Té ngã
Bé đang ở độ tuổi hiếu động và luôn khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng cho sự an toàn của mình. Bé có thể bị rách môi, bầm mắt, sưng, bị va đập, bầm tím và gặp phải vô số các tình huống nguy hiểm khác. Việc bé vẫn tiếp tục thực hiện những hành động nguy hiểm như trên thực chất lại là một điều tốt, bởi nếu không bé sẽ không bao giờ có thể cọ xát với thực tế và học được cách tự chơi, tự đứng lên một mình sau những lần vấp ngã.
Một số trẻ sẽ học được bài học về sự cẩn thận khá sớm. Sau cú té ngã đầu tiên khỏi bàn uống cà phê, bé sẽ dừng leo trèo vài ngày và sau đó lại tiếp tục nghịch phá một cách cẩn thận hơn. Một số bé khác (những bé thích treo ngược mạng sống bé nhỏ của mình trên cành cây, khiến bố mẹ lo lắng thường xuyên) lại có vẻ như không bao giờ biết cẩn thận là gì, không bao giờ biết sợ hãi, không bao giờ cảm thấy đau: cứ năm phút sau khi bé ngã, bé sẽ tiếp tục leo trèo và nghịch phá.
Việc học đi của bé là quá trình bước đi và té ngã liên tục cho tới khi bé bước đi thành thục. Bạn không thể và không nên cố gắng can thiệp vào quá trình học đi của bé. Vai trò của bạn, ngoài việc là một người quan sát vừa lo lắng vừa tự hào, chính là làm mọi thứ để có thể đảm bảo rằng cho dù bé bị ngã, bé vẫn được an toàn. Vấp ngã trên thảm trong phòng khách có thể khiến chân bé bị bầm tím, tông mạnh vào các cạnh tròn của ghế sofa có thể khiến bé khóc, nhưng va phải các góc nhọn của chiếc bàn kính có thể khiến bé chảy máu. Để giảm nguy cơ bị chấn thương nghiêm trọng của bé, hãy chắc chắn rằng mọi thứ trong nhà luôn an toàn cho trẻ nhỏ. Cho dù bạn đã loại bỏ các mối nguy hiểm, hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất là luôn có một người chăm lo và để mắt đến bé.
Ngay cả khi bé đang ở trong nhà và được chăm sóc kĩ lưỡng, các chấn thương nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra. Hãy chuẩn bị tinh thần cho điều này bằng cách tham gia một khóa cấp cứu cho trẻ nhỏ và học những bước cấp cứu căn bản nhất.
Phản ứng của cha mẹ thường sẽ quyết định phản ứng của bé khi tai nạn xảy ra. Nếu như mỗi một lần bé ngã, người lớn đều hoảng loạn đổ xô đến để cứu bé, lặp đi lặp lại những câu như: “Con có sao không? Con có bị đau không?” và luôn tỏ ra vô cùng lo lắng, đứa bé vừa vấp ngã có khi sẽ phản ứng thái quá y hệt như những người xung quanh. Bé sẽ khóc lớn hơn dù bé không thật sự đau quá nhiều và sau đó có thể bé sẽ trở nên cẩn thận thái quá hoặc mất đi sự thích thú trong việc khám phá mọi thứ xung quanh. Mặt khác, nếu phản ứng của người lớn lại là một câu nói hết sức bình tĩnh như: “Ôi không, con bị ngã rồi! Nhưng không sao hết, đứng lên nào!”, thì bé có thể nhanh chóng đứng thẳng dậy và trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.