Viêm màng não mô cầu là một trong những bệnh lý nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao, đau đầu dữ dội và cứng gáy, mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tổn thương não, mất thính lực, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị viêm não mô cầu, nhằm nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các bố mẹ nhé.
Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?
Viêm màng não mô cầu hay còn gọi là viêm não mô cầu, là một bệnh lý nghiêm trọng do vi khuẩn Neisseria meningitidis còn gọi là meningococcus, gây ra. Vi khuẩn này có khả năng tấn công, gây nhiễm trùng cả màng não và máu, dẫn đến các tình trạng bệnh lý nguy hiểm như viêm não mô cầu và nhiễm trùng huyết mô cầu.
[embed-health-tool-child-growth-chart]
Bệnh viêm màng não mô cầu: Nguyên nhân do đâu?
Bệnh viêm màng não mô cầu chủ yếu do vi khuẩn Neisseria meningitidis hay còn gọi là meningococcus, gây ra. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Bệnh có thể lây lan qua nước bọt và dịch nhầy cơ thể, thường thông qua tiếp xúc trực tiếp như hôn hoặc hít phải giọt bắn khi người mang bệnh ho, hắt hơi. Vi khuẩn này không sống lâu bên ngoài cơ thể, vì vậy bạn ít có khả năng lây nhiễm khi chạm vào bề mặt bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bệnh có thể lây lan dễ dàng ở những nơi có đông người sống gần nhau, chẳng hạn như nhà trẻ, trường học, ký túc xá…
Triệu chứng viêm màng não mô cầu
Nhiều cha mẹ thường thắc mắc các triệu chứng viêm màng não mô cầu là gì? Viêm não mô cầu là một bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm, vì vậy việc phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo là vô cùng quan trọng. Nếu con bạn hoặc người thân xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy liên hệ với cơ sở y tế ngay lập tức:
Các triệu chứng phổ biến:
- Sốt cao: Đây là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất.
- Đau đầu dữ dội: Cơn đau mạnh, kéo dài, khó chịu.
- Cứng cổ: Một biểu hiện điển hình của viêm màng não.
- Sợ ánh sáng (photophobia): Cảm giác đau mắt hoặc khó chịu khi nhìn ánh sáng mạnh.
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy: Có thể đi kèm với các triệu chứng toàn thân khác.
- Phát ban bất thường: Xuất hiện những đốm đỏ hoặc tím nhỏ, đôi khi trông như vết bầm lớn.
Các dấu hiệu đi kèm khác:
- Mất cảm giác thèm ăn
- Bối rối, cáu gắt bất thường
- Buồn ngủ quá mức
- Đau nhức cơ, khớp
- Thở khò khè, rên rỉ
- Khó đi lại hoặc mất thăng bằng…
Ở trẻ nhỏ, triệu chứng có thể khác biệt hơn như:
- Không chịu bú hoặc ăn uống
- Co giật hoặc cơ thể mềm nhũn
- Mệt lả, không có phản ứng…
Bệnh viêm màng não mô cầu được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
1. Chẩn đoán
Việc chẩn đoán viêm màng não mô cầu có thể gặp khó khăn vì triệu chứng của bệnh thường giống với nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác. Do đó, các chuyên gia y tế cần thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Khi nghi ngờ có dấu hiệu bệnh viêm não mô cầu, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu hoặc chọc dò tủy sống để lấy dịch não tủy rồi mang đi xét nghiệm. Tại đây, các chuyên viên sẽ nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu bệnh phẩm để xác định chính xác loại vi khuẩn gây bệnh cũng như loại kháng sinh phù hợp để điều trị.
Ngoài nuôi cấy, một số xét nghiệm chuyên biệt khác cũng có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ chẩn đoán trong trường hợp kết quả nuôi cấy không rõ ràng.
2. Điều trị bệnh viêm màng não mô cầu
Nếu xác định được trẻ mắc viêm não mô cầu, bác sĩ sẽ ngay lập tức chỉ định dùng kháng sinh – đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nguy cơ tử vong và biến chứng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp điều trị hỗ trợ như:
- Hỗ trợ hô hấp nếu khó thở hoặc suy hô hấp
- Thuốc điều chỉnh huyết áp nếu người bệnh bị tụt huyết áp
- Phẫu thuật cắt bỏ mô chết, trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng
- Chăm sóc vết thương ở những vùng da bị tổn thương nặng…
Bệnh viêm màng não mô cầu có thể phòng ngừa được không?
Câu trả lời là có – viêm màng não mô cầu hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu chúng ta thực hiện các biện pháp bảo vệ đúng cách, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, đối tượng có nguy cơ cao nhất. Để phòng bệnh, cần thực hiện 4 lưu ý quan trọng sau:
1. Tiêm vaccine – Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất
Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu, đặc biệt là các chủng thường gặp như nhóm A, C, W, Y và B. Việc tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ là biện pháp phòng ngừa chủ động hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm này.
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể tiêm một số loại vaccine phòng viêm màng não mô cầu.
- Thanh thiếu niên, người lớn, đặc biệt là những người sống trong môi trường đông người (ký túc xá, doanh trại…) hoặc có hệ miễn dịch yếu, cũng nên được tiêm phòng.
2. Duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Việc giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh, hãy:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh làm lây lan vi khuẩn qua đường hô hấp.
- Giữ gìn vệ sinh nơi ở, thường xuyên lau dọn không gian sinh hoạt sạch sẽ, thoáng khí.
3. Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh
Bệnh viêm màng não mô cầu có thể lây lan qua tiếp xúc gần hoặc qua đường hô hấp (hắt hơi, ho, dùng chung vật dụng cá nhân). Vì vậy, để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này cần:
- Tránh tiếp xúc gần với người đang có dấu hiệu sốt, ho, đau họng…
- Không dùng chung ly nước, bàn chải đánh răng, khăn mặt…
4. Theo dõi sức khỏe và khám định kỳ
Việc đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những biểu hiện bất thường. Đồng thời, nếu từng tiếp xúc gần với người mắc bệnh hay nghi ngờ bị nhiễm bệnh, cần chủ động đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng (nếu cần).
Bệnh viêm màng não mô cầu và các thắc mắc thường gặp
“Bệnh viêm màng não mô cầu nguy hiểm như thế nào?”, “bệnh viêm não mô cầu có mấy loại?”, “những ai dễ mắc bệnh?”… đây là các thắc mắc khá thường gặp trên các diễn đàn hiện nay.
1. Bệnh viêm màng não mô cầu nguy hiểm như thế nào?
Viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, tiến triển nhanh và có thể đe dọa tính mạng chỉ trong vài giờ nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi được điều trị đúng cách, bệnh vẫn có thể để lại hậu quả nặng nề.
Các biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Sốc nhiễm trùng (nhiễm khuẩn huyết)
- Tổn thương não vĩnh viễn
- Điếc hoặc mất thính lực
- Mất chi (do hoại tử mô phải phẫu thuật cắt bỏ)
- Rối loạn nhận thức hoặc vận động
- Tử vong (tỷ lệ tử vong có thể từ 10–15%, hoặc cao hơn nếu điều trị trễ)
2. Những ai dễ mắc bệnh viêm não mô cầu?
Theo các chuyên gia, bệnh viêm màng não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng những đối tượng sau dễ mắc bệnh hơn:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi: do hệ miễn dịch còn yếu chưa hoàn thiện
- Thanh thiếu niên và người trẻ (16–23 tuổi): đặc biệt khi sống ở môi trường tập thể như ký túc xá
- Người có hệ miễn dịch suy yếu
- Người chưa tiêm vaccine phòng bệnh
- Người tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người mang vi khuẩn trong hầu họng nhưng không có triệu chứng…
3. Bệnh viêm màng não mô cầu có mấy loại?
Viêm não mô cầu được chia làm 3 loại chính:
- Viêm não mô cầu A, C, Y, W: Vi khuẩn não mô cầu được phân loại thành khoảng 12 nhóm huyết thanh. Tại Việt Nam, các chủng vi khuẩn A, C, Y và W là những chủng thường xuyên gây bệnh, trong đó chủng vi khuẩn A là phổ biến nhất.
- Viêm màng não mô cầu BC: Viêm não mô cầu BC là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu tấn công màng não và có thể để lại tổn thương nghiêm trọng. Thủ phạm chính là vi khuẩn Neisseria meningitidis. Ở trẻ em, đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm não mô cầu BC.
- Viêm não mô cầu nhóm B: Loại viêm não mô cầu này rất nguy hiểm cho trẻ em. Ngay cả khi được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong vẫn có thể lên tới khoảng từ 5–10% số ca nhiễm bệnh. Những trẻ khỏi bệnh cũng không hề “an toàn” – gần 1/3 số trẻ phải đối mặt với các di chứng nặng nề như cắt cụt chi, mất thính lực, tổn thương não hoặc rối loạn tâm lý.
4. Bệnh viêm não mô cầu có lây không, lây lan như thế nào?
Rất tiếc, câu trả lời cho thắc mắc “Bệnh viêm não mô cầu có lây không”” là “có”. Viêm màng não mô cầu là bệnh có thể lây truyền – đặc biệt qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần.
Các con đường lây nhiễm bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi – họng của người nhiễm bệnh (ho, hắt hơi, hôn, dùng chung ly/chén/bàn chải…)
- Tiếp xúc gần, kéo dài với người đang mang vi khuẩn trong người, kể cả khi họ không có triệu chứng (người lành mang trùng)
- Sống hoặc làm việc trong môi trường tập thể, đông người như ký túc xá, nhà trẻ, trại giam, quân đội,…
Tuy bệnh không dễ lây như cúm, nhưng một khi lây lan thì mức độ nguy hiểm và tốc độ tiến triển của bệnh rất nhanh nên cần chú ý.
Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, các bố mẹ đã hiểu hơn về bệnh viêm màng não mô cầu, có khả năng nhận diện các dấu hiệu cảnh báo để đưa trẻ đi khám kịp thời, đồng thời phòng tránh bệnh hiệu quả.