Cận thị là một vấn đề về mắt xảy ra khá phổ biến với cả trẻ em và người lớn. Một số người cho rằng nguyên nhân cận thị là do tiếp xúc nhiều với điện thoại hay các thiết bị điện tử quá mức. Điều này có đúng không? Nguyên nhân gây cận thị là do đâu và cách phòng ngừa như thế nào? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân cận thị là do đâu?
Để mắt nhìn rõ ràng ở mọi khoảng cách, ánh sáng phải đi qua giác mạc (lớp trong suốt phía trước của mắt) và thủy tinh thể (phần thấu kính trong suốt bên trong của mắt). Giác mạc và thủy tinh thể phối hợp với nhau để bẻ cong (khúc xạ) ánh sáng đúng cách, sao cho ánh sáng được tập trung chính xác tại một điểm trên võng mạc (màng thần kinh của mắt). Võng mạc sau đó sẽ chuyển ánh sáng thành tín hiệu gửi đến não cho phép bạn nhìn thấy rõ hình ảnh.
Cận thị là một tật khúc xạ khiến bạn nhìn xa bị mờ. Vậy, đâu là nguyên nhân gây ra cận thị? Nguyên nhân cận thị ở người lớn và trẻ em có thể là do giác mạc bị cong quá mức, hoặc thủy tinh thể có hình dạng cong lồi bất thường, hoặc do trục nhãn cầu dài hơn bình thường. Điều này khiến ánh sáng không được khúc xạ đúng cách. Hậu quả dẫn đến là ánh sáng sẽ tập trung ở phía trước võng mạc thay vì phải tập trung chính xác trên võng mạc, khiến tầm nhìn xa bị mờ.
Bạn có thể hiểu đơn giản nguyên nhân cận thị giống như một ánh đèn bị chiếu sai hướng. Nếu bạn chiếu đèn vào một vị trí không chính xác ở khoảng cách xa, bạn sẽ không thể nhìn rõ.
Các yếu tố nguy cơ
Các chuyên gia về mắt vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân cận thị chính xác nhưng họ tin rằng đó là sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường. Bất cứ ai cũng có thể bị cận thị, nhưng bạn có nguy cơ cao hơn nếu:
- Di truyền. Cận thị có xu hướng di truyền trong gia đình. Nếu một hoặc cả hai cha và mẹ đều bị cận thị thì nguy cơ con cái bị cận thị sẽ cao hơn.
- Tuổi tác. Cận thị thường bắt đầu ở trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 và tiến triển rồi ổn định khi 18 tuổi hoặc những trẻ cận thị bẩm sinh có thể đã bắt đầu xuất hiện cận thị từ khi mới sinh.
- Hoạt động nhìn gần kéo dài. Một số chuyên gia tin rằng việc dành nhiều thời gian cho các hoạt động nhìn gần như đọc sách, sử dụng máy tính hoặc thiết bị thông minh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ bị cận thị.
- Ít hoạt động ngoài trời. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc ít hoạt động ngoài trời có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cận thị.
Hiểu nguyên nhân cận thị để phòng ngừa
Hiểu rõ về nguyên nhân cận thị, bạn sẽ biết được rằng không thể ngăn ngừa hoàn toàn cận thị vì đây là tật khúc xạ có thể di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ cận thị và tăng cường sức khỏe mắt bằng một số cách sau đây:
- Đi khám mắt định kỳ với bác sĩ nhãn khoa
- Tăng thời gian hoạt động ngoài trời, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử khi không cần thiết
- Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính râm khi ra ngoài
- Đeo kính bảo vệ khi chơi thể thao hoặc làm việc để hạn chế chấn thương mắt
- Nghỉ ngơi cứ sau 20 phút làm việc với thiết bị điện tử bằng cách nhìn vào vật gì đó cách xa 6 mét trong 20 giây
- Hạn chế học tập và làm việc ở môi trường không có đủ ánh sáng
- Đeo kính cận đúng độ và chăm sóc kinh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa
- Tập thể dục thường xuyên
- Kiểm soát các bệnh lý mạn tính có thể làm suy giảm thị lực, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tiểu đường
- Bỏ hút thuốc lá
- Cung cấp vitamin A, vitamin C và lutein thông qua chế độ ăn tốt cho mắt
- Uống đủ nước, hạn chế cafein và nước ngọt.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân cận thị để không có những hiểu lầm và biết cách phòng ngừa tình trạng này càng sớm càng tốt. Nếu đã bị cận, bạn vẫn nên thực hiện những khuyến cáo ở trên để tránh bị tăng độ cận.