Lang ben ở trẻ sơ sinh là tình trạng da xuất hiện các mảng màu trắng hoặc hồng hay nâu, sẫm màu không gây ngứa hay đau nhưng có thể tái diễn nhiều lần nếu bố mẹ không biết cách chăm sóc.
Lang ben là một trong những tình trạng da liễu có thể xuất hiện vào bất cứ ai thuộc mọi độ tuổi. Tình trạng da này tuy không gây nguy hiểm hoặc khiến bé khó chịu, quấy khóc nhưng bố mẹ cũng không nên vì thế mà xem nhẹ. Vậy nguyên nhân của lang ben ở trẻ sơ sinh là do đâu cũng như cách chữa trị như thế nào? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Lang ben ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do đâu?
Lang ben (Tinea versicolor) là một bệnh da liễu nói về hiện tượng nhiễm nấm da. Tình trạng này sẽ gây ra các đốm da sáng hơn hoặc sậm màu và thường xuất hiện ở trên ngực hoặc lưng, cánh tay và không gây ngứa hay đau. Nếu nhìn kỹ, có thể thấy những vảy rất mịn trên bề mặt các đốm hoặc mảng da này.
Nấm men thường sống trên da với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, nếu những vi sinh vật này được tạo điều kiện sinh trưởng quá mức, chúng có thể ảnh hưởng đến lớp biểu bì khiến làn da có những mảng không đều màu (còn được gọi là lang ben). Tình trạng da này phổ biến ở thanh thiếu niên nhưng bất cứ ai cũng có thể gặp phải kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị lang ben sẽ có những triệu chứng gì?
Thông thường, triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng lang ben là hiện tượng các mảng da màu trắng, hồng hoặc nâu nhạt xuất hiện nổi bật trên làn da bé. Bên cạnh đó, vẫn còn một số dấu hiệu khác cho thấy bé đang mắc phải chứng lang ben gồm:
- Nhiễm trùng tại lớp biểu bì trên cùng của da
- Phát ban ở ngực hoặc lưng
- Lang ben sẽ hiếm khi hiện diện tại vùng mặt
- Các vết mẩn đỏ trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày trời nóng
- Các mảng lang ben bùng phát nhiều nếu bé đang dùng thuốc steroid hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
Các triệu chứng của lang ben ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đôi lúc sẽ có phần tương tự với các tình trạng nhiễm trùng da khác. Chính vì thế, bạn không nên tự ý điều trị tại nhà mà nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lang ben bao gồm:
- Sống ở vùng có khí hậu nóng ẩm
- Bé có hệ thống miễn dịch suy yếu
- Trẻ có cơ địa da nhờn, dễ tiết dầu
- Da bé không được lau khô, thường xuyên trong tình trạng ẩm, bí hơi.
Lang ben ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
1. Bệnh lang ben ở trẻ nhỏ được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh lang ben nói chung, kể cả là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có thể dễ dàng chẩn đoán bằng việc thăm khám, quan sát da. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng và lối sống của trẻ. Đôi khi, bác sĩ sẽ cạo một mẫu nhỏ da bị bong tróc để quan sát dưới kính hiển vi hoặc để kiểm tra trong phòng thí nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân.
2. Điều trị
Nếu các đốm lang ben có kích thước nhỏ, ít cũng như bé không tỏ ra khó chịu, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng loại dầu gội trị gàu chứa hoạt chất selen sulfide hoặc ketoconazole. Những thành phần này sẽ tiêu diệt nấm men bám trên da trẻ. Cách thực hiện cụ thể như sau:
- Bôi một lớp mỏng dầu gội lên tất cả vùng da bị lang ben
- Để yên trong vòng 10 đến 15 phút trước khi gội sạch
- Lặp lại từ 2 – 3 lần mỗi tuần cho đến khi tình trạng được cải thiện.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể tiến hành kê đơn thuốc trị nấm dành cho trẻ để tránh cho các vết lang ben không lan rộng. Việc điều trị sẽ không làm cho da bé trở lại màu sắc bình thường ngay lập tức mà sẽ cần vài tuần hoặc vài tháng. Do đó, bạn đừng quá nôn nóng khi thấy tình trạng chưa cải thiện rõ rệt theo ý muốn.
Bí quyết chăm sóc da khi bé bị lang beng và biện pháp ngăn ngừa
1. Bí quyết chăm sóc da khi bé
Bố mẹ hãy chú ý lau khô da của trẻ mỗi khi thấy bé đổ mồ hôi hoặc sau khi tắm xong và ưu tiên các loại quần áo có chất liệu thoáng mát, thấm hút tốt để giúp con yêu cảm thấy thoải mái, đồng thời hạn chế tình trạng các đốm lang ben lan rộng.
Ngoài ra, ba mẹ cũng cần đảm bảo trẻ không dùng chung khăn tắm với bất kỳ ai khi con mắc lang ben nhằm đề phòng trường bệnh sẽ lây lan sang các thành viên khác trong gia đình.
2. Biện pháp ngăn ngừa nguy cơ bị lang ben
Để ngăn ngừa nguy cơ bị lang ben ở trẻ, bạn nên đảm bảo các yếu tố sau:
- Giữ cho da mát, sạch và khô
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu cotton
- Hạn chế sinh hoạt ở nơi có không khí nóng ẩm
- Thoa kem chống nắng mỗi khi trẻ ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Mong rằng những thông tin trên đã giúp bạn biết được lang ben ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là gì cũng như cách điều trị khoa học, giúp làn da bé yêu nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Đừng quên truy cập Hello Bacsi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích về chủ đề chăm sóc sức khỏe trẻ bạn nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]