backup og meta

Bí quyết giúp trẻ không còn ghen tỵ và so bì

Bí quyết giúp trẻ không còn ghen tỵ và so bì

Ghen tỵ là một trạng thái tình cảm hết sức tự nhiên và bình thường ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu tính cách này không được phát hiện và rèn giũa sớm, trẻ sẽ dễ lâm vào trạng thái khủng hoảng. Nghiêm trọng hơn, khi lớn lên, trẻ sẽ trở nên nhỏ nhen, ích kỷ và có thể gây ra những hành vi tiêu cực. 

Trẻ nhỏ thường thể hiện cảm xúc bản thân rất rõ ràng. Trẻ có thể không ngần ngại bày tỏ cảm xúc yêu, ghét, buồn, ghen hoặc những cảm xúc khác. Nếu bạn thấy dạo gần đây bé cưng nhà mình luôn ghen tỵ với các bạn hoặc hay so bì với mọi người, vậy hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về sự ghen tỵ ở trẻ nhỏ và bí quyết để vượt qua điều này một cách dễ dàng.  

Nguyên nhân nảy sinh thói ghen tỵ ở trẻ

Bạn không biết tại sao con mình lại hay ghen tỵ với bạn bè hoặc anh chị em? Hãy tìm hiểu qua những lý do sau đây, bạn có thể tìm được nguyên do: 

1. Bạn đã nuông chiều trẻ quá mức

Là cha mẹ, việc bạn chiều chuộng, yêu thương trẻ là điều bình thường và điều này giúp gắn kết tình cảm gia đình. Tuy nhiên, nếu được nuông chiều quá mức, con sẽ có cảm giác bản thân vượt trội hơn người khác. Do đó, bất cứ khi nào trẻ thấy ai đó tốt hơn mình hoặc sở hữu đồ vật gì đó tốt hơn, trẻ sẽ thấy nảy sinh tâm lý ghen tỵ và trạng thái bất an.

2. Bạn đang so sánh trẻ với những đứa trẻ khác

Việc cha mẹ so sánh con với những đứa trẻ khác là điều rất tự nhiên. Điều này sẽ không gây ra nhiều vấn đề nếu bạn không nói miên man từ ngày này sang ngày khác. Tuy nhiên, nếu cứ liên tục so sánh, bạn sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý ganh đua, tự ti và hay ghen tỵ với mọi người.

3. Bạn đang quan tâm và bảo vệ trẻ quá nhiều

Bất cứ cha mẹ nào cũng đều yêu thương, bảo vệ và quan tâm con của mình. Tuy nhiên, đôi khi việc quan tâm, bảo vệ quá mức sẽ làm cho trẻ nảy sinh tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào ba mẹ. Từ đó, trẻ sẽ nảy sinh cảm giác ghen tỵ với những đứa trẻ tự tin hơn mình.

4. Cạnh tranh không lành mạnh

Theo các chuyên gia, sự cạnh tranh lành mạnh có thể rất tốt đối với quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc ép buộc trẻ phải giành chiến thắng trong mọi tình huống sẽ có những tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ sẽ dễ sinh ra tính hiếu thắng, ghen tỵ với các bạn và sẽ không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục tiêu. 

Cạnh tranh ở trẻ em

5. Kiểm soát quá mức hoặc nuôi dạy con cái độc đoán

Việc bạn luôn kiểm soát hoặc yêu cầu trẻ phải tuân theo các quy tắc mà không được giải thích lý do một cách rõ ràng sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý oán hận và thói ghen tỵ. Trẻ sẽ cảm thấy mình luôn thua thiệt với bạn bè đồng trang lứa vì mình phải sống trong một môi trường thiếu tự do, bất công.

6. Ghen tỵ về thành tích hoặc tài năng

Mỗi đứa trẻ đều có những đặc điểm, tính cách và tiềm năng của riêng mình. Một số trẻ sẽ học rất giỏi, trong khi số khác lại chơi thể thao rất xuất sắc. Điều này sẽ khiến trẻ dễ cảm thấy ghen tỵ với một bạn nào đó vì bạn ấy học giỏi hơn hoặc chơi thể thao hay hơn mình. 

7. Ghen tỵ giữa anh chị em

Thông thường, các bé lớn thường hay cảm thấy ghen tỵ với em của mình. Nguyên nhân của điều này có thể là do bạn thiếu quan tâm đến trẻ hoặc bạn quá tập trung chăm sóc cho bé nhỏ. 

Các dấu hiệu cho thấy bé cưng nhà bạn có tính ghen tỵ

Ghen tỵ là điều thường thấy ở trẻ nhỏ và bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra trẻ đang có cảm giác này thông qua một số biểu hiện sau:

1. Trẻ muốn sở hữu mọi thứ

Ghen tỵ sẽ khiến trẻ luôn muốn sở hữu mọi thứ, từ đồ vật cho đến con người như ba mẹ, anh chị em và bạn bè. Trẻ sẽ không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với bất cứ ai. Tình trạng này nếu không được can thiệp sẽ dễ dẫn đến chứng trầm cảm.

2. Trẻ luôn so sánh

Sự ghen tỵ còn khiến trẻ luôn so sánh kỹ năng, thành tích, đồ đạc và những thứ khác của mình với những đứa trẻ khác. Nếu trẻ thiếu hoặc không có thứ gì đó, trẻ có thể thể hiện sự bất mãn và nổi giận.

3. Trẻ luôn khiến bạn tức giận

Nếu trẻ cảm thấy ghen tỵ với anh chị em của mình, trẻ sẽ cố gắng hết sức để thu hút sự chú ý của bạn. Cách tốt nhất để thu hút sự chú ý là nổi loạn và khiến bạn cảm thấy bực mình. Trẻ có thể làm tất cả mọi thứ để khiến bạn tức giận và mục đích của tất cả những điều này chỉ là để bạn chú ý đến bé nhiều hơn.

4. Trẻ có hành vi hung hăng

Một đứa trẻ đang có cảm giác ghen tỵ với bạn bè hoặc anh chị em sẽ hay có hành vi hung hăng, bạo lực hoặc cư xử không phải phép. Trẻ không những bắt nạt, đánh nhau mà thậm chí còn cố làm hại anh chị em hoặc bạn bè của mình.

5. Trẻ cảm thấy không an toàn

Trẻ có thể có cảm giác không an toàn. Tình trạng này trở nên rõ rệt hơn khi bạn sinh thêm em bé. Trẻ có thể thấy lúng túng và luôn tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của bạn.

Ghen tỵ sẽ dẫn đến rất nhiều điều tiêu cực đối với sự phát triển và hình thành nhân cách

Ghen tỵ là một cảm xúc tiêu cực và có thể tác động không tốt đến tính cách của trẻ:

  • Trẻ có thể trở nên hung dữ
  • Trẻ có thể trở thành người hay bắt nạt
  • Trẻ cảm thấy cô đơn và sống xa cách với mọi người
  • Trẻ thiếu tự tin

Làm thế nào để trẻ không ghen tỵ với anh chị em hoặc bạn bè?

Ghen tỵ không phải là một tính tốt, do đó, bạn nên có cách can thiệp kịp thời để tính xấu này không làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ:

1. Hãy lắng nghe con trẻ

Ghen tỵ không phải là cảm xúc nhất thời mà là cả một quá trình dồn nén. Do đó, bạn nên dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều hơn để lắng nghe những mối quan tâm, những nỗi sợ hãi, lo lắng của trẻ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy ghen tỵ và có cách xử lý kịp thời. 

2. Tìm cách biến những điều tiêu cực thành tích cực

Tâm lý ghen tỵ có thể khiến trẻ nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Bạn hãy tìm cách biến những điều này thành động lực để trẻ cố gắng phấn đấu. Chẳng hạn, nếu anh chị em hoặc bạn bè của trẻ có thành tích học tập tốt hơn, hãy khuyến khích trẻ học tập chăm chỉ và đạt điểm cao hơn thay vì ghen tỵ với thành tích của người khác.

Biến những điều tiêu cực thành tích cực

3. Hãy thể hiện sự yêu thương đối với trẻ

Trẻ nhỏ có thể có những hành vi hoặc thái độ không tốt. Tuy nhiên, bạn đừng vì vậy mà la mắng hay trừng phạt trẻ quá nghiêm khắc. Thay vào đó, hãy tìm cách lắng nghe, chia sẻ và thể hiện tình yêu thương của bạn. Hãy nhớ rằng trẻ đang phải đối mặt với những cảm xúc vô cùng khó chịu và trẻ rất cần sự quan tâm của bạn.

4. Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc chia sẻ

Điều này rất quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Việc một đứa trẻ học được cách chia sẻ đồ đạc của mình với những đứa trẻ khác sẽ giúp trẻ ít thấy ghen tỵ với mọi người và dễ kết bạn hơn.

5. Không so sánh trẻ với những đứa trẻ khác

Việc so sánh trẻ với những đứa trẻ khác vô tình tạo ra cảm xúc tiêu cực cho trẻ nhỏ. Do đó, đừng so sánh con với bất cứ đứa trẻ nào. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và có tài năng khác nhau. Hãy quan sát xem trẻ có năng khiếu với lĩnh vực gì và tìm cách giúp trẻ phát triển sẽ tốt hơn là đem trẻ đi so sánh với những người khác.

6. Đừng khen ngợi trẻ quá nhiều

Việc dành tặng cho trẻ những lời khen khi trẻ làm được việc tốt hoặc có thành tích cao là điều khá bình thường để trẻ có động lực cố gắng. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng điều này bởi việc khen ngợi trẻ quá nhiều đôi khi lại nảy sinh những tác động tiêu cực đấy. 

7. Không so sánh kết quả học tập

Bạn không nên so sánh thành tích học tập của trẻ với anh chị em hoặc bạn bè của trẻ. Làm như vậy rất dễ tạo ra cảm giác thù địch và ghen tỵ. Nếu trẻ có thành tích học tập không tốt, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và có hướng khắc phục hợp lý. Ngoài ra, bạn hãy khuyến khích con học tập chăm chỉ để cải thiện điểm số thay vì so sánh với người khác.

Thói ghen tỵ là điều rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu được xử lý theo cách tích cực và phù hợp, trẻ có thể vượt qua điều này một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp khó khăn và không biết xử lý thế nào đối với sự ghen tỵ quá mức của trẻ, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Jealousy in Children – Causes and Tips to Deal with It https://parenting.firstcry.com/articles/jealousy-in-children-causes-and-tips-to-deal-with-it/ Ngày truy cập: 2/6/2019

How to Deal With a Child’s Jealousy With the New Baby https://www.verywellfamily.com/how-do-i-deal-with-a-jealous-sibling-290535 Ngày truy cập: 2/6/2019

Jealousy in Children https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/14949182 Ngày truy cập: 2/6/2019

Phiên bản hiện tại

28/08/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 28/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo