Hiện tượng đái dầm xảy ra ở trẻ từ 1−5 tuổi và nguyên nhân có thể là do một số bất thường ở cơ quan bài tiết. Bố mẹ giúp con xử lý tật này thế nào?
Khi trẻ tè dầm, bố mẹ chỉ muốn giúp con nhanh chóng bỏ được tật xấu này ngay lập tức. Với nhiều trẻ, đây chỉ là vấn đề thời gian. Trên thực tế, có rất nhiều cách để bố mẹ cùng con xử lý vấn đề này dễ dàng hơn. Dưới đây là những mẹo hay giúp con vượt qua được tình trạng đái dầm.
1. Đừng đổ lỗi cho con!
Nếu bạn cảm thấy tức giận hay khó chịu khi phải giặt giũ chăn mền dính nước tiểu của con thì cũng không nên trút bỏ bực dọc lên bé. Đái dầm là tình trạng đi tiểu không tự chủ và con không hề muốn điều này. Bé sẽ cảm thấy có lỗi nên bố mẹ đừng mắng mỏ hay trách phạt nhé.
Bố mẹ có nên ngợi khen khi con không đái dầm về đêm? Câu trả lời là hoàn toàn không. Đái dầm là vấn đề bé không thể tự kiểm soát được và bố mẹ nên dành sự tán thưởng cho những việc khác mà con có thể làm chủ được.
2. Trấn an bé
Bố mẹ nên cho trẻ biết đái dầm không phải là lỗi của con. Đồng thời kể cho bé nghe rằng khi ở tuổi con, bố mẹ cũng gặp phải vấn đề tương tự và khi lớn lên sẽ không còn nữa. Nếu gia đình không chỉ có một bé mà còn nhiều bé khác, bố mẹ cần dạy các con rằng đái dầm ở trẻ em không phải là điều xấu để trêu chọc lẫn nhau.
3. Cho con đi vệ sinh đều đặn
Bố mẹ nên cho con đi vệ sinh trước khi lên giường ngủ. Nếu bố mẹ vẫn phải thức giấc khoảng 1−2 tiếng sau khi con ngủ thì hãy đánh thức con dậy để đi vệ sinh rồi ngủ tiếp. Cách này tuy không hoàn toàn tránh khỏi việc trẻ đái dầm nhưng có thể giảm lượng nước tiểu thấm trên giường ngủ của bé.
4. Dùng chuông báo đái dầm
Một số trẻ đái dầm vì cơ thể chưa tự ý thức được việc phải thức dậy khi bàng quang đầy nước. Chuông báo đái dầm sẽ đánh thức bé ngay khi có dấu hiệu tiết nước tiểu. Chiếc quần lót có gắn thiết bị cảm ứng này sẽ reo lớn khi một lượng nước tiểu nhỏ bị rỉ ra. Chuông báo sẽ đánh thức con dậy đi vệ sinh.
Sau một thời gian, chuông báo đái dầm sẽ luyện cho cơ thể con cơ chế tự cảm nhận được khi bàng quang đầy và con sẽ tự thức dậy đi vệ sinh lúc nửa đêm.
5. Thay đổi cách con uống nước
Những trẻ sợ mình đái dầm về đêm sẽ tìm cách kìm lại cơn khát và cố nhịn không uống nước suốt cả ngày dài. Vào ban đêm, trẻ sẽ cảm thấy khát hơn và uống thật nhiều nước. Bố mẹ nên động viên bé uống nhiều nước vào ban ngày và uống một ly nước trong bữa tối. Đó sẽ là lần uống nước cuối cùng trong ngày và đến giờ ngủ, hệ bài tiết của con sẽ không bị quá tải.
6. Không cho con dùng đồ uống có chứa caffeine
Tốt nhất bố mẹ không nên cho con uống nước giải khát có chứa caffeine như Coca Cola, cà phê hay trà. Caffeine khiến cơ thể bài tiết nhanh và kích thích bé đi tiểu nhiều hơn. Đồ uống có ga cũng gây ra tình trạng tương tự, vì thế bố mẹ cũng không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga nhé.
7. Bao bọc nệm cẩn thận
Mẹ có thể dùng một chiếc drap nệm có khóa kéo chống thấm nước để nước tiểu của trẻ không thấm vào bên trong nệm. Hiện nay trên thị trường còn có các tấm lót drap giường. Nếu con đái dầm, bạn chỉ cần làm sạch tấm lót mà không cần mất công giặt cả drap trải giường.
8. Trang bị tã lót, quần áo cho con
Bạn hãy cho trẻ dùng tã giấy hay miếng lót chống thấm. Chúng sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái mà mẹ cũng đỡ vất vả khi trẻ mắc chứng bệnh đái dầm. Mẹ cũng có thể phòng bị thêm cho con yêu quần áo để thay khi cần.
9. Hãy để trẻ phụ dọn dẹp giường
Nếu con bạn đã lớn mà vẫn đái dầm, bạn cần thông cảm cho trẻ. Lúc này con đã ý thức được rằng mình đang làm phiền bố mẹ và cảm thấy có lỗi. Nếu trẻ muốn dọn giường, hãy để con giúp mẹ tháo drap giường, giặt hay bao lại nhé. Tuy nhiên, không nên ép buộc trẻ làm những việc này. Trẻ sẽ càng cảm thấy tồi tệ hơn khi nghĩ mình bị phạt phải làm như vậy.
Một số trẻ lớn có thể tự khích lệ bản thân để đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng đái dầm hay những tiến bộ khác của mình bằng những phần thưởng nhỏ. Song, đối với những trẻ, việc làm này sẽ có ý nghĩa hơn nếu phần thưởng đó là do trẻ tự tuân thủ theo quy định của bản thân đặt ra mà đạt được.
Những trẻ lớn hơn nữa sẽ sẵn sàng thay đổi thật nhiều để xây dựng cho mình một hình tượng tích cực hơn. Khi nhận thức ở trẻ đủ phát triển thì đây là giai đoạn trẻ tập trung vào làm một điều gì đó trẻ thực sự muốn làm. Nếu trước khi đi ngủ, trẻ muốn không bị đái dầm và luôn suy nghĩ về vấn đề để tìm cách giải quyết thì con có thể làm được.
Đái dầm tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng sẽ ảnh hưởng một phần đến tâm lý của trẻ. Bố mẹ có thể tham khảo những mẹo trị đái dầm cho trẻ như trên để giúp con vượt qua một cách dễ dàng và bố mẹ cũng không phải vất vả dọn dẹp giường chiếu mỗi ngày.
[embed-health-tool-vaccination-tool]