Ngay từ khi biết tin có bé yêu, mẹ đã háo hức chuẩn bị tủ quần áo với thật nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, mẹ cũng cần phải tìm hiểu kỹ cách chọn mua quần áo dễ thương nhưng vẫn mang đến cảm giác thoải mái cho bé đấy!
Vì thiếu kinh nghiệm lại dễ bị “đốn tim” bởi các bộ đồ siêu dễ thương cho các em bé sơ sinh nên nhiều người mẹ trẻ đã hào hứng sắm sửa rất nhiều quần áo cho bé. Tuy nhiên, sau đó chính mẹ lại phải chật vật mặc đồ cho bé vì bộ đồ quá khó mặc hoặc sớm bỏ đi những trang phục vừa mua vì bé lớn quá nhanh hoặc nhiều trường hợp thì lại không đủ đồ mặc cho bé.
Nếu muốn chuẩn bị cho bé một tủ quần áo vừa đầy đủ lại phù hợp theo độ tuổi và mang đến cảm giác thoải mái nhất cho bé, bạn có thể tham khảo các lời khuyên sau đây nhé!
Cách chuẩn bị tủ quần áo cho bé
Tùy vào mỗi độ tuổi phát triển khác nhau mà các bé sẽ cần những cách chuẩn bị tủ quần áo riêng cho phù hợp.
1. Tủ quần áo cho bé từ 0 – 3 tháng tuổi
Các bà mẹ thường bắt đầu chuẩn bị tủ quần áo cho bé từ 0 – 2 tháng tuổi từ khi bé chưa chào đời, thường là trong tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Tủ quần áo cho bé từ 1 – 3 tháng tuổi sẽ tiếp tục được chuẩn bị theo thời gian sau khi bé sinh ra.
Khi chuẩn bị tủ quần áo cho bé 0 – 3 tháng tuổi, bạn cần lưu ý:
• Điều kiện thời tiết: Nếu trời lạnh, ẩm, quần áo giặt lâu khô thì bạn nên mua nhiều đồ dự phòng hơn cho bé để bé không bị thiếu quần áo.
• Cân nặng và chiều dài của bé: Đối với bé mới sinh, bạn cần chú ý cân nặng và chiều cao của bé để chọn đồ phù hợp. Áo mặc ngoài nên rộng hơn một chút vì bé còn mặc áo bên trong. Chiều dài áo liền quần nên tính dư thêm một chút vì bé còn mặc tã, bỉm nên có thể bị kích đũng quần nếu bộ đồ quá ngắn.
• Chất liệu: Bé 0 – 3 tháng tuổi có làn da rất nhạy cảm nên bạn cần chọn quần áo làm bằng chất liệu cotton mềm, thoáng mát và nhanh khô.
Trẻ sơ sinh 0 – 3 tháng tuổi thường dành phần lớn thời gian trong ngày để nằm ngủ, bú sữa. Bé cũng chưa nhìn được xa và rõ, chưa hoạt động chân tay nhiều. Vì vậy khi chuẩn bị tủ quần áo cho bé, bạn nên ưu tiên những loại quần áo, khăn, tã, túi ngủ… thoải mái nhất cho giấc ngủ của bé ở tư thế nằm ngửa hoặc nghiêng.
Bạn cũng nên lưu ý ở giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi trẻ lớn rất nhanh, bạn nên mua đồ theo từng giai đoạn thời gian và tránh mua đồ hàng loạt.
• Loại quần áo: Tủ quần áo cho bé 0 – 3 tháng cần đa dạng đủ các loại quần áo nhưng mẹ nên chọn lọc các loại phù hợp cho bé:
– Nên mua yếm cho bé và dùng khi bé bú bình (sữa mẹ hoặc sữa công thức) để tránh sữa rớt ra áo làm ướt và khiến bé bị lạnh.
– Nên mua áo ở dạng áo liền quần lót vừa dễ mặc lại vừa giúp bé cố định tã, bỉm và thoải mái khi nằm.
– Nên mua áo màu trắng hoặc sáng màu cho bé vì bé chỉ bú mẹ hoặc sữa công thức nên chưa làm bẩn đồ.
– Nên chọn áo liền quần có thể mở khuy ở phần dưới để có thể thay tã, bỉm cho bé dễ dàng mà không phải cởi hết đồ của bé.
Sau đây là một số loại quần áo mà bạn không nên mua:
– Không nên mua đồ có mũ trùm đầu, khóa kéo vì khi ngủ bé sẽ nằm lên mũ hoặc bị khóa chà xát vào da gây khó chịu.
– Không nên mua áo có cổ cho bé vì cổ áo dễ làm bé khó chịu và dễ chạm vào cằm, má bé kích thích phản xạ đòi bú và khiến bé quấy khóc đòi bú liên tục mặc dù không đói.
– Không nên mua áo chui đầu vì sẽ rất khó mặc cho bé vì ở độ tuổi từ 0 – 3 tháng, bé rất non nớt và xương của bé còn yếu. Thay vào đó, bạn nên chọn loại áo có hai lớp, mở khuy hoặc cài cúc bấm ở bên để vừa giữ ấm phần ngực cho bé lại vừa dễ mặc.
– Không nên mua quần, áo có những nút, cúc, dây buộc lớn vì dễ khiến bé bị khó chịu khi nằm hoặc đè vào khi bạn bế, cho bé bú.
– Không nên mua quá nhiều tất tay, tất chân vì khi đeo bé rất dễ làm rơi. Bạn nên mua những chiếc quần liền với bao chân cho bé.
Mẹ nên bổ sung 1 – 2 bộ đồ ra ngoài vào tủ quần áo của bé vì bé sẽ thường phải đi khám sức khỏe hoặc đi tiêm chủng định kỳ. Bộ đồ ra ngoài gồm mũ, quần áo, khăn… mặc ngoài theo mùa.
2. Tủ quần áo cho bé từ 3 – 6 tháng tuổi
Bé từ 3 – 6 tháng tuổi đã cứng cáp hơn và khá hiếu động. Bé yêu thích vận động chân tay, thích cầm, nắm đồ vật, mút tay và thi thoảng thực hiện các động tác như lật, lẫy, trườn…
Khi chuẩn bị tủ quần áo cho bé 3 – 6 tháng tuổi, bạn cần lưu ý:
• Điều kiện thời tiết: Bé vẫn mặc bỉm hoặc tã và cần được thay thường xuyên nên mua áo liền quần lót cho bé sẽ tốt hơn áo rời. Áo liền quần có thể mở khuy từ trên ngực xuống dưới chân vẫn là lựa chọn hoàn hảo nhất cho bé 3 – 6 tháng khi thời tiết trở lạnh. Nếu bạn muốn mặc váy cho bé gái, đặc biệt là mùa lạnh thì cần chuẩn bị thêm những chiếc vớ dài cho bé.
• Chất liệu: Mẹ nên chọn những bộ đồ làm bằng chất vải mềm và giúp trẻ thoải mái khi nằm. Bé yêu thích vận động trong thời điểm này nên quần áo của bé cần có khả năng co giãn, tiện lợi để không giới hạn cử động của bé.
• Loại quần áo: Ngoài bộ đồ mặc ở nhà, tủ quần áo của bé cũng cần được bổ sung bộ đồ ra ngoài với kích cỡ phù hợp để bé ra ngoài đi dạo, tắm nắng, tiêm chủng… Bé bắt đầu chuẩn bị mọc răng nên có thể hay chảy dãi. Bạn hãy chuẩn bị yếm và đeo cho bé để tránh bị ướt áo khiến bé lạnh và mất vệ sinh nhé.
Bé giai đoạn 3 – 6 tháng không tăng cân nhanh như bé ở giai đoạn 0 – 3 tháng, vì vậy bé có thể mặc bộ đồ trong tủ quần áo của bé lâu hơn. Bạn có thể đầu tư những bộ đồ vừa thoải mái lại vừa thời trang để diện cho bé.
3. Tủ quần áo cho bé từ 6 – 9 tháng tuổi
Bé từ 6 – 9 tháng tuổi khá hiếu động và có thể ngồi trong giai đoạn này. Bé vận động chân tay liên tục khi thức và một số bé mọc răng và có thể bắt đầu tập đứng và đi.
Khi chuẩn bị tủ quần áo cho bé 6 – 9 tháng tuổi, bạn cần lưu ý:
• Loại quần áo: Bé có thể mặc các loại áo, váy chui đầu dễ dàng vào thời điểm này. Khi chọn quần áo, bạn nên lưu ý chọn những bộ đồ giúp bé dễ vận động. Bạn có thể chọn quần không liền với tất chân, quần có chun mềm, linh hoạt, áo có nách áo không quá chật để chân tay của bé có thể vận động một cách tự do.
Bé có thể sẽ ra ngoài đi dạo nhiều hơn, một số bé bắt đầu đi nhà trẻ để mẹ đi làm trở lại. Vì vậy, bạn hãy bổ sung thêm một số bộ đồ mặc ra ngoài, đồng phục nhà trẻ cho bé và chuẩn bị đồ để cô thay cho bé ở lớp.
• Hoạt động của bé: Khi bé có thể ngồi, bạn có thể mua áo rời cho bé, không nhất thiết phải mua áo liền quần lót (onesie) như trước nữa. Bạn cũng nên mua tất và một số loại giày đế mềm để trẻ tập đi, lưu ý chọn loại giày có ma sát để đề phòng trơn trượt dễ khiến bé ngã.
• Màu sắc: Bé từ 6 – 9 tháng tuổi đang trong giai đoạn tập ăn dặm nên rất dễ làm bẩn quần áo. Bạn nên lựa chọn đồ mặc ngoài cho bé với màu sắc phù hợp và không nên mua quá nhiều đồ màu trắng, vàng…
4. Tủ quần áo cho bé từ 9 – 12 tháng tuổi
Ở thời điểm này, bé có khả năng di chuyển và dùng đôi tay một cách khéo léo. Bé có thể dễ dàng lấy một số nút cúc hoặc phụ kiện trên quần áo cho vào miệng nên cha mẹ cần hết sức cẩn thận để bé không bị hóc dị vật.
Khi chuẩn bị tủ quần áo cho bé 9 – 12 tháng tuổi, bạn cần lưu ý:
• Màu sắc: Bé bắt đầu yêu thích cầm nắm thức ăn bằng tay để tự ăn và rất dễ bôi ra quần áo. Bé cũng có thể ngồi chơi hoặc trườn bò trên sàn nhà nên quần áo dễ bị bẩn, ố màu. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý không chọn những màu như màu trắng cho bé. Thay vào đó, bạn có thể chọn màu tối hoặc các màu như hồng phấn, màu xanh, màu tím…
• Loại quần áo: Bạn nên mua yếm cho bé để bé dùng yếm khi ăn. Bé rất dễ làm rơi thức ăn, đồ uống ra quần áo, vì vậy bạn nên chọn quần áo dễ giặt sạch thức ăn. Bé có thể sẽ ra ngoài đi dạo nhiều hơn, một số bé bắt đầu đi nhà trẻ để mẹ đi làm trở lại, vì vậy bạn hãy bổ sung thêm một số bộ đồ mặc ra ngoài, đồng phục nhà trẻ cho bé và chuẩn bị đồ để cô thay cho bé ở lớp nhé.
• Hoạt động: Nếu bé đã bắt đầu biết bò bằng đầu gối thay vì trườn thì bạn có thể mua áo sơ mi cho bé. Giai đoạn này, các bộ đồ áo và quần rời nhau sẽ tốt hơn vì bé rất hiếu động và điều này khiến bạn gặp khó khăn khi cài từng chiếc khuy trong bộ áo liền quần của bé trong lúc bé đang bò trên sàn.
Trẻ giai đoạn 9–12 tháng thường tò mò và hay đưa các vật vào miệng, do đó bạn nên ưu tiên chọn các bộ quần áo không có các loại cúc mà bé có thể nắm, lấy ra và cho vào miệng nhai.
Trẻ đang tập đi và biết đi sẽ rất cần những đôi giày mềm, có ma sát tốt giúp bé giữ ấm và sạch đôi chân khi tập đi cũng như đảm bảo an toàn tránh té ngã.
Cách sắp xếp tủ quần áo cho bé
Ngay sau khi mua quần áo, bạn nên ướm thử vào người bé để xác định chiều dài và chiều rộng. Mẹ cần kiểm tra từng chiếc cúc, khuy, phụ kiện trên áo để đảm bảo chúng được gắn chắc và bé không thể dùng tay kéo ra để cho vào miệng. Trước mỗi lần giặt hoặc gấp đồ, mẹ cần lưu ý kiểm tra kỹ chỉ thừa và cúc… để đảm bảo an toàn cho bé.
1. Sắp xếp theo loại quần áo
Tùy vào loại quần áo như áo mặc trong, áo liền quần lót, áo liền quần, áo sơ mi, quần, áo khoác ngoài, mũ, tất… mà mẹ nên gấp cẩn thận và sắp xếp vào tủ theo từng loại để dễ tìm khi thay cho bé. Các loại áo len, áo khoác… mẹ có thể treo mắc và cất vào tủ nếu tủ có đủ không gian.
2. Phân loại riêng từng loại đồ
Bạn cần để riêng đồ chuẩn bị sẵn chưa dùng tới, đồ bé không còn mặc vừa và đồ dự phòng.
• Đồ chuẩn bị sẵn: Vì bé 0 – 1 tuổi lớn nhanh nên cha mẹ luôn cần chuẩn bị sẵn đồ rộng hơn trong tủ đồ của bé. Những đồ này cần được giặt sạch và kiểm tra kỹ sau khi mua rồi để riêng.
• Đồ bé không mặc vừa: Đối với các bộ đồ con đã mặc chật, cha mẹ cần tách riêng ra, giặt sạch và gấp gọn vào một chiếc túi hoặc để vào ngăn tủ riêng. Sau này cha mẹ có thể tặng lại cho các bé sinh sau hoặc quyên góp từ thiện. Nên tránh để lẫn đồ bé mặc chật vào với đồ bé đang dùng vì bạn rất dễ bị nhầm lẫn và sau một lúc chật vật mặc cho bé mới phát hiện ra bộ đồ này con đã không mặc vừa nữa.
• Đồ dự phòng: Trẻ từ 0 – 1 tuổi lớn rất nhanh, vì vậy bé sẽ cần thay đổi quần áo liên tục. Bé cũng dễ bị ướt do trớ sữa, làm bẩn… nên cần nhiều quần áo để mặc đổi phiên nhau. Trẻ thường chỉ mặc một bộ đồ vài lần nên hãy ưu tiên mặc những bộ đồ tốt nhất cho trẻ. Những bộ đồ bạn mua hoặc xin được mà chưa ưng ý lắm thì nên để riêng làm đồ dự phòng cho bé mặc khi đồ chưa kịp khô.
Nếu có người thân hoặc bạn bè thân thiết, bạn nên xin một số đồ cũ cho bé. Đồ cũ có ưu điểm là đã được giặt 1 vài lần, thường mềm mại, làm bằng chất liệu tốt và nhiều người còn tin rằng sẽ đem lại may mắn và sức khỏe cho bé.
3. Lựa chọn loại tủ đựng quần áo
Tùy theo sở thích và không gian nhà, bạn có thể lựa chọn những mẫu tủ đựng quần áo cho bé khác nhau như:
• Tủ nhiều ngăn: Những chiếc tủ nhiều ngăn sẽ giúp phân loại được nhiều nhiều loại quần áo, lại thường có nhiều mẫu mã và màu sắc đa dạng giúp bé yêu thích hơn.
• Thanh treo quần áo: Các thanh treo sẽ giữ quần áo bé luôn phẳng phiu, giúp mẹ dễ quan sát và lựa chọn đồ cho bé nhanh chóng.
• Túi đa năng: Những chiếc túi đã năng có thể làm từ chất liệu vải hoặc nilông dễ giặt và vệ sinh. Đối với gia đình có không gian nhỏ, túi đa năng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể không gian và có thể linh động di chuyển sang nhiều vị trí trong nhà.
Để bé yêu luôn có sẵn trang phục cần thiết khi mặc ở nhà hay ra ngoài phố, bạn hãy bắt đầu với bước chuẩn bị tủ quần áo cho bé. Khi có một tủ đồ được sắp xếp hợp lý và khoa học, bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi chọn quần áo cho bé, giúp bé luôn thoải mái mà vẫn luôn đáng yêu!
Hồng Nhung HELLO BACSI
[embed-health-tool-vaccination-tool]