Nếu đang phải chăm con nhỏ, ắt hẳn bố mẹ nào cũng sẽ phải quan tâm nhiều đến màu phân mà bé “sản xuất” mỗi ngày. Màu phân của bé thực sự nói lên rất nhiều điều về tình trạng tiêu hoá của con. Việc kiểm tra phân của bé mỗi ngày cũng là một trong những cách dễ dàng nhất giúp bố mẹ nắm bắt nhanh những dấu hiệu cảnh báo về sức khoẻ và có những biện pháp xử lý kịp thời [1].
Màu phân của bé nói lên điều gì về tình trạng sức khoẻ?
Màu sắc và kết cấu phân của trẻ nhỏ có thể rất khác với người trưởng thành. Do đó, những bậc phụ huynh, nhất là với những ai mới lên chức bố mẹ lần đầu cần lưu ý để tránh hoang mang trong quá trình chăm sóc bé [2].
Bé đi phân đẹp cho thấy sức khỏe tiêu hóa bình thường
Phân của bé bú mẹ sẽ khác với bé bú ngoài và khi con đến tuổi ăn dặm, màu sắc, hình dạng phân cũng sẽ có sự thay đổi [3], [4]. Bố mẹ có lẽ sẽ rất ngạc nhiên nếu biết tất cả những trường hợp dưới đây đều có thể là những biểu hiện vô cùng bình thường:
- Phân su lúc mới sinh: Đây là loại phân đầu tiên mà bé đi trong vài ngày đầu đời. Phân thường đặc, dính và có màu xanh đen như hắc ín, được tạo thành từ những chất mà bé đã nuốt khi còn trong bụng mẹ như nước ối, chất nhầy, lông tơ, protein, chất béo và dịch tiết đường ruột. Sau khi sinh, nếu con đi ngoài phân su trong vòng 24-48 giờ thì được xem là bình thường và khỏe mạnh [1], [5], [6].
- Phân bé bú mẹ: Phân của bé bú mẹ sẽ mềm lỏng, có hạt hơi lợn cợn, màu vàng mù tạt hoặc nâu. Bé có thể đi ngoài sau mỗi lần bú nhưng cũng có những bé “ị” với tần suất ít hơn, khoảng 5-7 ngày mới đi một lần. Đây đều là những hiện tượng bình thường, chỉ cần bé không chướng bụng, quấy khóc và tăng cân đều thì bố mẹ vẫn có thể yên tâm [1], [3].
- Phân bé bú sữa ngoài: Nếu bú sữa ngoài, phân của bé sẽ đặc, có mùi nồng và sẫm màu. Phân có thể có màu vàng, rám nắng hoặc xanh lá tuỳ theo hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa, tuy nhiên độ đặc cũng chỉ nên giống như món bơ đậu phộng chứ không nên quá cứng [1], [2].
- Trẻ ăn dặm: Khi trẻ bắt đầu có chế độ ăn đa dạng hơn, phân sẽ bắt đầu đặc hơn (giống với kết cấu của đất sét), mang nhiều màu sắc khác nhau và mùi cũng gần giống với phân của người trưởng thành [1], [3].
Tình trạng phân xấu cho thấy tiêu hoá bé có vấn đề
- Đi ngoài phân lỏng: Bé thỉnh thoảng đi tiêu phân lỏng là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu phân lỏng như nước, tần suất tăng dần từ 3 lần trở lên trong ngày, rất có thể con đang bị tiêu chảy và cần có phương pháp can thiệp phù hợp [7], [8].
- Đi ngoài khó khăn, phân bé khô cứng: Đây là biểu hiện cho thấy bé có thể đang bị táo bón. Lúc này, tần suất đi ngoài của con có thể giảm hơn 3 lần/tuần cùng với đó là kích thước phân lớn, khô cứng, vón cục, khiến con đau căng bụng và gặp khó khăn khi đi ngoài.
Dấu hiệu “cảnh báo” mẹ nên đưa bé đi khám
Khi theo dõi phân của bé, nếu thấy con có những biểu hiện sau, bạn nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt [3]:
- Bé vẫn đi phân đen dù đã qua nhiều ngày sau sinh
- Phân có màu trắng, xám nhạt
- Phân màu đỏ, có lẫn máu
- Phân có chất nhầy, mùi hôi
Trên thực tế, để hệ tiêu hoá hoạt động ổn định, đi phân đẹp, đạm sữa hằng ngày mà bé nạp vào cũng cần đạt chất lượng nhất định. Các phân tử đạm sữa mềm nhỏ, tự nhiên sẽ phù hợp hơn với hệ tiêu hoá còn non nớt của trẻ, giúp hạn chế được một số triệu chứng liên quan đến rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón… Ngược lại, nếu đạm sữa bị biến tính do qua trình chế biến và bảo quản không hợp lý sẽ khiến bé khó hấp thu, biểu hiện bằng việc đi phân có mùi và màu lạ khác thường. Vì vậy bố mẹ cần lưu ý để kịp thời phát hiện và có những điều chỉnh hợp lý hơn trong chế độ dinh dưỡng.
Làm sao giúp bé đi ngoài phân đều, đẹp, hạn chế các vấn đề tiêu hóa?
Cung cấp cho con nguồn dinh dưỡng chất lượng
Để trẻ có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, mẹ cần đảm bảo cung cấp cho con nguồn dinh dưỡng chất lượng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguồn thực phẩm phù hợp nhất đối với hệ tiêu hóa còn non nớt của con chính là sữa mẹ [10].
Không phải tự nhiên mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo sau sinh mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu hoặc đến khi trẻ được 2 tuổi nếu có thể. Sữa mẹ không chỉ cung cấp đầy đủ các dưỡng chất quan trọng như chất béo, protein, carbohydrate, vitamin, khoáng chất, nước… mà đạm sữa mẹ còn mềm, nhỏ nên con rất dễ hấp thu và ít gặp các vấn đề tiêu hóa. Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp một lượng lớn các vi khuẩn có lợi cho đường ruột và các chất xơ prebiotic giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn “thân thiện” này để củng cố hệ vi sinh đường ruột cho bé.
Cũng chính vì lý do trên, mà trẻ bú mẹ thường dễ đi tiêu, phân mềm và ít mùi hơn, đồng thời cũng ít gặp phải các vấn đề đường ruột như tiêu chảy hay táo bón. Ngoài ra, thành phần trong sữa mẹ còn có thể tự động điều chỉnh để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ [11], [12].
Trường hợp mẹ không đủ điều kiện cho con bú vì lý do sức khỏe hoặc sữa mẹ không đủ, không về kịp, mẹ có thể tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để lựa chọn những giải pháp dinh dưỡng phù hợp hơn cho con. Đặc biệt khi lựa chọn, mẹ nên ưu tiên các yếu tố liên quan đến đạm sữa. Nguyên nhân là bởi hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện, nếu công thức sữa có thành phần đạm đã qua xử lý nhiệt nhiều lần gây biến tính, khi đi vào dạ dày sẽ tạo thành các cục đông vón làm trẻ khó tiêu hóa và hấp thu.
Để hạn chế điều trên, mẹ nên chọn các công thức sữa mát, chỉ qua xử lý nhiệt nhẹ 1 lần để giúp bảo toàn các phân tử sữa mềm, nhỏ, dễ tiêu cho đường ruột bé êm dịu, giảm tải các vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi. Ngoài ra, công thức sữa cũng nên được bổ sung chất xơ GOS để tăng cường lợi khuẩn, qua đó bảo vệ sức khỏe đường ruột và nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa của bé.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp khi con đến tuổi ăn dặm [13]
Khi đến tuổi ăn dặm, bé cần được bổ sung một thực đơn dinh dưỡng phong phú hơn. Bên cạnh việc cho con bú sữa, mẹ cũng nên:
- Cho bé tập làm quen với những thực phẩm đầu tiên như trái cây xay nhuyễn, rau xay nhuyễn hoặc thịt xay nhuyễn.
- Cho trẻ ăn các loại thức ăn cầm tay như bánh quy, mì ống, bánh mì nướng mềm, thịt xé nhỏ, những miếng rau hoặc trái cây mềm được cắt nhỏ… khi con được khoảng 8 tháng tuổi và biết ngồi vững.
- Nếu con có dấu hiệu táo bón, hãy cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hoặc các loại trái cây giàu chất xơ như mận, lê…
- Tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc lựa chọn công thức sữa có đạm mềm, nhỏ, tự nhiên để giúp bé dễ làm quen với việc ăn dặm, hạn chế được tình trạng rối loạn tiêu hóa do thay đổi chế độ dinh dưỡng, đồng thời giúp hệ tiêu hoá trẻ được phát triển một cách tốt nhất.
Màu sắc của phân phản ánh rất nhiều điều về sức khỏe của bé. Do đó, trong quá trình chăm sóc, đây là yếu tố mẹ cần đặc biệt lưu tâm và cần lưu ý theo dõi mỗi ngày. Nếu thấy con đi ngoài phân lỏng hoặc “poo” quá khó khăn do phân khô cứng, mẹ hãy xem lại chế độ ăn của con, đặc biệt là nguồn sữa đang cho bé bú, nhất là với các bé đang dùng sữa ngoài để điều chỉnh cho phù hợp mẹ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]