backup og meta

8 bí quyết giúp mẹ tăng cường đề kháng tự nhiên giúp trẻ “mạnh mẽ” từ bên trong

8 bí quyết giúp mẹ tăng cường đề kháng tự nhiên giúp trẻ “mạnh mẽ” từ bên trong

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất hay mắc  bệnh vặt do hệ miễn dịch còn non nớt trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, nếu biết cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bạn cũng không cần bận tâm nhiều đến nỗi lo này.

Vào các mùa vi khuẩn gây bệnh bùng phát trong năm, trẻ nhỏ thường xuyên mắc một số bệnh liên quan đến hô hấp như ho hen, sổ mũi, cảm lạnh, sốt, đau họng… Chính vì vậy, bạn cần phải tăng sức đề kháng để bảo vệ, ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh xâm hại đến cơ thể non nớt của trẻ. Những tác nhân này có thể là vi khuẩn, virus, nấm mốc, ký sinh trùng… khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng có dịp phát triển và hoành hành làm cho sức đề kháng của trẻ bị suy giảm. Làm thế nào để tăng sức đề kháng cho trẻ? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm nhé.

1. Duy trì chế độ ăn khoa học

Theo các chuyên gia, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ, bạn nên chú ý bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất bằng cách cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi. Với một chế độ ăn cân bằng, khoa học, bạn sẽ không cần phải cho trẻ uống bất cứ loại thuốc bổ sung vitamin nào khác.

Cà rốt, cam, dâu tây… là những thực phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như vitamin C và caroten. Các chất dinh dưỡng này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu và interferon – loại kháng thể giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch bẩm sinh và ngăn cản sự nhân lên của virus. 

Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn nhiều rau xanh và trái cây còn giảm nguy cơ bị ung thư khi lớn lên. Chính vì vậy, mỗi ngày, bạn nên cố gắng cho bé ăn khoảng 5 phần hoa quả và rau xanh. 

2. Chăm sóc sức khỏe đường ruột

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng có 70-80% tế bào miễn dịch nằm trong đường ruột của bé. Ngoài những phản ứng miễn dịch niêm mạc ruột cục bộ, hệ vi sinh vật tại đây cũng đóng góp rất nhiều đến khả năng miễn dịch toàn thân. Do đó để có đề kháng tốt, trước hết trẻ nhỏ cần một đường ruột khỏe mạnh.

Để chăm sóc sức khỏe đường ruột cho trẻ, bạn nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây… Đồng thời, bạn cũng nên bổ sung vào chế độ ăn của trẻ các loại thực phẩm chứa probiotics như sữa chua, bơ… Probiotics là vi khuẩn tốt trong đường ruột, có thể tương tác và điều chỉnh các chức năng miễn dịch, giúp tạo sự cân bằng và giữ cho những vi khuẩn xấu không có khả năng làm tổn hại đến cơ thể của trẻ.

[embed-health-tool-baby-poop-tool]

3. Vận động thường xuyên

Vận động rất tốt cho sức khỏe cho trẻ nhỏ, do đó, bạn cần khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày thay vì cứ dành thời gian “dán mắt” vào màn hình để xem ti vi, chơi trò chơi… Đối với trẻ sơ sinh, mẹ có thể cho con dần làm quen với các bài tập giúp phát triển kỹ năng vận động cơ bản.  Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tập thể dục rất quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể bởi việc làm này sẽ giúp cơ thể sản xuất một chất chống viêm tự nhiên. Ngoài ra, nó còn giúp:

  • Bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus, vi khuẩn
  • Tăng cường các phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với mầm bệnh và vaccine
  • Giải phóng và loại bỏ các hormone gây căng thẳng.

Các bài tập vận động tay, chân cơ bản cho trẻ sơ sinh không chỉ giúp phát triển kỹ năng vận động thô mà còn nâng cao sự phát triển ở cả 2 bán cầu não. 

4. Đừng quên uống nước

Nước giúp cơ thể bạn sản xuất ra các tế bào bạch cầu và các loại tế bào miễn dịch khác chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại. Việc mất nước có thể làm cơ thể mất cân bằng và làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên, do đó, để cơ thể luôn khỏe mạnh, bạn cần đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày.

bé gái uống nước

5. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ

Ngủ là lúc mà cơ thể nghỉ ngơi và tự hồi phục, nếu trẻ không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon, cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ bị suy yếu. Không những vậy, tình trạng thiếu ngủ sẽ làm giảm việc sản xuất các các tế bào cytokine bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus, đồng thời các kháng thể và các tế bào chống viêm nhiễm khác cũng giảm đi khi cơ thể không ngủ đủ.

6. Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch

Để nâng cao sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cần cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, bạn có thể cân nhắc tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm mùa.

7. Tránh xa khói thuốc, bụi bẩn ô nhiễm

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, khói thuốc có chứa đến hơn 4.000 độc tố mà hầu hết trong số đó có thể gây kích ứng hoặc tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Do hệ miễn dịch còn non nớt nên khi tiếp xúc với khói thuốc, trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người lớn.

Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ bị đột tử (SIDS), viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn. Ngoài ra, việc hít phải khói thuốc còn có thể ảnh hưởng đến trí thông minh và sự phát triển thần kinh. Chính vì vậy, để giúp con có một sức khỏe tốt, nếu đang hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc ngay hôm nay và giữ trẻ nhỏ tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc. 

8. Giữ vệ sinh tay 

Việc giữ vệ sinh tay mặc dù không giúp tăng cường hệ miễn dịch từ bên trong nhưng đây là biện pháp đảm bảo rằng trẻ sẽ ít bị cảm lạnh hoặc cúm hơn, từ đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ ít bị tổn hại. Theo các chuyên gia về y tế, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi sinh vật gây hại, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng…Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả cho các thành viên trong gia đình, bạn cần chú ý đến việc rửa tay của cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trước khi ăn và sau đi vệ sinh.

Tóm lại, dù hệ miễn dịch của bé còn non nớt nhưng nếu biết cách chăm sóc đúng, mẹ vẫn có thể giúp bé giảm nguy cơ bị ốm. Do đó, mẹ hãy thử áp dụng các biện pháp trên ngay hôm nay để bé luôn khỏe mạnh và việc chăm con của mẹ cũng trở nên “thoải mái” hơn nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Influenza (Flu) in Children https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children Ngày truy cập: 29/08/2023

2. Immune Response in Human Pathology: Infections Caused by Bacteria, Viruses, Fungi, and Parasites https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7123078/ Ngày truy cập: 29/08/2023

3. How To Build Up Your Kid’s Immune System https://health.clevelandclinic.org/how-to-boost-your-kids-immunity/ Ngày truy cập: 29/08/2023

4. Nutrition and healthy eating https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-answers/multivitamins/faq-20058310 Ngày truy cập: 29/08/2023

5. Vitamin C Is an Essential Factor on the Anti-viral Immune Responses through the Production of Interferon-α/β at the Initial Stage of Influenza A Virus (H3N2) Infection https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3659258/ Ngày truy cập: 29/08/2023

6. Vitamin A https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/vitamin-a/ Ngày truy cập: 29/08/2023

7. The Role of Interferons in Inflammation and Inflammasome Activation https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5525294/ Ngày truy cập: 29/08/2023

8. 5 A Day – Food Facts https://www.nhs.uk/healthier-families/food-facts/5-a-day/ Ngày truy cập: 29/08/2023

9. The Interplay between the Gut Microbiome and the Immune System in the Context of Infectious Diseases throughout Life and the Role of Nutrition in Optimizing Treatment Strategies https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33803407/ Ngày truy cập: 29/08/2023

10. Probiotics Mechanism of Action on Immune Cells and Beneficial Effects on Human Health https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9818925/ Ngày truy cập: 29/08/2023

11. Probiotics: Versatile Bioactive Components in Promoting Human Health https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7560221/ Ngày truy cập: 29/08/2023

12. Exercise-induced immune system response: Anti-inflammatory status on peripheral and central organs https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7188661/ Ngày truy cập: 29/08/2023

13. Nutritional and Physical Activity Interventions to Improve Immunity https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6124954/ Ngày truy cập: 29/08/2023

14. 5 Vitamins That Are Best for Boosting Your Immunity https://health.clevelandclinic.org/vitamins-best-boosting-immunity/ Ngày truy cập: 29/08/2023

15. The effect of hydration state and energy balance on innate immunity of a desert reptile https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3660207/ Ngày truy cập: 29/08/2023

16. Lack of sleep: Can it make you sick? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/insomnia/expert-answers/lack-of-sleep/faq-20057757 Ngày truy cập: 29/08/2023

17. 5 Ways to Boost Your Child’s Immune System for Life https://health.clevelandclinic.org/want-boost-childs-immune-system-5-tips/ Ngày truy cập: 29/08/2023

18. Tobacco Smoking and Liver Cancer Risk: Potential Avenues for Carcinogenesis https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8683172/ Ngày truy cập: 29/08/2023

19. Children and Secondhand Smoke Exposure https://www.cdc.gov/tobacco/sgr/2006/pdfs/childrens-excerpt.pdf Ngày truy cập: 29/08/2023

20. Show Me the Science – Why Wash Your Hands? https://www.cdc.gov/handwashing/why-handwashing.html Ngày truy cập: 29/08/2023

Phiên bản hiện tại

12/08/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 12/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo