backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bé 29 tuần tuổi: Bạn nên làm gì để thúc đẩy con phát triển tốt nhất?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/01/2022

    Bé 29 tuần tuổi: Bạn nên làm gì để thúc đẩy con phát triển tốt nhất?

    Em bé 29 tuần tuổi (khoảng 7 tháng) có thể đạt được những cột mốc phát triển đáng mong đợi như tập nói bập bẹ, trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, có thể tự ngồi, biết cách di chuyển đồ vật,… Trong giai đoạn này, mỗi ngày trẻ đều có thể học những điều mới. Vậy bạn nên làm gì để con phát triển tốt nhất?

    Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ cung cấp những thông tin sức khỏe quan trọng khi trẻ được 29 tuần và giải đáp những thắc mắc thường gặp khi nuôi con giai đoạn này.

    Hành vi và phát triển

    Bé 29 tuần phát triển như thế nào?

    Vào tuần thứ 29, bé có thể có khả năng:

    • Tự ăn bánh quy;
    • Trêu đùa (tạo ra âm thanh trêu đùa phì phèo nước bọt);
    • Lẩm bẩm hay nói bi bô khi vui;
    • Cười thường xuyên khi tương tác với bạn.

    Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

    Đến giai đoạn này bạn có thể thử cho bé uống bằng ly tập uống. Tốt nhất là cho bé dùng loại ly có hai quai cầm và vòi. Nếu bé trở nên khó chịu khi không thể lấy nước ra khỏi ly, hãy gỡ van trên nắp ra. Nếu bé gặp rắc rối và không biết cách nào để uống bằng vòi, hãy bỏ nắp ra và để bé uống thẳng từ ly. Bạn cũng cần phải chỉ bé cách ngả ly ra sau để chất lỏng có thể chảy vào miệng.

    Sức khỏe và an toàn

    Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ khi bé được 29 tuần?

    chăm sóc bé 29 tuần

    Hầu hết các bác sĩ sẽ không sắp xếp kiểm tra sức khoẻ cho bé vào tháng này. Về mặt tích cực, nó có nghĩa là không có vấn đề nghiêm trọng với bé. Về mặt tiêu cực là bạn sẽ không thể nhận biết bé đang phát triển như thế nào. Hãy chuẩn bị các câu hỏi cho lần kiểm tra vào tháng tiếp theo, nhưng cũng đừng e ngại mà hãy gọi điện ngay cho bác sĩ nếu có bất kì vấn đề gì bạn quan tâm lo lắng mà không thể đợi đến lần tái khám tiếp theo.

    Mẹ nên biết thêm những gì?

    Sốt

    Bước vào tháng thứ 7, bạn đã khá hiểu con mình và sẽ có thể đoán biết được con mình đang gặp rắc rối gì. Nếu bé có vẻ nóng hơn bình thường, hãy dùng nhiệt kế đo nhiệt độ cơ thể bé. Mặc dù bạn vẫn thường nghe rằng  37 độ C là nhiệt độ bình thường, nhưng theo lí thuyết thì một em bé khoẻ mạnh sẽ có nhiệt độ dao động từ 36-38 độ C khi đo nhiệt độ ở hậu môn.

    Thật khó tin nhưng thi thoảng sốt lại rất có lợi cho bé, điều này có nghĩa là cơ thể con bạn đang chống lại nhiễm trùng. Trẻ nhỏ thường có nhiệt độ trung bình cao hơn trẻ lớn, vì thế trẻ nhỏ chỉ được xem là sốt khi có một trong các triệu chứng sau:

    • Nhiệt độ đo ở hậu môn hoặc trán cao hơn 38 độ C;
    • Nhiệt độ ở tai trên 37,8 độ C;
    • Nhiệt độ ở nách cao hơn 37,2 độ C.

    Con bạn chỉ mới 7 tháng tuổi và bé không thể báo cho bạn biết khi nào bé thấy mệt hoặc đau, vì vậy bạn nên gọi cho bác sĩ nếu bé có nhiệt độ cao hơn các chỉ số trên. Từ tháng thứ 7 trở lên, hãy chỉ gọi bác sĩ khi nhiệt độ đạt đến 38 độ C khi đo ở hậu môn. Bất kể chuyện gì làm bạn lo lắng, hãy luôn báo với bác sĩ.

    Bạn nên gọi cho bác sĩ nếu bé sốt và kèm các dấu hiệu sau: bé khó thở, xuất hiện các đốm nhỏ màu tím đỏ hoặc vệt lớn màu tím trên da, mất cảm giác ngon miệng, không có khả năng nuốt, chảy nước dãi quá mức, hôn mê, một mắt bé bóng sáng, biểu hiện bất thường, bé có hành vi mê sảng, cáu kỉnh và các hành vi khác thường. Ở trẻ em dưới 1 tuổi, sốt cũng có thể gây co giật.

    Để hạ sốt, hãy thử cởi quần áo cho bé, cho bé vào bồn tắm có nước ấm hoặc tắm cho bé bằng miếng bọt biển, hoặc bạn cũng có thể để cho bé nghỉ ngơi trong phòng mát (không quá lạnh). Ngoài ra, hãy ngăn chặn sự mất nước bằng cách cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa bình thường xuyên.

    Nếu các bước này không giúp bé thuyên giảm, hãy gọi bác sĩ của bé để được tư vấn phương pháp điều trị. Nếu phải dùng thuốc, hãy luôn dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ: liều lượng an toàn sẽ dựa trên trọng lượng của bé và liều lượng này sẽ luôn thay đổi. Không cho bé uống quá liều hoặc quá nhiều. Báo với bác sĩ nếu bé đang dùng loại thuốc có thể gây ra hội chứng Reye ở trẻ bị sốt.

    Nếu bé ăn, ngủ và chơi tốt dù bị sốt, bé có thể không cần điều trị hoặc chăm sóc y tế. Hãy tin vào trực giác của bạn cũng như tin vào nhiệt kế khi bé của bạn bị sốt.

    Có thể bạn quan tâm:

    Cột mốc phát triển quan trọng khi trẻ 7 tháng tuổi mà cha mẹ cần lưu ý

    Trẻ 7 tháng tuổi ăn được những hoa quả gì? Chế biến như thế nào?

    Nếu bé 29 tuần vẫn chưa ngồi được

    bé 29 tuần ngồi

    Hầu hết các giai đoạn phát triển sẽ khác nhau ở những lứa tuổi khác nhau, do đó “bình thường” ở đây có phạm vi khá rộng ở mỗi cột mốc. Mặc dù trung bình thì các bé 29 tuần có thể ngồi mà không cần sự hỗ trợ, một số em bé khác có thể tự ngồi sớm hơn khi được khoảng 4 tháng, số khác nữa thì cần tới 9 tháng. Vì con bạn vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đừng quá lo lắng nếu bạn nhận thấy bé phát triển chậm.

    Kỹ năng ngồi nói chung và các kỹ năng phát triển khác nói riêng hầu hết dựa trên yếu tố di truyền ở các độ tuổi nhất định. Mặc dù các bậc cha mẹ không thể làm gì nhiều để tăng tốc cho quá trình phát triển này, vẫn có nhiều cách để phòng ngừa các trường hợp quá trình này diễn ra chậm đi. Hãy cho bé ngồi trong ghế ngồi dành cho trẻ sơ sinh, xe đẩy hoặc ghế cao, từ đó bé có thể rất nhanh chóng biết ngồi. Mặt khác, các bé dành phần lớn thời gian để nằm hoặc được đặt trong nôi và hiếm khi tựa để ngồi có thể ngồi được rất muộn. Trong thực tế, các em bé trong các nền văn hóa khác nhau cũng có thời điểm tự ngồi được rất khác nhau.

    Mối quan tâm của mẹ

    Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

    Việc luôn ôm bé lên có làm hư hỏng bé?

    Mặc dù rất khó để làm hư một đứa bé ở độ tuổi này, nhưng có rất nhiều lý do bạn không nên ẵm bồng bé quá sớm. Khi chơi trò giả vờ cho bé đi ô tô, bạn sẽ có thể ẵm bé con lên khi nhìn thấy tay bé vẫy liên tục hoặc khi bé cảm thấy chán. Nhưng việc ẵm bé hàng giờ đồng hồ không chỉ khiến bạn không thể hoàn thành công việc riêng của mình, mà còn ảnh hưởng đến cả bé. Trong vòng tay của bạn, bé sẽ không có cơ hội nào để thực hành các kỹ năng, chẳng hạn như leo và bò, ngồi mà mãi dựa dẫm vào bạn. Ngoài ra, bé sẽ không có cơ hội để học cách sử dụng các cơ một cách độc lập cho những việc quan trọng khác, chẳng hạn như học cách tự vui chơi trong thời gian ngắn và làm thế nào để trân trọng bản thân mình hơn (các kỹ năng cần thiết cho lòng tự trọng bắt đầu chớm nở ở trẻ). Cuối cùng, bé cũng sẽ không thể được học những bài học vô giá khác trong quá phát triển thành một con người biết quan tâm khi bạn cứ khư khư bé bên mình.

    Đôi khi bé khóc để được ẵm không phải bé muốn được đưa đi chơi, mà vì bé muốn có cảm giác thoải mái và được chú ý. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm là xác định xem bé đã nhận được đủ sự chú ý và thoải mái hay chưa.

    Hãy xem thử liệu bé đang có nhu cầu nào không. Tã bé có bẩn không? Đã đến lúc ăn trưa chưa? Bé có khát nước không? Bé có mệt mỏi không? Nếu có, hãy đáp ứng nhu cầu của bé, sau đó mới đến bước tiếp theo là di chuyển bé đến một địa điểm mới. Bạn hãy đưa bé đến sân chơi nếu bé đang ở trong nôi; đưa bé ra xe tập đi nếu bé đang ở sân chơi; đưa bé xuống sàn nhà nếu bé ở trong xe tập đi. Điều này có thể đáp ứng sở thích dạo quanh của bé. Sau đó, hãy chắc chắn bé có đồ chơi hoặc các vật để giải trí như nồi nhựa, chảo nhựa, một con thú nhồi bông dễ thương hoặc một tấm bảng với nhiều trò bé thích. Vì khoảng thời gian bé bị thu hút khá ngắn, bạn cần phải trang bị 2 hoặc 3 món đồ chơi trong tầm tay bé. Tuy nhiên quá nhiều đồ chơi cũng có thể làm bé bực bội. Hãy cho bé lựa chọn món đồ chơi khi bé có vẻ không yên. Nếu bé tiếp tục khóc đòi bế, hãy cố gắng đánh lạc hướng bé: cúi xuống ngang bằng bé một vài phút và thu hút bé vào một hoạt động nào đó nhưng tuyệt đối không bế bé lên. Bạn có thể chỉ bé làm thế nào để xếp một hình khối, chỉ đâu là “mắt-mũi-miệng” trên các con thú nhồi bông và hướng dẫn bé làm theo mình.

    mẹ chơi với bé 29 tuần

    Nếu bé chỉ chuyển hướng chú ý trong giây lát, thậm chí nếu bé vẫn bày tỏ sự phản đối miễn cưỡng, hãy nói với bé rằng bạn có việc phải làm và di chuyển ra để làm điều đó một cách cương quyết. Cố gắng xuất hiện trong tầm mắt bé, hãy trò chuyện hoặc hát cho bé nghe nếu bạn thấy có hiệu quả. Sau đó hãy di chuyển ra khỏi tầm mắt bé nhưng vẫn giữ cho bé nghe được âm thanh của bạn.  Bạn chỉ nên thực hiện điều này khi bé đang ở một vị trí an toàn như trong nôi hoặc phòng của bé. Trước khi làm điều này, hãy nghiêng đầu bạn qua một góc và chơi trò trò ú oà để bé biết rằng khi bạn biến mất, bạn vẫn sẽ quay trở lại. Để bé với đồ chơi của mình lâu hơn một chút mỗi lần như vậy hoặc bạn cũng có thể để cho bé phản kháng một chút lâu hơn nếu cần thiết. Nhưng hãy luôn luôn trở về bên cạnh bé khi bé bắt đầu nhặng xị lên để có thể trấn an bé, chơi với bé trong một vài phút và lại bắt đầu quá trình trên.

    Hãy dần dần kéo dài khoảng thời gian không bế bồng bé. Điều này giúp khuyến khích bé tự chơi một mình, không để cho bé có cảm giác bị phớt lờ hoặc cho rằng khóc là cách duy nhất để có được sự chú ý của bạn. Hãy suy nghĩ một cách thực tế: hầu hết các bé sẽ không chơi một mình hơn một vài phút. Thậm chí những bé rất độc lập nhất cũng cần phải thường xuyên thay đổi cảnh vật và đồ chơi. Hãy nhớ rằng, nhiều em bé chưa biết bò có thể bị thất vọng bởi thực tế là bé không thể tự di chuyển từ đây đến kia cho đến khi bé có thể được bố mẹ ẵm đi. Vì vậy, hãy linh động bế bé đến nơi khác để bé có thể thay đổi không gian.

    Đừng cảm thấy quá tội lỗi khi cố gắng để bé tự xoay sở một mình. Nếu bạn cảm thấy như vậy, bạn có thể nghĩ rằng cho bé chơi một mình là một sự trừng phạt (nhưng thực ra không phải như vậy). Nhưng đừng quên rằng con bạn vẫn còn rất nhỏ và rất cần được ôm, âu yếm và ẵm bồng đi xung quanh. Linh động giữa việc để con tự di chuyển và bế bé sẽ giúp hai mẹ con trở nên thân thiết nhưng cũng không khiến con quá phụ thuộc vào bạn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo