Trong trứng gà có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của trẻ. Thế nhưng, có nên cho trẻ nhỏ ăn trứng hay không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.
Bạn có biết một quả trứng chứa đến 13 vitamin cần thiết cho cơ thể? Không những vậy, trứng gà còn là nguồn cung cấp protein chất lượng cao. Có thể nói, đây là một trong những thực phẩm rất tốt cho bé. Thế nhưng liệu trẻ nhỏ có nên ăn trứng hay không? Nhiều người nói rằng bé ăn trứng sẽ bị dị ứng. Thực hư của việc này như thế nào? Hãy cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.
Bạn nên cho bé ăn trứng ngay từ khi bé bắt đầu ăn giặm, bởi nếu bạn không cho bé sớm tập làm quen với trứng thì cơ thể bé sẽ tự động coi trứng là một chất lạ, do đó dễ gây dị ứng.
Mặc dù trứng là một thực phẩm rất dễ gây dị ứng, nhưng bác sĩ vẫn khuyên bạn nên cho bé ăn từ sớm. Bạn nghĩ rằng cho bé ăn trứng trễ sẽ giúp bảo vệ bé khỏi nguy cơ dị ứng. Điều này không đúng lắm bởi chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc này.
• Các bác sĩ nhi khoa đề nghị ba mẹ nên cho bé ăn trứng khi bé được 8 tháng tuổi nếu gia đình không có ai bị dị ứng với trứng. Nếu không, bạn đợi đến khi bé được 1 tuổi rồi cho bé ăn.
• Nếu gia đình bạn có người bị dị ứng với trứng, bạn đợi đến khi bé được 1 tuổi rồi cho bé ăn. Và trước khi cho bé ăn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé.
Khi cho bé ăn trứng, bạn hãy quan sát xem bé có các triệu chứng dị ứng như tiêu chảy, sổ mũi, các vấn đề về hô hấp… hay không.
Lời khuyên cho bạn:
1. Lần đầu tiên cho bé ăn, bạn chỉ cho bé ăn một lượng nhỏ.
2. Không cho bé ăn chung với những món ăn khác.
Lợi ích của trứng đối với trẻ nhỏ
Bé có thể ăn một quả trứng mỗi ngày. Trứng chứa nhiều cholesterol, protein, chất béo và các chất dinh dưỡng khác như sắt, kẽm, đồng, selen, canxi, axit béo, vitamin D, B12, E, choline và folate. Những chất dinh dưỡng này giúp hỗ trợ phát triển trí não. Ngoài ra, trứng còn là nguồn cung cấp protein chất lượng cao rất tốt cho sức khỏe của bé.
1. Hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch
Lòng đỏ trứng rất dễ tiêu hóa. Không những vậy, nó còn cung cấp nhiều khoáng chất như kẽm, sắt và selenium giúp tăng cường hệ miễn dịch. Folate giúp sản xuất các tế bào mới trong cơ thể. Lòng trắng trứng rất giàu protein, kali, giúp các tế bào và các cơ quan hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, lòng trắng trứng còn có chứa kali và natri, giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
2. Phát triển trí não
Cholesterol và choline có trong lòng đỏ trứng giúp phát triển trí não. Cholesterol trong trứng là cholesterol tốt, nó giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể và sản sinh nhiều hormone. Choline giúp phát triển trí não và cũng rất tốt cho tim mạch.
3. Phát triển xương và cung cấp năng lượng
Các vitamin có trong trứng như vitamin D, A, E và K giúp xương phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, protein giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Riboflavin có trong lòng trắng trứng giúp giải phóng năng lượng, từ đó chuyển hóa và sản xuất tế bào hồng cầu.
4. Tốt cho tim mạch
Ăn trứng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành (CAD). Ngoài ra, ăn trứng thường xuyên còn giúp giảm nguy cơ đột quỵ và các cơn đau tim. Phospholipid có trong lòng đỏ trứng giúp duy trì cholesterol trong máu.
5. Tốt cho mắt
Trứng gà chứa hai chất chống oxy hóa là lutein và zeaxanthin có thể bảo vệ mắt khỏi những hư tổn liên quan đến tiếp xúc tia cực tím. Những chất chống oxy hóa này giúp tạo võng mạc, do đó giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể trong tương lai.
6. Tốt cho gan
Trứng chứa nhiều vitamin nhóm B rất cần thiết cho sức khỏe của gan. Ngoài ra, lưu huỳnh có trong trứng cũng giúp sản xuất keratin và collagen, rất hữu ích cho sự phát triển của tóc.
Phần nào của trứng dễ gây dị ứng?
Lòng trắng trứng rất dễ gây dị ứng trong khi việc dị ứng với lòng đỏ khá hiếm. Lòng trắng trứng có chứa đến 4 loại protein, do đó dễ gây dị ứng.
Cách chọn trứng
Chọn những quả trứng tươi và được bảo quản ở những nơi thoáng mát. Làm sao để biết trứng có tươi hay không? Hãy lưu ý những điều dưới đây:
♦ Trứng tươi là trứng có khoảng trống trên đầu rất nhỏ, bên trong quả trứng trong suốt, không có chấm đen, không có những mảng mờ mờ màu đỏ. Bạn có thể nhìn thấy 2 lòng trắng – đỏ rất rõ ràng.
♦ Nếu cho vào nước, trứng tươi sẽ chìm xuống đáy chậu và nằm ngang, trong khi trứng cũ sẽ nổi lập lờ, nằm hơi nghiêng hoặc dựng thẳng đứng.
♦ Trứng gà mới có vỏ hơi thô ráp, bên ngoài trứng còn lớp phấn trắng. Nếu là trứng cũ thì lòng đỏ trứng rất dễ bị vỡ.
♦ Xoay trứng để xác định xem trứng còn sống hay đã được nấu chín. Trứng đã được nấu chín thường xoay ít hơn trứng chưa chín.
Trứng hữu cơ và trứng bình thường
Trứng bình thường hoàn toàn an toàn cho bé, tuy nhiên nhiều người lại chọn trứng hữu cơ để hạn chế các chất hóa học. Trứng hữu cơ và trứng thường không có sự khác biệt về chất lượng, dinh dưỡng và mùi vị.
Nếu bạn không dùng hết trứng, hãy bảo quản đúng cách để giữ trứng tươi lâu hơn.
Cách bảo quản trứng
Nếu bạn để trứng bên ngoài, trứng sẽ dễ bị hư hơn so với để trong tủ lạnh. Trứng nên được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.
√ Khi cho trứng vào tủ lạnh, bạn nên bỏ trứng vào hộp để trứng không bị ảnh hưởng bởi những thực phẩm có mùi khác.
√ Dùng trứng trước khi hết hạn sử dụng.
Cách chế biến trứng cho bé
Bạn có thể luộc, nghiền, chiên hoặc làm trứng khuấy, trứng tráng cho bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm trứng vào một số món ăn khác.
♦ Tránh những món ăn có trứng sống như kem, bánh mousse, mayonnaise và món nướng.
♦ Không cho muối, bơ, đường hoặc bơ thực vật vào lòng đỏ trứng.
♦ Tránh cho bé ăn trứng ốp la. Chỉ có trứng luộc chín mới có thể loại bỏ hết vi khuẩn.
Cách luộc trứng cho bé
Luộc trứng quá lâu cũng không tốt. Bạn có thể luộc trứng cho bé theo những bước sau:
– Cho trứng và nước vào nồi rồi đun sôi dần. Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa đun khoảng 2 phút rồi tắt bếp. Để trứng nguội rồi lột vỏ. Cắt thành từng miếng nhỏ và làm thành món ăn bốc cho bé.
Một số món ăn làm từ trứng cho trẻ nhỏ
1. Trứng luộc nghiền
Thời gian chuẩn bị: 5 phút
Nguyên liệu: 1 quả trứng luộc
Cách chế biến: Lột vỏ và chẻ trứng làm hai. Sau đó, lấy lòng đỏ trứng và nghiền nát. Trộn với sữa mẹ, sữa bột hoặc sữa chua và cho bé ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn với các thực phẩm như đậu Hà Lan, lê, táo, khoai lang, cà rốt, bắp cải, đậu lăng…
2. Trứng khuấy
Thời gian chuẩn bị: 10 phút
Nguyên liệu:
• 1 quả trứng
• ¼ chén sữa
• 1 thìa bơ hoặc dầu
• Phô mai băm (tùy chọn)
Cách làm:
1. Đánh trứng với nửa muỗng canh sữa
2. Đun nóng một khoanh bơ nhỏ hoặc dầu ăn trong chảo
3. Khi chảo nóng, cho hỗn hộp trứng đã đánh vào chảo
4. Khuấy đều và nhẹ nhàng, cho thêm một ít muối
5. Khi trứng đã sệt lại, bạn hãy múc trứng ra đĩa
6. Đừng để trứng quá khô
7. Bạn cũng có thể cho thêm phô mai để tăng hương vị cho món ăn
3. Trứng tráng
Thời gian chuẩn bị: 5 phút
Nguyên liệu:
• 1 quả trứng
• ¼ chén sữa
• Tiêu
• 1 thìa bơ hoặc dầu
Cách làm:
1. Đập trứng và đánh đều, cho thêm một muỗng canh sữa, dầu, tiêu và muối.
2. Đun nóng dầu trong chảo, sau đó đổ hỗn hợp trứng vào. Chiên cho đến khi trứng đông lại.
3. Đừng để trứng bị cháy.
4. Bạn có thể cho thêm một ít rau lên bề mặt để làm tăng hương vị của món ăn.
4. Trứng tráng Tây Ban Nha
Thời gian chuẩn bị: 10 phút
Nguyên liệu:
• 1 quả trứng
• Khoai tây hoặc cà chua hoặc ớt chuông (xắt nhỏ)
• Dầu ô liu
• ¼ chén sữa
• Muối
Cách làm:
1. Cho dầu vào chảo, đun nóng, sau đó cho khoai tây đã xắt vào.
2. Khi khoai tây chín, vớt ra, sau đó đánh đều khoai tây với trứng, sữa và muối. Cho hỗn hợp này vào chảo và rán vàng hai mặt. Bạn cũng có thể thay khoai tây bằng cà chua hoặt ớt chuông.
5. Sandwich trứng (dành cho bé từ 8 đến 9 tháng)
Thời gian chuẩn bị: 15 phút
Nguyên liệu:
• 1 quả trứng
• Bánh mì
• Muối
• Tiêu
• Trái bơ
Cách làm:
1. Đánh lòng đỏ trứng với một ít muối và bơ cho đến khi hỗn hợp này mịn như kem. Sau đó đặt hỗn hợp này giữa 2 miếng bánh mì sandwich.
2. Bạn cũng có thể nghiền nhỏ trái bơ với hỗn hợp này cho bé mới biết đi.
6. Bánh crepe trứng
Thời gian chuẩn bị: 5 phút
Bạn sẽ cần:
• 1 quả trứng
• Bột làm bánh crepe
• Muối
• Tiêu
• 1 lít dầu
Cách làm:
1. Để làm bánh crepe trứng, bạn hãy thoa đều bột lên bề mặt chảo để làm vỏ bánh, sau đó cho đập trứng vào và trét đều
2. Lật lại để bánh chín đều cả hai mặt
3. Cho thêm muối và tiêu
Lưu ý: Không nên làm vỏ bánh quá mỏng
7. Bánh custard trứng
Thời gian chuẩn bị: 35 phút
Nguyên liệu:
• 2 chén sữa
• 1 ống vani
• 1 chén bột bắp
• 4 lòng đỏ trứng
• Đường
Cách làm:
1. Đun sôi sữa và vani
2. Trộn bột bắp, lòng đỏ trứng và đường
3. Khuấy liên tục
4. Cho hỗn hợp này vào nồi để đun sôi. Khuấy đều để sữa và trứng không bám vào đáy nồi. Tắt lửa khi hỗn hợp này đã đông cứng lại
5. Cho bé ăn nóng hoặc bỏ vào tủ lạnh
8. Cơm bơ trứng
Thời gian chuẩn bị: 5 phút
Nguyên liệu:
• Nửa chén cơm đã nấu chín
• Bơ ghee
• Muối
• Tiêu
• 1 lòng đỏ trứng đã luộc
Cách làm:
Trộn cơm với một thìa bơ ghee, tiêu và muối, sau đó cho lòng đỏ trứng vào và nghiền nát.
9. Bánh trứng
Thời gian chuẩn bị: 15 phút
Nguyên liệu:
• 1 quả trứng
• Nửa chén sữa
• 2 giọt vani
• Một nhúm quế
Cách làm:
1. Đánh trứng với sữa
2. Thêm quế và vanilla, trộn đều và cho vào chén
3. Hấp cách thủy
10. Cơm trứng với rau
Thời gian chuẩn bị: 10 phút
Nguyên liệu:
• 1 quả trứng luộc chín
• 1 chén cơm đã nấu chín
• Rau củ đã nấu chín mềm như cà rốt, bông cải xanh
Cách làm:
Trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau và cho bé ăn.
Trứng là một thực phẩm rất tốt cho trẻ nhỏ, miễn là bé không dị ứng với nó. Khi bé mới tập ăn, bạn hãy cho bé ăn ít. Nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng với trứng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé ăn nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]