Trừng phạt tích cực! Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn đúng không? Tại sao lại là trừng phạt tích cực? Phương phát kỷ luật này có hiệu quả không? Để trả lời những câu hỏi này, bạn hãy theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.
Trừng phạt tích cực là gì?
Trừng phạt phạt tích cực là một phương pháp kỷ luật nhằm làm giảm một hành vi không mong muốn tiếp diễn trong tương lai bằng cách bổ sung thêm những điều trẻ không thích. Ví dụ: Sau khi chơi xong, trẻ để đồ chơi bừa bộn, không chịu dọn dẹp, chính vì vậy bạn đã quyết định không mua đồ chơi cho bé nữa.
Đơn giản hơn, bạn có thể hiểu theo cách này. Hành vi của trẻ là tiêu cực, kết quả trẻ nhận được cũng là tiêu cực. Hai điều tiêu cực đi với nhau thì sẽ dẫn đến điều tích cực.
Trừng phạt tích cực được thực hiện dựa trên nguyên lý nào?
Mục tiêu của bất kỳ sự trừng phạt nào cũng là chấm dứt những hành vi tiêu cực. Trừng phạt tích cực hoạt động dựa trên nguyên tắc điều kiện thao tác (Operant Conditioning).
Điều kiện thao tác là một nguyên lý học tập mà hành vi được kiểm soát bởi kết quả. Hay nói cách khác, trẻ sẽ học được từ những kết quả của hành vi đó. Khi bạn quan sát kết quả từ các hành động mà bạn đã làm, những kết quả này sẽ ảnh hưởng đến bạn trong lần thực hiện hành động tiếp theo.
Những thuật ngữ chính được dùng trong nguyên lý điều kiện thao tác là củng cố và trừng phạt.
Củng cố là để khuyến khích những hành vi tốt và trừng phạt là để ngăn chặn những hành vi không mong muốn.
Củng cố sử dụng sự khen thưởng (một điều tích cực) để khuyến khích hành vi tích cực. Còn trừng phạt có nghĩa là một kết quả tiêu cực đối với hành vi không mong muốn.
Có hai loại trừng phạt: trừng phạt tích cực và trừng phạt tiêu cực.
Trừng phạt tích cực và trừng phạt tiêu cực
Trừng phạt tích cực – bổ sung điều trẻ không thích cho một hành vi mục tiêu ở trẻ để làm giảm khả năng hành vi đó tiếp diễn trong tương lai.
Trừng phạt tiêu cực – loại bỏ thứ trẻ thích sau khi hành vi đó diễn ra nhằm giảm thiểu khả năng hành vi đó sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Sự khác biệt giữa trừng phạt tích cực và trừng phạt tiêu cực
Dù bản chất của hình phạt có thế nào đi nữa thì mục đích nhắm đến vẫn là để giảm khả năng hành vi không mong muốn đó sẽ tiếp diễn trong tương lai.
Một số ví dụ về trừng phạt tích cực
1. Trẻ mải chơi mà không lo hoàn thành bài tập về nhà. Chính vì vậy, ba mẹ đã bắt trẻ phải ngồi học thêm một giờ để hoàn thành tất cả bài tập rồi mới được đi ngủ. Trong tình huống này, ngồi học thêm một giờ là trừng phạt tích cực. Và ở lần tiếp theo, trẻ sẽ làm bài tập rồi mới chơi bởi trẻ không muốn phải ngồi học thêm 1 tiếng nữa.
2. Bạn vượt đèn đỏ khi lưu thông trên đường vì sắp muộn làm. Thật không may, bạn đã bị cảnh sát giao thông bắt và yêu cầu đóng phạt. Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ để lần sau không phạm phải lỗi này nữa.
3. Trẻ không làm bài tập về nhà, do đó cô giáo phạt trẻ đứng ngoài hành lang. Hình phạt này sẽ giúp trẻ hiểu rằng mình phải làm bài tập về nhà.
4. Hai đứa trẻ đánh lộn với nhau và hiệu trưởng quyết định đình chỉ học tập cả hai trẻ trong một tuần.
5. Đứa trẻ 5 tuổi giẫm phải đuôi con chó và con chó quay lại cắn bé. Hành động cắn của chú chó đã ngăn đứa trẻ lặp lại hành vi không mong muốn này trong tương lai.
6. Bạn đang ở siêu thị cùng với con của mình. Bỗng nhiên, trẻ bắt đầu tức giận, la hét và ném đồ đạc. Bạn cực kỳ bực mình, chính vì vậy bạn đã nói với con rằng “Nếu con tiếp tục cư xử như vậy thì chúng ta sẽ rời khỏi đây ngay lập tức”.
Ở tất cả các trường hợp trên, những kết quả tiêu cực sẽ được thực hiện để ngăn chặn các hành vi không mong muốn. Bên cạnh đó, trừng phạt tích cực cũng có thể xảy ra do đó là kết quả tất yếu của một quá trình tự nhiên. Ví dụ như khi trẻ chạm vào một ấm nước đang sôi, theo phản xạ, bé sẽ rụt tay lại ngay lập tức. Và kết quả này đã giúp bé hiểu rằng không nên chạm vào một ấm nước nóng.
Trừng phạt tích cực liệu có hiệu quả không?
Việc trừng phạt phải được sử dụng với mục tiêu loại bỏ một hành vi không mong muốn trong một khoảng thời gian nhất định.
Chìa khóa để đạt được mục tiêu đó là nhanh chóng và đồng bộ. Muốn việc trừng phạt có hiệu quả, bạn phải áp dụng ngay và đồng nhất đối với những hành vi không mong muốn của trẻ.
Thời gian và chiến thuật sẽ hoạt động có hiệu quả nếu chúng được sử dụng đúng cách.
Phương pháp phạt “ngắt, dừng, can thiệp” (timeouts) hoặc phương pháp lấy đi một thứ gì đó rất hiệu quả với những đứa trẻ mới biết đi. Bởi ở độ tuổi này, trẻ không bao giờ chịu lắng nghe, do đó việc giải thích, lập luận với trẻ thật vô ích.
Tuy nhiên, trừng phạt tích cực sẽ không có hiệu quả trong những tình huống sau:
• Những đứa trẻ muốn được giải thích, thảo luận và thương thuyết với cha mẹ. Đối với những đứa trẻ này, lý trí là công cụ tốt nhất để đối phó.
• Việc trừng phạt không hẳn là có thể ngăn được việc đứa trẻ thực hiện những hành vi không mong muốn. Trước mặt bạn, trẻ có thể không làm, nhưng trẻ sẽ lén lút làm điều đó sau lưng bạn. Như vậy, phương pháp này không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Ví dụ như khi bạn nhìn thấy đứa con gái tuổi teen của mình hút thuốc, bạn sẽ bắt bé ngừng hút. Quả thật, trẻ đã ngừng hút nhưng thực tế, trẻ lại lén lút hút vào những lúc mà bạn không biết.
• Khi đưa ra hình phạt cho trẻ, bạn phải nghĩ rằng mình đang làm điều đó vì mục đích gì: để giảm những hành vi không mong muốn của trẻ hay chỉ vì bạn “giận quá mất khôn”? Cách tốt nhất là bạn nên dành khoảng vài phút để suy nghĩ và sau đó thực hiện hình phạt.
Chính vì vậy, khi sử dụng trừng phạt tích cực, bạn nên cân nhắc thật kỹ cả về lợi ích lẫn bất lợi mà nó đem lại.
Đánh đòn có phải là một hình thức của trừng phạt tích cực?
Đánh đòn là điều mà cả cha mẹ và bé đều không mong muốn. Đây là biện pháp cuối cùng mà các bậc cha mẹ sử dụng để răn đe con. Tuy nhiên, những hình phạt về thể chất có thể gây ra những bất lợi về lâu dài cho trẻ. Thực tế, nó còn làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
• Hình phạt thể chất đối với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên không những không đem đến bất kỳ lợi ích nào trong việc nuôi dạy con mà còn đưa đến những rủi ro không cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh nên tìm kiếm những hình phạt tích cực hơn để thay thế cho những hình phạt này.
• Hình phạt thể chất còn gây ra những tác động lâu dài như trẻ sẽ trở nên hung hăng hơn sau này, ảnh hưởng tâm lý của trẻ….
Nếu bạn đánh đòn trẻ thì bạn cũng nhớ phải dành cho trẻ tình yêu thương và sự quan tâm để giảm thiểu những bất lợi do những hình phạt thể chất gây ra.
Thông tin về củng cố
Cũng giống như trừng phạt, củng cố cũng có 2 loại: tích cực và tiêu cực.
Củng cố tích cực: hành vi đi theo sau sự khen thưởng. Khi trẻ có việc làm tốt, bé nhận được một ngôi sao (củng cố) để khuyến khích bé tiếp tục làm những việc này.
Ví dụ, bạn có thể nói với trẻ: “Nếu con dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, mẹ sẽ thưởng cho con một thanh sô cô la”. Việc dọn đồ chơi sau khi chơi (hành vi tích cực) đã được củng cố bằng phần thưởng.
Củng cố tiêu cực: hành vi tích cực được nhận kết quả tiêu cực. Ví dụ bạn rầy la trẻ để trẻ tắm trước khi ăn sáng. Và để tránh bị bạn cằn nhằn (kết quả tiêu cực), trẻ đã tắm xong trước bữa sáng (hành vi tích cực).
Dù là củng cố hay trừng phạt thì quan trọng là thái độ cư xử của bạn. Sự trừng phạt không làm ngăn chặn những hành vi không mong muốn mà nó chỉ làm giảm sự xuất hiện của các hành vi này. Do đó, bạn cần phải sử dụng nó một cách hợp lý, kết hợp với tình yêu, sự quan tâm và lời giải thích để trẻ hiểu rằng bạn phạt trẻ vì bạn muốn trẻ tốt hơn chứ không phải là vì bạn ghét trẻ.
[embed-health-tool-vaccination-tool]