backup og meta

7 lưu ý quan trọng khi chăm sóc người bị tăng nhãn áp

7 lưu ý quan trọng khi chăm sóc người bị tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp là một nhóm rối loạn mắt có thể gây tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Người bị tăng nhãn áp thường có những bất ổn về mặt tâm lý và khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Do đó, việc được nhận chăm sóc, hỗ trợ và động viên từ người thân là điều vô cùng cần thiết.

Chăm sóc người bị tăng nhãn áp cần lưu ý những gì? Dưới đây là 7 điều quan trọng bạn có thể thực hiện để hỗ trợ người thân bị mắc bệnh tăng nhãn áp, giúp họ điều chỉnh cuộc sống khi đối diện với tình trạng suy giảm thị lực.

1. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ thị lực

Một số thiết bị quang học đặc biệt có thể giúp người bị tăng nhãn áp nhìn tốt hơn, giúp họ tiếp tục thực hiện các công việc hàng ngày và làm những điều họ thích. Các thiết bị này bao gồm:

  • Kính phóng to tùy chỉnh hỗ trợ việc đọc, đan len hoặc thực hiện các công việc ở cự ly gần
  • Thiết bị chuyển văn bản thành giọng nói
  • Kính viễn vọng cầm tay hoặc đeo mắt giúp người bệnh nhìn rõ hơn các vật ở xa

Thiết bị hỗ trợ thị lực

Bạn hoặc người bệnh có thể hỏi bác sĩ những dụng cụ quang học nào mang lại lợi ích tốt nhất cho nhu cầu cụ thể của bệnh nhân. Bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh sử dụng một số dụng cụ khác giúp họ có thể tận hưởng cuộc sống một cách đầy đủ hơn, chẳng hạn như:

  • Sách nói
  • Sách in khổ lớn
  • Các mặt hàng khổ lớn khác như thẻ bài, đồng hồ, điện thoại và hộp đựng thuốc

2. Thiết lập và sắp xếp lại nhà cửa

Thực hiện các điều chỉnh và sắp xếp lại vật dụng trong nhà có thể giúp người bệnh cải thiện tầm nhìn và giảm nguy cơ vấp ngã. Một số gợi ý bao gồm:

  • Về ánh sáng: Hãy chắc chắn rằng ngôi nhà của bạn luôn sáng sủa, đặc biệt là các khu vực như nhà bếp, phòng tắm và phòng làm việc. Bạn có thể lắp đặt thêm các bóng đèn công suất cao và đèn chiếu sáng bổ sung để tăng cường nguồn sáng cho ngôi nhà.
  • Sắp xếp lại vật dụng trong phòng: Đảm bảo rằng bạn sắp xếp mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp và loại bỏ những thứ không thực sự cần thiết. Bạn có thể đề nghị giúp người bệnh dọn dẹp phòng của họ và dán nhãn các vật dụng quan trọng để tránh nhầm lẫn.

Nhà cửa gọn gàng ngăn nắp

  • Thông tin liên lạc: Hãy tạo một danh sách các số điện thoại quan trọng, in to, rõ trên giấy và đặt nó ở nơi thuận tiện. Danh sách cần bao gồm số liên lạc của các bác sĩ, đơn vị vận chuyển và các liên lạc khẩn cấp khác.
  • Đánh dấu những nơi dễ bị té ngã: Sử dụng băng dính màu sáng để đánh dấu cầu thang, bậc cấp hoặc những nơi cần để ý. Màu sắc bắt mắt, tương phản với sàn sẽ giúp người bệnh dễ dàng nhận diện và cẩn trọng hơn khi đi vào các khu vực đó.

3. Đi mua sắm

Ra khỏi nhà và đi mua sắm sẽ giúp tinh thần của người bệnh phấn chấn và thoải mái hơn. Trong quá trình chăm sóc người bị tăng nhãn áp, bạn có thể đề nghị đưa họ đi mua đồ tạp hóa hoặc một số thứ lặt vặt khác mỗi tuần một lần.

Trước khi đi, bạn nên lập danh sách những thứ cần mua. Khuyến khích người bệnh thực hiện càng nhiều nhiệm vụ mua sắm càng tốt nhưng hãy ở gần để giúp đỡ khi họ cần.

Chăm sóc người bị tăng nhãn áp

4. Vấn đề di chuyển khi chăm sóc người bị tăng nhãn áp

Khi đi bộ với người bị suy giảm thị lực, hãy cố gắng bước vài bước về phía trước với tốc độ chậm. Bằng cách này, người bệnh có thể dự đoán được địa hình dựa trên tín hiệu của bạn. Đồng thời, bạn cần nhắc nhở người bệnh về những vấn đề tiềm ẩn khác mà họ có thể gặp phải khi không nhìn rõ.

Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu kỹ về các hạn chế tầm nhìn cụ thể trong quá trình chăm sóc người bị tăng nhãn áp. Chẳng hạn, người mắc bệnh tăng nhãn áp thường gặp khó khăn với thị lực bên (ngoại biên). Hiểu được điều này giúp bạn lường trước được các vấn đề về di chuyển khi đi dạo cùng người bệnh.

5. Chú ý đến trạng thái tinh thần của người bệnh

Bị mắc bệnh tăng nhãn áp có thể khiến người bệnh trải qua một loạt các cảm xúc tiêu cực, từ đau buồn, sốc, đến tức giận và trầm cảm. Họ có thể lo lắng việc giảm thị lực sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm việc và cuộc sống của mình sau này. Hãy trấn an người thân rằng bệnh tăng nhãn áp có thể điều trị được. Bị tăng nhãn áp không có nghĩa là khả năng nhìn sẽ hoàn toàn mất đi. Bệnh nhân tăng nhãn áp vẫn có thể thực hiện nhiều hoạt động nếu họ sẵn sàng tuân theo kế hoạch điều trị mắt và thường xuyên đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh đó, người chăm sóc người bị tăng nhãn áp cũng có thể có những lo lắng về mối quan hệ của mình với người bệnh. Do đó, điều quan trọng nhất là hai bạn cần chia sẻ thật cởi mở và chân thành về cảm xúc của mình. Chỉ có như vậy thì bạn và gia đình của bạn mới có thể thừa nhận những cảm xúc tiêu cực và cùng nhau vượt qua chúng.

Bằng cách coi việc mất thị lực là một vấn đề của gia đình, bạn sẽ giúp người bệnh cảm thấy được hỗ trợ khi họ điều chỉnh cuộc sống của mình.

6. Tìm một bác sĩ nhãn khoa có uy tín chuyên về bệnh tăng nhãn áp

Người bệnh sẽ cần đi khám mắt thường xuyên. Vì vậy hãy tìm một bác sĩ nhãn khoa mà họ cảm thấy thoải mái và tin tưởng.

Người chăm sóc người bị tăng nhãn áp cần đảm bảo người bệnh uống thuốc và được đưa đến thăm khám đầy đủ theo lời dặn của bác sĩ. Nếu phẫu thuật là bắt buộc, bạn sẽ cần có mặt trong các cuộc hẹn trước và sau phẫu thuật cũng như vào ngày làm thủ tục.

Điều trị tăng nhãn áp

7. Yêu cầu được giúp đỡ

Đôi lúc, việc chăm sóc người bị tăng nhãn áp có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Do đó, hãy nhờ sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình và bạn bè để xoay vòng việc chăm sóc.

Chăm sóc người bị tăng nhãn áp là một công việc không hề đơn giản. Áp dụng những gợi ý trên sẽ giúp bạn và người bệnh cùng nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất để tiếp tục cuộc sống tươi đẹp phía trước.

Dung Nguyễn / HELLO BACSI

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Help Someone with Glaucoma

https://www.brightfocus.org/glaucoma/caregiving

Ngày truy cập: 13-04-2020

Tips for Caregivers for Glaucoma Patients

https://yoursightmatters.com/tips-for-caregivers-for-glaucoma-patients/

Ngày truy cập: 13-04-2020

Glaucoma

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glaucoma/diagnosis-treatment/drc-20372846

Ngày truy cập: 13-04-2020

Phiên bản hiện tại

14/07/2020

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Phẫu thuật mí mắt: Quy trình, rủi ro và cách hồi phục nhanh chóng

Nhức 1 bên mắt là bị gì? Điểm danh những nguyên nhân thường gặp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 14/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo