backup og meta

5 quan niệm sai lầm khi sử dụng tã giấy mà bạn không nên tin

5 quan niệm sai lầm khi sử dụng tã giấy mà bạn không nên tin

Tã giấy là “trợ thủ” không thể thiếu trong việc chăm con. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều lời khuyên không đúng về việc sử dụng tã giấy mà bạn không nên tin.

Chăm con là hành trình dài với nhiều khó khăn, thử thách. Trong suốt cuộc hành trình này, bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên về nhiều khía cạnh như dinh dưỡng, thói quen ngủ, kể cả việc dùng tã giấy cho trẻ nhỏ. Hello Bacsi đã tổng hợp và chọn lọc một số quan niệm sai lầm thường gặp về việc sử dụng tã giấy mà bạn không nên tin và làm theo.

1. Sử dụng tã giấy khiến bé bị hăm

Hăm tã là một trong những “khách quen khó ưa” thường xuyên “viếng thăm” trẻ nhỏ nhất. Tình trạng này khiến bé vô cùng khó chịu, hay quấy khóc và làm bạn rất mệt mỏi. Nhiều người nghĩ rằng dùng tã là nguyên nhân gây hăm. Thế nhưng, thực tế, tã không thể tự gây ra bất cứ tác hại nào cho trẻ mà phần nhiều lỗi thuộc về sự chăm sóc của ba mẹ, ví dụ như không thay tã thường xuyên cho bé, sử dụng tã kém chất lượng… Hóa chất và độ ẩm từ nước tiểu, phân có thể gây kích ứng da, từ đó dẫn đến hăm.

Do đó, để tránh tình trạng này, bạn cần thay tã cho bé thường xuyên. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, bạn hãy hạn chế tiêu thụ những thực phẩm có tính axit cao như việt quất, cà chua, mâm xôi… vì chúng có thể làm thay đổi thành phần phân của bé, từ đó trẻ sẽ dễ bị hăm tã hơn.

Ngoài ra, việc sử dụng khăn ướt khi làm vệ sinh cho trẻ sơ sinh cũng có thể tạo điều kiện cho chứng hăm tã xuất hiện. Nguyên do là những chất phụ gia và khử trùng có trong khăn giấy ướt sẽ khiến cho da bé dễ kích ứng nên mẹ hãy hạn chế việc sử dụng khăn ướt cho bé nhé.

2. Cho bé mặc tã rộng thì bé sẽ ít bị hăm

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hăm tã thường là do sự ma sát giữa da bé với nước tiểu, phân khi tã bị ướt. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn nên cho bé mặc tã quá rộng. Có nhiều bà mẹ suy nghĩ cho con mặc tã size rộng thì trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, ít bị hăm hoặc cho con mặc tã chật để nước tiểu không chảy ra ngoài. Tuy nhiên việc mặc tã quá rộng hoặc quá chật là một sai lầm.

Cũng giống như quần áo, bạn nên cho bé mặc tã có size vừa vặn và thoải mái. Khi mặc tã size lớn, tã sẽ không ôm khít được háng khiến cho nước tiểu có thể tràn ra ngoài. Vì vậy, để tiện lợi và an toàn nhất, bạn nên chọn loại tã theo đúng lứa tuổi, cân nặng. Cùng một thời điểm cũng không mua quá nhiều tã có cùng một size vì trẻ con thường lớn rất nhanh.

3. Khi tã bị ướt vào ban đêm, cần đánh thức bé dậy để thay tã

Điều này hoàn toàn không cần thiết trừ khi tã rất bẩn hoặc đã ướt sũng. Mặc dù bé cần được thay tã mỗi 2 – 3 giờ nhưng vào ban đêm thì quy tắc này không cần phải tuân thủ quá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, ngay sau khi bé thức dậy, hãy thay tã ngay bởi hàm lượng axit có trong phân và nước tiểu tiếp xúc càng lâu với da thì sẽ càng gây ra nhiều rắc rối. Nếu cần thay tã vào ban đêm, hãy thực hiện nhanh và nhẹ nhàng để tránh bé bị thức giấc quá lâu.

Mẹ cho bé sử dụng tã giấy

4. Bôi càng nhiều phấn rôm thì càng có tác dụng phòng chống hăm tã cho bé

Phấn rôm có thể tạo cảm giác mềm mịn, khô thoáng cho làn da nên bạn cứ nghĩ rằng bôi càng nhiều thì da càng được bảo vệ, hơn nữa mùi thơm dễ chịu của nó lại được các mẹ đặc biệt yêu thích. Thực tế, các nhà nguyên cứu cho biết, khi bôi quá nhiều phấn lên da sẽ gây bí bách, hầm bí. Bên cạnh đó, những hạt phân tử của phấn rôm không những không tạo ra được lớp màng bảo vệ mà còn tạo ra những khoảng trống cho các enzyme trong chất thải xâm nhập vào da bé, từ đó dễ dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị hăm, nhất là khi sử dụng lâu dài. Đặc biệt, các chuyên gia còn cảnh báo mẹ nên hạn chế dùng phấn rôm cho bé gái vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng.

Nếu bạn vẫn muốn sử dụng phấn rôm cho bé, hãy lau khô người bé trước khi thoa, đổ 1 lượng phấn vừa phải ra tay rồi thoa lên vùng lưng và mông bé, tránh thoa lên cổ hoặc phần dưới bụng bé vì dễ gây viêm da và các bệnh liên quan đến hô hấp.

5. Nếu tã không quá ướt thì không cần phải thay

Có nhiều người nghĩ rằng chờ tã giấy đã thấm ướt sũng rồi mới thay cho bé. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn phát sinh, gây hại cho làn da. Không những vậy, việc cho trẻ dùng tã cả ngày hoặc trong thời gian dài sẽ tạo cho trẻ một thói quen xấu là nếu mắc tè, mắc ị thì cứ bài tiết tự động. Nếu vấn đề này kéo dài dần dần trẻ sẽ mất phản xạ gọi để báo cho cha mẹ lúc cần đi khi đã biết nói. Kết quả là trẻ có thể đi tiểu không kiểm soát được hoặc hay bị tè dầm khi lớn.

Chính vì vậy, bạn không nên cho bé mặc một cái tã duy nhất trong nhiều giờ liền, thậm chí là suốt cả ngày chỉ vì nghĩ rằng tã không quá dơ. Ngay cả khi tã không dơ, hãy thay tã cho bé sau mỗi 2 – 3 giờ. Ở giữa những lần thay, hãy lau rửa cho con sạch sẽ, để da bé khô thoáng một lúc trước khi mặc tã mới.

Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý đến việc sử dụng kem chống hăm cho trẻ. Kem chống hăm là một sản phẩm có khả năng tạo ra một lớp màng chắn bảo vệ da bé khỏi những tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, nếu mẹ bôi quá nhiều kem chống hăm, loại kem này không những bị mất đi khả năng bảo vệ mà còn khiến cho da bé trở nên hầm bí do bít lỗ chân lông và dễ bị kích ứng hơn.

Trên đây là một số sai lầm khi sử dụng tã giấy cho trẻ mà bạn không nên tin theo. Hãy nhớ sức khỏe và sự thoải mái của bé hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn, kinh nghiệm và vốn hiểu biết của bố mẹ. Chính vì vậy, trước khi đưa ra quyết định, hãy chú ý và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và sự an toàn của bé.

Ngân Phạm / HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Common Diapering Myths You Need to Stop Believing in for Your Baby’s Sake https://parenting.firstcry.com/articles/common-diapering-myths-you-need-to-stop-believing-in-for-your-babys-sake/ Ngày truy cập: 12/10/2019

Diaper rash https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diaper-rash/symptoms-causes/syc-20371636?_escaped_fragment_=&p=1 Ngày truy cập: 12/10/2019

How to Diaper Your Baby https://www.webmd.com/parenting/treat-diaper-rash-16/slideshow-diapering Ngày truy cập: 12/10/2019

Phiên bản hiện tại

05/02/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 05/02/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo