Quá trình tắm cho trẻ sơ sinh là một cơ hội tuyệt vời để tạo ra sự gắn kết giữa bạn và em bé. Tuy nhiên, nếu ba mẹ chưa có kinh nghiệm tắm cho trẻ sơ sinh chắc hẳn không tránh khỏi căng thẳng và băn khoăn về nhiều vấn đề. Trong đó, “nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là thích hợp, an toàn?” chính là một trong những điều luôn được quan tâm nhất.
Làm da của trẻ sơ sinh vốn mỏng manh và nhạy cảm (bao gồm cả nhạy cảm với nhiệt) hơn so với người lớn. Vì vậy, việc chú ý đến nhiệt độ nước tắm là rất quan trọng để đảm bảo sự thoải mái lẫn an toàn cho em bé. Trong bài viết sau đây của Hello Bacsi, bạn có thể tìm hiểu thông tin chi tiết hơn về vấn đề nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh.
Nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh bao nhiêu là hợp lý, an toàn?
Về cơ bản, làn da non nớt của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với nhiệt. Bạn cũng cần biết rằng da em bé thường mỏng hơn khoảng 20 – 30% so với người lớn. Vì vậy, nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh lý tưởng cần đảm bảo không quá nóng và không quá lạnh. Vậy, trẻ sơ sinh tắm nước bao nhiêu độ?
Nhiệt độ nước tắm được khuyến nghị là phù hợp nhất với trẻ sơ sinh nên ở trong khoảng từ 37 – 38 độ C. Đây là mức nhiệt độ nước tắm giúp em bé cảm thấy dễ chịu và thư giãn. Thậm chí, điều này còn có thể gợi cho trẻ nhớ đến cảm giác bồng bềnh trong bụng mẹ nên sẽ bình tĩnh hơn, không khóc lóc, quẫy đạp khi bạn tắm cho bé.
Cách pha nước tắm với nhiệt độ an toàn cho trẻ sơ sinh
Nhìn chung, để đảm bảo nhiệt độ nước tắm phù hợp và an toàn cho trẻ sơ sinh, bạn cần làm theo cách pha nước tắm sau đây:
- Tự tay pha nước tắm cho bé: Tốt nhất là bạn nên tự mình chuẩn bị nước tắm cho em bé để đảm bảo nhiệt độ nước luôn ở mức được khuyến nghị.
- Không mở vòi nước bất ngờ: Không bao giờ mở vòi nước hoặc xả nước khi đang tắm cho em bé. Việc xả nước nóng bất ngờ có thể vô tình gây bỏng.
- Luôn kiểm tra nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh trước khi tắm: Kiểm tra nhiệt độ nước tắm bằng cách nhúng khuỷu tay vào nước. Bạn có thể sử dụng nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ nước trong suốt quá trình tắm cho em bé. Hiện nay, nhiều loại nhiệt kế dùng cho nước tắm được sáng tạo và “ngụy trang” dưới dạng một món đồ chơi. Những sản phẩm này rất tiện lợi khi vừa giúp bạn theo dõi nhiệt độ nước tắm vừa kiêm luôn vai trò làm đồ chơi cho em bé.
- Điều chỉnh nhiệt độ máy nước nóng ở dưới mức 49 độ C: Nếu gia đình bạn sử dụng máy nước nóng, lời khuyên là bạn nên điều chỉnh lại bộ điều nhiệt của máy xuống mức 49 độ C hoặc thấp hơn. Điều này nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây bỏng cho trẻ em lẫn người lớn trong gia đình khi tắm.
Làm sao để giữ ấm cho trẻ sơ sinh trong suốt quá trình tắm?
Cơ thể của trẻ sơ sinh có thể nóng lên nhanh chóng nhưng đồng thời cũng mất nhiệt rất nhanh. Vì vậy, ngay cả khi bạn đã chuẩn bị nước tắm cho trẻ ở mức nhiệt phù hợp, trẻ vẫn có thể cảm thấy hơi lạnh, đặc biệt là khi nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh nguội dần theo thời gian.
Vậy làm sao để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không cảm thấy lạnh trong quá trình tắm? Sau đây là một vài lưu ý và mẹo hữu ích để giữ ấm cho bé trước, trong và sau khi tắm. Cụ thể:
Trước khi tắm:
- Bạn nên chọn một căn phòng nhỏ, khép kín để tắm cho em bé thay vì một căn phòng rộng rãi và thoáng.
- Bạn nên đóng tất cả cửa sổ (nếu có) và cửa ra vào để tránh gió lùa.
- Sử dụng máy sưởi cho nhà tắm nếu có thể để đảm bảo không gian tắm của trẻ luôn ấm áp.
- Trước khi bắt đầu tắm cho bé, bạn nên chuẩn bị tất cả những đồ dùng cần thiết và đặt chúng trong tầm với. Cả khăn tắm, quần áo, tã sạch và tất… để thay cũng nên đặt gần nơi tắm để tiện cho việc lau người và mặc đồ cho em bé ngay sau khi tắm.
Trong khi tắm:
- Bạn nên dùng bồn tắm nhỏ dành cho trẻ em thay vì bồn tắm lớn thông thường.
- Đổ nước vào bồn tắm hoặc chậu tắm của bé. Mực nước tắm được khuyến nghị là khoảng 5 cm.
- Luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi cho trẻ sơ sinh vào bồn tắm.
- Sau khi cởi quần áo của em bé, bạn bắt đầu tắm cho trẻ theo thứ tự bắt đầu từ khuôn mặt rồi đến những khu vực phía dưới. Trong quá trình này, khi bạn gội đầu hoặc rửa mặt cho trẻ, bạn có thể dùng thêm một chiếc khăn nhỏ đắp hoặc quấn phần cơ thể của em bé mà bạn chưa rửa đến để giúp trẻ không bị lạnh.
- Lưu ý là thời gian tắm cho trẻ sơ sinh không nên quá lâu. Bạn nên kết thúc việc tắm trước khi nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh giảm dần.
- Ngoài ra, trong những trường hợp như trẻ đang bị ốm hoặc thời tiết quá lạnh thì bạn có thể chọn giải pháp tạm thời là dùng khăn sạch đã nhúng nước ấm để lau người cho bé thay vì cho trẻ tắm trong bồn tắm.
Sau khi tắm:
- Khi tắm xong, bạn nên nhanh chóng quấn em bé bằng khăn bông mềm, khô và sạch. Bạn nên ưu tiên dùng khăn có thêm mũ trùm đầu để giữ ấm cho bé tốt hơn.
- Bạn cần lau khô người cho trẻ trước khi mặc quần áo cho bé.
- Đối với khăn tắm của trẻ sau khi dùng, bạn nên treo ở nơi thông thoáng hoặc cho vào máy sấy quần áo để đảm bảo khăn luôn khô ráo trước khi dùng cho lần sau.
Các lưu ý quan trọng khác khi tắm cho trẻ sơ sinh
Việc tắm cho trẻ sơ sinh tưởng chừng đơn giản nhưng lại có khá nhiều lưu ý bạn cần biết để đảm bảo em bé được chăm sóc tốt nhất. Ngoài việc chú ý đến nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh, sau đây là một vài khuyến nghị quan trọng khác bạn không nên bỏ qua:
1. Trẻ sơ sinh và lần tắm đầu tiên trong đời
Sau khi trẻ được sinh ra, bạn không nên vội vã tắm cho em bé ngay lập tức. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bạn nên đợi ít nhất 6 giờ sau sinh trước khi tắm cho em bé lần đầu tiên.
Nguyên nhân là vì da của trẻ sơ sinh được bao phủ bởi một lớp sáp tự nhiên được gọi là lớp vernix caseosa. Ngay sau khi chào đời, lớp sáp này có vai trò giữ cho làn da của bé được khỏe mạnh.
Vì vậy, ban đầu thì bác sĩ hoặc y tá sẽ dùng khăn mềm lau sạch cơ thể trẻ, cho mẹ thực hiện da kề da với em bé sau khi sinh và mẹ có thể cho bé bú trong khoảng vài giờ trước khi trẻ được y tá tắm.
2. Tần suất tắm cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh không cần phải tắm mỗi ngày. Da của trẻ có một lớp dầu tự nhiên nên việc tắm quá nhiều có thể gây khô da. Vì vậy, lời khuyên là bạn chỉ nên tắm cho em bé từ 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Tuy nhiên, mỗi ngày bạn vẫn nên làm sạch vùng mặt, cổ, nách và vùng kín của trẻ để đảm bảo vệ sinh cho bé. Đồng thời, ở mỗi lần tắm, bạn vẫn cần đảm bảo duy trì nhiệt độ nước tắm hợp lý cho trẻ sơ sinh.
3. Chăm sóc và bảo vệ làn da trẻ sơ sinh khi tắm
Nếu em bé của bạn có làn da rất khô hoặc gặp các vấn đề như bị chàm da, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc thêm sữa mẹ hoặc bột yến mạch vào nước tắm để xoa dịu và chăm sóc làn da non nớt, mỏng manh của trẻ.
4. Chú ý an toàn khi tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Điều quan trọng cuối cùng là bạn đừng bao giờ để trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ở trong bồn tắm một mình hoặc ở cùng một đứa trẻ khác để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Nếu bạn cần rời phòng tắm một lát vì lý do nào đó, cách tốt nhất là bạn nên cho bé ra khỏi nước tắm, quấn bé trong một cái khăn và bế đi theo.
Trong một vài lần đầu tiên, việc tắm cho trẻ sơ sinh có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, với sự tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ hoặc y tá, bạn sẽ sớm thành thạo trong việc tắm cho con. Thêm vào đó, nhiệt độ nước tắm cho trẻ sơ sinh là một trong những yếu tố rất quan trọng nên hãy đảm bảo nhiệt độ nước luôn ở mức được khuyến nghị. Đồng thời, bạn đừng bỏ qua việc kiểm tra nhiệt độ nước trước và trong khi tắm cho trẻ để chắc rằng em bé luôn cảm thấy thoải mái và an toàn nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]