Trẻ nhỏ thường hành động theo cảm tính và thường dẫn đến những phản ứng không phù hợp. Việc dạy trẻ suy nghĩ trước khi hành động sẽ giúp chúng hiểu rõ hơn quan hệ giữa mình và những người xung quanh.
Tiến sĩ Lim Bom Leng, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần BL Lim, cho biết trẻ nhỏ thường thiếu kiểm soát trong hành động. Do đó, bạn có thể bắt đầu luyện tập thói quen suy nghĩ trước khi hành động cho trẻ và là một tấm gương cho con càng sớm càng tốt. Nếu không được dạy dỗ từ nhỏ, trẻ sẽ dễ có xu hướng bốc đồng và không kiểm soát được hành động của mình. Dạy cho con suy nghĩ không bao giờ là quá sớm, ngay cả khi con chưa hiểu ý, bạn hãy cố giải thích cho con. Dưới đây là 8 cách giúp con suy nghĩ trước khi hành động:
1. Xác định cảm xúc của chúng
Trong quá trình phát triển, trẻ nhỏ thường thích tiếp xúc và trải nghiệm với những điều mới mẻ. Có những lúc trẻ cảm thấy choáng ngợp vì có nhiều điều cần phải tìm hiểu dẫn đến việc hành động theo bản năng của mình.
Bạn nên dạy con cách hiểu và kiểm soát được cảm xúc của mình, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Điều này giúp giảm thiểu sự bốc đồng hay đưa ra những nhận xét gây tổn thương, đánh người hay có những hành động bạo lực khi tức giận.
Bên cạnh đó, bạn nên dạy cho con cách nói lên cảm xúc của mình. Nếu không biết bắt đầu như thế nào, bạn có thể kể một câu chuyện hay một bộ phim cho con nghe. Khi con nhận biết được tính cách nhân vật, bạn sẽ dễ dàng giải thích cho con hiểu.
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Bạn nên dạy con suy nghĩ về những giải pháp hợp lý thay vì giải quyết vấn đề cho con. Dần dần con sẽ có thói quen suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Đặc biệt, với những trẻ nhỏ, bạn chỉ cho trẻ cách giải quyết vấn đề, ví dụ như khi muốn đi tiểu, con xin phép cô cho con ra ngoài đi, không được nhịn tiểu vì có thể bị vỡ bàng quang.
3. Kiềm chế cơn giận
Tức giận là con đường dẫn tới sự hủy diệt và khiến con không kiểm soát được lời nói của mình. Vì thế, bạn dạy con cách kiểm soát cơn giận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dạy con suy nghĩ trước khi hành động.
4. Đặt ra quy tắc
Bạn đặt ra các quy tắc trong gia đình và trẻ cần tuân theo. Ví dụ, sáng dậy 6 giờ 30, đi ngủ lúc 9 giờ tối, ăn cơm cần tập trung không được vừa ăn vừa chơi, ăn xong rồi chơi… Tuy không ai thích những quy tắc nhưng việc đặt quy tắc lại rất cần thiết với trẻ. Việc thực hiện các quy tắc giúp trẻ hiểu việc nào có thể làm, việc nào không. Khi đã hiểu các quy tắc, trẻ sẽ suy nghĩ trước khi hành động để tránh vi phạm những quy tắc.
5. Không nuông chiều theo ý muốn của con
Trẻ nhỏ thường muốn bạn đáp ứng yêu cầu của mình ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn không nên nuông chiều theo ý thích của con mà hãy tạo điều kiện cho con tự phát huy và cố gắng. Ví dụ, khi con muốn mua đồ chơi, bạn hãy khuyến khích con tiết kiệm tiền để mua hoặc nếu con phát biểu 30 lần trong lớp, bạn sẽ thưởng cho con món đồ chơi đó.
Cách làm này dạy con biết kiên nhẫn chờ đợi để đạt được kết quả và dạy con biết chống lại sự cám dỗ. Ngoài ra, khi muốn treo giải thưởng cho con, bạn hãy tập trung vào những nỗ lực của con và nói cho con biết tại sao bạn làm điều này.
6. Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất
Tham gia các hoạt động thể chất sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn và trẻ còn học được tính kỷ luật, kiên trì, làm việc nhóm, lập kế hoạch để đạt được mục tiêu.
7. Là tấm gương tốt cho con
Bạn có thể dạy con bằng lời nói, nhưng trẻ nhỏ chỉ học được từ những gì chúng quan sát. Do đó, nếu muốn dạy con suy nghĩ trước khi hành động, bạn phải làm được điều này trước. Ví dụ, bạn dễ dàng nổi giận, la mắng mỗi khi con nghịch phá hoặc khi dạy con làm bài tập ở trường mà con không hiểu. Điều này thể hiện bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình và khiến con dễ noi theo.
Mỗi hành động nhỏ của bạn đều gửi một thông điệp đến con. Vì vậy, bạn nên chú ý đến những điều mình nói và làm.
8. Dạy con suy nghĩ tích cực
Khi con giận dữ hay làm bạn tổn thương, bạn luôn cố gắng giữ bình tĩnh. Hãy cố gắng nói chuyện ôn hòa và cho con biết bạn không chấp nhận hành vi này của con. Việc bình tĩnh sẽ giúp cuộc nói chuyện giữa bạn và con hiệu quả hơn và con cũng bắt chước điều này ở bạn. Bạn cũng đừng quên khen ngợi khi con biết kiểm soát hành vi của mình. Điều này sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn.
Việc trẻ không thể điều khiển được cảm xúc có thể liên quan đến chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) hay khuyết tật về trí tuệ, rối loạn tự kỷ (ADD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế, thậm chí là trầm cảm. Nếu nghi ngờ con mắc bất kỳ tình trạng nào trên đây, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách điều trị thích hợp cho con.
[embed-health-tool-vaccination-tool]