Với trẻ dưới 7 tuổi, đặc biệt giai đoạn 6-36 tháng, thường khó tránh tình trạng ốm vặt. Trong 1 năm, trẻ có thể bị ốm nhiều lần do mắc các bệnh lý đường hô hấp thông thường, chẳng hạn như cảm lạnh, ho, sổ mũi… [1].
Bé mới đi học mẫu giáo, đi nhà trẻ thường có xu hướng tiếp xúc với nhiều mầm bệnh khác nhau mà hệ miễn dịch chưa từng “gặp qua”. Thêm vào đó, khi thời tiết giao mùa hoặc thay đổi thất thường có thể tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ trẻ nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Vì vậy, ba mẹ nên chủ động tìm phương pháp phù hợp để cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ. Những chia sẻ sau đây có thể giúp mẹ chăm sóc hệ miễn dịch cho trẻ đúng cách để giúp con phát triển khỏe mạnh [1], [2].
Mẹ cần biết gì về “áo giáp” miễn dịch bảo vệ bé khỏi mầm bệnh?
Hệ miễn dịch là một phức hợp bao gồm nhiều cơ quan, mô, tế bào và các hoạt chất sinh hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… Khi các tác nhân này “tấn công” cơ thể, hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để phản ứng kịp thời, bảo vệ cơ thể. Trong đó, các tế bào miễn dịch sẽ nhận diện các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể và tạo ra các kháng thể (globulin miễn dịch) để vô hiệu hóa mầm bệnh, chống lại nhiễm trùng. Sau khi các kháng thể được tạo ra để chống lại mầm bệnh, những “chiến binh” này tiếp tục ở lại trong cơ thể giúp hệ thống miễn dịch ghi nhớ virus, vi khuẩn… đã “tấn công”. Điều này nhằm giúp cơ thể chống lại mầm bệnh đã gặp hiệu quả hơn vào lần nhiễm tiếp theo và tạo ra trí nhớ miễn dịch cho trẻ [3], [4].
Trong giai đoạn mang thai, trẻ nhận được kháng thể từ mẹ qua nhau thai vào 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi sinh, trẻ tiếp tục nhận được các kháng thể từ mẹ qua sữa mẹ giúp bảo vệ cơ thể bé khỏi các tác nhân gây bệnh trước khi hệ miễn dịch của trẻ phát triển hoàn thiện [3]. Kháng thể gồm 5 loại là Immunoglobulin A (IgA), Immunoglobulin G (IgG), Immunoglobulin M (IgM), Immunoglobulin E (IgE), Immunoglobulin D (IgD) [5], [6]. Tuy nhiên, lượng nhiều và phổ biến là kháng thể IgA và IgG có vai trò quan trọng trong việc xây dựng “đề kháng 2 lớp” cho bé:
- Immunoglobulin A (IgA): Kháng thể IgA là kháng thể bề mặt, tập trung ngoài da và hệ niêm mạc biểu mô hô hấp, tiêu hóa, niệu dục…., có khả năng vô hiệu hóa tác nhân gây bệnh bám dính vào các bề mặt niêm mạc của cơ thể. Với cấu trúc và những khả năng đặc biệt này, IgA là kháng thể đóng vai trò như “lớp bảo vệ bên ngoài” cho trẻ [5], [7].
- Immunoglobulin G (IgG): IgG là loại kháng thể duy nhất có thể đi từ mẹ sang con qua nhau thai, giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong những ngày tháng đầu đời trước các bệnh nhiễm trùng. IgG là kháng thể chính trong máu, giúp ngăn chặn và tiêu diệt vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác đã xâm nhập vào dòng tuần hoàn và các hệ cơ quan. Nó hoạt động bằng cách tìm bắt các tác nhân gây hại, chuyển chúng đến đại thực bào và tiêu diệt hoặc tham gia vào các phản ứng kháng viêm và tiền viêm [5], [6]. Điều này giúp IgG trở thành “lớp bảo vệ bên trong” vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
IgA và IgG là những kháng thể đặc biệt vì sự kết hợp của “bộ đôi” này tạo nên “áo giáp” “đề kháng 2 lớp” vững vàng. Tuy nhiên, kháng thể mà trẻ nhận từ mẹ sau sinh sẽ giảm dần sau vài tuần hoặc vài tháng tùy tình trạng bú mẹ [3]. Hơn nữa, trẻ thường dễ bị ốm khi đã đi học hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường [1], [2]. Do đó, mẹ cần tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch cho bé bằng nhiều cách khác nhau để giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn non yếu.
[embed-health-tool-child-growth-chart]
8 giải pháp hàng đầu giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ được chuyên gia khuyến khích
1. Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá không chỉ cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé mà còn giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong giai đoạn đầu đời [8]. Các thành phần trong sữa mẹ như chất béo, protein, đường, kháng thể, tế bào bạch cầu, lactoferrin, lợi khuẩn (probiotics), HMO (prebiotics)… đều có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng [9], [10].
Khi mẹ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus, điều này sẽ kích thích cơ thể sản xuất kháng thể. Trong giai đoạn sau sinh, mẹ và bé thường có xu hướng tiếp xúc chung một loại vi khuẩn hoặc virus. Vì vậy, các kháng thể từ mẹ được truyền sang bé qua sữa mẹ sẽ giúp bảo vệ trẻ trước những bệnh hô hấp, tiêu hóa mà bé thường gặp trong giai đoạn đầu đời [3], [8], [9].
Đặc biệt, các kháng thể quan trọng như IgA và IgG đều có sẵn trong sữa mẹ với hàm lượng cao. Trong đó, IgA đặc biệt chiếm ưu thế trong sữa mẹ với tỷ lệ khoảng 88,11% trong sữa non và 68,35–81,65% trong sữa trưởng thành [7], [11]. Các kháng thể trong sữa mẹ đều có tác dụng bảo vệ trẻ chống lại bệnh nhiễm trùng trong giai đoạn trẻ chưa tự sản xuất các kháng thể đủ. Vì vậy, mẹ nên ưu tiên cho bé bú sữa mẹ càng sớm càng tốt sau sinh giúp con xây dựng hệ miễn dịch vững vàng.
2. Chọn công thức sữa 6 HMOs cải tiến kết hợp với HMP
Mặc dù sữa mẹ cung cấp cho bé nhiều kháng thể giúp chống lại mầm bệnh nhưng miễn dịch thụ động bé nhận từ mẹ có xu hướng giảm dần theo thời gian [3]. Hơn nữa, nhiều mẹ cũng không thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn do những nguyên nhân như gặp vấn đề sức khỏe, đang phải dùng thuốc, căng thẳng sau sinh, ít sữa, phải quay lại công việc quá sớm… [12]. Vì vậy, sữa công thức chính là lựa chọn phù hợp để bổ sung và hỗ trợ bé tăng cường sức đề kháng khi mẹ không thể cho bé bú.
Tại Việt Nam, lần đầu xuất hiện sữa công thức cải tiến được lấy cảm hứng từ sữa mẹ với 6 HMOs đột phá, thành phần này đạt khoảng 58% tổng hàm lượng HMO trong sữa mẹ. HMO là dưỡng chất đa lượng có hàm lượng cao thứ 3 trong sữa mẹ thực hiện nhiều vai trò khác nhau như tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, cân đối hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Hiện có khoảng 200 HMO khác nhau đã được tìm thấy, trong đó 6 HMOs quan trọng được nghiên cứu nhiều hiện nay là LNT, DFL, 2’-FL, 3-FL, 3’-SL và 6’-SL [13]. Trong đó, DFL là HMO có đặc tính kháng khuẩn, có tác dụng hỗ trợ phòng chống các bệnh lý viêm nhiễm ở trẻ [14]. Còn 3-FL là HMO có thể được hấp thu vào máu và thực hiện các chức năng miễn dịch [16], [17]. Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy khi bổ sung đồng thời 6 HMOs này còn mang đến cho trẻ các lợi ích [18]:
- Thúc đẩy sự đa dạng hệ lợi khuẩn ở một số chủng, hỗ trợ cân đối hệ vi sinh đường ruột.
- Có tiềm năng tạo sự tương hỗ và cộng hưởng ở một số chủng lợi khuẩn, từ đó giúp tối ưu hóa hệ vi sinh vật đường ruột, nâng cao hiệu quả miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể.
- Có khả năng tăng gấp đôi lượng axit-béo chuỗi ngắn (SCFA), một hoạt chất sinh học tiềm năng trong việc tăng cường sức khỏe trẻ.
Trong chăm sóc miễn dịch cho trẻ, công thức sữa 6 HMOs cải tiến còn các thành phần quan trọng với sức khỏe hệ miễn dịch như:
- Thành phần sữa non 24h chứa hàm lượng IgG hợp lý, nhằm cung cấp thêm kháng thể, hỗ trợ bé phòng chống các tác nhân gây bệnh
- Có kết hợp giữa 6 HMOs (2’-FL, 3-FL, LNT, 3′-SL, 6′-SL, DFL) với Lactobacillus fermentum (HMP – Human milk probiotic) được phân lập từ sữa mẹ và 1 tỷ lợi khuẩn BB-12™ (trong 100 g bột) giúp tăng lượng kháng thể IgA tiết.
3. Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo lịch khuyến cáo
Mặc dù sữa mẹ và công thức sữa có thể hỗ trợ miễn dịch cho bé trong những năm tháng đầu đời nhưng không thể bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi những căn bệnh nguy hiểm như bại liệt, bạch hầu, sởi… Vì vậy, trẻ cần được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch khuyến cáo để phòng ngừa những bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng [3].
4. Bổ sung lợi khuẩn (probiotics) cho trẻ đúng cách
Hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm đa dạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm men… Người ta ước tính có hơn 100 nghìn tỷ vi sinh vật sống trong đường ruột với khoảng 1.000 loài khác nhau. Trong đó, việc cân đối hệ vi sinh đường ruột với tỷ lệ 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn cũng là cách hỗ trợ tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và duy trì sức khỏe tổng thể [20].
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ vi sinh vật đường ruột trong giai đoạn đầu đời chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như phương thức sinh của mẹ, nguồn dinh dưỡng và việc sử dụng kháng sinh. Do đó, sự cân đối hệ vi sinh đường ruột của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hoàn toàn có thể bị phá vỡ do những yếu tố kể trên và gây ra một số vấn đề sức khỏe ở trẻ nhỏ. Vì vậy, bên cạnh việc cho bé bú mẹ thì những phương thức bổ sung lợi khuẩn cho trẻ qua men vi sinh hoặc sữa chua cũng được khuyến khích để tăng cường lợi khuẩn giúp cân đối hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ miễn dịch [21].
Men vi sinh là những chế phẩm có chứa các lợi khuẩn probiotics, khi được bổ sung đúng cách sẽ mang đến lợi ích cho sức khỏe [21]. Thế nhưng, các chuyên gia khuyến cáo mẹ chỉ nên dùng men vi sinh cho trẻ trên 6 tháng tuổi [22]. Đối với những trường hợp đặc biệt như trẻ sinh non hoặc đang mắc bệnh lý nào đó thì mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con dùng thêm men vi sinh [21].
5. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng – Trẻ cần được bổ sung nhiều rau củ, trái cây
Chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất là điều kiện cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch. Khi trẻ đã ăn dặm, mẹ nên chú trọng cung cấp cho con một chế độ ăn đa dạng, cân đối và đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất, tăng cường trái cây và rau củ. [23] Đồng thời, mẹ nên hạn chế cho con ăn những món chứa chất béo bão hòa, muối, đường tinh luyện để đảm bảo trẻ duy trì được việc ăn uống lành mạnh và thúc đẩy tốt hệ miễn dịch [23], [24].
6. Tạo điều kiện để trẻ vui chơi ngoài trời thường xuyên [25]
Bạn hãy khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ chơi ngoài trời càng nhiều càng tốt. Điều này không chỉ đơn thuần giúp trẻ vận động, rèn luyện thể chất, kích thích các giác quan… mà còn tạo điều kiện để bổ sung vitamin D cho trẻ thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đối với trẻ em, vitamin D rất quan trọng cho sức khỏe của xương, tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và thúc đẩy sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, các hoạt động vui chơi ngoài trời còn cung cấp cho trẻ không gian để giải phóng năng lượng, giúp tăng cường hoạt động thể lực, làm quen và tiếp nhận môi trường xung quanh, góp phần hoàn thiện nhận thức, cảm xúc…. Điều này giúp trẻ được tinh thần vui vẻ, thoải mái, thư giãn hơn và phát triển khỏe mạnh.
7. Đảm bảo bé ngủ đủ giấc
Giấc ngủ và hệ miễn dịch có mối quan hệ 2 chiều. Trong khi, các phản ứng miễn dịch khi viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ thì việc ngủ đủ giấc lại giúp tăng cường sức khỏe hệ thống miễn dịch [26]. Do đó, ba mẹ cần đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc theo thời gian được khuyến nghị. Số giờ ngủ thường thay đổi theo độ tuổi. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bé cần được ngủ từ 12 – 16 giờ mỗi ngày. Đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên thì trẻ cần ngủ từ 8 – 10 giờ mỗi ngày [27].
8. Tăng cường sức đề kháng cho da – Lớp “áo giáp” đầu tiên của hệ miễn dịch [28]
Da vừa là cơ quan có diện tích lớn vừa là bộ phận tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều nhất. Làn da sẽ giúp ngăn chặn những tác nhân có hại xâm nhập vào bên trong cơ thể để gây bệnh. Vì vậy, da là cơ quan bên ngoài giữ vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Việc duy trì làn da khỏe mạnh cũng là cách hỗ trợ miễn dịch của bé toàn diện hơn nên mẹ cần chú ý:
- Thoa kem dưỡng da cho trẻ
- Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên
- Cho trẻ dùng kem chống nắng, tránh để con tiếp xúc với ánh nắng gay gắt
- Đảm bảo bé uống đủ nước.
Những thông tin trong bài viết đã chia sẻ đến ba mẹ những cách tốt nhất giúp bảo vệ bé chống lại nhiều tác nhân gây bệnh trong giai đoạn miễn dịch của con chưa hoàn thiện. Những năm đầu đời là lúc con dễ bị “tấn công” bởi nhiều mầm bệnh khác nhau. Vì vậy, mẹ nên ưu tiên các giải pháp tăng cường đề kháng khoa học, hiệu quả để yên tâm bé được phát triển khỏe mạnh.