backup og meta

Kinh nghiệm hữu ích khi sử dụng cốc tập uống cho bé

Kinh nghiệm hữu ích khi sử dụng cốc tập uống cho bé

Tập uống nước cho bé bằng cốc là kỹ năng quan trọng. Thế nhưng, ở giai đoạn đầu, nếu sử dụng cốc thông thường, bé sẽ rất dễ bị sặc, do đó nhiều mẹ lựa chọn dùng cốc tập uống cho bé

Việc chuyển tiếp từ bú bình sang uống bằng cốc là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Để quá trình này diễn ra nhanh và dễ dàng thì cốc tập uống cho bé là một vật dụng không thể thiếu. Nếu bạn đang tính mua cho bé một chiếc cốc tập uống nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, vậy hãy dành vài phút xem ngay một số kinh nghiệm hữu ích sau.

Bé mấy tháng có thể dùng cốc tập uống?

Cốc tập uống hay cốc tập hút cho bé là loại cốc có nắp xoáy hoặc nắp đậy, có vòi hút để giúp bé không bị sặc. Hiện trên thị trường cốc tập uống cho bé có rất nhiều loại với nhiều kiểu dáng đa dạng: có hoặc không có tay cầm với nhiều kiểu vòi uống.

Có nên mua bình tập uống nước cho bé không là băn khoăn của nhiều ba mẹ khi con bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ bú bình sang tập uống bằng cốc. Theo chia sẻ của nhiều người, đây là dụng cụ hữu ích bởi loại cốc này không chỉ giúp hạn chế nguy cơ bị sặc mà còn giúp cải thiện sự phối hợp giữa tay và miệng.

Bé mấy tháng có thể dùng cốc tập uống? Không có thời điểm cụ thể cho điều này và bạn có thể cho bé sử dụng bất cứ khi nào thấy bé đã sẵn sàng. Thông thường, các bà mẹ sẽ cho bé sử dụng khi bé được khoảng sáu tháng tuổi, tuy nhiên, cũng có một số bé không thích sử dụng loại cốc này dù đã hơn 1 tuổi.

Kinh nghiệm mua cốc tập uống cho bé

cốc tập uống cho bé

Khi chọn cốc tập uống cho bé, bạn không nhất thiết phải chọn những loại cốc đắt tiền mà chỉ cần lưu ý một số điều sau:

  • Chọn những chiếc cốc có vòi mềm dẻo giống như núm ti bình sữa bởi loại này sẽ giúp bé cảm thấy quen thuộc so với những loại có vòi cứng.
  • Chọn bình có nắp đậy để đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng nước bị đổ ra ngoài và giúp đồ uống được bảo quản lâu hơn
  • Không nên mua bình có tay cầm trơn vì tay bé còn yếu sẽ không giữ bình lâu được
  • Chọn bình được làm từ nhựa không độc hại và có độ bền cao
  • Chọn những chiếc bình có hình ảnh trang trí bắt mắt, nhiều màu sắc để khơi gợi sự tò mò của trẻ bé.

Thực tế, chọn được một chiếc cốc tập uống phù hợp với bé không phải là điều đơn giản. Bạn có thể thử nhiều chiếc cốc khác nhau cho đến khi chọn được chiếc cốc phù hợp. Một số kiểu cốc có cả van để giúp ngăn không khí lẫn vào trong đồ uống của bé.

Nên làm gì khi bé không thích sử dụng cốc tập uống?

Nếu bé không thích sử dụng cốc tập uống, bạn có thể thử:

  • Với những bé đã quen với việc bú bình, bạn hãy đổ nửa bình sữa sang cốc tập uống. Lúc này, bé sẽ uống nửa bình sữa bằng cách bú bình và nửa còn lại bằng cách sử dụng cốc.
  • Đặt núm vú cao su (không có bình) vào miệng bé. Sau khi bé bắt đầu bú, thay nó bằng vòi uống của cốc tập uống. Thậm chí, một vài bà mẹ còn bảo bé nói “ba ba” và thay bình sữa bằng cốc tập uống vào lúc đó.
  • Nhúng vòi của cốc vào trong sữa hoặc nước hoa quả mà bé thích và sau đó đưa cho bé. Tuy nhiên, ở giai đoạn bắt đầu tập cho bé uống, bạn chỉ nên cho bé uống nước lọc bằng cốc. Bởi nếu cho bé uống sữa hoặc nước trái cây thì khi bé lắc hoặc ném cốc, sữa hoặc nước trái cây sẽ đổ ra ngoài, khiến bạn mất thời gian vệ sinh.
  • Chỉ cho bé thấy vòi uống cũng giống như núm vú (cần cho bé ngậm vào). Cố gắng chạm đầu vòi vào môi để kích thích phản xạ mút của bé. Chỉ cho bé cách nâng cốc lên miệng và nâng cao đáy cốc.
  • Thay vì sử dụng vòi uống, bạn có thể thay thế bằng một chiếc ống hút để gây ấn tượng
  • Trẻ nhỏ thường thích bắt chước người lớn. Chính vì vậy, bạn hãy thử làm mẫu để kích thích bé bắt chước theo bạn. Tuy nhiên, bạn hãy chuẩn bị cho mình một chiếc cốc khác để đảm bảo vệ sinh thay vì dùng chung với bé
  • Đôi lúc, cặn sữa có thể tích tụ ở vòi uống, khiến bé khó uống. Nếu bạn nghi ngờ điều này, hãy thử tháo vòi ra kiểm tra và vệ sinh sạch sẽ.
  • Nếu bé mút mãi mà không được, hãy thử lấy van kiểm soát tốc độ chảy ra (nếu cốc tập uống của bé có van và có thể tháo ra được). Khi bé đã học được cách cầm cốc, bạn có thể lắp van trở lại và bé sẽ mút mạnh hơn để uống được.

Những điều nên và không nên khi sử dụng cốc tập uống cho bé

cốc tập uống cho bé

Khi sử dụng cốc tập uống cho bé, bạn nên:

  • Chú ý giữ vệ sinh răng miệng. Với những bé hơn 2 tuổi, bạn nên bắt đầu cho bé sử dụng bàn chải và kem đánh răng.
  • Rửa thật sạch cốc (đặc biệt là phần nắp và vòi) sau khi dùng. Đồ uống có thể dính lại tại các ngóc ngách dẫn đến sự phát triển của các loại vi khuẩn và nấm mốc. Nếu không rửa được, cố gắng súc thật kỹ và để cốc khô hoàn toàn trước khi sử dụng.

Bạn không nên:

  • Để bé vừa ngủ vừa sử dụng cốc tập uống có chứa nước hoa quả hay sữa bởi sẽ khiến bé dễ bị sâu răng
  • Để đồ uống quá lâu trong cốc. Hãy cố gắng cho bé uống hết trong vài giờ.
  • Sử dụng cốc tập uống với mục đích cai sữa. Với một số bé, cốc tập uống chỉ đơn giản là sự thay thế cho chai sữa và bạn sẽ phải đối mặt với một thử thách cai sữa khác.
  • Ngừng cho bé sử dụng nếu bé đã đủ lớn để sử dụng các loại cốc thông thường. Đa phần, những bé hơn 2 tuổi là đã có thể cho ngừng sử dụng.

Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã biết thêm một số thông tin về việc sử dụng cốc tập uống cho bé. Bạn hãy chọn cho bé một chiếc cốc phù hợp để bé có thể dễ dàng chuyển đổi từ bú bình sang việc sử dụng cốc nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sippy Cups for Infant: Dos and Don’ts Every New Mom Should Know https://parentinghealthybabies.com/sippy-cup/ Ngày truy cập: 3/4/2019

What Are the 14 Best Sippy Cups by Age? https://www.healthline.com/health/parenting/best-sippy-cups Ngày truy cập: 3/4/2019

Toddler Transitions and Sippy Cups https://www.verywellfamily.com/sippy-cups-use-and-misuse-for-babies-2634396 Ngày truy cập: 3/4/2019

Phiên bản hiện tại

22/02/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 22/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo