Bệnh quáng gà là vấn đề nhãn khoa tương đối phổ biến, liên quan đến khả năng thị lực hoạt động trong điều kiện ánh sáng không tốt hoặc trong bóng tối. Bạn có thể phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng này bằng biện pháp dinh dưỡng.
Bệnh quáng gà là tình trạng tầm nhìn bị suy giảm trong điều kiện ánh sáng mờ hoặc trong bóng tối. Nguyên nhân trực tiếp là do chức năng của các tế bào thị giác đặc hiệu (cụ thể là các tế bào hình que) ở võng mạc bị suy giảm.
Sơ lược về bệnh quáng gà
Khả năng quan sát các vật chuyển động từ vùng sáng sang vùng tối cũng như khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng không tốt hoặc ban đêm là một phần quan trọng đối với sức khỏe thị lực của mỗi người. Khả năng này sẽ suy giảm hoặc hoàn toàn vô tác dụng nếu bạn bị quáng gà.
Bệnh quáng gà là hệ quả của nhiều bệnh khác nhau gây ra sự thoái hóa của các tế bào que cấu tạo nên võng mạc, nhóm tế bào chịu trách nhiệm phản ứng với ánh sáng mờ. Bệnh lý cũng có thể là hệ quả sự thiếu hụt di truyền của sắc tố tím (rhodopsin) ở các tế bào que. Ngoài ra, tình trạng bất thường này cũng có thể là do thiếu vitamin A. Rhodopsin chỉ có thể duy trì độ nhạy với ánh sáng khi có sự hiện diện của vitamin A.
Qua bài viết này, Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn vai trò của vitamin A nói riêng và các hoạt chất dinh dưỡng nói chung đối với sức khỏe mắt khi bị bệnh quáng gà.
Vitamin A cho người mắc bệnh quáng gà
Một chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A, có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh quáng gà. Các tế bào võng mạc cần hoạt chất retinal để có thể nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu cũng như phân biệt các màu khác nhau.
Vitamin A có nguồn gốc từ động vật thường tồn tại dưới dạng chính là retinol, nhưng đôi khi cũng sẽ là retinal. Con người, cũng như các loại động vật ăn cỏ hoặc ăn tạp khác, đều có khả năng chuyển đổi carotene thành retinal. Vì thế, bằng cách chọn lọc thực phẩm ăn uống, bạn có thể hấp thụ tốt retinal và cải thiện thị lực.
Retinal cũng cần thiết cho sự hình thành của rhodopsin, một sắc tố có trong tế bào hình que cần thiết để chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu xung điện. Do đó, các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu nhận định rằng vitamin A đặc biệt có khả năng ngăn ngừa bệnh quáng gà. Thêm vào đó, thiếu vitamin A thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề khác liên quan đến thị lực.
Bên cạnh việc đóng vai trò quan trọng đối với cải thiện thị lực, vitamin A còn có khả năng chống oxy hóa với công dụng duy trì thị lực luôn ở trạng thái tốt nhất, đồng thời phòng ngừa các bệnh như:
- Suy giảm thị lực hoặc mất hoàn toàn khả năng nhìn
- Thoái hóa võng mạc
- Bệnh quáng gà
- Đục thủy tinh thể
- Bệnh tăng nhãn áp
Ngoài ra, nó cũng giúp mắt vượt qua các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm kết mạc, còn gọi là đau mắt đỏ.
Bạn có thể tìm thấy nguồn vitamin A dồi dào từ nhiều loại thực vật thông dụng nhất, chẳng hạn như:
- Cà rốt
- Rau răm
- Cải cầu vồng (cải Thụy Sỹ)
- Rau bina, còn có tên gọi là rau chân vịt hoặc cải bó xôi
- Rau cải xoong
- Borage (lưu ly) hoặc bồ công anh dùng để pha trà
- Húng quế
- Cà chua
- Rau mùi
- Măng tây
- Ớt
- Các loại trái cây như dưa hấu, dưa hồng, chuối, táo, mận, cam, mâm xôi, nho, xoài…
- Các loại hạt và đậu
Bạn có thể muốn đọc thêm: Cơ thể bạn sẽ ra sao nếu thiếu hụt vitamin A?
Vitamin B điều trị bệnh quáng gà
Vitamin B chiết xuất từ ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì, yến mạch, lúa mạch…), các loại hạt (quả phỉ, hạnh nhân, quả óc chó) hay rau củ như bắp cải, súp lơ, rau bó xôi, củ cải, rau diếp quăn (cúc đắng), xà lách… có đặc tính chống oxy hóa và bảo vệ hệ miễn dịch.
Trong số tất cả các vitamin thuộc nhóm B, Riboflavin (vitamin B2) đóng vai trò quan trọng nhất đối với sức khỏe của mắt. Sự thiếu hụt loại vitamin này có thể gây ra bệnh quáng gà hoặc tình trạng mắt đỏ và sưng. Nguồn vitamin B2 động vật chủ yếu đến từ sữa và các sản phẩm làm từ sữa, ví dụ như phô mai, sữa chua, sữa trứng và cả sữa ít béo. Ngoài ra, gan và các loại thịt cùng nội tạng khác của động vật như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu và cá cũng được xem là một nguồn cung cấp vitamin B2.
Nguồn thực vật giàu vitamin B2 phổ biến bao gồm:
- Rau bó xôi
- Bơ
- Măng tây
- Nấm
- Mầm lúa mì
- Các loại đậu như đậu xanh, đậu Hà Lan…
- Bánh mì
- Ngũ cốc hoặc các sản phẩm làm từ ngũ cốc chứa vitamin B bổ sung
Bạn có thể quan tâm: Vitamin B2 (riboflavin) là gì?
Vitamin C và bệnh quáng gà
Ngoài các đặc tính chống oxy hóa nổi trội, vitamin C còn đóng vai trò thiết yếu cho sự hấp thụ vitamin A và E, các khoáng chất như sắt, canxi hoặc một số loại axit amin. Sự thiếu hụt của hoạt chất này khiến các mao mạch yếu dần. Ngoài ra, thiếu vitamin C còn làm cho tình trạng sưng hoặc tổn thương mắt khó hồi phục.
Vitamin C được tìm thấy nhiều nhất ở các loại trái cây thuộc nhóm cam quýt, bao gồm: cam, chanh leo, bưởi, chanh, quýt… Ngoài ra, một số nguồn vitamin C dồi dào đến từ một số loại thực vật khác có thể là:
- Súp lơ, đặc biệt là súp lơ xanh
- Củ cải
- Cải brussels
- Rau bó xôi
- Chuối
- Táo
- Dừa
- Xoài
- Lựu
- Dưa
Bạn có thể muốn biết: Vitamin C và những bí mật chưa “bật mí”.
Vitamin E với các bệnh về mắt
Vitamin E bảo vệ màng tế bào khỏi quá trình oxy hóa bằng cách bảo vệ axit béo. Việc thiếu hụt nhóm vitamin này sẽ tạo ra những thay đổi thoái hóa trong tế bào của một số mô. Theo các chuyên gia, vitamin E có khả năng ngăn ngừa nhiều bệnh về mắt bằng cách vô hiệu hóa hoạt động của các gốc tự do.
Thực vật giàu vitamin E thường là các loại:
- Dầu mầm lúa mì
- Hạt hướng dương
- Quả phỉ
- Dầu hướng dương
- Hạt hạnh nhân
- Dầu oliu
- Xoài
- Bơ
Bạn có thể chưa biết: Tại sao chúng ta phải cung cấp đầy đủ vitamin E cho cơ thể?
Khoáng chất đối phó với bệnh quáng gà
Người mắc bệnh quáng gà nên ăn nhiều loại thực phẩm có hàm lượng kẽm cao
Kẽm là khoáng chất cần thiết để thị lực tốt, vì nó hỗ trợ hấp thụ các thành phần khác cần thiết cho mắt, chẳng hạn như dẫn xuất của vitamin A.
Phô mai hoặc sữa chua là hai loại thực phẩm rất giàu khoáng chất này. Bạn cũng có thể tìm thấy một lượng kẽm đáng kể từ thịt đỏ.
Ngoài ra, rau củ quả cũng là một nguồn cung cấp kẽm đáng kể, nếu bạn biết lựa chọn, ví dụ như:
- Cần tây
- Măng tây
- Borage
- Quả sung
- Khoai tây
- Cà tím
Thực phẩm chứa nhiều selen cho người bệnh quáng gà
Tương tự kẽm, selen cũng đóng vai trò hỗ trợ hấp thụ các thành phần khác cần thiết cho sức khỏe của mắt, chẳng hạn như vitamin E. Hải sản là nguồn thực phẩm chứa selen nổi bật nhất.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể tìm thấy loại khoáng chất này ở các nhóm thực phẩm làm từ bột gạo, lúa mì và yến mạch như bánh mì hay mì ống. Các loại thực vật giàu selen thường là:
- Bí
- Tỏi
- Ngô (bắp)
- Đậu tương
- Hạt dẻ
- Măng tây
- Rau bó xôi
- Trái cây bao gồm nho, đào, quả hồ trăn
Anthocyanin cải thiện bệnh quáng gà
Từ những năm hậu chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều cuộc nghiên cứu đã tiến hành để xác nhận tầm quan trọng của việt quất đen đối với việc duy trì thị lực cũng như phòng ngừa một số bệnh liên quan đến mắt.
Quả việt quất rất giàu flavonoid anthocyanin, một sắc tố được tìm thấy trong những loại trái cây có các màu từ đỏ đến xanh hoặc tím, ví dụ như:
- Việt quất, kể cả việt quất đen
- Quả mâm xôi
- Quả anh đào (cherry)
- Súp lơ tím
- Táo
- Cà tím
- Mận
- Nho
Các loại trái cây trên thường chứa một lượng lớn hoạt chất chống oxy hóa giúp phục hồi những tổn thương xảy ra bên trong mắt do tác động của các gốc tự do.
Công việc của các flavonoid đặc biệt tập trung vào việc chữa lành nhóm tế bào thần kinh võng mạc, bằng cách tăng lưu lượng máu mang lại nhiều chất dinh dưỡng cho mắt, nhằm bảo vệ collagen và sản xuất rhodopsin nhanh hơn. Rhodopsin là một protein trong tế bào võng mạc hình que chịu trách nhiệm thu nhận ánh sáng.
Ăn quả mâm xôi và các loại thực vật chứa nhiều anthocyanin có thể là một biện pháp tốt để bảo vệ mắt khỏi nhiều vấn đề nhãn khoa, chẳng hạn như quáng gà, bong võng mạc, bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp hoặc thoái hóa điểm vàng.
Axit béo thiết yếu cho bệnh quáng gà
Các axit béo thiết yếu hay vitamin F có công dụng ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giúp hình thành vitamin A từ carotene, đồng thời phòng ngừa một số bệnh lý về mắt như bệnh quáng gà. Vitamin F bao gồm hai loại axit béo là axit linoleic (omega-6) và axit alpha linolenic (omega-3).
Nhóm cá béo là nguồn cung cấp axit béo dồi dào nhất, ví dụ như:
- Cá hồi
- Cá ngừa
- Cá thu
- Cá mòi
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy axit béo ở nhiều nhóm thực vật thông thường, bao gồm:
- Dầu đậu nành
- Hạt hướng dương
- Dầu ngô (bắp)
- Mầm lúa mì
- Một số loại rau củ
- Quả hạch
- Ngũ cốc
- Dầu hạt lanh
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại hạt như hạt bí ngô hay hạt cải dầu.