backup og meta

Trẻ đi tướt mọc răng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

Trẻ đi tướt mọc răng là tình trạng gì?Dấu hiệu nhận biết trẻ đi tướt do mọc răngTrẻ bị đi tướt do mọc răng có nguy hiểm không?Ba mẹ cần làm gì khi trẻ đi tướt mọc răng?Kết luận

Mọc răng là giai đoạn phát triển tự nhiên nhưng khá nhạy cảm ở trẻ nhỏ. Trong thời gian này, nhiều bé có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng, khiến cha mẹ lo lắng không biết con có đang gặp vấn đề tiêu hóa hay chỉ là phản ứng sinh lý bình thường. Hiện tượng này thường được gọi là đi tướt mọc răng.

Trẻ đi tướt mọc răng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử lý

Vậy trẻ đi tướt khi mọc răng có nguy hiểm không? Làm sao để phân biệt với các bệnh lý tiêu hóa khác? Khi nào cần đưa trẻ đi khám? Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ cùng bạn đi tìm lời đáp chi tiết về tình trạng này.

Trẻ đi tướt mọc răng là tình trạng gì?

Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng, nhiều ba mẹ nhận thấy bé đi ngoài phân lỏng hơn bình thường. Hiện tượng này thường được dân gian gọi là đi tướt mọc răng.

Tuy nhiên, theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), mọc răng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tiêu chảy ở trẻ.

Thực tế, nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy trong giai đoạn mọc răng thường do:

  • Thời điểm trẻ mọc răng thường trùng với giai đoạn bắt đầu ăn dặm. Lúc này, hệ tiêu hóa của con vẫn còn nhạy cảm. Do đó mà phân của bé cũng có thể thay đổi thất thường.
  • Trẻ bắt đầu mất dần kháng thể truyền từ mẹ. Đồng thời, con lại hay cho đồ vật vào miệng để giảm khó chịu nướu. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây tiêu chảy.

Ngoài mọc răng, trẻ có thể bị tiêu chảy do:

  • Nhiễm khuẩn, virus (thường kèm sốt, nôn).
  • Không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm.
  • Tác dụng phụ của thuốc (đặc biệt là kháng sinh).

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Dấu hiệu nhận biết trẻ đi tướt do mọc răng

Để xác định trẻ có đang đi tướt do mọc răng hay không, cha mẹ cần quan sát kỹ tính chất phân và các triệu chứng đi kèm:

  • Tần suất: Bé đi ngoài nhiều hơn bình thường.
  • Thể tích: Phân nhiều hơn trong mỗi lần đi, có thể khiến bé phải thay tã thường xuyên.
  • Tính chất phân: Phân mềm, lỏng hơn, có thể làm tràn tã, nhưng không có máu, chất nhầy, không có mùi chua.
  • Tổng thể sức khỏe: Bé vẫn bú, ăn uống bình thường, không sốt cao, không nôn mửa hay lừ đừ.

Không chỉ bắt gặp hình ảnh trẻ đi tướt mọc răng, ba mẹ còn có thể nhận thấy nhiều biểu hiện mọc răng đi kèm khác như chảy nhiều nước dãi, thích nhai cắn, sốt nhẹ, sưng, đau hoặc ngứa nướu…

Đi tướt mọc răng

Phân biệt đi tướt mọc răng với vấn đề sức khỏe tiêu hóa khác
Một số ba mẹ nhận thấy phân của trẻ có thay đổi nhẹ trong thời gian mọc răng. Để phân biệt con đi tướt mọc răng hay bị tiêu chảy do bệnh lý, ba mẹ có thể lưu ý những điểm sau:
  • Tính chất phân: Khi mọc răng, phân của bé có thể hơi lỏng hơn bình thường, nhưng không quá loãng hay chảy nước. Nếu phân quá lỏng, nhiều nước hoặc bắn tung tóe, đó có thể là tiêu chảy bệnh lý.
  • Màu sắc phân: Phân của trẻ mọc răng thường vẫn nằm trong dải màu bình thường như vàng, nâu. Nếu phân đổi màu bất thường (xanh đậm, đen, xám hoặc có máu) thì có thể con gặp vấn đề về tiêu hóa.
  • Mùi phân: Phân đi tướt do mọc răng không có mùi quá khó chịu. Nếu có mùi chua, hôi nồng, đó có thể là dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc rối loạn tiêu hóa.

Trẻ bị đi tướt do mọc răng có nguy hiểm không?

Trong phần lớn trường hợp, trẻ đi tướt khi mọc răng sẽ không quá nguy hiểm nếu bé vẫn bú, ăn, chơi và ngủ bình thường. Tuy nhiên, ba mẹ không nên chủ quan vì tình trạng đi tướt kéo dài cũng có thể dẫn đến những rủi ro nhất định, đặc biệt là mất nước.

Ba mẹ cần theo dõi sát sao các dấu hiệu đi kèm và đưa con đi khám ngay nếu bé có các biểu hiện sau:

  • Tiêu chảy kéo dài hơn 1 tuần.
  • Phân có dịch nhầy hoặc máu.
  • Trẻ sốt cao liên tục hơn 2-3 ngày.
  • Có dấu hiệu mất nước như khô môi, ít nước tiểu, thóp lõm.
  • Trẻ lờ đờ, mệt mỏi, phản ứng chậm.
  • Sụt cân quá 5% trọng lượng cơ thể.

Ba mẹ cần làm gì khi trẻ đi tướt mọc răng?

Dù đi tướt do mọc răng thường không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không theo dõi và chăm sóc đúng cách, bé vẫn có nguy cơ bị mất nước hoặc mệt mỏi. Vì vậy, cha mẹ nên có hướng xử lý phù hợp để đảm bảo bé luôn khỏe mạnh trong giai đoạn mọc răng nhạy cảm này.

Đi tướt mọc răng

Một số cách chăm sóc cha mẹ có thể áp dụng gồm:

  • Đảm bảo con uống đủ nước: Tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc uống sữa công thức như bình thường. Với bé trên 6 tháng, có thể bổ sung một lượng nhỏ nước lọc.
  • Bổ sung điện giải: Một mẹo chữa đi tướt mọc răng cho bé là cho con dùng dung dịch bù điện giải theo hướng dẫn bác sĩ.
  • Giữ vệ sinh vùng mông cho bé để hạn chế hăm tã: Việc đi tướt mọc răng có thể khiến vùng da quanh hậu môn của con bị kích ứng. Ba mẹ hãy thay tã thường xuyên, lau nhẹ bằng khăn mềm và thoa kem chống hăm để bảo vệ da bé.
  • Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy: Nếu ba mẹ băn khoăn trẻ đi tướt mọc răng uống thuốc gì, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Không tự ý cho con dùng thuốc cầm tiêu chảy vì có thể che lấp triệu chứng nhiễm khuẩn tiềm ẩn.
  • Hạn chế cho con ăn thực phẩm gây rối loạn tiêu hóa: Ba mẹ nên tránh cho con ăn các món khó tiêu, thực phẩm lạ hoặc nhiều đường trong thời gian này. Ưu tiên các món dễ tiêu như cháo loãng, cà rốt hấp, chuối chín.

Kết luận

Tóm lại, đi tướt mọc răng là một tình trạng có thể xảy ra trong giai đoạn trẻ mọc răng, nhưng không phải do mọc răng gây ra. Cha mẹ cần quan sát kỹ các biểu hiện của con, duy trì dinh dưỡng hợp lý cho bé, giữ vệ sinh và chủ động theo dõi dấu hiệu mất nước ở trẻ.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Is teething associated with diarrhea? – PMC https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC1071026/ Ngày truy cập: 06/07/2025

Baby teething symptoms – NHS https://www.nhs.uk/baby/babys-development/teething/baby-teething-symptoms/ Ngày truy cập: 06/07/2025

Teething: Tips for soothing sore gums – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/teething/art-20046378 Ngày truy cập: 06/07/2025

Teething (Teething Syndrome): Symptoms & Tooth Eruption Chart https://my.clevelandclinic.org/health/articles/11179-teething-teething-syndrome Ngày truy cập: 06/07/2025

Teething https://www.healthychildren.org/English/tips-tools/symptom-checker/Pages/symptomviewer.aspx?symptom=Teething Ngày truy cập: 06/07/2025

 

Phiên bản hiện tại

07/07/2025

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mẹ hỏi, chuyên gia đáp: Bé hay ốm vặt phải làm sao dù mẹ đã chăm sóc kỹ?

Trẻ sinh non dễ mắc các bệnh nhiễm trùng - Chuyên gia chia sẻ bí quyết nuôi con khỏe mạnh


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 07/07/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo