backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bác sĩ giải đáp: Có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/02/2024

Bác sĩ giải đáp: Có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối không?

Trẻ dưới 1 tuổi có nên ăn muối không là thắc mắc phổ biến của nhiều cha mẹ khi con đang trong giai đoạn đầu của quá trình ăn dặm. Mặc dù muối là gia vị cần thiết cho hầu hết món ăn nhưng đối với trẻ dưới 1 tuổi, thói quen thêm muối vào chế độ ăn của bé có thể gây ra các bất lợi về sức khỏe.

Trong bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin xoay quanh vấn đề trẻ dưới 1 tuổi ăn muối được không? Trẻ mấy tháng được ăn muối? Lượng muối an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi là bao nhiêu và làm sao để kiểm soát lượng muối trong thức ăn của trẻ… để bạn tham khảo.

Có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối không?

Nhiều cha mẹ thắc mắc trẻ con dưới 1 tuổi có nên ăn muối không? Sở dĩ có băn khoăn này là vì các mẹ nuôi con nhỏ thường lầm tưởng rằng việc thêm muối vào thức ăn của trẻ có thể cải thiện mùi vị và giúp trẻ ăn ngon hơn.

Trên thực tế, khi được hỏi có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối không, các chuyên gia sức khỏe đều không khuyến khích cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi ăn muối. 

Trong năm đầu đời, việc nhận được natri (thành phần chính của muối) từ sữa mẹ, sữa công thức và natri tự nhiên có trong thực phẩm chưa qua chế biến là đã đủ đối với nhu cầu của trẻ. Nếu bổ sung thêm muối trong thực đơn hàng ngày của trẻ dưới 1 tuổi, tình trạng dư thừa natri sẽ xảy ra, gây ra các bất lợi về sức khỏe cho bé.

Vì sao không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối?

Việc thêm muối vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi là dư thừa và có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, bao gồm:

  • Hại thận: Thận của trẻ còn non nớt nên không thể lọc được lượng muối dư thừa hiệu quả như thận của người lớn. Do đó, chế độ ăn dặm chứa muối có thể gây hại cho thận của trẻ.
  • Tăng huyết áp: Chế độ ăn nhiều muối có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp ở trẻ. Thậm chí, nguy cơ này có thể cao hơn so với người lớn. Trẻ được cho ăn nhiều muối cũng có xu hướng bị tăng huyết áp trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch về sau.
  • Tăng nguy cơ loãng xương: Chế độ ăn nhiều muối có thể gây mất canxi thông qua nước tiểu. Điều này dẫn đến khử khoáng chất canxi trong cấu trúc xương và làm tăng đáng kể nguy cơ loãng xương. Mặc dù loãng xương phổ biến ở người cao tuổi nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng ảnh hưởng của muối đối với sự chuyển hóa canxi cũng được phát hiện ở trẻ em và kéo dài đến khi trưởng thành.
  • Tạo thói quen xấu: Ngoài các vấn đề sức khỏe, việc cho trẻ ăn muối quá sớm cũng góp phần hình thành sở thích ăn mặn khi trẻ lớn lên. Điều này khiến trẻ về sau có xu hướng chọn ăn thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối nhưng kém dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, ăn mặn sẽ gây khát nên đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng tiêu thụ nước ngọt và dẫn đến béo phì.
  • Lượng muối an toàn cho trẻ theo từng độ tuổi là bao nhiêu?

    Lượng muối an toàn cho trẻ theo từng độ tuổi
    Lượng muối an toàn cho trẻ theo từng độ tuổi

    Sau khi có được câu trả lời cho vấn đề “Trẻ dưới 1 tuổi có nên ăn muối không?”, chắc hẳn nhiều phụ huynh cũng thắc mắc lượng muối an toàn cho trẻ là bao nhiêu? Đối với vấn đề này, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị về lượng muối an toàn theo độ tuổi như sau:

    • Trẻ dưới 1 tuổi không nên bổ sung nhiều hơn 1g muối mỗi ngày
    • Trẻ 1 đến 3 tuổi không nên ăn quá 2g muối mỗi ngày (0,8g natri)
    • Trẻ 4 đến 6 tuổi không nên ăn quá 3g muối mỗi ngày (1,2g natri)
    • Trẻ 7 đến 10 tuổi không nên ăn quá 5g muối mỗi ngày (2g natri)
    • Trẻ 11 tuổi trở lên không nên ăn quá 6g muối mỗi ngày (2,4 g natri).

    Thực phẩm nào nên và không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn để tránh hấp thu nhiều muối?

    Như bạn đã biết, thành phần chính trong muối ăn là natri, một khoáng chất quan trọng để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường, khỏe mạnh. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thường nhận được natri từ sữa mẹ và sữa công thức.

    Đối với trẻ dưới 1 tuổi và bắt đầu ăn dặm, trẻ vẫn nhận natri từ sữa mẹ, sữa công thức và thêm vào đó là một lượng nhỏ natri tự nhiên có trong các thực phẩm chưa qua chế biến. Trong đó, bạn cần chú ý đến một số thực phẩm nên và không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn để tránh hấp thu nhiều muối, cụ thể:

    • Một số thực phẩm lành mạnh và ít muối tự nhiên bạn có thể giới thiệu cho bé ăn dặm bao gồm thịt tươi, cá tươi, trứng, rau củ, trái cây…
    • Ngược lại, bạn không nên cho bé ăn thức ăn nhiều muối, chẳng hạn như các món ăn dành cho bữa ăn của người lớn, bánh quy, các loại bánh nướng, nước thịt, các loại nước chấm/ nước sốt, pizza, thịt xông khói, giăm bông, khoai tây chiên…

    Trên thị trường hiện nay, có một số sản phẩm ăn uống chế biến sẵn dành riêng cho trẻ ăn dặm, chẳng hạn như ngũ cốc, thức ăn nghiền (puree)… có hàm lượng muối thấp nên bạn có thể lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý đọc kỹ nhãn khi mua hàng để không nhầm với sản phẩm thức ăn dành cho trẻ lớn hơn.

    Làm thế nào để biết trẻ có đang ăn quá nhiều muối hay không?

    Như đã đề cập khi trả lời câu hỏi trẻ dưới 1 tuổi có nên ăn muối, việc thêm muối vào thức ăn của trẻ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cha mẹ cần kiểm soát lượng muối cung cấp cho trẻ mỗi ngày. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý các biểu hiện bất thường ở trẻ khi bé ăn quá nhiều muối.

    Thông thường, trẻ ăn nhiều muối sẽ khát nước thường xuyên hơn. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tình trạng dư thừa muối còn có thể gây tăng natri máu rất nguy hiểm. Tình trạng này khiến trẻ phát triển các triệu chứng như:

    • Cáu kỉnh
    • Co giật
    • Buồn ngủ
    • Thậm chí là hôn mê và không phản ứng.

    Vì vậy, để hạn chế rủi ro do hấp thu nhiều natri thì việc kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn của trẻ là rất quan trọng.

    Bạn có thể quan tâm:

    Làm sao để kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi?

    Mẹo kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi.
    Mẹo kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi.

    Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc “Có nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn muối không?” nữa rồi.

    Để đảm bảo trẻ dưới 1 tuổi không ăn nhiều muối so với khuyến nghị, bạn cần lưu ý:

    • Không ướp thêm muối vào thực phẩm: Không ướp muối vào thịt, cá tươi hoặc bất kỳ thực phẩm nào bạn nấu cho trẻ ăn. Đồng thời, mẹ cần tránh thêm một số loại nước chấm/ nước sốt như nước mắm, nước tương, nước thịt, nước kho… vào thức ăn của trẻ vì các loại nước chấm này có chứa muối. Trong hầu hết trường hợp, lời khuyên là bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn dặm cho con để đảm bảo không có muối.
    • Đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua: Duy trì thói quen đọc nhãn sản phẩm khi mua sắm để chọn đúng thực phẩm dành riêng cho độ tuổi của bé, cùng với đó là kiểm tra hàm lượng natri và muối trước khi mua. Thêm vào đó, bạn nên thận trọng khi chọn mua phô mai, trái cây, rau củ đóng hộp/ đông lạnh vì những thực phẩm này có thể chứa muối.
    • Chế biến riêng thức ăn cho trẻ: Nếu bạn chọn phương pháp cho bé ăn dặm chỉ huy (bé tự quyết định món ăn và cách ăn), thì nên dành riêng một phần ăn cho trẻ. Sau đó mới chế biến, nêm gia vị cho phần còn lại khi nấu các món ăn cho cả gia đình.
    • Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn của người lớn: Nếu đưa em bé đến quán ăn hoặc nhà hàng, bạn không thể xác định các món ăn chứa bao nhiêu muối. Vì vậy, bạn không nên cho trẻ ăn chung đồ ăn của người lớn hoặc nếu muốn thì thỉnh thoảng chỉ cho ăn một chút. Cách tốt nhất là bạn nên mang theo đồ ăn dành riêng cho trẻ, chẳng hạn như sữa, bánh ăn dặm, trái cây tươi…

    Tóm lại

    Nhìn chung, đối với vấn đề “Trẻ dưới 1 tuổi có nên ăn muối không?” thì bạn cần lưu ý là việc thêm muối vào thức ăn của trẻ trong năm đầu đời là không được khuyến khích. Sau 1 tuổi, bạn có thể nêm một chút muối vào chế độ ăn của trẻ nhưng cần lưu ý về hàm lượng an toàn nhé!

    Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được trẻ dưới 1 tuổi có nên ăn muối không.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/02/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo