Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM
Đa phần trẻ sinh mổ đều sinh đủ tháng (37 tuần hoặc hơn). Điều đó có nghĩa là bé đã phát triển đầy đủ trong bụng mẹ và sẵn sàng cho thế giới bên ngoài. So với trẻ sinh thiếu tháng, trẻ sinh mổ có ít nguy cơ bị nhiễm bệnh và ít gặp các vấn đề về phát triển hơn.1
Tuy nhiên, khi so sánh với trẻ sinh thường đủ tháng, nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa trẻ sinh mổ và sức khỏe miễn dịch kém hơn.2 Nguy cơ này kéo dài cho đến khi trẻ lên 5 tuổi.5 Vì thế, việc tăng cường miễn dịch cho trẻ sinh mổ là hết sức cần thiết và cần được duy trì xuyên suốt từ năm đầu đời cho đến nhiều năm sau đó.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các kết quả nghiên cứu này không phải là thước đo cho tất cả trẻ sinh mổ. Không phải trẻ sinh mổ nào cũng có hệ miễn dịch kém hoặc sẽ mắc các bệnh nghiêm trọng. Mặt khác, trẻ sinh thường vẫn có thể có nguy cơ mắc bệnh và có sức đề kháng kém vì nhiều nguyên do khác nhau.
Khi còn nằm trong bụng mẹ, trẻ sẽ không có bất kỳ tiếp xúc nào với âm đạo của mẹ. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng mối liên hệ giữa trẻ sinh mổ có hệ miễn dịch kém hơn là do trẻ không được tiếp xúc với các vi sinh vật có lợi trong âm đạo.2 Theo đó, trẻ sinh thường sẽ có khởi đầu thuận lợi hơn vì bé sẽ thừa hưởng các chủng vi sinh vật có tác dụng bảo vệ cơ thể trước mầm bệnh ngay từ khi chào đời.
Việc thừa hưởng hệ vi sinh vật này là một phần của hệ miễn dịch thụ động mà mẹ truyền cho con. Hệ miễn dịch thụ động còn được củng cố trong bào thai, khi trẻ nhận kháng thể chống lại mầm bệnh từ mẹ. Hệ vi sinh vật là một phần không thể thiếu trong một cơ thể khỏe mạnh – giúp tạo ra hàng rào phòng thủ ở da, ruột và là nhà máy sản xuất rất nhiều vitamin thiết yếu. Tuy nhiên, vì không được sinh qua ngã âm đạo của mẹ nên trẻ sinh mổ dễ bị đe dọa bởi các hại khuẩn cơ hội hơn.6
Qua trao đổi cùng Giáo sư Barbara Marriage – chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa với 40 năm kinh nghiệm – về sự khác biệt trong dinh dưỡng dành riêng cho trẻ sinh mổ và trẻ sinh thường, Tiến sĩ Barbara Marriage cho biết: “Sự khác biệt trong nhu cầu dinh dưỡng dành cho trẻ sinh mổ có thể là do sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột hoặc do rối loạn hệ khuẩn ruột. Trẻ sinh mổ có nguy cơ bị suy giảm miễn dịch cao gấp 1.5 lần và có nguy cơ mắc bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp gấp 1.3 lần so với trẻ sinh thường. Do đó, trẻ sinh mổ cần được tăng cường bảo vệ. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng bổ sung thêm nhiều loại HMOs với hàm lượng cao sẽ có lợi cho trẻ sinh mổ”.9, 10
Vẫn có nhiều cách để trẻ sinh mổ tăng cường hàng rào phòng thủ vi sinh vật sau khi chào đời. Sữa mẹ với dồi dào các dưỡng chất hỗ trợ hệ miễn dịch là cách giúp bảo vệ bé khỏi bệnh tật. Không những vậy, cho con bú còn là cơ hội tuyệt vời để mẹ nuôi dưỡng và gắn kết với thiên thần nhỏ.7
Lượng dưỡng chất có trong sữa mẹ nhiều đến mức không thể kể hết. Dưới đây là một số dưỡng chất chính có trong sữa mẹ mà mẹ nên biết:
Trong tất cả các loại dưỡng chất, chất bột đường là nguồn năng lượng ưa thích mà cơ thể cần để hoạt động. Chất bột đường hiện diện trong sữa mẹ bao gồm nhiều loại đường khác nhau. Trong đó, loại đường chiếm tỷ lệ cao nhất là lactose.
Là một trong những dưỡng chất quan trọng được tìm thấy trong sữa mẹ, chất béo hoạt động như nguồn cung cấp năng lượng chính và giúp cơ thể trẻ hấp thu các vitamin tan trong chất béo. Không những thế, các axít béo chuỗi dài rất cần thiết cho sự phát triển của não, võng mạc và hệ thần kinh của trẻ.
Đạm là dưỡng chất lớn và phức tạp, giúp xây dựng cơ và là thành phần chính của rất nhiều chất liên quan tới khả năng miễn dịch của cơ thể. Trong quá trình tiêu hóa, đạm được phân thành các amino axít đơn giản được sử dụng trong quá trình trao đổi chất.
Dù ba dưỡng chất thiết yếu nói trên đóng vai trò hết sức quan trọng nhưng cả 3 dưỡng chất này đều có thể được tìm thấy trong các nguồn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Tuy nhiên, có rất nhiều hợp chất hoạt tính sinh học chỉ có trong sữa mẹ và rất khó tái tạo hoặc phân tách. Các hợp chất này góp phần lớn trong việc xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các hợp chất hoạt tính sinh học đặc trưng trong sữa mẹ là HMO (human milk oligosaccharides), hormone, chất tăng sinh, enzyme, kháng thể, cytokine và ganglioside.
Trong các hợp chất hoạt tính sinh học có trong sữa mẹ, cần nhắc đến HMO vì đây không chỉ là chất có hàm lượng nhiều thứ ba trong sữa mẹ mà dưỡng chất này còn mang đến rất nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh. Dù không đóng góp calorie cho cơ thể hoạt động, các loại đường không thể tiêu hóa như HMO lại là thức ăn cho các chủng lợi khuẩn có trong ruột. Ngoài ra, HMO còn có khả năng ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập niêm mạc ruột, giúp tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất vàng cho trẻ sơ sinh nhờ khả năng cung cấp chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh cùng nhiều chất tăng cường miễn dịch tự nhiên.
Hiện đã có nhiều loại sữa công thức được phát triển dành riêng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, chẳng hạn như trẻ sinh mổ có nguy cơ có hệ miễn dịch kém. Nếu không thể cho bé bú mẹ hoặc sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu của bé, mẹ có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm sữa có công thức chứa các dưỡng chất giúp hỗ trợ đề kháng được tìm thấy trong sữa mẹ như HMOs, nucleotides và lợi khuẩn probiotics.
Đối với trẻ cần được tăng cường bảo vệ như trẻ sinh mổ, những công thức sữa có hàm lượng dưỡng chất cao tương đương hàm lượng có trong sữa mẹ có thể đem lại nguồn dinh dưỡng mà trẻ cần để phát triển khỏe mạnh và xây dựng một hệ miễn dịch vững chắc. Ngoài ra, việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất này cũng giúp trẻ sinh mổ củng cố lỗ hổng trong hệ miễn dịch.
Chăm sóc trẻ là một hành trình khó khăn và đầy gian nan. Để có thêm tự tin trong hành trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé, mẹ có thể đọc ngay Cẩm nang chăm sóc mẹ và bé sinh mổ để biết cách chăm sóc trẻ một cách toàn diện nhất!
Miễn trừ trách nhiệm
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!