Mổ mắt glocom là một trong những phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh glocom (tăng nhãn áp). Mỗi loại phẫu thuật sẽ được chỉ định cụ thể cho từng bệnh glocom.
Bệnh glocom, còn có tên gọi phổ biến hơn là tăng nhãn áp hoặc cườm nước, là một bệnh về mắt. Thông thường, ở giai đoạn đầu, bệnh không có bất kì triệu chứng nào. Nếu không được điều trị tăng nhãn áp đúng cách, bệnh có thể dẫn đến mù. Hiện nay có rất nhiều cách chữa trị bệnh, một trong số đó là mổ mắt glocom. Vậy mổ mắt glocom có những loại nào và chi phí phẫu thuật glocom là bao nhiêu? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.
Khi nào bạn cần mổ mắt glocom?
Thực tế, mổ mắt glocom không phải là lựa chọn điều trị đầu tiên cho bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, nếu các phương khác chữa trị khác không thành công, bạn bắt buộc phải phẫu thuật để giành lấy lại ánh sáng cho mắt.
Ngoài ra, nếu các thuốc bạn đang dùng gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh hoặc yếu sức, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.
Bác sĩ có thể yêu cầu mổ mắt glocom khẩn cấp nếu áp lực ở mắt cao, gây nguy hiểm đến thị lực.
Chi phí phẫu thuật glocom
Tùy vào từng bệnh viện, chi phí phẫu thuật glocom có thể khác nhau. Nhìn chung, mức chi trả sẽ dao động từ 2 – 5 triệu.
Tuy nhiên, nếu quyết định mổ mắt glocom, bạn nên chuẩn bị số tiền nhiều hơn dự tính vì sẽ có những khoản phát sinh, như phí xét nghiệm, thuốc…
Các phương pháp mổ mắt glocom
Mổ laser
Phương pháp phẫu thuật đầu tiên bác sĩ thường đề xuất là mổ laser. Đây là phương pháp ít xâm lấn và bạn có thể về nhà ngay sau khi mổ.
Thực tế, mổ laser trong điều trị bệnh tăng nhãn áp có nhiều loại, phụ thuộc vào dạng tăng nhãn áp và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đây cũng là phương pháp chữa trị chính cho bệnh tăng nhãn áp góc đóng giúp góc mở rộng hơn.
Trước khi mổ laser, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc vào mắt bạn để làm tê. Sau đó, họ sử dụng kính hiển vi để tập trung chùm sáng vào chính xác vị trí cần phẫu thuật.
Sau đây là một số loại mổ mắt glocom bằng laser:
Laser tạo hình vùng bè (SLT)
Phương pháp này thường được dùng để điều trị bệnh glocom góc mở. Bác sĩ sẽ chiếu chùm tia laser mức thấp để giúp giảm áp lực tại mắt.
Bác sĩ thường đề nghị laser tạo hình vùng bè như một phương pháp điều trị chính hoặc biện pháp bổ trợ các thuốc nhỏ mắt giảm áp lực.
Phẫu thuật ALT (Argon Laser Trabeculoplasty)
Tương tự laser tạo hình vùng bè, phẫu thuật ALT cũng được dùng cho bệnh glocom góc mở. Mục đích của phương pháp này là dẫn lưu dịch trong mắt.
Tuy nhiên, bạn chỉ thực hiện mổ laser ALT này một lần để tránh nguy cơ hình thành sẹo ở mắt. Nếu phẫu thuật ALT không thành công, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật SLT.
Thủ thuật rạch mống mắt ngoại biên bằng laser (LPI)
Bác sĩ thường chỉ định thủ thuật rạch mống mắt ngoại biên bằng laser cho người mắc bệnh glocom góc đóng hoặc có nguy cơ mắc bệnh này.
Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng laser để tạo một lỗ trên mống mắt, nhằm giúp dẫn lưu dịch và giảm áp lực cho mắt.
Phẫu thuật dùng tia laser tiêu diệt u nếp màng trạch (Laser Cyclophotocoagulation)
Nếu các phương pháp khác không giúp giảm bớt dịch hoặc áp lực lên mắt, bác sĩ sẽ đề nghị loại phẫu thuật này. Họ sẽ chiếu chùm tia laser vào mắt để giảm quá trình sản sinh chất dịch bằng cách tiêu diệt các cơ kiểm soát thấu kính nhìn gần và xa.
Phương pháp này có thể gây mất thị lực, do đó bác sĩ sẽ cân nhắc và lựa chọn như là phương pháp điều trị tăng nhãn áp cuối cùng.
Các phương pháp mổ mắt glocom khác
Nếu các phương pháp laser hoặc thuốc trị tăng nhãn áp không có tác dụng, bác sĩ có thể nghị mổ mắt glocom truyền thống. Lúc này bạn cần phải nhập viện và mất vài tuần để chữa lành, hồi phục.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc để làm tê và giãn mắt. Trong quá trình mổ, bạn sẽ không cảm thấy đau.
Các phương pháp mổ glocom khác gồm:
Thủ thuật cắt lưới sợi mô liên kết
Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở tròng trắng để dẫn lưu dịch. Họ cũng có thể cắt bỏ một phần nhỏ ở tròng đen để dịch có thể được chảy ngược vào trong mắt. Bạn có thể cần dùng thuốc trong quá trình phẫu thuật để tránh hình thành sẹo.
Thủ thuật này có tỷ lệ thành công cao và khá an toàn, khoảng 50% bệnh nhân sẽ không cần dùng thuốc sau phẫu thuật. 30 – 40% trường hợp vẫn cần dùng thuốc để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Phẫu thuật ghép dẫn lưu
Trong phẫu thuật ghép dẫn lưu, bác sĩ sẽ chèn một ống nhỏ silicone vào mắt để dẫn lưu dịch. Thực tế, phẫu thuật này không giúp hạ áp lực mắt tốt hơn thủ thuật cắt lưới sợi mô liên kết, nhưng lại thích hợp cho người từng bị sẹo ở mắt hoặc không thể kiểm soát áp suất trong máu.
Thông thường, đây là lựa chọn điều trị cuối cùng trong các phương pháp mổ glocom truyền thống.
Electrocautery
Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị nhiệt (Trabectome) để chiếu nhiệt vào lưới mô mắt để dẫn lưu dịch và giảm áp lực mắt. So với hai phương pháp mổ glocom trên, phương này ít xâm lấn, đơn giản và an toàn hơn.
Phục hồi sau mổ mắt glocom
Mổ laser
Ngay sau khi mổ mắt glocom bằng laser, bạn có thể cảm thấy mắt hơi mờ và đau. Sau một vài giờ, bác sĩ sẽ kiểm tra áp lực mắt và cho bạn về nhà. Do mắt vẫn còn yếu sau phẫu thuật, bạn nên nhờ bạn bè hoặc người thân đưa về. Bạn có thể cần nghỉ ngơi một vài ngày để mắt phục hồi.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc để kiểm soát áp lực ở mắt.
Các phương pháp mổ mắt glocom khác
Sau phẫu thuật, bạn có thể cần nghỉ ngơi tại nhà trong vài tuần để phục hồi hoàn toàn. Trong 4 tuần đầu tiên, bạn cố gắng không lái xe, đọc sách, xem tivi, cúi người hoặc nâng vật nặng. Bạn cũng tránh để nước dính vào mắt.
Mắt bạn có thể bị đỏ, đau hoặc chảy nước. Trong một số trường hợp, bạn có thể thấy sưng ở vết mổ trong mắt. Ngoài ra, bạn có thể nhìn mờ trong khoảng 6 tuần. Bạn lưu ý không đeo kính áp tròng cho đến khi tình trạng sưng biến mất. Hầu hết những người thực hiện mổ mắt glocom truyền thống không cần dùng thuốc sau phẫu thuật.
Bệnh glocom có chữa khỏi được không?
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh glocom. Các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, tình trạng mất thị lực do tăng nhãn áp sẽ không thể chữa trị được.
Việc điều trị bệnh glocom đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, tuân theo đúng liệu trình chữa trị và chăm sóc để kiểm soát áp lực mắt. Từ đó, người bệnh có thể bảo vệ các dây thần kinh mắt và phòng ngừa mất thị lực.
Sau khi mổ mắt glocom, bạn vẫn nên thường xuyên kiểm tra thị lực để giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.