backup og meta

Trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

Trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thế nhưng đôi lúc, trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón khiến nhiều mẹ hết sức hoang mang, lo lắng.

Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, thậm chí, đôi lúc, sữa mẹ còn được xem là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên cho trẻ nhỏ. Trẻ bú mẹ hoàn toàn hiếm khi bị táo bón nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tình trạng này không xảy ra. Nếu bé cưng nhà bạn đang rơi vào tình huống này và bạn đang hết sức hoang mang, hãy dành ngay vài phút xem ngay bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu lý do tại sao cũng như giải pháp để khắc phục nhé.

Triệu chứng trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón

Làm thế nào để biết bé cưng nhà bạn có đang bị táo bón hay không? Hầu hết các bà mẹ đều dựa vào tần suất đi ngoài nhưng thực tế, đây không phải là dấu hiệu chính xác của táo bón. Thậm chí, việc bé rặn hoặc khó chịu khi đi ngoài cũng chưa đủ chắc chắn để biết bé có bị táo bón hay không.

Bởi một số bé rặn mạnh khi đi ngoài có thể là do bé cần phải dùng cơ bụng để đẩy phân ra ngoài. Ngoài ra, do thường xuyên nằm ngửa và không có sự hỗ trợ của phần thắt lưng hay trọng lực khi ngồi nên bé sẽ mất nhiều thời gian để đi ngoài hơn.

Để xác định trẻ sơ sinh bú mẹ có bị táo bón không, bạn cần xem xét một số dấu hiệu sau:

  • Bụng phình, cương cứng
  • Phân đặc sệt như đất sét
  • Bé khóc khi đi ngoài
  • Không muốn bú mẹ
  • Phân cứng và có lẫn máu, phân cứng đến mức có thể làm rách mô hậu môn khi bé đi ngoài.

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh bú mẹ

trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón

Hầu hết trẻ sơ sinh bú mẹ không bị táo bón nhưng cũng có không ít trường hợp bé bú mẹ hoàn toàn nhưng vẫn bị táo bón. Theo quan niệm dân gian, trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng vẫn bị táo bón là do mẹ ăn quá mặn, kiêng khem quá mức khi chỉ ăn thức khô như thịt kho khô, cá kho tiêu, không ăn canh, rau, trái cây… Điều này khiến sữa nóng, làm bé bú mẹ bị ảnh hưởng dẫn đến táo bón. Trường hợp trẻ nhỏ bị táo bón thường diễn ra khi con bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi) và có tiêu thụ một số thực phẩm như:

  • Gạo, ngũ cốc: Đây là những thực phẩm có thể hấp thụ nước trong ruột nên khiến phân trở nên cứng. Do đó, nếu bé có dấu hiệu táo bón, bạn cần cân nhắc chuyển sang dùng bột yến mạch hoặc ngũ cốc lúa mạch.
  • Sữa bò: Chỉ nên cho bé dùng khi bé được hơn 1 tuổi.
  • Chuối: “Thủ phạm” gây táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu mẹ cho bé dùng sai cách. Bạn có thể thử cho bé ăn chuối với một ít nước hoặc nước ép trái cây để tránh bị táo bón.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón còn có thể là do những nguyên nhân như:

  • Sữa mẹ thay đổi thành phần hoặc giảm chất lượng sữa khiến bé bị táo bón. Theo kinh nghiệm dân gian của các bà các mẹ, trường hợp này là do sữa mẹ nóng khiến trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón.
  • Không được bú đủ để đáp ứng nhu cầu chất lỏng: Mẹ ăn uống kiêng khem thái quá khiến bé không có đủ sữa mẹ để bú hoặc mẹ cho bé bú không đủ no.
  • Căng thẳng: Đi đến nơi lạ, thời tiết nóng, phải di chuyển nhiều hay khi bỗng nhiên phải ở với người lạ (người giữ trẻ)… đều có thể khiến bé cảm thấy căng thẳng dẫn đến táo bón.
  • Các vấn đề về sức khỏe: Các bệnh về dạ dày có thể gây nôn mửa và tiêu chảy, có thể dẫn đến mất nước và gây táo bón. Thậm chí, các bệnh đơn giản như cảm lạnh, nghẹt mũi thông thường cũng có thể làm giảm sự thèm ăn của bé và khiến bé thấy khó chịu khi bú. Lượng chất lỏng đưa vào cơ thể càng ít thì bé sẽ càng có nguy cơ cao bị táo bón. Ngoài ra, một số bệnh lý chẳng hạn như có bất thường về đường tiêu hóa cũng có thể gây táo bón, mặc dù trường hợp này rất hiếm.

Tần suất đi ngoài phổ biến ở trẻ sơ sinh bú mẹ

Lượng phân bình thường sẽ thay đổi theo độ tuổi và chế độ ăn của bé. Dưới đây là lịch đi ngoài phổ biến:

  • Ngày 1–4: Bé sẽ ị khoảng vài lần mỗi ngày. Màu sắc sẽ thay đổi một chút từ xanh đậm đen sang xanh đậm nâu và sẽ trở nên lỏng hơn khi bé bắt đầu bú sữa.
  • Ngày 5–30: Bé sẽ ị khoảng 3 đến 8 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Màu sắc sẽ thay đổi một chút từ xanh nâu sang vàng tươi và trở nên lỏng hơn.
  • Từ 1–6 tháng: Khi được khoảng một tháng tuổi, trẻ sơ sinh sẽ hấp thụ hầu hết sữa mẹ. Bé sẽ đi ngoài phân mềm hơn và có thể đi đại tiện vài lần trong ngày hoặc chỉ một lần trong vài ngày. Thậm chí, một số bé còn không đi ngoài trong hai tuần và điều đó vẫn được coi là bình thường nếu phân của con không khô cứng, con không phải gồng khi đi tiêu…
  • Từ tháng thứ 6 trở đi: Khi bạn bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc (khoảng 6 tháng) và sữa bò (khoảng 12 tháng), trẻ có thể đi ngoài thường xuyên hơn. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của bé vẫn còn non nớt và chưa thích ứng với việc tiêu hóa các loại thức ăn mới.

Khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón như thế nào?

cho bé nằm sấp

Dưới đây là một số mẹo để ngăn ngừa và điều trị táo bón:

  • Thêm nhiều chất xơ hơn vào chế độ ăn của mẹ và bé:
    • Khi bé còn bú mẹ hoàn toàn: Mẹ nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm, ưu tiên các loại rau xanh và trái cây.
    • Khi con bắt đầu chuyển sang giai đoạn ăn dặm: Mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn những loại trái cây và rau có nhiều chất xơ như táo, mận và đậu Hà Lan xay nhuyễn.
  • Cho con nằm ngửa và di chuyển chân theo kiểu đạp xe, thỉnh thoảng bạn nên cho bé nằm sấp thường xuyên. Những hoạt động này có thể tác động lên thành bụng và tăng cường nhu động ruột tự nhiên.
  • Mát xa bụng cho bé: Đặt bàn tay ngay dưới rốn, nhẹ nhàng xoa bóp bụng theo chuyển động tròn trong khoảng một phút.

Chế độ ăn của mẹ có phải là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón không?

Theo một nghiên cứu năm 2017 được thực hiện với 145 phụ nữ trên Tạp chí Pediatrics Hàn Quốc, mẹ đang cho con bú không cần kiêng cữ bất cứ loại thực phẩm nào trừ khi bé có phản ứng tiêu cực một cách rõ rệt.

Theo La Leche League International, việc bạn ăn hoặc uống gì không phải là điều kích thích sữa mẹ mà chính khả năng bú của bé mới giúp sữa về. Ngoài ra, sữa mẹ được tạo ra từ những gì có trong máu chứ không phải trong đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, quan trọng vẫn là bạn phải duy trì một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng khi đang cho con bú vì sức khỏe và hạnh phúc của chính bạn.

Trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón: Khi nào cần đưa bé đi khám?

trẻ sơ sinh bú mẹ bị táo bón

Đừng ngần ngại đưa bé đi khám nếu:

  • Những biện pháp đơn giản tự nhiên không hiệu quả
  • Bé khóc nhiều khi đi ngoài
  • Bé không chịu bú
  • Bé bị sốt
  • Bé bị nôn mửa
  • Bụng bé trở nên cứng và sưng đau.

Bác sĩ sẽ khám và thậm chí có thể yêu cầu bạn cho bé thực hiện các xét nghiệm đặc biệt như chụp X-quang bụng. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc an toàn cho bé. Một điều cần lưu ý là bạn tuyệt đối đừng cho bé uống thuốc nhuận tràng hoặc các loại thuốc khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Hầu hết trẻ bú mẹ không bị táo bón cho đến khi trẻ bắt đầu ăn dặm, tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể xảy ra. Nếu bé cưng nhà bạn bị táo bón, đừng ngần ngại thử những cách trên, nếu không hiệu quả, hãy đưa bé đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Constipation in Breastfed Babies: Symptoms, Causes, and Treatment https://www.healthline.com/health/constipation-in-breastfeeding-baby Ngày truy cập: 14/12/2020

Constipation in breastfeeding babies: What to know https://www.medicalnewstoday.com/articles/327174 Ngày truy cập: 14/12/2020

Infant Constipation Caused by Breastfeeding https://www.verywellfamily.com/breastfeeding-and-constipation-2634470 Ngày truy cập: 14/12/2020

Phiên bản hiện tại

15/12/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 15/12/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo