệnh không được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ bùng thành dịch là rất cao.

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể được tìm thấy trong:

  • Dịch tiết ở mũi và họng của bệnh nhi, chẳng hạn như nước bọt, đờm hoặc chất nhầy mũi
  • Chất dịch từ mụn nước
  • Phân. 

Tay chân miệng lây qua đường nào?

bẹnh tay chân miệng có lây không

Như vậy là bạn đã biết được bệnh chân tay miệng có lây không. Vậy, bệnh chân tay miệng lây qua đường nào? Dựa trên những nơi có thể tìm thấy virus gây bệnh tay chân miệng, ta có thể xác định con đường lây lan của bệnh:

  • Tiếp xúc với những giọt bắn của bệnh nhi khi bé nói, ho, hắt hơi. Những giọt bắn này có thể tiếp xúc với mắt, miệng hoặc hít phải qua đường hô hấp, sau đó xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh tay chân miệng.
  • Tiếp xúc với những mặt phẳng, đồ vật bị nhiễm virus do dính phải dịch tiết đường hô hấp (dịch mũi, nước bọt) hoặc chất dịch từ mụn nước của bệnh nhi.
  • Tiếp xúc với phân của trẻ bị tay chân miệng. Điều này thường xảy ra khi bạn thay tã, cho bé đi vệ sinh và vô tình chạm vào phân của bệnh nhi, sau đó chạm tay chưa rửa sạch vào mắt, mũi, miệng hay các bề mặt hoặc chăm sóc trẻ khác. 
  • Tiếp xúc gần gũi hoặc trực tiếp với bệnh nhi, chẳng hạn như ôm, hôn, chạm vào dịch mụn nước, sử dụng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống…
  • Trong một số trường hợp, việc tiếp xúc với nguồn nước bị nhiễm virus (chẳng hạn như nước hồ bơi) cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng.

Trẻ bị tay chân miệng bao giờ hết lây?

bẹnh tay chân miệng có lây không

Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc “Bệnh tay chân miệng có lây không?” nữa rồi. Lúc này, điều cần bận tâm là nếu trẻ bị tay chân miệng thì khi nào nguy cơ lây lan virus chấm dứt. 

Bệnh tay chân miệng dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, tương tự như hầu hết các bệnh do virus khác, rất khó để xác định thời điểm trẻ mắc bệnh tay chân miệng không còn nguy cơ lây nhiễm nữa.

Thực tế cho thấy, bệnh nhi vẫn có thể lây nhiễm mầm bệnh cho người khác trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Cụ thể, trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể lan truyền virus qua:

  • Đường hô hấp (mũi, miệng và phổi) trong khoảng 1-3 tuần sau khi nhiễm trùng bắt đầu.
  • Đường phân – miệng trong nhiều tuần đến vài tháng sau khi bị nhiễm trùng.

Thậm chí, tay chân miệng vẫn có thể lây lan ngay cả khi trẻ mắc bệnh mà không có bất kỳ triệu chứng gì.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Khi đã biết được bệnh tay chân miệng có lây không, các bậc phụ huynh nên tìm cách phòng ngừa bệnh ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe của bé, nhất là trong thời điểm bắt đầu năm học như hiện nay. Các biện pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em bao gồm:

  • Thường xuyên khử trùng các vật dụng hay chạm vào, như đồ chơi, mặt bàn, tay nắm cửa…
  • Không dùng chung dụng cụ ăn uống, ly, khăn, bàn chải, mền, vớ, giày, quần áo…
  • Dạy bé rửa tay thường xuyên xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trong ít nhất 20 giây.
  • Dạy trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho.
  • Không cho bé tiếp xúc gần với trẻ bị nhiễm bệnh.
  • Nếu trong nhà có trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần rửa tay sạch sau khi thay tã, làm vệ sinh cá nhân cho bé.
  • Giặt quần áo, khăn trải giường và bất kỳ vật dụng bẩn nào khác của trẻ và phơi dưới ánh nắng mặt trời. 

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn có được đáp án cho những câu hỏi như tay chân miệng có lây không và lây qua đường nào. Tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy, các bậc phụ huynh cần áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, tránh để bé mắc bệnh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của con.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Hand, Foot, and Mouth Disease Spreads | CDC https://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/transmission.html Ngày truy cập: 13/09/2023

Hand, Foot & Mouth Disease: Parent FAQs – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/infections/Pages/Hand-Foot-and-Mouth-Disease.aspx Ngày truy cập: 13/09/2023

Hand, Foot, and Mouth Disease (HFMD) in Adults | Penn Medicine https://www.pennmedicine.org/updates/blogs/health-and-wellness/2018/september/hand-foot-and-mouth-disease Ngày truy cập: 13/09/2023

Hand, Foot & Mouth Disease (HFMD): Symptoms & Causes https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11129-hand-foot-and-mouth-disease Ngày truy cập: 13/09/2023

What to Do if Your Child Has Hand, Foot and Mouth Disease | Children’s Hospital of Philadelphia https://www.chop.edu/news/health-tip/hand-foot-and-mouth-disease-what-you-need-know Ngày truy cập: 13/09/2023

Phiên bản hiện tại

19/09/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Trương Minh Tấn Đạt

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Trương Minh Tấn Đạt

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 2


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 19/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo