backup og meta

Bé hay trớ sữa hoặc nôn ói: Có nguy hiểm không?

Bé hay trớ sữa hoặc nôn ói: Có nguy hiểm không?

Là cha mẹ, hẳn bạn đã từng rất bối rối mỗi khi bé trớ sữa, ọc sữa. Có thể ban đầu bé chỉ trớ một đôi lần nhưng càng về sau, tần suất trớ sữa lại nhiều hơn, thậm chí bé có thể bị trớ sữa khi bú. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Và làm sao để khắc phục?

Trớ, ọc sữa và nôn ói là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu như trớ, ọc sữa chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, ít khi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì nôn ói lại là biểu hiện “đáng lo” nên mẹ sẽ cần chú ý theo dõi và đưa bé đi khám. 

Hãy cùng Hello Bacsi xem bài viết dưới đây để hiểu hơn về tình trạng trớ, ọc sữa và nôn ói ở trẻ cũng như “bỏ túi” một vài bí quyết khắc phục các tình trạng này nhé!

Tại sao bé lại trớ, ọc sữa?

Trớ, ọc sữa là hiện tượng sữa trong dạ dày trào ngược ra khỏi miệng và/hoặc mũi sau khi bé bú. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khi bé trớ, ọc sữa, bạn sẽ thấy bé có biểu hiện trào một lượng sữa nhỏ ra miệng trong hoặc sau khi bú hoặc khi ợ hơi.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ vòng thực quản (có tác dụng ngăn sự trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản) của bé vẫn còn rất yếu. Cụ thể, khi bé nuốt sữa, lượng sữa sẽ di chuyển ra phía sau thành họng, đi xuống thực quản. Khi đến vị trí cơ vòng thực quản – nơi nối giữa thực quản và dạ dày, vòng cơ này sẽ mở ra để sữa sẽ chảy vào trong dạ dày rồi đóng lại. Do cơ vòng thực quản của bé còn yếu, không đóng đủ chặt nên lượng sữa sẽ trào ngược lên thực quả và dẫn đến tình trạng bé trớ, ọc sữa. Ngoài ra, do dạ dày của bé có kích thước nhỏ nên cũng rất dễ bị đầy. Điều này cũng dẫn đến việc bé hay bị trào sữa ra miệng sau khi bú.

Tuy nhiên, mẹ sẽ cần lưu ý phân biệt giữa trớ, ọc sữa và nôn ói. Nôn, ói là khi trẻ phun mạnh dòng sữa ra ngoài, kèm theo co thắt mạnh ở bụng. Chất nôn của trẻ có thể có lẫn máu. Với tình trạng này, đây có thể là biểu hiện “cảnh báo” các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng. Lúc này, mẹ sẽ cần đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ba mẹ cần làm gì khi con trớ, ọc sữa hoặc nôn ói?

Phụ huynh cần xác định chính xác bé nhà bạn đang gặp tình trạng trớ, ọc sữa hay nôn ói, sau đó mới có thể có các biện pháp xử lý phù hợp kịp thời để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. 

Giải pháp khắc phục tình trạng bé trớ, ọc sữa

Đối với tình trạng bé trớ, ọc sữa, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Cho bé bú đúng tư thế. Khi cho bé bú, mẹ cần lưu ý các vấn đề như đầu và thân trẻ nằm trên 1 đường thẳng; toàn thân trẻ sát vào người mẹ, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ; mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú; đối với trẻ sơ sinh, mẹ không những đỡ đầu, vai mà còn phải đỡ phần mông trẻ.
  • Cho bé bú lượng nhỏ hơn và thường xuyên hơn, vỗ ợ hơi cho bé mỗi 15-30 phút và sau mỗi cữ bú.
  • Tránh tạo áp lực lên bụng bé chẳng hạn như việc cho bé nằm ngay sau khi bú.
  • Tránh di chuyển bé nhiều trong lúc ăn và sau khi ăn.

Giải pháp khi thấy con nôn ói

bé hay trớ, ọc sữa hoặc nôn ói

Nôn ói là tình trạng tống xuất thức ăn từ dạ dày, ruột cần nhiều lực hơn và khiến bé đau hơn trớ, ọc sữa. Nôn có thể khiến bé mất nước, do đó, bạn cần phải kiểm tra, theo dõi bé thường xuyên. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nôn ói, bố mẹ có thể làm theo các cách sau để nhanh chóng ổn định tình trạng của trẻ:

  • Tiếp tục duy trì việc cho bé bú sữa
  • Với các bé trên 6 tháng tuổi và các bé lớn, mẹ nên cho bé uống thêm uống nước lọc, nước canh…
  • Cho bé ăn tùy vào sức ăn của bé, nhưng chỉ cho ăn những thức ăn dễ tiêu và nhạt. Nếu bé nôn nhiều và kéo dài, bạn cần phải tìm những loại rau củ và protein dễ tiêu hóa để đảm bảo dinh dưỡng cho bé;
  • Tránh những loại thức ăn ngọt, chiên rán khó tiêu;
  • Cho bé bú thành nhiều cữ
  • Sau khi ăn, cho bé nghỉ ngơi và nằm tư thế ngửa đầu cao hơn thân một chút.

Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể làm theo những bước sau để theo dõi tình trạng của bé:

  • Nếu bé không còn ói từ 2 đến 3 giờ sau, bạn nên cho bé uống nước bù dịch
  • Khoảng 8 tiếng sau, nếu bé không còn ói, bạn có thể cho bé bú sữa. Đối với bé lớn có thể ăn dặm, bạn cho bé ăn như thường lệ và ăn chậm, tránh đồ ăn cay và chiên

Những bước đơn giản trên đây có thể giúp bé cảm thấy khỏe hơn và không cần đến bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thấy bé có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào dưới đây, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay:

  • Nôn mạnh và thường xuyên
  • Nôn ra dịch màu nâu, đỏ hoặc xanh
  • Tã khô ráo hơn thường ngày
  • Kiệt sức và mệt mỏi
  • Sốt cao hơn 39 độ C
  • Ói ra máu hoặc tiêu ra máu
  • Ói hoặc khóc không có nước mắt

Qua bài viết này, Hello Bacsi hy vọng bố mẹ sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng bé trớ, ọc sữa và nôn ói, từ đó dễ dàng chăm sóc và đưa bé đi khám khi cần thiết nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Spitting up in babies: What’s normal, what’s not https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/healthy-baby/art-20044329 Ngày truy cập: 01/12/2023

Spitting up – self-care https://www.mountsinai.org/health-library/selfcare-instructions/spitting-up-self-care Ngày truy cập: 01/12/2023

Why Babies Spit Up https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/Why-Babies-Spit-Up.aspx Ngày truy cập: 01/12/2023

Infant reflux https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/infant-acid-reflux/symptoms-causes/syc-20351408 Ngày truy cập: 01/12/2023

Gastroesophageal reflux in children: an updated review https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6586172/ Ngày truy cập: 01/12/2023

Vomiting in Children https://publications.aap.org/pediatricsinreview/article-abstract/39/7/342/35176/Vomiting-in-Children?redirectedFrom=fulltext Ngày truy cập: 01/12/2023

Dehydration https://kidshealth.org/en/parents/dehydration.html Ngày truy cập: 01/12/2023

Vomiting (0-12 Months) https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/vomiting-0-12-months/ Ngày truy cập: 01/12/202

Vomiting in babies https://www.pregnancybirthbaby.org.au/vomiting-in-babies Ngày truy cập: 01/12/202

Dehydration https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9013-dehydration Ngày truy cập: 01/12/202

Patient education: Nausea and vomiting in infants and children (Beyond the Basics) https://www.uptodate.com/contents/nausea-and-vomiting-in-infants-and-children-beyond-the-basics/print Ngày truy cập: 01/12/202

Vomiting https://www.nationwidechildrens.org/conditions/vomiting Ngày truy cập: 01/12/202

Children and vomiting https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/children-and-vomiting#treatment-for-vomiting Ngày truy cập: 01/12/202

Phiên bản hiện tại

12/08/2024

Tác giả: Giang Tran

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 12/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo