backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu về các mốc phát triển của trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/02/2020

    Tìm hiểu về các mốc phát triển của trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi

    Bạn đang nuôi con nhỏ và có chút băn khoăn, thắc mắc về các mốc phát triển của trẻ trong năm đầu đời để đánh giá xem liệu bé yêu nhà mình có phát triển đúng theo độ tuổi? 

    Bé cưng nhà bạn đã bắt đầu tập bò/tập đi và rất thích thú khám phá mọi đồ vật cùng các ngóc ngách trong ngôi nhà mỗi khi có dịp. Điều này khiến bạn lo lắng về sự mất an toàn cho con nhưng lại chưa biết phải làm những gì để bảo đảm an toàn cho con yêu trong chính ngôi nhà của mình. Nếu bạn đang có băn khoăn này, những chia sẻ trong bài viết sau của Hello Bacsi sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích cho bạn.

    Các mốc phát triển của trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi

    Trẻ nhỏ không ngừng lớn lên mỗi ngày, các kỹ năng vận động của con cũng dần hoàn thiện theo từng giai đoạn phát triển. Mỗi một độ tuổi, trẻ đạt đến một mốc phát triển vận động nhất định.

    1. Trẻ 3 tháng tuổi

    Trẻ 3 tháng tuổi biết lật

    Khi được 3 tháng tuổi, bé cưng nhà bạn đang học cách lật như các trẻ khác để có thể tự xoay chuyển thân mình. Tuy nhiên, đa phần các bé trong giai đoạn này đều có thể tự lật úp nhưng chưa có khả năng lật mình nằm ngửa trở lại. Quan sát kỹ hơn, bạn có thể thấy mỗi khi lật, bé lại cố gắng tìm cách ngẩng cao đầu để có thể quan sát xung quanh. Khi mỏi quá, con sẽ gục đầu xuống và kêu la để được hỗ trợ.

    Ở giai đoạn này, nhiều bé khi lật đã có thể “cất đầu thẳng” trong một khoảng thời gian ngắn và dần học cách kiểm soát cử động của đầu.

    2. Trẻ 4 tháng tuổi

    trẻ nằm nôi

    Trẻ 4 tháng tuổi thường đã biết giơ tay ra nắm lấy bất cứ thứ gì trong tầm với của con. Do đó, bạn hãy treo những món đồ chơi nhỏ quanh chỗ nằm của con để bé có thể chơi đùa cùng chúng.

    Trong giai đoạn này, nhiều bé đã có thể tự lật (lẫy) được rất thành thạo, biết rút tay ra khỏi bụng và tự xoay mình trở lại ở tư thế nằm nghiêng hay ngửa. Nhiều bé 4 tháng tuổi cũng có thể ngồi và giữ thẳng đầu khi được người lớn hỗ trợ.

    3. Trẻ 5 tháng tuổi

    Khoảng 5 tháng tuổi, hầu hết các bé cưng đã biết tự lật rất thành thạo và ngẩng cao đầu nhìn ngó xung quanh.

    Ngoài ra, bé cũng có thể di chuyển khỏi chỗ nằm bằng động tác lật và lăn mình. Trẻ 5 tháng tuổi có thể ngồi khi được hỗ trợ, bé biết dùng tay để tự cân bằng và cầm nắm đồ vật cho vào miệng.

    4. Trẻ 6 tháng tuổi

    Khi bé được 6 tháng tuổi, bạn có thể đặt cho bé tự ngồi mà không cần phải đỡ và con biết dùng tay để tự cân bằng.

    Ở giai đoàn này, nhiều bé đã bắt đầu tập bò nhưng thay vì bò tới thì các bé thường lại bò giật lùi. Các bé thường có xu hướng tóm lấy chân cho vào miệng khi nằm chơi.

    Đây cũng là giai đoạn mà nhiều bé xuất hiện các răng đầu tiên nên con thường cho bất cứ thứ gì cầm được vào miệng. Do đó, để đảm bảo vệ sinh cho con, cha mẹ nên thường xuyên làm sạch đồ chơi, mua cho bé những món đồ chơi phù hợp với độ tuổi.

    5. Sự phát triển vận động của trẻ 7 tháng tuổi

    Với trẻ 7 tháng tuổi, các kỹ năng vận động đã phát triển tương đối tốt và bạn có thể thấy bé ngồi mà không cần đỡ hay dựa lâu hơn so với trước đây. Nhiều bé trong giai đoạn này đã có thể tự ngồi mà không cần có sự trợ giúp và bò về phía trước rất thành thạo.

    Bò, xoay mình, lăn tròn, cầm nắm đồ vật để chơi hay cho vào miệng… là những gì mà bé trong độ tuổi này hay thực hiện.

    Nếu được bạn nắm tay hay đỡ nách, trẻ 7 tháng tuổi cũng có thể đứng được trong một thời gian ngắn.

    6. Sự phát triển vận động của trẻ 8 tháng tuổi

    Khi con yêu bước qua tháng thứ 8, bạn có thể nhận thấy bé thực hiện nhiều tư thế và các chuyển động phức tạp hơn trước. Khi ngồi, bé biết xoay mình qua phải hay trái, rướn người để lấy đồ vật và có thể vịn vào một điểm nào đó để cố gắng đứng dậy.

    Nhiều bé trong độ tuổi này còn có thể vừa đứng vừa nhún nhảy theo nhạc hay khi được khích lệ. Một số ít bé có thể đã biết rê chân sang ngang để tìm cách bước đi, tuy nhiên bước chân của con còn yếu và khá siêu vẹo.

    7. Bé 9 tháng tuổi

    Bé cưng nhà bạn đã có thể bò quanh khắp nhà khi con chạm mốc 9 tháng tuổi. Nhiều bé đã có thể bước đi tới trước nếu con được hỗ trợ hay được dùng xe tập đi hoặc bám vào đồ đạc, bàn ghế và lần đi từ từ.

    Do đó, nếu bé cưng nhà bạn đang trong giai đoạn này, bạn nên sắp xếp lại nhà cửa, cất những vật dụng có nguy cơ gây tai nạn khỏi tầm tay của trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc.

    8. Trẻ 10 tháng tuổi

    bé gái vịn gương và đứng

    Khi được 10 tháng tuổi, cơ bắp của trẻ 10 tháng tuổi đã tương đối phát triển nên con có thể thực hiện các động tác phức tạp chẳng hạn như tự đứng vững trong một thời gian, bám vào bàn ghế hay thành giường để bước đi.

    Trẻ ở giai đoạn này có thể bò rất nhanh. Cá biệt, có một số bé còn có thể tự bước đi.

    9. Trẻ 11 tháng tuổi

    Trẻ 11 tháng tuổi đa phần đã có thể tự mình bước những bước đầu tiên. Bé cưng nhà bạn đã có thể tự đứng dậy và bước về phía trước. Nhiều bé đã biết cầm muỗng cho vào miệng khá thành thạo trong khi đa phần các bé còn khá vụng về.

    Với đa số trẻ 11 tháng tuổi, việc tự bước đi còn khá khó khăn nên bé có thể đi vài bước rồi ngồi xuống hoặc khuỵu gối bò cho nhanh.

    10. Trẻ 1 tuổi

    Khi tròn 1 tuổi, đa phần các bé đã phát triển đầy đủ các kỹ năng vận động và con có thể ngồi, bò, đứng và đi lại dễ dàng mà không cần có sự trợ giúp của bạn.

    Nhiều bé trong độ tuổi này rất thích cầm muỗng tự xúc thức ăn đưa vào miệng. Tuy nhiên động tác của con vẫn còn khá vụng về.

    Những lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà

    trẻ vin tủ đứng

    Trẻ nhỏ rất hiếu động và tò mò, do đó, bạn luôn phải để mắt đến chúng nhất là trong giai đoạn con tập bò hay tập đi. Thực tế là có không ít những vật dụng trong ngôi nhà ấm cúng của bạn có thể trở thành mối nguy cho trẻ. Do đó, để hạn chế mức thấp nhất những đáng tiếc có thể xảy ra, bạn nên:

    ♥ Chọn mua đồ chơi an toàn, chất lượng và không quên vệ sinh đồ chơi của con thường xuyên.

    ♥ Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng.

    ♥ Lắp chấn song cho mọi cửa sổ trong nhà.

    ♥ Các tủ đồ, kệ cần được gắn cố định vào tường, tránh trường hợp con vịn vào đó là đổ tủ hay kệ và bị đè lên người.

    ♥ Góc nhọn bàn ghế, tủ… cần được bọc lại để hạn chế chấn thương nếu chẳng may con va phải.

    ♥ Dùng dụng cụ bịt ổ điện để bịt các ổ điện trong tầm với của trẻ.

    ♥ Không đặt giường hay nôi của trẻ gần rèm cửa sổ hay dây kéo màn nhằm tránh trường hợp trẻ nghịch những thứ này và bị nghẹt thở.

    ♥ Lót thảm ở khu vực chơi của trẻ và thảm chống trượt trong nhà vệ sinh để hạn chế chấn thương nếu chẳng may con té ngã.

    ♥ Gắn chấn song ngăn cách khu vực bếp, cầu thang và cửa ra vào.

    ♥ Luôn đóng cửa nhà vệ sinh, đổ hết nước trong các thau chậu.

    ♥ Các vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, dầu gội, sữa tắm cùng nhiều loại hóa mỹ phẩm khác… cần được cất ở nơi xa tầm tay của trẻ.

    ♥ Di chuyển những chậu cây cảnh có nguy cơ gây hại cho bé ra khỏi khu vực sinh hoạt, chẳng hạn như: vạn niên thanh, trúc đào, cây xương rồng…

    Hy vọng những thông tin mà Hello Bacsi chia sẻ ở trên đã phần nào giúp bạn hình dung rõ nét về các mốc phát triển của trẻ, biện pháp giữ an toàn cho trẻ để từ đó có hướng chăm sóc bé tốt hơn.

    Lan Quan/HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/02/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo