Trẻ sơ sinh bị rụng tóc là tình trạng bình thường trong 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, nếu tóc bé vẫn tiếp tục rụng sau khoảng thời gian này sẽ trở thành dấu hiệu đáng lo.
Mỗi em bé sẽ có mức phát triển khác nhau. Tuy nhiên, bố mẹ thường lo lắng nếu thiên thần nhỏ của mình không giống như những em bé cùng tháng.
Rụng tóc thường được xem là một vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, rụng tóc ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng đến bé theo nhiều cách. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu các thông tin cần thiết về nguyên nhân, triệu chứng của vấn đề này cũng như biện pháp cải thiện.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị rụng tóc
Trẻ bị rụng tóc với số lượng vừa phải là điều bình thường trong sáu tháng đầu đời. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn diễn ra trong nhiều tháng tiếp theo đi cùng với việc tóc rụng rõ rệt thì nguyên nhân trẻ sơ sinh bị rụng tóc có thể xuất phát từ:
- Ma sát liên tục: Trẻ sơ sinh thường dành nhiều thời gian cho tư thế nằm ngửa, nghiêng và sấp cho đến khi bé có thể ngồi. Do đó, đầu bé sẽ thường xuyên cọ xát với bề mặt nệm, gối. Nếu hành động này diễn ra đủ lâu và mạnh, có thể gây ra rụng tóc. Nếu đây là nguyên nhân gây ra, quá trình tóc bị đứt gãy rụng sẽ chấm dứt khi bé đã biết ngồi.
- Tuyến yên hoạt động kém hiệu quả: Nếu tuyến yên hoạt động kém, trẻ sơ sinh có thể mắc phải tình trạng suy tuyến yên, dẫn đến rụng tóc nhiều.
- Chức năng của hormone tuyến giáp: Rối loạn tuyến giáp như suy giáp có thể dẫn đến rụng tóc quá mức.
- Nhiễm trùng da đầu: Nhiễm trùng da đầu, bao gồm nhiễm nấm như hắc lào, có thể gây rụng tóc ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể gây ra các mảng hói có dạng tròn trên da đầu bé.
- Dị ứng: Phản ứng dị ứng dưới mọi hình thức có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị rụng tóc. Em bé có thể bị dị ứng với dầu massage hoặc sản phẩm tắm gội. Tình trạng viêm da tiết bã cũng có thể khiến tóc rụng phần nào.
- Bé thích giật tóc: Nếu em bé có xu hướng chơi với tóc của bản thân hoặc gặp phải tình trạng trichotillomania (hội chứng nghiện giật tóc) thì đây sẽ là nguyên nhân giải thích vì sao tóc bé ngày càng thưa dần.
- Bệnh tật và căng thẳng: Căng thẳng do bệnh tật hoặc sốt có thể làm cho nang tóc yếu đi và dẫn đến trẻ sơ sinh bị rụng tóc.
Dấu hiệu bé bị rụng tóc nặng
Một số dấu hiệu cho thấy bé bị rụng tóc nghiêm trọng bao gồm:
- Các mảng hói xuất hiện trên da đầu
- Da đầu đỏ, sần sùi hoặc viêm
- Tóc vương trên nệm, giường, cũi và đồ chơi
- Tóc rụng khi bạn dùng tay vuốt tóc bé
- Tóc vướng trên lược quá nhiều khi bạn chải tóc cho bé
Nếu như bé bị hói hoàn toàn thì sao?
Điều này là vô cùng phổ biến. Nhiều em bé hoàn toàn không có tóc khi vừa chào đời hoặc thậm chí cho đến khi bước qua sinh nhật 1 tuổi. Mỗi bé có một chu kỳ phát triển khác nhau. Do đó, bạn không cần phải lo lắng quá mức trừ khi tình trạng hói đi kèm với các biểu hiện đáng ngại khác.
Điều trị trẻ sơ sinh bị rụng tóc
Việc điều trị cho trẻ sơ sinh bị rụng tóc sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán vấn đề tiềm ẩn. Thông qua kiểm tra trực quan da đầu, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân rụng tóc và đưa ra các phương án như:
- Dầu gội an toàn cho trẻ sơ sinh: Nếu nghi ngờ bé bị nhiễm trùng da đầu, bác sĩ có thể kê toa một loại dầu gội thuốc để làm sạch da đầu, loại bỏ bất kỳ mầm bệnh nào có thể gây rụng tóc.
- Thuốc mỡ và thuốc chống nấm: Tình trạng nhiễm nấm da đầu sẽ được điều trị bằng thuốc mỡ bôi ngoài da nhằm giúp tóc bé ít bị rụng hơn.
Cách ngăn ngừa rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Các biện pháp giúp nuôi dưỡng da đầu và hạn chế tình trạng bé bị rụng tóc gồm:
- Nếu em bé gặp phải tình trạng Trichotillomania, hãy đưa con đến gặp bác sĩ
- Sử dụng dầu gội nhẹ dịu để tránh làm khô tóc và da đầu
- Tránh chải tóc bé nhiều hơn một lần mỗi ngày
- Đội mũ cho bé nếu khi đi ra ngoài trời quá nóng
- Sử dụng bàn chải lông mềm để chải tóc
- Không dùng máy sấy để làm khô tóc
- Sau khi gội đầu cho bé, mẹ nên dùng khăn bông mềm thấm khô tóc con.
Phương Uyên/HELLO BACSI
[embed-health-tool-vaccination-tool]