backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bổ sung kẽm đầy đủ cho trẻ còi cọc, dậy thì muộn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    Bổ sung kẽm đầy đủ cho trẻ còi cọc, dậy thì muộn

    Bổ sung kẽm cho trẻ đầy đủ là cách giúp bé yêu phát triển, hay ăn và chóng lớn. Chọn lựa những thực phẩm phù hợp giúp bé hấp thu tốt lượng kẽm cần thiết.

    Thiếu hụt kẽm là nguyên nhân phổ hiến hàng đầu khiến trẻ em còi cọc, chậm phát triển. Có nhiều lý do khác nhau gây nên tình trạng thiếu hụt kẽm. Việc bổ sung kẽm không hợp lý lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé. Do đó, bạn cần hiểu rõ về tầm quan trọng của vi chất này và liều lượng cần thiết để bổ sung vừa đủ cho con.

    Vì sao cần bổ sung kẽm cho trẻ?

    Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 1/4 tổng số trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới còi cọc, chậm lớn và đứng trước nguy cơ tử vong lẫn nhiều hệ quả nghiêm trọng khác. Nguyên nhân đều có liên quan đến một nhân tố mang tên “kẽm”.

    Có hơn 70 loại enzyme trong cơ thể cần đến kẽm để thực hiện chức năng tiêu hóa và quá trình trao đổi chất. Do đó, trẻ em thiếu kẽm càng có nguy cơ cao còi cọc, chậm phát triển.

    Kẽm được biết đến là nguyên tố vi lượng, đóng vai trò hết sức quan trọng trong nhiều quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể bao gồm sự phát triển và phân ly của tế bào, quá trình trao đổi chất. Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng này sẽ làm cản trở sự phát triển thể chất và làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng. Từ đó, góp phần làm gia tăng đáng kể nhiều bệnh tật và tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ. Còn bổ sung kẽm đủ giúp nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình chuyển hóa protein.

    Cơ thể sử dụng kẽm để chống lại tình trạng nhiễm trùng, đồng thời sản sinh ra tế bào mới. Kẽm là nhân tố rất quan trọng trong việc chữa lành các thương tổn trong cơ thể đồng thời sản sinh DNA, thiết lập bản đồ di truyền trong mỗi tế bào cơ thể.

    Kẽm còn là nhân tố không thể thiếu trong việc duy trì sinh lý bình thường, nâng cao sức khỏe sinh sản. Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của kẽm. Cơ thể chỉ có thể hấp thụ khoảng 30% tổng lượng kẽm nạp vào qua một số loại thức ăn, do đó thiếu hụt kẽm là vấn đề thường xảy ra.

    Mới đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, thiếu hụt kẽm còn có mối liên hệ mật thiết với việc gia tăng các bệnh lý như cảm lạnh, suy giảm trí nhớ, khả năng học tập và khả năng tập trung ở trẻ.

    Hiện tình trạng thiếu hụt kẽm là vấn đề đáng báo động ở nhiều quốc gia đang phát triển. Ví dụ, có đến 70% trẻ em trong độ tuổi đến trường tại Thái Lan bị thiếu kẽm.

    Bổ sung kẽm cho trẻ

    Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt kẽm

    Việc bổ sung kẽm không đủ thông qua chế độ dinh dưỡng hằng ngày được xem là nhân tố chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt kẽm ở trẻ em. Thiếu hụt kém còn có nhiều khả năng xảy ra cho sự thất thoát từ trong chính cơ thể. Lý do là vì lượng vi chất đồng cơ thể hấp thụ quá cao.

    Trong một số trường hợp đặc biệt như ở phụ nữ mang thai, nhu cầu kẽm tăng cao cũng khiến cơ thể bị thiếu hụt. Ngoài ra, chứng rối loạn kém hấp thụ đường tiêu hóa cũng có thể dẫn đến các triệu chứng thiếu hụt kẽm.

    Một số nguyên nhân cản trở cơ thể hấp thu kẽm

    • Sự suy giảm lượng kẽm hấp thu có thể xảy ra khi chế độ dinh dưỡng của người có quá nhiều chất xơ, chỉ toàn ăn rau củ hay còn gọi thực dưỡng. Lượng chất xơ cao làm cản trở hấp thu kẽm.
    • Bổ sung quá nhiều sắt (hơn 50 – 60 mg/ngày) sẽ ngăn cản cơ thể hấp thu đủ kẽm.
    • Bổ sung quá nhiều canxi cacbonat có nhiều trong các chất bổ sung canxi cho người loãng xương hoặc canxi phốt phát có nhiều trong sữa bò (hơn 1.000mg/ngày) sẽ xảy ra phản ứng khiến kẽm khó hấp thu.
    • Hấp thụ quá nhiều axít folic (hơn 1.000 mcg/ngày) có thể tương tác với kẽm, làm cản trở sự hấp thụ kẽm vào cơ thể.
    • Phẫu thuật nội soi thắt dạ dày cũng khiến quá trình hấp thu kẽm của cơ thể khó khăn hơn.
    • Thiếu hụt kẽm có thể xảy ra ở những người có tiền sử mang thai, tuổi vị thành niên, tiền sử mắc bệnh tiêu chảy và viêm đường ruột mạn tính, trẻ biếng ăn, trẻ mắc bệnh hồng cầu hình liềm.

    Hậu quả khi nạp vào quá nhiều kẽm

    Nguồn kẽm không chỉ đến từ những thực phẩm ăn hằng ngày mà còn có thể đến từ các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng. Do đó, nếu không tính toán hợp lý, trẻ có thể hấp thụ quá liều lượng kẽm cần thiết, dẫn đến những biến chứng như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau đầu hay co thắt bụng. Tiêu thụ kẽm quá liều trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả ngộ độc lâu dài.

    Theo khuyến cáo của Viện Y khoa về Thực phẩm và Dinh dưỡng Hoa Kỳ, lượng kẽm an toàn tối đa cho trẻ từ 1 – 3 tuổi là 7mg và trẻ từ 4 – 8 tuổi là 12mg.

    Chẩn đoán thiếu hụt kẽm

    Kẽm phân bố rải rác ở nhiều tế bào trong cơ thể. Do đó, rất khó để phát hiện tình trạng thiếu hụt kẽm thông qua một xét nghiệm máu đơn giản thông thường.

    Nếu nghi ngờ bị thiếu kẽm, bác sĩ sẽ cần phải kiểm tra huyết tương để có kết luận chính xác. Các xét nghiệm khác để chẩn đoán thiếu hụt kẽm bao gồm xét nghiệm nước tiểu và phân tích sợi tóc của bệnh nhân để đo hàm lượng kẽm.

    Đôi khi, thiếu hụt kẽm lại là triệu chứng của một bệnh lý khác. Thiếu hụt kẽm thường đi liền với thiếu hụt đồng. Vì thế, bác sĩ sẽ lưu ý vấn đề này và đề nghị làm xét nghiệm chẩn đoán khác.

    Khi nào cần đưa con đến bác sĩ khám?

    Đa số các trường hợp thiếu hụt kẽm không phải là vấn đề nguy cấp gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu lạ sau và nghi ngờ bé thiếu kẽm, bạn cần đưa con đi khám bác sĩ ngay:

    • Chán ăn
    • Chậm lớn
    • Tóc và móng dễ gãy rụng
    • Tiêu chảy kéo dài.

    Bên cạnh đó còn nhiều dấu hiệu thiếu kẽm khác mà có thể bạn chưa biết, bạn có thể tham khảo các dấu hiệu tại đây. Do kẽm là khoáng chất thiết yếu để cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng nên thiếu kẽm, cơ thể sẽ suy giảm sức đề kháng nghiêm trọng, các bệnh lý viêm nhiễm sẽ ngày càng trở nặng hơn. Đặc biệt khi trẻ còn có thêm các biểu hiện như sau, bạn càng cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

    • Chóng mặt, buồn nôn
    • Đau đầu đột ngột nhưng không dứt
    • Mất nhận thức.

    Điều trị thiếu hụt kẽm

    Bổ sung kẽm bằng thực phẩm

    Thay đổi chế độ dinh dưỡng

    Biện pháp điều trị lâu dài đối với tình trạng thiếu hụt kẽm bắt đầu từ việc thay đổi bữa ăn hằng ngày của bé. Bạn có thể bổ sung kẽm từ các nguồn dồi dào như:

    • Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu…
    • Thịt gia cầm như thịt gà, thịt vịt…
    • Các loại hạt như hạt bí, hạt dẻ, điều, hạnh nhân…
    • Lúa mạch
    • Hàu
    • Các loại đậu như đậu đỏ, đậu xanh…

    Thực phẩm chức năng bổ sung kẽm

    Thực phẩm chức năng cũng là một nguồn bổ sung kẽm cho trẻ nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn cần tham vấn bác sĩ trước khi cho trẻ dùng để tránh tình trạng dùng quá liều và các tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng với các thuốc khác như kháng sinh, thuốc điều trị viêm khớp hay thuốc lợi tiểu.

    Tầm quan trọng của việc bổ sung kẽm đầy đủ đối với cơ thể trẻ, đặc biệt là trẻ chậm lớn, còi cọc, dậy thì muộn là điều không thể phủ nhận. Do đó, bạn đừng quên bổ sung kẽm ngay cho con trong bữa ăn hằng ngày nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo